[MF] Tại sao Việt Nam? Hinhanh-7593

Đây chỉ là một sự cố gắng nhằm giải đáp cho nhiều người Mỹ hai câu hỏi khá phức tạp và tiếp liền nhau: “Tại sao Việt Nam?” và “Cái gì đã xảy ra ở Đông Dương vào năm 1945?”.

Lịch sử viết về thời kỳ đó hiển nhiên còn có một khoảng trống mà cuốn sách này hy vọng có khả năng góp phần bù đắp được. Các bản tường thuật thiên vị hoặc rời rạc của người Pháp và người Việt cũng đã không trình bày nổi một cách khách quan vai trò của nước Mỹ trong giai đoạn lịch sử bi thảm của Pháp, Việt và Mỹ này.

Trong nhiều năm qua, các nhà chức trách Washington cũng đã tốn rất nhiều lời giải thích cho những câu hỏi dai dẳng về việc dính líu của người Mỹ chúng ta vào Việt Nam. Một số những lời giải thích đó đã không làm thoả mãn được ai và đã bị rơi rụng dần vì không đáng tin cậy. Số còn lại, đã từng được dùng làm chứng cứ cho lập luận rằng chúng ta phải ở đấy để giành lấy “hoà bình trong danh dự” cũng đã bị vứt bỏ qua sự kiện 30/04/1975. Các bản tuyên bố chính thức của Nhà Trắng, các tập hồi ký muộn mằn của các Tổng thống và các cố vấn thân cận của họ, các bản thuyết trình dày cộp ở Quốc hội mà nổi bật là tập hồ sơ Lầu Năm Góc “phơi trần mọi việc”; tất cả chỉ cố gắng nhằm biện bạch cho việc sa lầy càng ngày càng lún sâu của chúng ta và cũng chỉ có tác dụng bôi mờ, che giấu những mục tiêu cơ bản thực sự của chúng ta bằng những lập luận mơ hồ, những lời biện hộ và xác nhận sự bất hạnh của người Mỹ chúng ta ở đó.

Là một bản tường thuật trực tiếp về sự có mặt đầu tiên của người Mỹ ở Đông Dương, “Tại sao Việt Nam?” ít ra cũng đáp lại được phần nào câu hỏi tại sao người Mỹ chúng ta đã ở đó, đồng thời lại cho thấy những chủ trương cao siêu cua những năm 1940 đã làm chúng ta xa rời những tình cảm đã được diễn đạt một cách cao thượng trong Hiến chương Bắc Đại Tây Dương - các dân tộc có quyền tự do lựa chọn Chính phủ mình muốn và phải được trả lại chủ quyền, quyền tự trị đã bị tước đoạt. Cuốn sách cũng không phải là một lời bào chữa hoặc một bản án kết tội ai mà chỉ là một sự trình bày thẳng thắn các sự kiện đúng như chúng đã diễn ra và được tác giả ghi lại theo dòng thời gian. Từ những sự việc được dẫn chứng, người đọc có thể tự rút ra những kết luận riêng của mình.

Từ đó đến nay, cả một thế hệ con người đã trôi qua nên trong phần I của bốn phần của cuốn sách này, tôi thấy cần phải nhắc đến bối cảnh tình hình từ đầu năm 1942 đến thời điểm 1945. Phần II dành nói về các kinh nghiệm của bản thân tôi trong việc giao dịch với người Pháp, Trung Hoa và Việt Nam ở Trung Quốc và cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với Hồ Chí Minh. Phần III thuật lại việc phái đoàn của tôi tới Hà Nội, vai trò của tôi trong công tác đối với người Nhật, Pháp và Việt. Phần này tả lại thời kỳ sôi động Tháng Tám, Tháng Mười 1945, việc nảy sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập đầu tiên, sự thất bại trong mưu toan của người Pháp định trở lại kiểm soát Đông Dương, cuộc chiếm đóng tàn phá của người Trung Hoa, cái chết của trung tá A. Peter Dewey, người Mỹ nạn nhân đầu tiên ở Việt Nam và việc đầu hàng chính thức của Nhật Bản. Phần IV “Hậu quả” nêu lên những điểm nổi bật trong chính sách sau Thế chiến thứ hai của Mỹ, chính sách đã đưa đến sự dính líu trực tiếp của chúng ta vào Việt Nam và sơ lược tóm tắt những vấn đề tồn tại mà chúng ta còn phải đương đầu.

Khi kể lại các cuộc nói chuyện riêng giữa tôi với Hồ Chí Minh, tôi chỉ muốn chuyển đến người đọc một vài suy nghĩ sâu sắc nhất của tôi về nhà cách mạng bí ẩn đó cùng với những khát vọng đối với nhân dân, đối với tiền đồ đất nước Việt Nam mới mẻ của ông. Đã có nhiều người Việt Nam coi cuộc rút lui vừa qua của can thiệp quân sự Mỹ ở Việt Nam như là trận thất bại cuối cùng của Chủ nghĩa thực dân trên đất nước họ. Nhưng từ 1945, Hồ Chí Minh đã thấy rất rõ rằng dân tộc của ông sẽ còn vấp phải vô vàn khó khăn trong sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi sự đô hộ của kẻ thù.

Điều mong muốn lúc đó của ông Hồ để Mỹ giữ một vai trò hoà bình và ổn định trong công cuộc phát triển đất nước ông, chưa bao giờ thể hiện xác đáng như hiện nay. Vì vậy trong khi chúng ta đang còn tiến từng bước ngập ngừng và chậm chạp trong việc lập quan hệ bình thường với nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, rõ ràng là đã đến lúc phải xem xét lại các nhận định cơ bản của chúng ta và xác định xem thực sự lợi ích tối cao của người Mỹ chúng ta là ở đâu.

Người đọc có thể hỏi ngay tại sao đến nay tôi mới thuật lại câu chuyện này. Từ năm 1946, tôi đã phác thảo ra một bản tường thuật ngắn gọn về thời kỳ này nhưng còn vướng nhiều điều ràng buộc khác nên đành phải bỏ dở. Sau sự sụp đổ của Pháp ở Điện Biên Phủ, bản thảo của tôi cũng đã sẵn sàng để được cho in nhưng lúc đó đã là quá muộn. Đất nước chúng ta bị lôi cuốn vào tình trạng rối ren của thời kỳ chủ nghĩa chống Cộng điên cuồng Mac Carthy hoành hành. Bộ Lục quân rất nhạy cảm với những lời phê phán thù địch của giới quân sự đối với chính sách đối ngoại của Mỹ, đã thông báo cho biết rằng việc tiết lộ công khai mọi tin tức hoặc ý kiến của tôi về vấn đề dính líu của Mỹ vào Việt Nam sẽ không làm cho chính quyền hài lòng và tôi có thể sẽ bị kỷ luật. Tôi phản đối nhưng vẫn phải chấp hành lệnh cấm của Bộ.

Chỉ sau khi quân đội ta đã rút hết khỏi Việt Nam vào tháng 3-1973, tôi mới tập hợp lại các bản ghi chép cũ trong thời kỳ chiến tranh và dựng lại các sự kiện và tình huống, các chính sách và các hoạt động ban đầu của Mỹ ở Đông Dương. Công việc thu thập tài liệu khá phức tạp vì nhiều bức điện và báo cáo của tôi đã bị phân tán ở các cơ quan lưu trữ Bộ Ngoại giao, Bộ Lục quân và Cục Tình báo Trung ương. Việc sưu tầm những tài liệu đó ở Bộ Lục quân đã không mang lại kết quả. Nhưng ở Bộ Ngoại giao và Cục Tình báo Trung ương CIA thì mọi thứ còn gần như nguyên vẹn và các tài liệu đã rất có ích cho tôi. Ở đây tôi xin tỏ lời cám ơn sự giúp đỡ tận tình của R.M. Blum, nhân viên Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội của nghị sĩ Fulbright, R. Spector thuộc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Quân sự của quân đội Mỹ và Gail F. Donnalley, nguyên cán bộ lưu trữ Cục Tình báo Trung ương. Sự giúp đỡ của họ đã giúp tôi tìm thấy được những tài liệu gốc, nguyên bản, các bản viết tay, các hồ sơ thông báo, gồm cả tập “Những quan hệ Mỹ - Việt Nam”, tập Romanus - Saunderland nói về các hoạt động của Mỹ ở Trung Quốc, Miến Điện, Ấn Độ, hồ sơ của OSS/SSU - những tài liệu vô cùng quí giá cho bản thảo 1946 của tôi.

Quyển sách cũng sẽ không thể có được nếu như không có sự ủng hộ và giúp đỡ hào hiệp, được đánh giá cao của các bạn đồng nghiệp của tôi trong Chính phủ Liên bang, Viện Hàn lâm, những chuyên gia kỳ cựu về Đông Dương mà ở đây tôi chỉ nêu lên được một số tên. Tôi đã được sử dụng rộng rãi các tập hồ sơ lưu trữ quốc gia Mỹ, Thư viện Quốc hội, các phương tiện của Trung tâm Thư tín Quốc gia Washington ở Suitland, thư viện Mill Memorial ở Rollins College... Tôi đặc biệt cảm ơn F.E Taylor, cán bộ lưu trữ ngành Quân sự hiện đại trong sở Lưu trữ Quốc gia, P. Dowling, cán bộ lưu trữ ngành Ngoại giao, Sở Lưu trữ Quốc gia. J.L. Mc Farland, phụ trách thư viện Mill Memorial... và nhiều người khác đã giúp tôi rất nhiều trong việc kiên trì xác định, sưu tầm và cung cấp cho tôi những văn kiện quân sự chủ yếu, hồ sơ của Bộ Ngoại giao, tài liệu tham khảo trong thư viện Quốc hội.

Tôi xin chân thành cảm ơn các bạn Mai van Elliot, Gareth Porter, Ngô Vinh Long và Trương Đình Hùng đã khéo léo giúp tôi làm sáng tỏ những điều rối ren trong nền chính trị và xã hội Việt Nam. Tôi đánh giá rất cao và đặc biệt cảm ơn ba nhân vật đã bảo trợ, khuyến khích giúp dỡ tôi: Elizabeth Mc D. Mc Jintosh, đồng sự và bạn chiến đấu của tôi ở Trung Quốc đã góp ý kiến cho bản thảo đầu tiên, Ch.E. Cuningham khi làm Tổng biên tập Nhà xuất bản trường Đại học Washington đã giúp tôi xử lý và sử dụng một cách có hiệu quả một số lớn tài liệu, A. Wang, Giám đốc nhà xuất bản Hill và Wang, đã soát lại bản thảo thứ ba và đã khích lệ tôi rất nhiều.

Tôi hân hạnh nhắc tới sự giúp đỡ to lớn của nhân viên Nhà xuất bản Đại học California, đặc biệt là trợ lý giám đốc Stanley Holwitz đã giúp tôi nhiều trong việc soát lại và và làm dễ dàng việc ấn hành cuốn sách này.

Sau hết, xin cảm ơn Margaret, vợ tôi, người đã chép lại các bản thảo từ bản đầu tiên đến bản thứ năm và bản cuối cùng luôn luôn với một phong cách riêng, trong sáng và sâu sắc, cảm ơn con gái Julie của chúng tôi đã bỏ thời gian nghỉ hè để sắp xếp các bản phụ lục. Đối với hai mẹ con phải chịu đựng nhiều bận rộn, phiền hà trong sinh hoạt gia đình với từng chồng sách vở, tài liệu, bản đồ đuợc bày ra, tôi thân ái mến tặng cuốn sách này.

DOWNLOAD MEDIAFIRE:

adf.ly/1X86v - mediafire.com/?ibza9xu1awhvcmn