Hướng dẫn học sinh bài văn mẫu: cảm nhận hay về hình ảnh quê hương trong thơ Tế Hanh. Có lẽ trong chúng ta, hẳn ai cũng có một quê hương, một bến đỗ để tựa nương cho tâm hồn yếu đuối của mình. Quê hương giống như chiếc nôi và cũng là mảnh đất mà khi đã an nghỉ ta muốn được về với nắm đất quê hương. Đó là nơi cho ta tình yêu và không mong cầu được đáp lại, là nơi ửng hồng đôi má ta, là nơi ta cất tiếng khóc oa oa đầu tiên, là dòng suối mát cho ta được yêu thương và che chở. Quê hương là nơi dựa vững bền nhất trong trái tim sôi nổi và vô định của mỗi người. Có ai đi xa mà không nhớ quê hương chăng? Quê hương là tuổi thơ, là những gì vừa riêng tư và cũng vừa cao lớn, chung tình nhất. Hôm nay, nhân gặp được những trang thơ của Tế Hanh tôi muốn dùng tâm hồn sôi nổi và dạt dào của mình để viết một trang văn thật mặn mà về hình ảnh quê hương thân yêu trong bài thơ. Mời các bạn tham khảo bài làm dưới đây nhé.

BÀI VĂN 1 CẢM NHẬN VỀ HÌNH ẢNH QUÊ HƯƠNG TRONG THƠ TẾ HANH

Đêm khuya, hơi gió mát thoảng qua như ngân rung lên trong tâm hồn tôi những nhịp đập thổn thức. Đang chênh vênh nơi đất khách quê người, bỗng dưng tâm hồn tôi tìm gặp được trang thơ của Tế Hanh bỗng rạo rực hai tiếng “quê hương”, bỗng bồi hồi nhớ về một nét gì đó rất riêng, rất riêng của quê hương miền biển ấy.

Quê hương trong thơ Tế Hanh được bộc bạch ngay từ những vần thơ đầu tiên là một làng chài ven biển, là một vùng sông nước. Có lẽ chính sóng gió biển khơi đã thổi vào tâm hồn nhà thơ Tế Hanh một hồn thơ dào dạt, nói liền miên man như những con sóng biển xa, thổi vào đất hương vị mặn mòi của nước biển từ bao đời vun vén. Tế Hanh yêu quê hương tha thiết, và bởi thế trong thơ, hình ảnh quê hương đẹp như một bức tranh thủy mặc:

“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:

Nhấn để mở rộng...

Quê hương trong xanh, thơm mát và tươi trẻ ánh mai hồng mỗi buổi bình minh và khi hoàng hôn buông xuống nó mang một vẻ đài các, yêu kiều, tráng lệ. quê hương ấy quả là quê hương sinh thành trong tiếng thơ của Tế Hanh. Nhưng quê hương ấy còn đây nữa, quê hương miền biển có những chàng trai răn chắc, khỏe khoắn, hăng say lao động. là một vùng quê miền biển, hẳn hình ảnh những con thuyền thân thương đã trở thành một hình ảnh quen thuộc không thể thiếu:

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.

Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...

Nhấn để mở rộng...

Nhưng Tế Hanh liệu có phải là người đầu tiên viết về quê hương, và hình ảnh con thuyền. Ta đã từng thấy trong thơ cổ, thuyền bến sẽ là nơi mà những bậc giai nhân tài tử tiễn đưa người bạn tri kỉ của mình, một dòng “Yên ba tam nguyệt há Dương Châu” trong Hoàng hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng, nếu không thì sẽ là nơi người tài tử nghe tiếng đàn mà thổn thức nỗi lòng, với Tỳ bà hành của Lý Bạch “thuyền mấy lá đông tây lạnh ngắt-một vầng trăng trong vắt dòng sông”. Nhưng con thuyền của Tế Hanh, con thuyền của quê hương nơi Tế Hanh yêu nhớ, là con thuyền của cuộc sống lao động mới, nên gần gũi với cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Là con thuyền của người dân lao động. “Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã”. Một so sánh thật táo bạo của tác giả. Con thuyền hiện lên mang vẻ đẹp dũng mãnh, hào hoa và đầy sức mạnh. Vừa thấy được tốc độ của gió, vừa thấy được khí thế mãnh liệt, hùng dũng và đầy âm vang của con thuyền. Nó “phăng mái chèo mãnh mẽ vượt trường giang”. Động từ “phăng” thể hiện khả năng vượt giông tố và nguy hiểm của con thuyền quê hương. Con thuyền tung mình bọt trắng xóa, vượt những dặm dài tràng giang chói lói để về đích cùng con người. Với những người dân sông nước, con thuyền đã trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy, và nay bằng khả năng mã hóa của mình Tế Hanh một lần nữa giúp ta khẳng định điều ấy. Và nếu con thuyền mang vẻ đẹp hào hùng, khí thế thì cánh buồm lại mang vẻ đẹp thật hào hoa, lãng mạn”

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...

Nhấn để mở rộng...

Cánh buồm là vật vô tri, là thứ hữu hình lại đươc đặt trong liên tưởng với “mảnh hồn làng”, một sinh thể có tâm hồn, một ấn tượng vô hình, chỉ có trong tâm thức và tiềm thức. So sánh ấy của Tế Hanh đã nâng cánh buồm lên và trao cho nó một linh hồn thực, một sự sống. cánh buồm đã trở thành biểu tượng của mảnh hồn làng, nơi thâu nhận và góp giữ bao nét đẹp của miền sông nước và tâm hồn con người xứ sở này. Cánh buồm vừa được nhân hóa, vừa được so sánh, bởi vậy mà thêm đẹp, thêm lãng mạn bội phần, nó “rướn thân trắng bao la thâu góp gió”. Động từ “rướn” thể hiện tư thế kiêu hãnh, đầy tự tin và chủ động như hình ảnh những người dân làng chài sẵn sàng làm chủ thiên nhiên, làm chủ sóng to biển lớn. Gió lộng bốn phương đã được thâu góp và dần thành nên sức mạnh, bản lĩnh của con thuyền, của cánh buồm trắng. Với 4 câu thơ, Tế Hanh đã thổi hồn và nâng tâm hồn của quê hương với những biểu tượng đẹp, tráng lệ, bay bổng.

Quê hương trong thơ Tế Hanh còn là nơi có những con người luôn biết chắt chiu, biết đền ơn những bậc thần linh đã phù hộ cho chuyến ra khơi được bình yên.

Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.

“Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe”,

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

Nhấn để mở rộng...

Sau hành trình dấn thân chinh phục biển khơi, những người dân làng chài đã thu được thành quả là những khoang thuyền đầy cá. Trong niềm vui sướng của thành quả, của lao động hăng say, họ vẫn không quên cảm ơn trời đất. quả là tinh thần người Việt ta, luôn biết ơn những đấng trên cao, luôn ghi nhớ cội nguồn.

Nếu trên kia là những nét vẽ về thiên nhiên quê hương thì đến đây là vẻ đpẹ đặc trưng, là bản sắc tâm hồn của con người quê hương, Tế Hanh đã viết nó đầy tự hào và đong đầy nỗi nhớ:

Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng,

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Nhấn để mở rộng...

Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng, cái nắng của biển khơi, của sóng gió cuộc đời đã tôi rèn và làm nên nét rắn chắc của con người miền biển. Đó là màu nâu của đất đai, của quê hương dung dị, của tâm hồn mộc mạc, của những nhớ và thương vô ngần trong thơ Tế Hanh. Cả thân hình họ đượm vị biển khơi, nồng thở vị xa xăm. Đó là vị của biển, của đất đai, chất mặn của quê hương như đã thấm dần vào từng hơi thở, từng đường nét, từng nếp nhăn trên da thịt họ. Đó là tình cảm yêu quê hương tha thiết, và cũng là vẻ đẹp truyền thống của người dân miền biển. phải yêu và gắn bó tha thiết với quê hương ra sao Tế Hanh mới đằm mình được những câu thơ như vậy. Nhưng đó đâu chỉ còn là của con người nữa, nó cũng thấm vào chiếc thuyền thân thuộc:

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Nhấn để mở rộng...

Con thuyền cũng mang một linh hồn riêng, sau cuộc hành trình mệt mỏi nơi đại dương xa xăm, nó cũng mệt mỏi và cần đươc nghỉ ngơi. Nhưng cái hay của Tế Hanh là nghe được trong đó, một chất gì đó rất riêng, rất tinh. Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đã giúp con thuyền thực sự trở thành một sinh thể sống, mang trong nó vị mặn mòi của biển khơi, thấm dần qua từng thớ vỏ. Như thế con thuyền cũng mang hơi thở quê hương, cũng mang một linh hồn, một ao ước, một lối sống nơi đây. Tế hanh hẳn phải tha thiết với con thuyền quê hương lắm chăng.

Quê hương ấy hiện diện mọi nơi, mọi lúc, mọi trạng thái cảm xúc. Nếu trên kia là niềm tự hào, là tình yêu thì đến đây hình ảnh quê hương tiếp tục được phóng bút trong nỗi nhớ da diết, nồng nàn:

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,

Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,

Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!

Nhấn để mở rộng...

Chà, thì ra cái màu nước xanh, cá bạc, chiếc thuyền vôi đã trở thành biểu tượng riêng in sâu trong lòng tác giả. Bằng biện pháp liệt kê, Tế Hanh đã một lần nữa cho thấy vẻ đẹp giàu có của quê hương mình. Và đến đây, có lẽ trong vô thức, tâm hồn nhà thơ đã hóa tâm hồn xứ sở, khi cái mùi vị mặn nồng ấy cứ vương vấn và ám ảnh nhà thơ. Nó ăn sâu vào máu thịt và thấm trong từng giác quan. Một Tế Hanh nồng nàn, sôi nổi, tha thiết biết mấy với quê hương.

Quê hương là đề tài quen thuộc trở đi trở lại trong thế giới nghệ thuật, thế nhưng cũng tìm đến đề tài mà thiên hạ đã đi mòn lối cỏ. Tế Hanh vẫn mang đến những cạnh sắc riêng về quê hương, vẫn cho người đọc thấy một tâm hồn yêu quê hương tha thiết, độc đáo và sâu thẳm.

BÀI VĂN 1 CẢM NHẬN VỀ HÌNH ẢNH QUÊ HƯƠNG TRONG THƠ TẾ HANH

Quê hương trong mỗi chúng ta đều mang một dáng hình riêng. Nó không chỉ là một mảnh đất in dấu tuổi thơ mà còn là một mảnh ghép của tâm hồn con người. Xa quê hương, cũng chính là xa một mảnh hồn mà ta mãi thương, mãi nhớ vì thế mà khi xa quê, con người ta luôn nhớ về quê mình với những điều gần gũi, thiêng liêng nhất, hình ảnh quê hương từ đó hiện về cũng đẹp đẽ, thiêng liêng. Đọc "Quê hương" của Tế Hanh, ta cảm nhận được một hình ảnh quê hương thật thanh bình, yên ả, gần gũi, mến thương.

Tế Hanh kể cho chúng ta về quê hương của ông hết sức giản dị như một lời tâm sự của một người con xa quê bùi ngùi khi nhớ về quê hương:

“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.

Nhấn để mở rộng...

Hình ảnh về một làng chài với nghề chài lưới hiện lên trong tâm trí người đọc với vị trí địa lí đặc biệt, hệt như một cù lao giữa biển xung quang chỉ toàn là nước. Có lẽ chính vì vị trí địa lí như vậy mà dân làng ở đây hầu như sống bằng nghề chài lưới. Công việc hàng ngày của họ chính là:

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:

Nhấn để mở rộng...

Mỗi sớm bình mình, khi trời trong xanh với một vần mặt trời hồng hào báo hiệu một ngày trời quang mây tạnh, biển hiền hòa sóng vỗ, hành trình của những ngư dân bắt đầu. Ta như tưởng tượng được hình ảnh của từng đoàn, từng đoàn thuyền nối đuôi nhau hướng ra biển với chủ nhân là những người dân chài khỏe mạnh.

Khi ra đến biển, con thuyền quê hương dường như không còn đơn thuần là một chiếc thuyền gỗ mà:

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang

Nhấn để mở rộng...

Động từ “nhẹ hăng” độc đáo được sử dụng trong phép so sánh chiếc thuyền với con tuấn mã hiên ngang, oai hùng, dũng mãnh trong trận đua quyết liệt với sóng và gió. Động từ “phăng” lại làm nổi bật vẻ đẹp cường tráng của chính con người. Con thuyền mạnh mẽ, hiên ngang bang qua những lớp sóng bạc là thế chính là bởi có sự điều khiển khỏe khoắn, linh hoạt của chính những cánh tay cuồn cuộn cơ bắp của những chàng trai làng chài. Hai câu thơ đặc biệt sử dụng nhiều những từ Hán Việt “tuấn mã”, “trường giang” tạo không khí trang trọng cho thấy phần nào sự kính mến của tác giả đối với hành trình ra biển của những người dân quê hương mình- những con người là nét vẽ chủ đạo trong cảm hứng về hình ảnh quê hương. Có sự kính mến ấy vì đối với tác giả:

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...

Nhấn để mở rộng...

Cánh buồm là thứ sẽ định hướng cho con thuyền mà khi có gió thổi, cánh buồm trắng căng lên hướng về phía trước mang con thuyền ra khơi. Cánh buồm là một vật hữu hình, vậy mà trong tâm tưởng Tế Hanh nó là mảnh hồn làng, chứa đựng linh hồn của cả làng chài. Khi nó ra khơi, nó đem theo cả linh hồn làng ra khơi. Và mảnh hồn làng ấy to, căng, thâu hết gió biển vào mình, chở con thuyền ra xa. Có phải chính cánh buồm là vật mang bao ước mơ khát vọng và cả sự chờ đợi, tin tưởng của người ở lại cùng sự nỗ lực, tinh thần của người ra đi? Cánh buồm là hiện thân linh hồn của làng chài, là hiện thân linh thiêng trong nỗi nhớ quê của Tế Hanh.

Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.

“Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe”,

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

Nhấn để mở rộng...

Quê hương trong Tế Hanh không chỉ là chuyến hành trình hùng tráng mà còn là niềm vui thiết tha của ngày trở về, của không khí tấp nập khi thuyền cập bến. Lời cảm tạ trời đất nghe sao mà mộc mạc, chân chất, thiết tha, nó như mang cả cái thở phào nhẹ nhõm của những người ở nhà khi thấy người thân của mình an toàn trở về với những con cá tươi ngon, lấp lánh niềm vui. Hình ảnh con người quê hương lúc này hiện lên càn rõ trong tâm trí Tế Hanh:

Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng,

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm

Nhấn để mở rộng...

Làn da rám nắng chính là dấu hiệu của gió và sóng biển, làn da khỏe mạnh, cường tráng, toát lên “một vị xa xăm”. Nghệ thuật chuyển đổi cảm giác thật là tinh tế khi nhà thơ thấy cả thân hình của dân chài toát ra một mùi vị của xa xăm ngoài khơi. Phải chăng, con người đã cả đời gắn bó với biển cả, họ mang trong mình dư vang của những chuyến ra khơi xa đậm đà vị huyền ảo mà khiến cho có thể cảm nhận bằng mắt. Ngay cả con thuyền cũng mang nhiều ưu tư sau chuyến đi biển:

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Nhấn để mở rộng...

Có vẻ như chiếc thuyền cũng biết mệt, nằm im trên bến và nhà thơ thấy nó như đang lắng tai nghe những chuyển động diễn ra trong cơ thể mình. Cũng có thể, “nghe” là hành động của con người, nhà thơ đang nghe thấy âm thanh thấm đượm của chất muối biển, vị mặn mòi của biển cả đang thấm trong từn thớ gỗ con thuyền.

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,

Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,

Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!

Nhấn để mở rộng...

Hình ảnh quê hương trong tâm trí Tế Hanh thật đẹp, đẹp từ con người, mảnh đất đến không gian trí nhớ. Trong trí nhớ ấy hình ảnh mà khiến nhà thơ không nguôi nhất đó là con thuyền rẽ sóng, hình ảnh của con người lao động với cái mùi mặn mòi của biển cả, cái mùi mặn nồng mà tác giả sẽ không thể nào quên.

Đỗ Trung Quân nói không sai:

"Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người"

Nhấn để mở rộng...

Hình ảnh quê hương duy nhất sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người con xa quê và chúng ta trân trọng biết bao hình ảnh quê hương trong tâm trí Tế Hanh.