Chương 3: Anh Bạn Hãy Coi Chừng​

Lớp bảy đến với những thay đổi, ờ thì đúng thế, nhưng mà thay đổi lớn nhất lại không phải ở trường - mà là ở nhà kia.

Ông ngoại đến sống ở nhà tôi.

Lúc đầu thì cũng hơi kỳ kỳ vì nhà tôi chẳng ai biết gì về ông cả. Đương nhiên là trừ mẹ ra. Và mặc dù cả một năm rưỡi, mẹ cố gắng thuyết phục mọi người rằng ông ngoại hay lắm, nhưng từ những gì mà tôi thấy thì ông chỉ giỏi mỗi việc nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ thôi. Mà chẳng có gì để mà nhìn ấy chứ. Mỗi cái sân trước nhà Baker. Thế nhưng ông cứ thế từ sáng đến tối, ngồi trên cái ghế to đùng trông khá thoải mái mà người ta đưa đến cùng với ông, nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ.

Ô-kê, thì ông cũng có đọc tiểu thuyết của Tom Clancy* và báo chí. Ông cũng chơi giải ô chữ và theo dõi chứng khoán. Nhưng tất cả chỉ là nguỵ trang thôi. Khi nào không có ai để ý thì ông sẽ lại nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ cho đến lúc nào ngủ thì thôi. Việc đó thì cũng chẳng có gì sai trái cả. Chỉ là... chán chết đi được.

*Tom Clancy (1947): tác giả người Mỹ, nổi tiếng với các tác phẩm rất chi tiết và giàu tính chuyên môn về khoa học quân sự và tình báo lấy bối cảnh trong và sau Chiến tranh Lạnh. Nhiều trò chơi điện tử đã lấy tên ông nhằm quảng bá thương mại. Tên tuổi của ông còn gắn với các kịch bản phim và sách viễn tưởng về đề tài quân sự.

Mẹ nói ông cứ nhìn như thế là vì ông nhớ bà, nhưng ông chẳng bao giờ nói gì với tôi về chuyện đó cả. Mà thực ra thì ông chưa bao giờ nói với tôi về bất cứ chuyện gì cho đến vài tháng trước, khi ông đọc được tin về Juli ở trên báo.

Nếu mà bạn nghĩ Juli Baker lên trang nhất tờ Thời báo Mayfield vì nó là một Einstein lớp tám thì không phải đâu. Con bé lên trang nhất là vì nó nhất quyết không chịu trèo xuống khỏi một cái cây tiêu huyền.

Vấn đề ở đây không phải là tôi không phân biệt được đâu là cái cây tiêu huyền, đâu là cái cây phong hay cây cáng lò, mà là Juli kìa. Con bé biết đấy là cây tiêu huyền và nó nhất định phải truyền bá cho bằng được cái kiến thức ấy cho bất cứ sinh vật nào mà nó gặp.

Còn cái cây đó, cái cây tiêu huyền đó, mọc trên ngọn đồi trong khu đất trống ở phố Collier, và nó cực to. Cực to và cực xấu. Thân nó xoắn lại, đầy mấu và con gập. Tôi thì lúc nào cũng mong cái cây đó bị gió thôi bay đi luôn cho rồi.

Năm ngoái, vào một ngày nọ, tôi thấy phát ngán lên được vì con bé đó cứ lải nhà lải nhải về cái cây ngu ngốc ấy. Thế là tôi đi ra và nói với nó rằng, đấy chẳng phải là cái cây tiêu huyền đẹp đẽ gì cả mà thực ra, đấy là cái cây xấu xí nhất trần đời. Bạn có biết con bé đó nói gì không? Nó nói mắt tôi có vấn đề. Mắt có vấn đề cơ đấy! Một đứa con gái sống trong một căn nhà bị coi như cái gai của cả khu phố mà lại đòi nói thế với tôi cơ đấy! Trông nhà nó xem, cây bụi thì rậm rì quanh cửa sổ, cỏ dại thì đâm tua tủa khắp nơi, còn cái sân nuôi gà vịt quanh kho thì khác gì trại thương điên? Ý tôi là chó, mèo, gà, có cả rắn nữa ấy chứ - chạy loạn xạ cả. Thề với Chúa, hai ông anh của Juli nuôi cả một con trăn Nam Mỹ ở trong phòng. Hồi tôi khoảng mười tuổi, hai ông ấy lôi tôi vào phòng và bắt xem con trăn đó ăn một con chuột cống. Một con chuột còn sống nguyên, mắt tròn mở thao láo. Hai ông ấy cầm cái đuôi con chuột nhấc lên và con trăn ngoạp một cái, nuốt trọn luôn con chuột. Cái con trăn ấy làm tôi gặp ác mộng nguyên cả tháng trời.

Dù sao thì, bình thường tôi cũng chẳng quan tâm đến sân vườn nhà người khác làm gì, nhưng cái "con cá bầy nhầy" của nhà Baker khiến bố khó chịu lắm lắm và bố quay sang chém "cái thớt" ở nhà. Bố nói nghĩa vụ của hàng xóm láng giềng là phải cho nhà họ thấy một cái sân vườn đúng chuẩn trông như thế nào. Thế là trong khi Mike và Matt bận rộn vỗ béo cho con trăn của hai ông ấy thì tôi phải cắt cỏ, tỉa cành, rồi quét lối đi và cả rãnh nước nữa. Mà như thế là rất quá đáng ấy.

Mà bạn nghĩ điều đó sẽ khiến bố của Juli - một ông chú to, khoẻ, trông chắc nịch như tường gạch - chăm chút cho cái vườn nhà mình chắc? Đời nào! Mẹ nói, chú ấy dành hết cả thời gian rảnh để vẽ vời. Tôi thấy tranh phong cảnh mà chú ấy vẽ chẳng có gì đặc biệt cả, nhưng nhìn mấy cái tem giá trên tranh của chú ấy thì đồ chừng chú ấy không nghĩ thế. Năm nào nhà tôi cũng thấy nhà Baker ở Hội chợ Hạt Mayfield, và bố mẹ lần nào cũng nói: "Đời sẽ đẹp hơn nhiều nếu mà anh ta chịu sửa sang cái sân nhà mình".

Mẹ cũng nói chuyện với mẹ của Juli. Tôi nghĩ là mẹ thấy thương cô Baker - mẹ nói cô ấy lấy phải một ông lúc nào cũng mơ mộng hão huyền, và vì thế nên một trong hai người bọn họ sẽ không thể hạnh phúc.

Sao cũng được. Chắc gu thẩm mỹ của Juli đã bị bố nó làm hỏng hoàn toàn rồi chứ cũng chẳng phải lỗi của nó. Nhưng Juli lúc nào cũng nghĩ cái cây tiêu huyền đó là món quà mà Chúa trời ban tặng cho thế giới này.

Hồi còn học lớp ba và lớp bốn, con bé vẫn thường cùng hai ông anh trai vắt vẻo như khỉ trên cành cái cây tiêu huyền đấy, hoặc bóc từng mảng vỏ cây to tướng ra để chơi cầu trượt trên phần thân cây cong gập xuống. Nhìn chung là lúc nào mẹ con tôi lái ô-tô qua cũng đều thấy có vẻ như anh em nhà đó đang rúc rích ở chỗ cái cây đấy. Lúc nào xe dừng đợi đèn xanh là lại thấy Juli đang đu từ cành này sang cành kia, mà lúc nào trông nó cũng như sắp rơi xuống đất và chắc chắn là nếu thế thì xương cốt cứ gọi là nát dừ. Mẹ thể nào cũng lắc đầu và nói: "Đừng có bao giờ làm cái trò leo treo như thế, nghe chưa Bryce? Mẹ không muốn con làm thế đâu đấy! Cả con nữa, nghe chưa Lynetta? Nguy hiểm quá đi mất."

Chị tôi thể nào cũng đảo mắt và lầm bầm: "Cứ như là có người sẽ làm thật ấy", còn tôi thì thụp đầu xuống dưới cửa xe và cầu cho đèn chuyển xanh thật là nhanh, trước khi Juli gào rống tên tôi lên cho cả phố cùng nghe.

Tôi có trèo lên cái cây đó một lần hồi học lớp năm. Đấy là sau hôm Juli lấy hộ tôi con diều bị vướng vào tán cái cây xấu như quái vật bị đột biến gen đó. Con bé đã trèo lên cao tít mù để lấy con diều xuống, và khi trèo xuống, nó lại tỏ ra thản nhiên như không. Nó không giữ con diều làm con tin và cũng chẳng quang quác cái mồm như tôi vẫn sợ. Con bé chỉ đưa trả con diều và chạy luôn.

Tôi thấy hú hồn, nhưng mà tôi cũng thấy mình tầm thường sao sao ấy. Lúc thấy con diều bị mắc kẹt ở trên cây, tôi coi như mất luôn rồi ấy chứ. Thế nhưng mà Juli thì không. Con bé trèo đánh vèo một cái và lấy con diều xuống như không ấy. Chậc, thế có ngượng không cơ chứ?

Thế là tôi làm công tác tư tưởng cho bản thân và ngày hôm sau tôi quyết chí phải leo vượt con bé ít nhất là hai cành. Tôi leo quá được phần thân cong gập, rồi thêm vài mấu cây nữa, sau đấy thì - để xem thành quả leo trèo của mình tới đâu - tôi nhìn xuống.

Sai lầm! Cảm tưởng như tôi đang đứng ở trên đỉnh toà nhà Empire State* mà không có dây bảo hiểm. Tôi đã thử nhìn với kên trên chỗ cái diều từng mắc kẹt nhưng mà vô vọng. Tôi đúng là quá ngu ba cái chuyện trèo leo này thật.

*Toà nhà Empire State (thành phố New York, Mỹ) được hoàn thành vào năm 1931, và là toà nhà cao nhất thế giới (381m) cho đến năm 1972, khi Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) hoàn thành. Nhưng sau khi WTC bị đánh sập năm 2001, toà nhà Empire State lại giữ vị trí quán quân ở New York, và á quân tại Mỹ. Công trình có hình dáng một chiếc bút chì này là biểu tượng của sức mạnh tài chính và là trái tim của thành phố New York.

Rồi tôi cũng vào trung học cơ sở nhưng giấc mộng một thế giới không có Juli cũng theo đó mà tan tành. Tôi phải đi xe buýt đến trường và cái-đứa-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy cũng thế. Tổng cộng có khoảng tám đứa bọn tôi đứng đợi xe buýt ở chung một bến. Và đương nhiên, làm gì có chuyện Juli để cho tôi yên. Nó lúc nào cũng cố đứng cạnh tôi, hoặc không thì bắt chuyện, hoặc không thì cũng nảy nòi ra cách này cách nọ hành hạ tôi.

Xong rồi nó bắt đầu trèo cây. Con gái học lớp bảy rồi mà còn bày đặt cái trò leo trèo mới kinh chứ. Mà nó làm thế để làm gì? Để đứng trên cây rồi gào rống cả lên rằng "Xe buýt còn cách chúng ta năm... bốn... ba khu phố nữa...". Mới sáng ra mà cứ sa sả ở trên cây thông báo tình hình giao thông - cứ làm như đứa nào cũng thích nghe lắm đấy!

Con bé còn gạ gẫm tôi leo lên cùng với nó nữa chứ. "Bryce, lên đi! Cậu sẽ không tin nổi màu sắc trên này đâu! Ở trên này trông hoành tráng lắm ấy! Cậu phải lên đây mà xem!

Vầng, xin cảm ơn! Tôi chỉ thấy được mỗi cái cảnh: "Bryce và Juli ngồi trên cành cây...". Không biết đến bao giờ thì tôi mới có thể quên được quãng học lớp hai đấy nữa?

Có một sáng - lúc tôi đang cố tình không ngẩng lên thì tự nhiên con bé đu vèo từ trên cây xuống và đâm trúng tôi đánh cái rầm. Đột quỵ luôn! Tôi bị rơi cả cặp, sái luôn cả cổ. Và thế là tôi không thèm đứng đợi xe buýt ở dưới cái cây đó với cái con khỉ thần kinh lúc nào cũng bay nhảy loạn cào cào đó nữa. Từ hôm đó phải sát giờ tôi mới ra khỏi nhà. Tôi đứng đợi riêng một chỗ, và khi nào thấy xe buýt tới thì tôi mới chạy lên đồi để leo lên xe.

Chỉ cần không dính vào Juli là được yên thân.

Nói chung là với cách này tôi được sống yên bình hết năm lớp bảy và gần hết năm lớp tám, cho tới một ngày nọ... vài tháng trước. Đấy là khi tôi nghe có tiếng động rung chuyển cả ngọn đồi. Tôi thấy có cả mấy cái xe tải to đùng đỗ trên phố Collier, đúng bến xe buýt. Có mấy ông đang đứng quát om sòm con bé Juli, lúc này, đương nhiên, đang tít tắp trên cây.

Mấy đứa khác cũng bắt đầu xúm lại dưới cái cây và tôi có thể nghe thấy tiếng chúng nó gọi Juli xuống. Con bé vẫn ổn - bất cứ ai có tai thì đều biết thế - nhưng mà tôi không hiểu nổi mọi người đang tranh cãi cái gì.

Tôi leo lên ngọn đồi, và khi tiến lại gần, nhìn thấy rõ thứ mà mấy ông kia đang cầm thì tôi hiểu ra ngay vì sao Juli không chịu trèo xuống khỏi cái cây.

Cưa máy.

Này, đừng có mà hiểu nhầm ý tôi đấy nhé! Cái cây đó đúng là một mớ cành rối rắm lồi lõm xấu xí. Còn đứa đang cãi nhau với mấy ông kia là Juli - cái đứa hay ra vành ra vẻ kiểu hiểu biết phiền nhiễu nhất trần đời. Nhưng tự nhiên, tôi thấy nhói nhói trong lòng. Juli yêu cái cây đó. Nghe thì ngu ngu nhưng đúng là nó yêu cái cây đó, và việc chặt cái cây đó khác nào cứa vào tim gan nó chứ?

Ai cũng có bảo nó trèo xuống. Kể cả tôi. Nhưng nó nói là nó sẽ không xuống đâu, không bao giờ, và rồi nó cố rủ mọi người trèo lên cùng. "Bryce, xin cậu đấy! Leo lên trên này với tớ đi. Bọn họ sẽ không thể chặt được nếu tất cả bọn mình cùng ở trên này!"

Trong một thoáng, tôi đã đắn đo. Nhưng rồi xe buýt tới và tôi tự nhủ là đừng dính vào chuyện này. Cái cây đó chẳng phải là cây của tôi, mà cũng chẳng phải của Juli cho dù con bé vẫn hay tỏ ra như thế.

Bọn tôi lên xe hết và chỉ có mỗi Juli ở lại. Nhưng đúng là đến trường cũng phí cả đi. Tôi không thể không nghĩ về Juli. Liệu nó có còn ở trên cây nữa không? Liệu người ta có bắt nó đi không?

Khi xe buýt thả bọn tôi xuống bến buổi chiều hôm đó, Juli đã đi mất còn cái cây thì bị chặt một nửa. Những cái cành ở phía trên cao, nơi con diều của tôi bị vướng phải, nơi trú ngụ yêu thích của Juli - tất cả đều biến mất.

Bọn tôi đứng xem người ta làm một lúc, những cái cưa máy gằn lên hết cỡ, phả khói mù mịt khi nghiến qua những thớ gỗ. Cái cây trông lệch hẳn về một bên và trơ trụi. Sau mấy phút tôi đã phải bỏ đi. Cứ đứng đó nhìn thì chẳng khác nào chứng kiến cảnh người ta đang mổ xẻ một cơ thể vậy, và lần đầu tiên từ lâu lắm rồi, tôi thấy muốn khóc. Khóc. Vì một cái cây ngu ngốc mà tôi ghét.

Tôi đi về nhà và cố không nghĩ ngợi lung tung nhưng rồi cứ băn khoăn mãi. Nếu mà tôi cũng trèo lên cái cây cùng với con bé thì sao nhỉ? Có khi nào mọi chuyện lại khác đi không nhỉ?

Tôi đã nghĩ tới việc gọi điện cho Juli để nói rằng tôi rất tiếc về chuyện cái cây bị chặt, nhưng rồi tôi đã không gọi. Tôi không biết nữa, nhưng nếu làm thế thì nó cứ sao sao ấy.

Sáng hôm sau con bé không ra bến xe buýt và cũng chẳng đi xe buýt về lúc chiều nữa.

Rồi tối hôm đó, ngay trước bữa tối, ông ngoại gọi tôi vào phòng khách. Ông không gọi lúc tôi đi ngang qua - có vẻ như thế thì thân thiết quá chăng. Thay vào đó, ông nói chuyện với mẹ để mẹ bảo tôi. "Mẹ không biết là ông định nói gì với con đâu, cưng à", mẹ nói. "Nhưng có khi bây giờ ông đã sẵn sàng quan tâm tới con hơn rồi".