Hướng dẫn làm bài văn cảm nhận cảm nghĩ của em về đoạn trích “Con chó Bấc” có dàn ý và bài viết tham khảo

Jack London là tác giả nổi tiếng người Mĩ. Ông có một tuổi thơ đầy vất vả và phải làm nhiều việc để kiếm sống nên sớm có những nhận thức tiến bộ và nuôi dưỡng niềm đam mê đối với văn chương. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông như: Tiếng gọi nơi hoang dã(1903), Nanh trắng(1906)... Đoạn trích “Con chó Bấc” trích từ tác phẩm nổi tiếng “Tiếng gọi nơi hoang dã” của ông. Có thể nói đề tài viết về động vật vốn đã xuất hiện từ lâu trên văn học thế giới. Ban đầu là những câu chuyện cổ tích, sử thi. Xa hơn, ta có thể kể đến “Con bim trắng tai đen” của văn học Nga, “Hachiko-chú chó đợi chờ” nổi tiếng của văn học Nhật. Những chú chó trung thành đã làm không ít người phải xúc động rơi nước mắt. Chó vốn là một loài vật sống có tình cảm, gần gũi, gắn bó với con người, là tri âm tri kỉ của con người. Vì thế, chó bước vào trang văn như một nhân vật đặc biệt. Chú chó Bấc chúng ta sắp tìm hiểu dưới đây cũng là một ví dụ điển hình như thế.

DÀN Ý BÀI VĂN CẢM NHẬN VỀ ĐOẠN TRÍCH “CON CHÓ BẤC”

1. MỞ BÀI

Giới thiệu đoạn trích

2. THÂN BÀI

Tình cảm của Thooc-tơn với Bấc:

Là ông chủ lí tưởng, đối xử với Bấc như bạn bè, người thân

So sánh với những ông chủ khác: chăm sóc vì nghĩa vụ, lợi nhuận

Tình cảm của Bấc với Thooc-tơn:

Tình cảm phong phú, sâu sắc

Vừa thương yêu, vừa tôn thờ, biết ơn, thần phục tuyệt đối

Đánh giá

Nội dung: hình ảnh con chó Bấc đầy sinh động, hấp dẫn và tình yêu thương loài vật của tác giả

Nghệ thuật: nhân hóa, tài năng quan sát, vốn hiểu biết và tình cảm của tác giả với loài vật

3. KẾT BÀI

Khẳng định lại ý nghĩa của đoạn trích

BÀI VĂN CẢM NHẬN VỀ ĐOẠN TRÍCH “CON CHÓ BẤC” CỦA JACK LONDON

Trong sáng tạo văn chương, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật là một bước tiến lớn trong lịch sử văn học. Khắc họa tâm lí của con người đã khó, ở đây, khắc họa tâm lí của một con vật có lẽ còn gian truân gấp bội lần. “Tiếng gọi nơi hoang dã” viết về đề tài động vật-vốn đã không mấy xa lạ trong nền văn học thế giới. Tuy vậy, tác phẩm vẫn là một nét sáng tạo độc đáo của Jack London khi dựng lên hình ảnh chú chó Bấc thật sinh động, gần gũi với mọi biến cố và những tình cảm, cảm xúc giống như con người. Đoạn trích “Con chó Bấc” thuộc chương 6- “Tình yêu thương đối với con người”.

“Con chó Bấc” là một trong những đoạn văn thành công nhất tác phẩm mặc dù nó không có nhiều chi tiết, sự kiện hấp dẫn, gay cấn, chỉ tập trung miêu tả những tình cảm giữa người với chó và giữa chó với người.

Trong đoạn trích, ta thật cảm động biết bao trước tình yêu thương loài vật của Thooc-tơn, mà đặc biệt là đối với Bấc. Trước hết, Thooc-tơn là một ông chủ lí tưởng đối với bất kì loài vật nào. Là một người có bản tính lương thiện, tấm lòng nhân hậu hiếm có, anh chẳng những đã mua lại Bấc mà còn đối xử với Bấc tận tình, chăm sóc cho Bấc đến tận khi anh qua đời. Thooc-tơn đối xử với những con chó kéo xe của anh “như thể chúng là con cái của anh vậy”. Trong suy nghĩ, tình cảm của mình, anh không xem chó như một loài vật, một công cụ chỉ biết răm rắp nghe lời. Đối với anh, chó là bạn bè, là tri kỉ, là người thân, cùng anh làm việc, chịu đựng gian khổ để đạt được mục đích cuối cùng. Thooc-tơn được đặt trong mối liên hệ so sánh với những ông chủ khác của Bấc để làm nổi bật, ngời sáng lên những phẩm chất tốt đẹp của anh. Thẩm phán Mi-lơ chăm sóc Bấc xuất phát từ nghĩa vụ và trách nhiệm. Những người tìm vàng xem Bấc là công cụ đắc lực phục vụ cho mục đích kinh doanh, lợi nhuận của họ. Còn với Thooc-tơn thì sao? Anh chào hỏi thân mật, nói lời vui vẻ, trò chuyện tầm phào với chó, khe khẽ thốt lên tiếng rủa rủ rỉ, âu yếm như cha mẹ nựng con chứ không phải tiếng quát tức giận. Đặc biệt là khi anh thốt lên “Trời đất! Đằng ấy hầu như biết nói” thể hiện tình yêu thương nồng nàn vô hạn của một ông chủ đối với con chó của mình. Những cử chỉ yêu thương ấy tuy bình dị nhưng lại có một sức hấp dẫn đặc biệt. Tình cảm yêu thương của Thooc-tơn dành cho Bấc hoàn toàn đã vượt lên mối quan hệ chủ- tớ thông thường.

Bản thân Bấc là một con chó thông minh, nó hiểu tất cả những cử chỉ âu yếm, yêu thương của Thooc-tơn và đáp lại cũng không kém phần cuồng nhiệt. Đối với gia đình thẩm phán Mi-lơ, đó tình bạn trịnh trọng và đường hoàng, còn với Thooc-tơn, Bấc chưa bao giờ cảm thấy một "tình thương yêu sôi nổi, nồng cháy, thương yêu đến tôn thờ, thương yêu đến cuồng nhiệt" như lúc này. Tình cảm của Bấc dành cho chủ đa dạng, phong phú mà cũng vô cùng sâu sắc. Nó có cách thể hiện tình yêu rất đặc biệt: ép hai hàm răng vào tay chủ, không vồ vập, săn đón như những con chó khác, Bấc chỉ lặng lẽ quan sát, tôn thờ chủ theo cách rất riêng của nó. Ánh mắt của nó đã nói lên tất cả tình yêu thương, tấm lòng biết ơn, sự tôn thờ, kính ngưỡng và thần phục tuyệt đối. Càng yêu chủ bao nhiêu, nó lại càng sợ phải xa chủ bấy nhiêu, chi tiết nó “trườn qua giá lạnh đến tận mép lều, đứng đấy, lắng nghe tiếng thở đều đều của chủ...” đủ cho thấy nỗi sợ ám ảnh bị mất Thooc-tơn của Bấc. Bấc quả là có tâm hồn hơn hẳn những con chó khác, và tất nhiên, chỉ có Thooc-tơn mới khơi lên được những tình cảm này trong nó.

Bằng biện pháp nhân hóa, tài năng quan sát, vốn hiểu biết và tình cảm đối với loài vật, Jack London đã xây dựng lên hình ảnh chú chó Bấc đầy chân thực, sinh động và hấp dẫn. Qua đoạn trích, ta cũng thấy được tình yêu thương vô bờ bến mà tác giả dành cho những người bạn gần gũi đối với chúng ta.

Nếu như trong các tác phẩm viết về loài vật của La-phông-ten, Tô Hoài, nhà văn để nhân vật-động vật nói tiếng người, xưng tôi thì trong “Tiếng gọi nơi hoang dã”, mà cụ thể ở đây là đoạn trích “Con chó Bấc”, qua nhân vật người kể chuyện, Bấc như có suy nghĩ, có tâm hồn, có cảm xúc giống một con người thực thụ. Đó cũng chính là một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công của tác phẩm, để hình ảnh chú chó Bấc sống mãi trong lòng người đọc.