Hướng dẫn học sinh lập dàn ý và bài văn mẫu phân tích bài thơ “Tự tình 2” của Hồ Xuân Hương có dàn ý và bài viết tham khảo

Từ ngàn xưa, những câu ca dao than thân về người phụ nữ đã không còn xa lạ gì với chúng ta phải không nào:

“Thân em như trái bần trôi

Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu.”

Hay:

“Thân em như dải lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.”

Và vì thế cảm hứng nhân đạo đặc biệt với đề tài về người phụ nữ đã trở thành một trong những nguồn cảm hứng thu hút nhiều cây bút. Nguyễn Du đã từng xót xa: “Đau đớn thay phận đàn bà-Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.” Nhưng trong tiếng nói than thân trách phận ấy của người phụ nữ, bỗng nổi lên một hiện tượng độc đáo, táo bạo và cá tính mạnh mẽ của bà chúa thơ Nôm-Hồ Xuân Hương. Trong ấy, tiêu biểu là bài thơ “Tự tình 2” của bà. Bài thơ là một tiếng nói chua xót và căm phẫn về số phận người phụ nữ cũng như những khát khao hạnh phúc chân chính của người phụ nữ muôn thuở. Vậy thì hôm nay mình sẽ giúp các bạn bài văn phân tích bài thơ “Tự tình 2” của Hồ Xuân Hương nhé. với đề bài này, các bạn cần khắc họa hình tượng người phụ nữ với những cảm xúc bi phẫn chua xót về thân phận. mời các bạn tham khảo bài làm dưới đây.

LẬP DÀN Ý BÀI VĂN PHÂN TÍCH BÀI THƠ TỰ TÌNH 2 CỦA HỒ XUÂN HƯƠNG

1.MỞ BÀI:

Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

Nêu khái quát nội dung và nghệ thuật

2.THÂN BÀI:

Nội dung:

- Thân phận cô đơn, lẻ loi của người phụ nữ.

- Cái đẹp ngang tàn, cứng rắn, đầy thách thức của người phụ nữ.

- Niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi chân chính.

3.KẾT BÀI:

Khẳng định giá trị bài thơ.

BÀI VĂN PHÂN TÍCH BÀI THƠ “TỰ TÌNH 2” CỦA HỒ XUÂN HƯƠNG

Thơ là tiếng lòng, đúng như thế thơ ca là sự phản chiếu đời sống tâm hồn phong phú, phức tạp của cá nhân người nghệ sĩ. Một hồn thơ rạo rực băn khoăn của Xuân Diệu luôn mang đến những câu văn nồng nàn, si mê, và ngược dòng trở về thơ ca trung đại, bỗng chốc vút lên một giọng ca táo bạo đầy cá tính của người con gái từng chịu nhiều vất vả, gian truân của phận hồng nhan trời xanh quen thói má hồng đáng ghen, đó là Hồ Xuân Hương. “Tự tình 2” là một trong những giọng nói rất riêng của bà trong quy phàm thơ ca trung đại, rất ngông cuồng, táo bạo mãnh liệt nhưng cũng đầy ngậm ngùi chua xót về thân phận cô đơn của bản thân.

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non.

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn,

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám.

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con!”

Nhấn để mở rộng...

Mở đầu bài thơ là không gian đêm khuya thanh vắng, yên tĩnh đến hiu quạnh. Phải khuya khoắt và tĩnh mịch lắm mới nghe tiếng trống vẳng dồn đêm khuya. Nhưng nếu là một trái tim vui vẻ, hạnh phúc với thực tại liệu âm thanh nghe có dồn dập đến nghẹt thở vậy không. Hẳn là nhân vật trữ tình đang cảm thấy rất cô đơn, trống trải. Bởi đêm khuya là thời gian cho những ân ái, mặn nồng của lứa đôi trong tình yêu, ấy vậy mà ở đây nhân vật trữ tình lại chỉ bị hồi trống vẳng dục giã đầy chua xót, đau đớn. và đến câu thơ thứ hai, nhân vật trữ tình dần xuất hiện, đó là một bậc hồng nhan. Từ “trơ” phàn nào cho thấy sự táo bạo, cương quyết và thách thức dù chỉ là một phận nữ nhi. Trong xã hội xưa người phụ nữ không được coi trọng, bị đầy đọa, thấp hèn ấy vậy mà ở đây từ trơ đã cho thấy bản lĩnh táo bạo, một nét rất “ngông” của bản lĩnh và tâm thế của người phụ nữ. Trơ đấy là cứng chứa không nhu hay bị vùi dập trước những phong ba bão táp, trước những hủ tục phong kiến áp đặt một cách hà khắc và cổ hủ đang đè nén và đay nghiến người phụ nữ. Vì thế “trơ” ấy là sự chống chọi, cứng rắn và thái độ bản lĩnh của người phụ nữ nhưng đồng thời thấy được sự tội nghiệp và chua xót khi người phụ nữ chân yếu tay mềm đã phải chịu. Nỗi đau như thêm phần gay gắt:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.”

Nhấn để mở rộng...

Trong cái không gian cô quạnh đến cô đơn và ảo não ấy, kiếp hồng nhan bạc mệnh tìm đến chén rượu để như một sự giải thoát cho tâm hồn mình. Nỗi đau buồn, tủi nhục khi phải sống trong cảnh làm lẽ đã ngấm vào từng giọt rượu sầu, làm chua xót và cay đắng hơn trái tim tủi hổ, thân phận bẽ bàng của người phụ nữ. Tìm đến rượu là để muốn quên đi, nhưng chỉ chua xót thay rằng muốn quên lại càng tỉnh, nỗi đau xót và bẽ bàng như bị đay nghiến và càng gia tăng thêm mức độ, như cứa sâu vào trái tim cô đơn, yếu đuối đang cố gắn mạnh mẽ, kiên cường hơn. Nhưng tỉnh ấy cũng để chiêm nghiệm về nhân sinh, về đời người cũng như chính mình. Chua xót khi nhận ra”vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”. Vầng trăng là biểu tượng cho sắc đẹp, sự đầy đặn, viên mãn ấy thế mà ở đây vần trăng khuyết, giống như minh chứng rằng tuổi thanh xuân của người phụ nữ không còn mặn mà, xuân sắc nữa mà cũng đang bị phai phôi, nhạt sắc bị bào mòn bởi thời gian mà chưa một lần được hưởng trọn vẹn tình yêu, hạnh phúc của lứa đôi. Để qua đó, thấy được khao khát của người phụ nữ mãnh liệt biết bao. Nhưng càng đau đớn và khát khao người phụ nữ càng tỏ ra mạnh mẽ, ngông cuồng và cá tính sắc nhọn như thủy tinh:

“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn”

Nhấn để mở rộng...

Động từ mạnh “xiên, đâm toạc” đã cho thấy thái độ và bản lĩnh sắc sảo rất khác biệt so với vẻ nhu mì, yếu đuối của người phụ nữ phong kiến ngày xưa. Biện pháp đảo ngữ khi đưa động từ lên trên cho thấy sức mạnh của những vật nhỏ tưởng như vô tri vô giác đó là rêu và đá, đồng thời thấy được tinh thần thép của người phụ nữ. hơn cả vậy, đó còn là tình yêu và sự tin tưởng mãnh liệt để sinh tồn phát triển dù trong những hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt nhất. nhưng sự mãnh mẽ lại bị thực tại phũ phàng chối bỏ:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con!”

Nhấn để mở rộng...

Sự chờ đợi mòn mỏi và đau đớn trong tình yêu lứa đôi đã khiến người phụ nữ thấm mệt, đặc biệt còn gì đau đớn hơn khi chứng kiến tuổi thanh xuân của mình đang dần mai một mà mình chưa một lần được hưởng hạnh phúc trọng vẹn của lứa đôi, mảnh tình tí con con ấy thế mà vẫn bị san sẻ đầy phũ phàng, chưa xót. Đồng thời, cũng chính vì thế mà khao khát hạnh phúc trong tình yêu càng trọn vẹn, mãnh liệt. đó cũng chính là khao khát chân chính của người phụ nữ muôn thuở khi phải sống trong đêm trường phong kiến tối tăm xưa kia. Như vậy tiếng thơ của Hồ Xuân Hương đã lên tiếng thay cho thân phận của người phụ nữ tỏng xã hội xưa, như một gáo nước lạnh hắt vào bộ mặt xấu xa của chế độ đa thê bảy thiếp, khiến cho người phụ nữ phải chịu cảnh lỡ phạn, lỡ duyên, chăn đơn gối chiếc.

Như vậy, với “tư tình 2” một lần nữa tiếng nói khát khao hạnh phúc trong tình yêu của người phụ nữ tội nghiệp lại được bộc lộ mãnh liệt hơn bao giờ hết. qua đó bày tỏ niềm đồng cảm, xót ca của nhà thơ với những phận hồng nhan bạc mệnh, giống như lời ru buồn mà thi hào Nguyễn Du đã cất lên:

“Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.”

Nhấn để mở rộng...

BÀI VĂN PHÂN TÍCH “TỰ TÌNH” CỦA HỒ XUÂN HƯƠNG 2

Hồ Xuân Hương ghi dấu tên mình trong lịch sử văn học như một nữ sĩ tài ba của dân tộc. Bà đi nhiều nơi, kết giao với nhiều nghệ sĩ, trong đó có Nguyễn Du. Xinh đẹp, giỏi giang, tuy nhiên, bà lại không được may mắn trong tình yêu khi tình duyên éo le, ngang trái. Thơ của Hồ Xuân Hương đậm chất dân gian, vừa trào phúng vừa trữ tình. Các tác phẩm của bà thường cất lên tiếng nói cảm thương cho thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ, đồng thời khẳng định vẻ đẹp và khát vọng sống của họ. Bài thơ “Tự tình 2” năm trong chùm bài thơ “Tự tình” của Hồ Xuân Hương. “Tự tình” nghĩa là kể nỗi lòng, một đề tài thường thấy trong thơ xưa.

Mở đầu bài thơ, tác giả gợi ra một khoảng thời gian, không gian nghệ thuật, làm nền để thể hiện nỗi cô đơn, trơ trọi trong đêm hiu quanh:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non”

Nhấn để mở rộng...

Đêm khuya vắng lặng, hiu quanh. Đây là khoảng thời gian tâm trạng, là thời khắc con người đối diện với chính mình, trằn trọc thao thức, để cho những nỗi niềm xâm chiếm. Ta bắt gặp lại hình ảnh người chinh phụ mòn mỏi, vò võ trong đêm khuya thanh vắng, một mình chống trọi lại nỗi cô đơn:

“Gà eo óc gáy sương năm sương năm trống

Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên

Khắc giờ đằng đẵng như niên

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa”

Nhấn để mở rộng...

Thời gian điểm nhịp bằng tiếng trống canh. “Văng vẳng” diễn tả âm thanh từ xa vọng lại, mơ hồ, khó nắm bắt. Bằng nghệ thuật lấy động tả tĩnh, màn đêm dường như lại càng rộng lớn hơn, có thể nuốt chửng con người. Đó là tiếng trống, mà cũng có thể là tiếng lòng, là âm thanh của ngoại cảnh, cũng là âm thanh của tâm hồn. Từ “dồn” diễn tả tiếng trống như thúc giục, dồn nén, có phần bế tắc. Qua tiếng trống, ta cảm thấy thời gian trôi đi càng lúc càng gấp gáp, riết róng như thúc giục. Đó cũng là sự gọi thức, giục giã của hạnh phúc, của tuổi xuân đã qua không bao giờ quay trở lại, không có cách gì níu giữ. Câu thơ tiếp theo, ta đã thấy có sự xuất hiện của con người. Từ “trơ” được đảo lên đầu câu nhấn mạnh sự cô độc của chủ thể trữ tình. “Trơ” là tủi hổ, bẽ bàng. “Trơ” cũng có thể hiểu là trơ trọi, cô độc. Chỉ một từ thôi mà gợi lên bao cảm xúc cay đắng, ê chề, tủi hổ, bẽ bàng. “Trơ” còn là trơ gan, trơ lì như một sự thách thức: “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”. “Cái hồng nhan” được tác giả sử dụng mang hàm ý mỉa mai. “Hồng nhan” chỉ vẻ đẹp của người con gái trẻ trung đang thời xuân sắc, đi với từ “cái” càng trở nên trơ trọi, đáng thương. Trong thơ Hồ Xuân Hương, thân phận người phụ nữ thường được đặt trong mối quan hệ với non nước, non sông, vũ trụ và cuộc đời. Giữa cái rộng của không gian, dài của thời gian, người phụ nữ nhỏ bé, đáng thương hiện lên trong nỗi cô đơn, hiu quạnh, bấp bênh giữa cuộc đời, trơ trọi giữa vũ trụ. Đồng thời, sự đối sánh giữa con người và vũ trụ cũng thể hiện cá tính mạnh mẽ, kiên quyết của Hồ Xuân Hương, là sự thức tỉnh của cái tôi cá nhân tràn trề sức sống và khát vọng yêu thương.

Hai câu thực là nỗi niềm day dứt, xót xa cho tình duyên không trọn vẹn:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”

Nhấn để mở rộng...

“Chén rượu”, “vầng trăng” ở đây không còn là người bạn tri âm, tri kỉ nữa mà chỉ gợi nỗi niềm xót xa, hiu quạnh. Say- tỉnh là hai trạng thái hoàn toàn đối ngược nhau. Nhân vật trữ tình tìm quên trong hơi men, nhưng càng uống lại càng cô đơn, trống vắng. Từ lại diễn tả một sự lặp đi lặp lại triền miên đến nhàm chán. Vầng trăng là biểu tượng cho tình yêu đôi lứa, cho số phận con người. Vậy mà, tình duyên ấy, số phận ấy đã đến buổi xế bóng nhưng vẫn chưa toàn vẹn. Ba bi kịch đã được hội tụ đủ trong hai câu thực: tuổi xuân qua đi không bao giờ trở lại, tình yêu không người tri âm, tri kỉ, hạnh phúc dở dang, bẽ bàng.

Nếu như hai câu thực mang giọng có phần chua xót thì đến hai câu luận là sự phản kháng, nổi loạn của một sức sống mạnh mẽ, bền bỉ:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

Nhấn để mở rộng...

“Xiên”, “đâm” là những động từ mạnh kết hợp với các từ “ngang”, “toạc” đã thể hiện sự dâng trào lên đến đỉnh điểm, vượt qua mọi giới hạn. Rêu và đá đều là những sự vật nhỏ bé, đối nghịch với mặt đất bao la rộng lớn, với chân mây mênh mông vời vợi. Những hình ảnh ấy tuy nhỏ nhoi nhưng có sức sống tiềm tàng, mãnh liệt, bền bỉ, không chịu khuất phục, xâm chiếm những chiều kích không gian rộng lớn. Hai câu thơ cũng chính là ý thức phản kháng mãnh liệt, thể hiện cá tính mạnh mẽ, ngang tàng của nữ sĩ. Đó là sự trỗi dậy của cái tôi đòi quyền sống, quyền tự do, đồng thời là ý chí phản kháng chống lại những giáo điều, luật lệ hà khắc, cổ hủ của xã hội phong kiến, những bất công trong xã hội để có một cuộc sống hạnh phúc chính đáng.

Kết thúc bài thơ là nỗi ngậm ngùi cho bi kịch tình duyên, số phận:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con”

Nhấn để mở rộng...

Xuân có thể là mùa xuân của thiên nhiên, của đất trời, tuần hoàn bất diệt. Xuân cũng có thể là tuổi xuân của con người, mong manh và ngắn ngủi, nhỏ bé trước thời gian vô thủy cô chung của vũ trụ. “Xuân đi xuân lại lại” như cái vòng luẩn quẩn, sự trở lại của mùa xuân cũng là sự ra đi của tuổi xuân. “Mảnh tình” vốn đã ít ỏi, nhỏ bé nay lại được “san sẻ” lại càng ít ỏi, mong manh hơn nữa. Nghệ thuật tăng tiến nhấn mạnh sự nhỏ bé dần, chỉ sự ít ỏi, sẻ chia hạnh phúc trong cuộc đời Hồ Xuân Hương làm cho nghịch cảnh càng éo le hơn. Đó là tâm trạng của phận làm lẽ, cũng là nỗi lòng chung của người phụ nữ trong xã hội xưa.

“Tự tình” vừa nói lên bi kịch, vừa cho thấy bản lĩnh, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương. Điều đáng quý, đáng trân trọng là Hồ Xuân hương dù có buồn bã, chán nản vì hạnh phúc không trọn vẹn nhưng bà không bi quan, tuyệt vọng, vẫn không ngừng đấu tranh, vẫn mở lòng với đất trời và cuộc sống, phóng khoáng và mạnh mẽ.