Đọc hiểu: Không gì là Không thể - George Matthew Adams​

Đọc đoạn trích sau:

"Lo lắng là một loại độc dược có thể phá hủy mọi cảm xúc tốt đẹp trong con người bạn. Nó có khả năng hủy hoại nguồn sức mạnh tinh thần và lây lan như một căn bệnh truyền nhiễm. Nhưng lo lắng lại không thể tồn tại trong bầu không khí vui vẻ, lạc quan. Do đó hãy thôi lo lắng và học cách mỉm cười trước tất cả những tình huống xảy ra trong cuộc sống! Và trên hết hãy sống lạc quan.

Tinh thần lạc quan không phải là trang sức bên ngoài. Nó là kết quả của hàng loạt thái độ sống tích cực như óc hài hước, niềm hy vọng, khả năng vượt qua sợ hãi.. Tinh thần lạc quan sẽ giúp con người loại bỏ sự lo lắng và sống một cuộc đời hữu ích. Thực tế tất cả những người thành công và những nhà lãnh đạo tài ba đều sống rất lạc quan. Bằng tinh thần lạc quan của mình, họ tập hợp mọi người xung quanh thành một khối thống nhất, cùng hướng về một tương lai tươi sáng.

() Hãy nhớ, nơi nào có nụ cười, nơi đó không có chỗ cho sự lo lắng."

(Trích Không gì là Không thể - George Matthew Adams, NXB Tổng hợp TPHCM, tr. 177, 178 )

Đọc hiểu: Không gì là Không thể - George Matthew Adams - Lo lắng là một loại độc dược RBQg0QO


Chọn đáp án đúng:

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là:

A. Nghị luận

B. Tự sự

C. Biểu cảm

D. Miêu tả

Câu 2: Theo đoạn trích, hậu quả của sự lo lắng là gì?

A. Phá hủy cảm xúc tốt đẹp

B. Hủy hoại nguồn sức mạnh tinh thần

C. Lây lan như bệnh truyền nhiễm

D. Cả A, B, C

Câu 3: Dòng nào nêu đúng nhất nội dung của đoạn trích trên:

A. Bàn về hậu quả của lo lắng

B. Bàn về sức mạnh của tinh thần lạc quan

C. Bàn về ý nghĩa của nụ cười

D. Bàn về bí quyết thành công của nhà lãnh đạo

Câu 4: Theo đoạn trích, tinh thần lạc quan là kết quả của:

A. Những trải nghiệm thực tế sinh động

B. Những thành công ta có được, những thuận lợi ta gặp trong cuộc sống

C. Thái độ sống tích cực: Óc hài hước, niềm hy vọng, khả năng vượt qua sợ hãi

D. Sự rèn luyện, cố gắng không ngừng

Câu 5: Biện pháp nghệ thuật trong 2 câu văn sau là gì: Lo lắng là một loại độc dược có thể phá hủy mọi cảm xúc tốt đẹp trong con người bạn. Nó có khả năng hủy hoại nguồn sức mạnh tinh thần và lây lan như một căn bệnh truyền nhiễm.

A. So sánh, nhân hóa

B. Liệt kê, so sánh

C. Nhân hóa, điệp ngữ

D. So sánh, điệp ngữ

Câu 6: Những dấu hiệu nào giúp nhận biết đoạn trích trên là văn bản nghị luận?

A. Đoạn trích bàn về thái độ sống lạc quan; lập luận chặt chẽ, lí lẽ thuyết phục, thể hiện một thông điệp.

B. Đoạn trích trên không có vần có nhịp như thơ, không có cốt truyện như truyện

C. Đoạn trích trên không sử dụng các từ ngữ nghệ thuật, giàu cảm xúc

D. Đoạn trích trên mang đến một thông điệp sâu sắc, nhân văn về cuộc sống.

Câu 7: Đoạn trích sử dụng kết hợp các thao tác lập luận nào?

A. Phân tích, bình luận

B. Giải thích, chứng minh

C. Chứng minh, bình luận

D. Bác bỏ, giải thích

Trả lời câu hỏi:

Câu 8: Phân tích tính liên kết và mạch lạc trong đoạn trích trên.

Câu 9: Anh/chị hiểu câu nói sau như thế nào: "Nơi nào có nụ cười, nơi đó không có chỗ cho sự lo lắng"?

Câu 10: Thông điệp mà tác giả muốn truyền tải đến người đọc là gì? Em có đồng tình với quan điểm đó không? Vì sao?

Gợi ý đọc hiểu​

Câu 1: A. Nghị luận

Câu 2: D. Cả a, B, C

Câu 3: B. Bàn về sức mạnh của tinh thần lạc quan

Câu 4: C. Thái độ sống tích cực như óc hài hước, niềm hy vọng, khả năng vượt qua sợ hãi

Câu 5: A. So sánh, nhân hóa

Câu 6: A. Đoạn trích bàn về thái độ sống lạc quan; lập luận chặt chẽ, lí lẽ thuyết phục, thể hiện một thông điệp.

Câu 7: A. Phân tích, bình luận

Câu 8: Phân tích tính liên kết và mạch lạc trong đoạn trích:

- Tính mạch lạc: Đoạn trích tập trung làm sáng tỏ 1 chủ đề: Vai trò, ý nghĩa của tinh thần lạc quan trong cuộc sống.

- Tính liên kết: Đoạn văn sử dụng đa dạng các phép liên kết:

+ Phép lặp từ ngữ: Lạc quan, tinh thần lạc quan, lo lắng, mỉm cười, nụ cười

+ Phép nối: Các từ dùng để nối câu đứng trước với câu đứng sau: Nhưng, do đó, và..

+ Phép thế đại từ: Từ "Nó" trong đoạn 1 thay thế cho "Lo lắng"; Từ "Nó" trong đoạn 2 thay thế cho "Tinh thần lạc quan"; Từ "Họ" trong đoạn 2 thay thế cho "những người thành công và những nhà lãnh đạo tài ba"

Như vậy đoạn trích trên vừa có tính liên kết về nội dung, vừa có sự liên kết về hình thức; đó là một đoạn trích có sự liên kết, mạch lạc.

Câu 9: Câu nói sau như thế nào: "Nơi nào có nụ cười, nơi đó không có chỗ cho sự lo lắng" cho ta hiểu sức mạnh của nụ cười, thực chất là sức mạnh của tinh thần lạc quan: Tinh thần lạc quan có thể xua tan mọi lo lắng, phiền muộn.

Câu 10: Thông điệp mà tác giả muốn truyền tải đến người đọc là: Hãy luôn lạc quan trong cuộc sống. Em có đồng tình với quan điểm đó. Vì lạc quan sẽ giúp con người luôn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ; lạc quan khiến con người có động lực để vượt qua thử thách, chông gai; lạc quan còn giúp lan tỏa đến mọi người xung quanh năng lượng tích cực, giúp gắn kết con người với nhau..