Đề bài​

1. Theo Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, có phải mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới đều tồn tại trong mối liên hệ qua lại, quy định và chuyển hóa lẫn nhau không? Có trường hợp nào giữa các sự vật, hiện tượng nhất định nào đó trong thế giới không có liên hệ, tác động qua lại không? Hãy giải thích rõ và cho ví dụ minh họa. (3 điểm)

2. Từ nội dung nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, anh/chị có thấy bản thân cần phải tuân theo một nguyên tắc nào đó khi tiến hành các hoạt động của bản thân không? Hãy vận dụng nội dung nguyên lý về mối liên hệ phổ biến vào thực tế công việc học tập hay các hoạt động khác của bản thân, trình bày rõ mình nên làm gì, làm như thế nào để nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời tránh những sai lầm, thất bại, hay thiệt hại cho bản thân. (3 điểm)

3. Giải thích tại sao triết học Mác-Lênin cho rằng "tồn tại xã hội có trước và quyết định ý thức xã hội" nhưng cũng đồng thời khẳng định "ý thức xã hội có thể vượt trước tồn tại xã hội"? (4 điểm)

BÀI LÀM​

Câu 1:

Theo Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới đều tồn tại trong mối liên hệ qua lại, quy định và chuyển hóa lẫn nhau. Không có trường hợp nào giữa các sự vật, hiện tượng trong thế giới mà không có sự liên hệ, tác động qua lại. Nguyên lý về mối quan hệ phổ biến là một trong hai nguyên lý cơ bản của phép duy vật biện chứng bên cạnh nguyên lý về sự phát triển. Phép duy vật biện chứng do Mác và Ăngghen sáng lập được Lênin phát triển, được coi là hình thức cao nhất của lịch sử phát triển của phép biện chứng. Phép biện chứng duy vật của triết học Mác -Lênin đã khái quát một cách đúng đắn những qui luật vận động và phát triển chung nhất của thế giới. Mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới quan đều có sự phụ thuộc, ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau và các sự vật, hiện tượng này luôn trong trạng thái vận động phát triển không ngừng.

Trước hết, ta cần hiểu khái niệm liên hệ là gì. Liên hệ là quan hệ giữa hai đối tượng, nếu sự thay đổi của một trong số chúng làm đối tượng kia thay đổi. Ngược lại với nó, cô lập, tách rời là trạng thái của các đối tượng, khi sự thay đổi của đối tượng này không ảnh hưởng, không thay đổi đối tượng kia.

Khái niệm mối liên hệ là một phạm trù triết học, dùng để chỉ sự quy định, sự tác động qua lại và chuyển hóa lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng, hay giữa các mặt, các yếu tố trong mỗi sự vật, hiện tượng trong thế giới quan. Ví dụ cho sự ảnh hưởng qua lại của các yếu tố bên trong của sự vật, hiện tượng như xét trong cơ thể con người có 8 hệ cơ quan bao gồm hệ thần kinh, hệ bài tiết, hệ nội tiết, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, hệ vận động, hệ tiêu hóa và hệ sinh dục. Mỗi hệ cơ quan đều có chức năng khác nhau như hệ vận động gồm các cơ, xương giúp định hình, chống đỡ toàn bộ cơ thể, giúp con người có thể đi lại, cầm nắm đồ vật hay hệ tiêu hóa giúp chuyển hóa thức ăn thành các chất dinh dưỡng giúp cơ thể hấp thụ. Dù các hệ cơ quan đó có chức năng khác nhau nhưng vẫn có mối liên hệ với nhau như hệ thần kinh có bộ não là trung tâm vận hành, điều khiển các hoạt động của các hệ cơ quan khác. Một cơ thể khỏe mạnh là khi các hệ cơ quan còn hoạt động tốt, không một cơ quan nào mất nào đi hay tách biệt trong cơ thể. Ngoài ra, không sự vật, hiện tượng nào là không có mối liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác. Cũng như con người cũng không thể tồn tại một mình trên thế giới nếu như không có bất kì mối liên hệ nào. Ví dụ như mối liên hệ giữa con người với tự nhiên. Tự nhiên cung cấp cho ta không khí, nước để ta có thể sống được, nếu không có nó thì chúng ta cũng không thể tồn tại được.

Mối liên hệ phổ biến là khái niệm dùng để chỉ tính phổ biến của các mối liên hệ, chỉ sự tồn tại của các mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng mang tính chất phổ biến. Hiểu một cách chung nhất, mối liên hệ phổ biến là tồn tại ở khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực. Những lĩnh vực này được khái quát thành ba lĩnh vực lớn nhất là tự nhiên, xã hội và tư duy. Ví dụ như mối liên hệ giữa cái chung với cái riêng, giữa nguyên nhân và kết quả, giữa lượng và chất, giữa nội dung và hình thức, giữa các mặt đối lập.. Các sự vật, hiện tượng nào trong thế giới quan cũng có mối liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác cho dù có đặc thù, đa dạng đến đâu thì những mối liên hệ đó đều nằm trong những mối liên hệ phổ biến nhất. Ta lấy ví dụ các loại cây riêng lẻ như cây táo, cây cam.. không có cái chung nào đặt bên cạnh các cây cụ thể đó nhưng các cây đó đều có chung những bộ phận như rễ, cành, lá, có chung quá trình quang hợp.. Tất cả những cái chung đó được lặp lại ở các cây cụ thể và phản ánh được khái niệm "cây". Hay mối liên hệ giữa nguyên nhân – kết quả, ví dụ khi nhận được kết quả học tập kém, ta có thể tìm ra được các nguyên nhân dẫn đến kết quả đó như do ôn bài chưa kĩ, do lười học, do chưa hiểu bài, do chủ quan.. Tóm lại, ta có thể thấy rằng cuộc sống của chúng ta bao hàm vô vàn các mối liên hệ khác nhau, mối liên hệ giữa tự nhiên với tự nhiên, giữa tự nhiên với xã hội, giữa xã hội với xã hội..

Chủ nghĩa duy vật biện chứng cũng chỉ ra được ba tính chất của nguyên lý về mối liên hệ phổ biến để khẳng định rằng không sự vật, hiện tượng trong thế giới này không có mối liên hệ. Đó là tính khách quan, tính phổ biến và tính đa dạng phong phú.

Tính khách quan chỉ ra các mối liên hệ vốn có trong sự vật, hiện tượng, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Ví dụ xét mối liên hệ giữa một cái cây với ánh sáng, không khí, đất, nước.. Cây nhờ không khí để thực hiện quang hợp, cây cần nước và ánh sáng để sinh trưởng, cây cần đất để cắm rễ nhận chất dinh dưỡng. Ta nhận thấy rằng con người không thể tự tạo ra các mối liên hệ đó, mà các mối liên hệ đó đã vốn có bên trong cái cây rồi. Con người chúng ta chỉ có thể nhận thức được các mối liên hệ này để cải tạo, tác động nhằm đem đến một kết quả tốt hơn.

Tính phổ biến chỉ ra bất kì sự vật, hiện tượng nào, ở bất kì thời gian, không gian nào thì đều có mối liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác kể cả các yếu tố, bộ phận bên trong sự vật, hiện tượng đó. Ví dụ như trong quá khứ, một sinh viên trong khoảng thời gian học đại học không chuyên tâm học hành mà chỉ dành thời gian vui chơi, tụ tập bạn bè dẫn đến kết quả sau bốn năm đại học thì sinh viên này không đủ điều kiện tốt nghiệp. Hiện tại thì sinh viên này cũng không thể tìm kiếm việc làm đúng với ngành học của mình dẫn đến việc làm trái ngành.

Tính đa dạng phong phú chỉ ra rằng giữa các sự vật, hiện tượng khác nhau thì có mối liên hệ khác nhau, mỗi sự vật, hiện tượng có nhiều mối liên hệ khác nhau (bên trong và bên ngoài, chủ yếu - thứ yếu, cơ bản – không cơ bản), ở từng không gian, thời điểm khác nhau thì các sự vật, hiện tượng giữ vị trí, vai trò khác nhau nên các mối liên hệ cũng khác nhau. Ví dụ trong môi trường đại học, mối liên hệ giữa giảng viên – học sinh là quan hệ thầy trò, giữa người giảng dạy kiến thức với người thu nhận kiến thức. Nhưng xét trong bối cảnh bầu cử của đất nước thì đó trở thành mối liên hệ giữa công dân này với công dân khác, cả hai đều có nghĩa vụ như nhau đối với đất nước.

Câu 2:

Từ việc nghiên cứu nguyên lý về mối liên hệ phổ biến giúp ta nhận ra được mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng có trong thế giới quan này. Mang lại ý nghĩa lớn đối với hoạt động nhận thức, cũng như hoạt động thực tiễn của con người. Cho nên khi nghiên cứu mọi vấn đề trong cuộc sống, bản thân tôi cũng như mọi người cần phải xem xét theo quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử - cụ thể để mang lại những điều tích cực, thành công tránh những thất bại, sai lầm, thiệt hại không đáng có.

Đầu tiên, quan điểm toàn diện đòi hỏi chúng ta khi phân tích về một sự vật nào đó thì ta phải đặt sự vật ấy trong mối quan hệ với sự vật khác. Đồng thời phải nghiên cứu tất cả những mặt, những yếu tố, những mối liên hệ vốn có trong nó. Từ đó có thể nắm được bản chất, qui luật của sự vật và hiện tượng. Tiếp theo, quan điểm lịch sử - cụ thể đòi hỏi khi nghiên cứu sự vật phải thấy được sự tồn tại vận động và phát triển của bản thân sự vật và hiện tượng là một quá trình có tính giai đoạn, tính lịch sử cụ thể. Cho nên khi phân tích tính toàn diện về các mối liên hệ của sự vật và hiện tượng phải đặt nó trong mối quan hệ cụ thể, với những điều kiện lịch sử cụ thể của các mối quan hệ đó.

Do vậy, xét ở bản thân tôi, việc vận dụng nguyên lý về mối quan hệ phổ biến trong nhiều lĩnh vực trong cuộc sống thật sự rất cần thiết. Đặc biệt, khi bản thân bước vào một cuộc sống học đường hoàn toàn mới, có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều điều mới, con người mới. Việc vận dụng nguyên lý về mối quan hệ phổ biến của phép duy vật biện chứng sẽ giúp tôi tránh khỏi việc phán xét bản chất của một ai đó thông qua vẻ bề ngoài sau một vài lần gặp gỡ hay thậm chí là từ cái nhìn đầu tiên. Khi gặp gỡ một ai đó, chắc chắn sẽ có những ấn tượng đầu tiên về ngoại hình cũng như tính cách. Nhưng nếu chỉ qua một vài lần gặp, chúng ta đã đánh giá người đó là người tốt hay người xấu thì thật không nên. Cái nhìn như vậy rất phiến diện, chủ quan và dễ dẫn đến những quyết định sai lầm. Việc đưa ra đánh giá như vậy là trái với quan điểm toàn diện. Chẳng hạn như gặp một người có vẻ ngoài ưa nhìn, hiền lành và cho rằng đây là một người tốt, rất đáng để kết thân, ngược lại, khi gặp một người có vẻ ngoài ít nói, lạnh lùng thậm chí trông hung dữ thì lại cho rằng đây là người xấu không nên kết thân. Trải qua một thời gian tiếp xúc lâu dài thì nhận ra rằng người mà ban đầu nghĩ rằng là người tốt nhưng thật ra khá ít kỷ và lợi dụng còn người ban đầu cho là người xấu thật ra bản tính lại hiền lành, thân thiện. Quan điểm toàn diện cho chúng ta biết rằng khi xem xét, đánh giá một sự vật, hiện tượng nào đó thì phải nhìn nhận một cách toàn diện về mọi mặt để hiểu rõ được bản chất của nó. Không nên chỉ nhìn qua vẻ bề ngoài mà đánh giá phẩm chất đạo đức của một người mà phải trải qua quá trình tiếp xúc lâu dài, quan sát và xem xét trong từng thời điểm, từng hoàn cảnh cụ thể.

Trong việc học tập cũng vậy, việc vận dụng hai quan điểm trên cũng rất có ích. Nó giúp bản thân nhận thức được tầm quan trọng của thời gian. Một khi thời gian đã trôi qua thì không thể quay lại được. Nhất là quãng thời gian khi là sinh viên, quãng thời gian có đủ thể lực và trí lực nhất. Nhờ vận dụng hai quan điểm trên, giúp bản thân xác định được mục tiêu cũng như kế hoạch cho tương lai sau này. Đối với sinh viên, giai đoạn này nhu cầu học tập, vui chơi, trải nghiệm là rất nhiều. Tuy nhiên, cần phải xác định được mục tiêu hàng đầu là việc học tập để dành phần lớn sự tập trung cho nó tiếp đến là các nhu cầu khác. Tránh việc sa đà quá nhiều khiến việc học sa sút, không hiệu quả. Việc xác định được mục tiêu cũng khiến bản thân vạch ra kế hoạch rõ ràng nhờ sự phân tích toàn diện. Tìm câu trả lời cho các câu hỏi như công việc mà bản thân muốn làm sau này là gì?

Muốn đạt được công việc đó cần những yêu cầu nào? Từ đó xác định được phương pháp học của bản thân cho phù hợp. Ví dụ bản thân tôi, công việc sau này mà tôi muốn đó là trở thành một cử nhân hóa học và làm việc tại phòng thí nghiệm. Các yêu cầu của công việc này như tính tỉ mỉ, cẩn thận, kiến thức chuyên ngành hóa học, kỹ năng thao tác thí nghiệm, kỹ năng làm việc nhóm.. Từ đó, giúp tôi xây dựng một phương pháp học tập hiệu quả. Như thay vì học một cách thụ động thông qua việc giáo viên giảng dạy thì nên chủ động tìm hiểu trước kiến thức, đọc trước tài liệu trước mỗi buổi học, ngoài ra cũng nên tìm hiểu thêm kiến thức ở bên ngoài. Ghi chép một cách có chọn lọc những từ khóa chính, những ý quan trọng thay vì chép hết như cách học ở phổ thông và tập trung nghe giảng trong mỗi tiết học. Tham gia nghiêm túc các tiết học thực hành để rèn luyện kỹ năng thao tác. Môi trường đại học là môi trường tập thể lớn, việc tạo các nhóm học tập sẽ giúp việc học trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả hơn nhờ có sự giúp đỡ giữa các thành viên trong lúc khó khăn. Chủ động sắp xếp thời gian một cách hợp lí để vừa có đủ thời gian cho việc học đồng thời cũng có thời gian cho bản thân nghỉ ngơi, vui chơi để giữ tinh thần thoải mái. Hạn chế sự ảnh hưởng của các yếu tố gây xao nhãng trong quá trình học tập như mạng xã hội, tin nhắn.. Ngoài ra, cần xây dựng một thái độ học tập nghiêm túc, rèn luyện tính tự giác, kỉ luật và trách nhiệm của bản thân.

Câu 3:

Triết học Mác - Lênin cho rằng "tồn tại xã hội có trước và quyết định ý thức xã hội" nhưng cũng đồng thời khẳng định "ý thức xã hội có thể vượt trước tồn tại xã hội". Trước hết, ta cần tìm hiểu hai khái niệm tồn tại xã hội và ý thức xã hội.

Tồn tại xã hội là lĩnh vực vật chất của đời sống xã hội bao gồm ba yếu tố cơ bản như điều kiện địa lí (khí hay, sông ngòi, đất, động thực vật), điều kiện dân số (số dân, phân bố, mật độ) và phương thức sản xuất - cách thức sản xuất vật chất qua từng giai đoạn phát triển. Trong đó, phương thức sản xuất giữ vai trò quyết định.

Ý thức xã hội là lĩnh vực tinh thần của đời sống xã hội, là sự phản ánh của tồn tại xã hội trong những giai đoạn phát triển khác nhau, bao gồm tập quán, truyền thống, tình cảm, quan điểm, tư tưởng lý luận, hoặc tồn tại thông qua các dạng hình thái cụ thể của ý thức xã hội như ý thức chính trị, ý thức pháp truyền, ý thức đạo đức..

Trước triết học Mác -Lênin có nhiều quan điểm không đúng về sự hình thành và phát triển của ý thức, như theo quan điểm thế giới quan duy tâm cho rằng ý thức có trước vật chất và nó quyết định vật chất. Triết học duy tâm xem tinh thần, tư tưởng là nguồn gốc và quyết định mọi hiện tượng xã hội. Bước ngoặt xảy ra trong lịch sử triết học khi Mác và Ăngghen xây dựng nên quan điểm duy vật lịch sử dựa trên chủ nghĩa duy vật biện chứng và lần đầu tiên giải thích một cách khoa học về sự hình thành, tồn tại và phát triển của ý thức xã hội. Các ông cho rằng đời sống tinh thần xã hội được hình thành và phát triển dựa vào đời sống vật chất, rằng ta không thể đi tim nguồn gốc của tư tưởng, tâm lý xã hội bên trong bộ óc của con người mà phải tìm trong hiện thực vật chất. Sự biến đổi của một thời đại nào đó cũng sẽ không thể giải thích được nếu chỉ căn cứ vào ý thức của thời đại ấy. Tóm lại, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội và phụ thuộc vào tồn tại xã hội. Tức nghĩa là, tồn tại xã hội như thế nào sẽ sinh ra ý thức xã hội như thế ấy. Mỗi khi tồn tại xã hội thay đổi, nhất là phương thức sản xuất xã hội thay đổi thì những tư tưởng lý luận xã hội, những quan điểm chính trị, đạo đức.. cũng sớm muộn sẽ biến đổi theo.

Vì thế, mà ở từng thời kỳ lịch sử khác nhau thì những quan điểm, tư tưởng lý luận xã hội cũng khác nhau. Ví dụ: Trong chế độ phong kiến, khi quan hệ sản xuất tư bản ra đời trong lòng chế độ này và dần dần lớn mạnh thì đã xuất hiện những quan niệm cho rằng chế độ phong kiến không còn phù hợp với con người và cần được thay thế bởi một chế độ phù hợp hơn hoặc trong thời kì Pháp xâm lược Việt Nam, nhân dân ta rơi vào cuộc sống khổ cực do bị áp bức, bóc lột cùng với tinh thần yêu nước, khát khao tự do và mong muốn gìn giữ độc lập chủ quyền do ông cha ta gầy dựng trước đây dẫn đến nhiều cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra.

Sự thay đổi của ý thức xã hội có thể là sự phản ánh đúng hoặc không đúng đối với tồn tại xã hội, nhưng xét cho cùng về lâu dài thì ý thức xã hội có khả năng phản ánh đúng, đầy đủ và chính xác về sự thay đổi của tồn tại xã hội. Mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, một mặt thừa nhận ý thức xã hội là sự phản ảnh tồn tại xã hội, do tồn tại xã hội quyết định, nhưng mặt khác

Cũng thừa nhận tính độc lập tương đối của ý thức xã hội.

Một trong những nội dung của tính độc lập tương đối mà triết học khẳng định đó là ý thức xã hội có thể vượt trước tồn tại xã hội. Tuy nhiên, không phải bất kì hình thái nào của ý thức xã hội cũng có thể vượt trước tồn tại xã hội mà chỉ có một số hình thái ý thức xã hội là có thể vượt trước tồn tại xã hội như ý thức khoa học.. Chủ nghĩa duy vật lịch sử cũng khẳng định rằng trong những điều kiện nhất định tư tưởng của con người, đặc biệt là những tư tưởng khoa học trở nên tiên tiến, bộ phận này trong ý thức xã hội có khả năng nắm bắt các quy luật vận động khách quan, từ đó đưa ra được những dự báo, tiên đoán về sự phát triển của xã hội nên có thể đi trước một bước so với tồn tại xã hội. Ngoài ra nó còn có tính định hướng, chỉ đạo, dẫn dắt các hoạt động thực tiễn của con người, hướng hoạt động đó vào việc giải quyết những nhiệm vụ mới mà tồn tại xã hội đặt ra. Chủ nghĩa Mác – Lênin là một ví dụ điển hình như vậy. Chủ nghĩa Mác – Lênin ra đời vào những năm 40 của thế kỉ XIX trong lòng chủ nghĩa tư bản nhưng đã chỉ ra được những mâu thuẫn giữa các giai cấp trong xã hội, dựa vào những quy luật vận động tất yếu của xã hội loài người nói chung, của xã hội tư bản nói riêng, qua đó chỉ ra rằng xã hội tư bản nhất định sẽ bị thay thế. Khi nói tư tưởng tiên tiến có thể đi trước tồn tại xã hội, dự kiến được quá trình khách quan của sự phát triển xã hội thì không có nghĩa nói rằng trong trường hợp này ý thức xã hội không còn bị tồn tại xã hội quyết định nữa. Tư tưởng khoa học tiên tiến không thoát ly tồn tại xã hội, mà vẫn phụ thuộc vào tồn tại xã hội, phản ánh chính xác, sâu sắc tồn tại xã hội.