“Bẫy thu nhập trung bình” là trạng thái một nền kinh tế đã vượt qua mốc thu nhập thấp (dưới 1.025 USD/người) để trở thành nước có thu nhập trung bình (1.025 - 12.475 USD/người), nhưng bị mắc kẹt ở mức thu nhập này, không thể tiếp tục vươn lên thành nước có thu nhập cao (trên 12.475 USD/người). Sự “mắc kẹt” này có các yếu tố như: không còn lợi thế về giá nhân công rẻ như những nước có thu nhập thấp; cũng không có ưu thế về cơ sở hạ tầng, về nguồn nhân lực trình độ cao và kỹ thuật - công nghệ hiện đại như những nước có thu nhập cao.
Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp từ năm 2008 (tính theo GDP bình quân đầu người vào năm đó đạt 1.145 USD/người). Hiện có 2 loại ý kiến khác nhau đánh giá về nguy cơ “sập bẫy thu nhập trung bình” của Việt Nam.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Việt Nam chưa rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” khi thời gian nằm ở nhóm nước có thu nhập trung bình thấp mới qua 1/3 theo thông lệ của thế giới. Với dự báo của một dự án nghiên cứu là đến năm 2035, Việt Nam đạt GDP bình quân đầu người 5.000 USD, vượt qua mức cao nhất của nhóm nước có thu nhập trung bình thấp (4.035 USD/người).
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, Việt Nam tuy chưa “sập bẫy thu nhập trung bình”, nhưng đang đứng trước nguy cơ này. Căn cứ xuất phát của loại ý kiến trên có 4 điểm.
Thứ nhất, tăng trưởng GDP Việt Nam đã bị chậm lại sau khi ra khỏi nhóm nước thu nhập thấp. Nếu bình quân năm của thời kỳ 1991-2007 là 7,49%, thì của thời kỳ 2008-2016 chỉ còn 5,15%. Năm nay, Chính phủ đang quyết tâm phấn đấu mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% và nếu thực hiện được thì bình quân 2 năm còn thấp so với bình quân thời kỳ 1991-2007, cũng thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 (6,5-7%/năm).
Thứ hai, chênh lệch về mức GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương giữa Việt Nam với một số nước từ năm 2005 đến dự báo năm 2017 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tăng lên (Malaysia tăng từ 12.860 lên 21.717 USD, Thái Lan tăng từ 6.603 lên 10.836 USD, Indonesia tăng từ 1.263 lên 5.527 USD..., trong khi Việt Nam tăng từ 3.103 lên 6.895 USD), tức là Việt Nam đã tụt hậu xa hơn. Trong khi đó, những nước này chưa thoát khỏi nhóm nước thu nhập trung bình, càng cảnh báo Việt Nam về nguy cơ “sập bẫy thu nhập trung bình thấp”.
Thứ ba, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp, cùng với tăng trưởng kinh tế chậm lại, trong khi mô hình tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tăng vốn và tăng số lượng lao động, còn yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) chiếm tỷ trọng thấp. Thời kỳ 2011-2015, yếu tố TFP - yếu tố chất lượng, chiều sâu - chiếm 28,94%, thấp khá xa so với nhiều nước. Năm 2017, tỷ lệ này của Việt Nam cao hơn, nhưng vẫn còn thấp so với nhiều nước.
Chất lượng tăng trưởng thể hiện ở hiệu quả đầu tư và năng suất lao động. Hiệu quả đầu tư - hệ số ICOR còn cao: bình quân 2006-2015 ở mức trên 6,9 (tức là để tạo ra 1 đồng GDP phải đầu tư trên 6,9 đồng) - cao hơn thời kỳ 2001-2005 (4,88) và cao hơn Trung Quốc (6,4), Malaysia (5,4), Indonesia (4,64), Philippines (4,1)... Suất đầu tư tăng trưởng khả năng năm nay cũng cao hơn năm trước và cao hơn kế hoạch.
Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam thuộc loại khá cao, một mặt do số gốc so sánh (điểm xuất phát còn thấp), mặt khác do sự chuyển dịch cơ cấu lao động đang làm việc theo hướng tỷ trọng lao động đang làm việc ở nhóm ngành có năng suất lao động tuyệt đối thấp sang nhóm ngành có năng suất lao động cao hơn. Nhưng mức năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp so với các nước trong khu vực.
Thứ tư, đã xuất hiện một số vấn đề cản trở sự tăng bậc lên mức thu nhập cao hơn. Cơ cấu “dân số vàng” mới qua được mươi năm, nhưng có dấu hiệu bước vào thời kỳ già hóa tương đối nhanh, làm xuất hiện tình trạng “chưa giàu đã già”. Cơ cấu kinh tế sau mấy chục năm chuyển dịch tích cực, nhưng trong nhóm ngành nông nghiệp vẫn còn mang nặng tình trạng “lấy công làm lãi”. Ngành công nghiệp vẫn mang nặng tính gia công, lắp ráp, với trên một nửa giá trị công nghiệp và gần 3/4 xuất khẩu thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài. Nhóm ngành dịch vụ vẫn thiếu tính chuyên nghiệp, lao động phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn, nên năng suất và thu nhập không cao…