Gabriel Garcia Márquez

Cái chết vĩnh hằng bên kia tình yêu

Sáu tháng mười một ngày trước khi chết, ngài nghị sĩ Onésime Sanchez quen được người phụ nữ của đời mình. Ông gặp cô ở làng Cây Hồng Của Phó Vương, một ngôi làng hẻo lánh; ban đêm, đó là chỗ những chiếc thuyền buôn lậu lén lút ẩn mình nhưng dưới ánh nắng mặt trời chói chang nó chỉ phơi ra bộ mặt của một cái hốc lạc lõng và vô vị giữa sa mạc, đối mặt với biển cả khô khan và vô tận, cách biệt với mọi thứ đến độ người ta khó mà tin được rằng có ai đó có thể làm thay đổi số phận của một người khác. Cái tên làng cũng như một trò giễu chơi bời vì bông hồng duy nhất thấy được trong làng đã bị ngài nghị sĩ Onésime Sanchez xoáy khéo ngay trong đêm ông quen được Laura Farina.

Đó là một chặng dừng chẳng đặng đừng trong chiến dịch vận động tranh cử diễn ra mỗi bốn năm. Những chiếc xe chở hàng của đoàn đã đến từ sáng, tiếp theo sau là những chiếc xe tải chở đầy người da đỏ từ các làng bên đã được trả vài đồng peso để đến cho buổi lễ chính thức thêm phần đông đúc. Khoảng gần mười một giờ, trong tiếng nhạc xập xình, tiếng pháo ì đùng và đoàn xe jeep hộ tống, chiếc xe hơi nội các màu mật dâu xuất hiện. Ngài nghị sĩ Onésime Sanchez trông điềm tĩnh và không có tuổi trong chiếc xe hơi máy lạnh, nhưng khi cửa sổ xe mở ra một luồng hơi nóng ập vào làm ông rùng mình và chiếc áo sơmi lụa của ông mau chóng ướt đẫm chuyển thành màu cháo trắng nhờ. Ông đột nhiên cảm thấy mình già yếu hơn và đơn độc hơn bao giờ hết. Ông vừa mừng bốn mươi hai tuổi, đã từng vinh dự lãnh bằng kỹ sư luyện kim ở Göttingen1 và hoài công miệt mài đọc những bản dịch dở hơi các tác phẩm cổ điển Latin. Ông đã cưới một cô vợ người Đức thanh lịch sinh cho ông năm đứa con sống cả nhà vui vầy hạnh phúc và chính ông từng là người hạnh phúc nhất đời cho đến cách đây ba tháng, người ta thông báo rằng ông sẽ chết và chắc chắn chết vào kỳ Giáng sinh tới.

Trong khi người ta sửa soạn chuẩn bị cho buổi lễ chính thức, ngài nghị sĩ đã lánh mặt được hẳn một giờ trong ngôi nhà dành riêng cho ông để nghỉ ngơi. Trước khi ngả lưng, ông đặt vào một ly nước bông hồng mà ông đã giữ tươi nguyên xuyên suốt sa mạc, lấy một ít ngũ cốc ăn kiêng mà ông mang theo dùng thay bữa trưa để bớt ngán ngẩm món phá lấu dê đậy vung đang chờ vào buổi tối và uống một loạt thuốc giảm đau trước giờ quy định, mong được khuây khoả trước cơn đau dày vò. Sau đó ông cắm điện cái quạt máy gần chiếc võng và nằm trần như thế khoảng mười lăm phút dưới bóng bông hồng, luôn cố gắng hết sức giữ tinh thần thư giãn để không phải nghĩ đến cái chết khi chìm vào mộng mị. Ngoài các bác sĩ, không ai biết ông sắp về trời vì ông đã quyết định giữ bí mật cho riêng mình, không thay đổi gì cuộc sống của ông, không phải vì kiêu hãnh mà là vì e ngại.

- Chúng ta ở đây để chinh phục Tự nhiên, - ông lên tiếng với tất cả niềm tin của mình. - Chúng ta sẽ không còn là những đứa con rơi của tổ quốc, những kẻ mồ côi của Thượng đế nơi miền đói khát và mưa nắng thất thường, cũng không là kẻ lưu vong trên chính quê hương của mình. Chúng ta sẽ khác, thưa quý bà quý ông, chúng ta sẽ lớn mạnh và hạnh phúc.

Khoảng ba giờ chiều, ông cảm thấy hoàn toàn làm chủ được mình khi ra lại trước công chúng, vẻ đầy sảng khoái, mặc quần tây vải thô và áo sơmi in hoa, trong lòng khoan khoái sau khi thuốc có hiệu lực. Song le, bớt lo sợ chết chỉ là sự giả tạo trong suy nghĩ của ông vì khi bước lên sân khấu, ông nhận thấy một sự khinh miệt lạ kỳ trước những người đang tranh giành nhau cơ hội được bắt tay ông và không còn thương xót đám người da đỏ đi chân trần chịu đựng cái nóng rát bỏng trên nền đất khô cằn này nữa. Bằng một cái khoát tay, gần như là giận dữ, ông ra hiệu ngưng tiếng vỗ tay và bắt đầu nói không một cử động, mắt dán vào mặt biển đang bốc hơi nóng nghi ngút. Giọng ông chậm và trầm sâu nhờ nước uống lúc giải lao nhưng bài diễn thuyết học thuộc lòng và nhai đi nhai lại nhiều lần không phải dùng để nói lên sự thật; nó chỉ chống lại một phán quyết theo thuyết định mệnh trong quyển IV hồi ức của Marcus Aurelius2.

Đó là những công thức trong trò xiếc của ông. Trong khi ông nói, những người phụ tá ném lên trời những nắm gà mái bằng giấy, và những con vật giả đó như sống dậy, bay bay khắp trên sân khấu và nối nhau bay về phía biển. Cùng lúc đó, những người khác lôi từ xe tải ra những chậu cây giả dùng trong rạp hát có lá vẽ bằng bút phớt và đem trồng trên nền đất khô cằn phía sau đám đông lố nhố. Sau cùng, họ kéo màn trình diễn một khung cảnh làm giả bằng carton bột đúc với những ngôi nhà tường gạch đỏ au và cửa sổ lắp kính, che giấu đi bộ mặt tồi tàn trong cuộc sống thực.

Ngài nghị sĩ say sưa với bài diễn thuyết, trích dẫn hai câu nói tiếng Latin, để cho màn hài kịch thêm hoàn chỉnh. Ông hứa hẹn về những chiếc máy tạo mưa, về những chiếc máy chăn nuôi xách tay cho vật nuôi lấy thịt, về các loại dầu hạnh phúc giúp rau cải mọc được trên nền đất cằn khô và về những chùm bông giấy trên cửa sổ. Khi thấy không còn quên thứ gì trong thế giới tưởng tượng của mình, ông đưa tay chỉ:

- Chúng ta sẽ là như thế, thưa quý bà quý ông! - Ông hô vang. - Chúng ta sẽ là như thế! Hãy nhìn kỹ đi!

Công chúng quay lưng lại. Một chiếc tàu vượt biển bằng giấy vẽ ló ra phía sau các ngôi nhà, một chiếc tàu vượt biển cao hơn cả những ngôi nhà cao nhất thành phố vẽ. Ngài nghị sĩ là người duy nhất thấy lặp đi lặp lại cái cảnh kéo lên kéo xuống, kéo tới kéo lui này, cái ngôi làng carton được nâng cao này cũng bị nhuốm màu mưa nắng, và cũng nghèo nàn, cũng bụi bặm và buồn tẻ như làng Cây Hồng Của Phó Vương.

Lần đầu tiên trong mười hai năm qua, Nelson Farina không đến chào ngài nghị sĩ. Ông nghe bài diễn thuyết, nằm yên trên võng, giữa các quãng giải lao buổi trưa, dưới bóng mát ngôi nhà gỗ thô mà ông đã dựng lên bằng đôi tay dược sĩ của mình, chính đôi bàn tay ấy đã phân thây người vợ đầu của ông. Ông đã trốn khỏi nhà tù Cayenne3 để trở về Cây Hồng Của Phó Vương trên một chiếc tàu chở đầy những kẻ ba hoa vô tội, dẫn kèm theo một cô nàng da đen xinh đẹp đá cá lăn dưa gặp nhau từ hồi ở Paramaribo4 và đã sinh cho ông một cô con gái. Không lâu sau đó người vợ đã mất vì bệnh, nhưng không có may mắn như người vợ trước với phần xác còn lại được đem bón cho hàng suplơ trong vườn rau nhà. Bà được chôn cất nguyên vẹn trong nghĩa trang của làng, với tên gọi Hà Lan của mình. Cô con gái thừa hưởng làn da và vóc dáng của mẹ, và do đó người cha đôi mắt vàng vọt ngỡ ngàng cứ nghĩ rằng mình đang nuôi nấng người phụ nữ đẹp nhất trần đời.

Khi làm quen với ngài nghị sĩ Onésime Sanchez, hồi kỳ vận động tranh cử đầu tiên, Nelson Farina đã đề nghị ông ta giúp làm một thẻ căn cước giả hòng lẩn tránh pháp luật. Ngài nghị sĩ, dễ chịu nhưng kín kẽ, đã từ chối giúp. Nelson Farina nhất quyết không chịu thua; suốt nhiều năm liền, mỗi khi có dịp là ông ta nhắc lại lời đề nghị của mình, bằng cách này hay cách khác. Nhưng ông ta luôn nhận được cùng một câu trả lời. Vì vậy lần này ông ta nằm yên trên võng, chịu chết dí trong cái nóng hầm hập như lửa thiêu. Khi nghe tiếng vỗ tay hoan hô kết cục, ông ta vươn cổ nhìn, và qua những cọc rào, ông thấy được hậu trường của vở hài kịch: nền của những công trình giả, khung cốt của những chậu cây giả, những người phụ trợ ẩn mình phía sau đẩy chiếc thuyền vượt biển. Ông ta nhổ toẹt oán giận.

- Mẹ kiếp, - ông văng tục. - Đúng là trò hề chính trị*.

Khi diễn thuyết xong, theo thói quen ngài nghị sĩ đi một vòng quanh các con đường trong làng, với nhạc trống xập xình và pháo nổ bùm bụp, phụ hoạ thêm cảnh nhiều người ở góc đường bám lấy kể lể khó khăn cơ cực. Ngài nghị sĩ chân tình lắng nghe họ và luôn tìm được cách an ủi người này người kia mà không phải ban cho họ những ân huệ rắc rối. Một bà trèo hẳn lên mái nhà, dẫn kèm theo sáu đứa con, nói oang oang bất kể đám đông ầm ĩ và tiếng pháo ì đùng:

- Tôi không cần gì nhiều hết, thưa ngài nghị sĩ. Chỉ một con lừa để chở nước từ Giếng Người Chết Treo.

Ngài nghị sĩ trông thấy sáu đứa con đầy cáu bẩn, hỏi lại:

- Vậy chồng của bà để làm gì?

- Ông ấy đã đi tìm vận may ở đảo Aruba5, - bà ta trả lời vui vẻ. - Và thứ duy nhất ông ấy tìm được là một trong những con mụ chuyên nhét kim cương vào trong răng ở cái xứ đó.

Câu trả lời làm cho cả đám đông ồ cười.

- Sẽ ổn thôi, - ngài nghị sĩ trả lời. - Bà sẽ có con lừa.

Một lát sau, một người giúp việc của ông dẫn đến nhà bà ta một con vật mang vác, trên mạng sườn vẽ vĩnh viễn biểu tượng của cuộc vận động bầu cử, để cho không ai quên được có sự hiện diện của ngài nghị sĩ.

Trong chuyến diễn thuyết ngắn ngủi này, có vài chỗ làm cho ông để ý tới. Ông đút cả cháo cho một người bệnh đòi được dìu khỏi giường đưa ra tận cửa để nhìn ông đi qua. Ở góc đường, ông thấy Nelson Farina đang nằm trên võng, mắc giữa hàng cột trước sân; ông ta có mái tóc đang ngả màu hoa râm và khuôn mặt ủ dột. Ông lạnh nhạt chào ông ta.

- Ông khoẻ chứ?

Nelson Farina quay lại và chằm chặp nhìn ông với ánh mắt vàng vọt u buồn.

- Tôi, ngài biết rồi đó*, - ông ta trả lời.

Cô con gái ông ta vừa bước ra sân khi nghe hai người chào nhau. Cô mặc một chiếc váy vùng Guajira6 bình thường cũ kỹ, đầu quấn những dải ruban sặc sỡ và khuôn mặt lem nhem kem chống nắng. Bất kể dáng vẻ luộm thuộm này, cô gái vẫn khiến cho người ta tin rằng không có người phụ nữ nào đẹp hơn nữa trên mặt đất này. Ngài nghị sĩ nghe mình thở gấp.

- Khỉ gió thật! - ông thở dài, không khỏi ngạc nhiên. - Rõ là ông trời khéo sắp đặt!

Tối hôm đó, Nelson Farina cho con gái ăn vận những thứ đẹp nhất và cho đi đến gặp ngài nghị sĩ. Hai người lính gác mang súng ngắn đầu gật gù dưới cái nóng bức của ngôi nhà ra lệnh cho cô ngồi chờ trên cái ghế duy nhất ngoài tiền sảnh.

Ngài nghị sĩ đang ở phòng kế bên, trong cuộc họp với các vị thân hào làng Cây Hồng Của Phó Vương được mời đến để tiết lộ những sự thật ẩn giấu đằng sau những bài diễn thuyết của ông. Họ cũng giống như tất cả những người khác ông đã gặp trong các ngôi làng vùng sa mạc, cái xứ mà Onésime Sanchez đã ngán tận cổ những buổi họp tối như thế này. Chiếc áo sơmi ướt đẫm mồ hôi và ông định hong khô luôn cả thân mình bằng luồng hơi nóng của cái quạt điện đang kêu vo vo như một con muỗi khổng lồ trong căn phòng họp mạnh ai nấy ngủ gà ngủ gật.

- Chúng ta thì khác, chắc chắn rồi, chúng ta không mù quáng theo những con gà mái giấy, - ông nói.

- Các ngài và tôi chúng ta đều biết rằng cái ngày mà cây cối hoa cỏ mọc lên trên mảnh đất chó ăn đá gà ăn sỏi này, cái ngày mà cá lội trong mương trong giếng thay cho bầy loăng quăng, thì cũng là ngày mà cả các ngài lẫn tôi chẳng còn chuyện gì làm ở cái xứ này nữa. Các ngài vẫn nghe tôi đấy chứ?

Không ai trả lời. Trong khi nói, ngài nghị sĩ đã gỡ một tờ lịch và xếp hình một con bướm. Ông thảy nó ra trước luồng gió cánh quạt, không vì một lý do nào. Con bướm bay vòng quanh trong phòng rồi lao thẳng ra phía cánh cửa hé mở. Ngài nghị sĩ tiếp tục nói với một sự tự tin được củng cố bằng sự đồng loã của cái chết.

- Vì vậy, - ông ta nói, - tôi không cần phải lặp lại với các ngài điều mà các ngài vẫn biết rõ: tôi tái đắc cử là cách tốt nhất cho các ngài cũng như bản thân tôi, bởi vì cho tới bây giờ tôi vẫn điều khiển được cuộc sống nhớp nháp và sức lao động của người da đỏ, trong khi các ngài, các ngài sống nhờ vào điều đó.

Laura Farina trông thấy con bướm giấy bay ra ngoài. Cô là người duy nhất thấy nó bởi vì những người lính gác ngoài tiền sảnh đã ngủ gục trên băng ghế, súng vẫn bồng trên tay. Sau vài vòng, con bướm giấy lịch to đùng ấy duỗi thẳng ra ép bẹp dí lên tường rồi dính luôn ở đó. Laura Farina cố gỡ nó ra bằng con dao nhíp. Một người lính vừa tỉnh dậy bởi tiếng vỗ tay hoan hô ở phòng bên, nhận thấy cô đang cố làm một việc thật vô ích.

- Không có gỡ nó ra được đâu, - anh ta ngái ngủ nói. - Người ta vẽ lên tường mà.

Laura Farina quay trở lại ghế ngồi khi các quý ông rời cuộc họp bước ra. Ngài nghị sĩ đứng ở cửa phòng, vịn nắm tay cầm, và chỉ nhìn thấy Laura Farina khi ngoài tiền sảnh không còn một ai.

- Cô làm gì ở đây?

- Là để thay mặt cho cha tôi*, - cô nói.

Ngài nghị sĩ hiểu ra. Ông liếc nhìn những người lính gác đang ngủ gục, sau đó liếc nhìn Laura Farina trong vẻ đẹp không tưởng tượng nổi đang thúc giục ông còn gấp gáp hơn cả nỗi đau dày vò và cho ông thấy rõ cái chết đã định sẵn. ​