Hướng dẫn làm bài văn nghị luận xã hội về câu nói của Ăng - ghen: "Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị" lớp 8 hay nhất. Con người ta sinh ra và lớn lên dưới một môi trường được giáo dục bởi cha mẹ, thầy cô và những người xung quanh. Mỗi ngày chúng ta học thêm được một điều mới, những kiến thức hữu ích cho cuộc sống mai sau. Đó trở thành hành trang không thể thiếu khi ta bắt đầu trưởng thành và tự lập lo cho cuộc sống của chính mình. Trong hành trang quý báu ấy chúng ta không thể thiếu lòng khiêm tốn và sự giản dị - những đức tính quý báu của con người. Trong chương trình ngữ văn lớp 8, các em học sinh bắt đầu đi sâu hơn vào thể loại văn nghị luận xã hôi, trong đó các em sẽ được tiếp cận và tìm hiểu về câu nói của Ăng-ghen:" "Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị" để hiểu thêm và góp phần tu dưỡng đạo đức. Dưới đây là bài văn hướng dẫn làm bài văn nghị luận về câu nói của Ăng-ghen:" "Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị" lớp 8 hay nhất để các bạn tham khảo nhé.

BÀI LÀM 1 NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ CÂU NÓI CỦA ĂNG- GHEN:" TRANG BỊ QUÝ BÁU NHẤT CỦA CON NGƯỜI LÀ KHIÊM TỐN VÀ GIẢN DỊ"

Con người ta đều là những nhà thám hiểm của cuộc đời, ta mang trên vai một chiếc balo mà trong đó chứa đựng những hành trang quý báu để chúng ta trưởng thành dần theo tháng năm. Như Ăng-ghen từng nói rằng "Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị"

Trước hết chúng ta nên hiểu về những đức tính quý báu này của con người. Khiêm tốn là có ý thức và thái độ khiêm nhường trước sự đề cao, khen ngợi của người khác dành cho mình, không kiêu căng, tự mãn hay là tự cho bản thân mình hơn người. Còn giản dị là một cách sống đơn giản tự nhiên, không quá cầu kì nhưng không có nghĩa là sơ sài của con người. Hai đức tính ấy đã trở thành hành trang quý báu và là phẩm chất tốt đẹp mà mỗi người cần có khi bước vào đời. chính những đức tính ấy sẽ nâng cao giá trị đích thực của con người.

Vì sao chúng ta cần khiêm tốn? Bởi lẽ, đó là đức tính quý báu của con người, giúp con người ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Đức tính ấy được thể hiện trong cuộc sống với nhiều bình diện khác nhau như trong giao tiếp, công việc, học tập,.. Nếu chúng ta có đức tính ấy sẽ luôn được mọi người xung quanh yêu quý. Từ đó ta sẽ học hỏi được nhiều điều hơn từ mọi người. Vả lại, khiêm tốn khiến bản thân luôn có một nguồn động lực để phấn đấu và nỗ lực, không ngừng vươn lên để hoàn thiện chính mình. Còn giản dị là cách sống làm nên vẻ đẹp tiềm ẩn của con người. Giản dị thể hiện trong cách sinh hoạt đời thường, cách giao tiếp,.. chính sự giản dị giúp con người trở nên hòa đồng hơn với xã hội. Như Bác Hồ- vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc nhưng cuộc sống hết sức giản dị và khiêm tốn. Như nơi ở và làm việc là ngôi nhà sàn đơn sơ, trang phục của Bác là bộ ka ki đã sờn, đôi dép cao su cũ đầy vết đinh, bữa ăn thường là những món dân dã,... Người luôn khiêm tốn với tất cả mọi người kể cả những người giúp việc, Bác luôn thân mật gọi là cô hay chú, luôn trân trọng. Cho đến khi Bác mất, di chúc Người còn dặn dò: "sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân "

Suy cho cùng, khiêm tốn và giản dị không hề làm giảm giá trị của bản thân trước mọi người mà ngược lại sẽ được mọi người tôn trọng và yêu quý.

Qua câu nói của nhà bác học Ăng-ghen đã thể hiện một quan niệm nhân sinh sâu sắc để con người nhìn vào đó mà học tập, trau dồi và phát huy những phẩm chất tốt đẹp ấy, hoàn thiện bản thân hơn. Ngước lại trong xã hội ta càng phải phê phán những kẻ sống ngạo mạn, kiêu căng, luôn tự cho là mình tài giỏi hay những kẻ luôn sống phô trương khoe khoang trước mặt mọi người. Chính vì vậy, khi con người hiểu biết về câu nói này, hành trang của họ sẽ có sự khiêm tốn và sự giản dị, họ sẽ tự tạo ra những giá trị đích thực cho bản thân. Nhưng, khiêm tốn không có nghĩa là trong mọi hoàn cảnh phải cúi mình một cách đơn hèn là mất đi sự tôn nghiêm của bản thân, giản dị không có nghĩa à sống tạm bợ và xuề xòa, dễ dàng cho qua mọi thứ, trở nên dễ dãi trong cuộc sống. Vì vậy ta luôn phải dung hòa và chọn ra một cách sống ý nghĩa nhất cho bản thân mình.

Khiêm tốn và giản dị luôn khiến con người sống một cách mực thước và hướng đến sự hoàn thiện hơn. Vì thế mà câu nói của Ăng-ghen mang giá trị rất sâu sắc đang được học hỏi và phát huy.

BÀI LÀM 2 NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ CÂU NÓI CỦA ĂNG - GHEN: "TRANG BỊ QUÝ NHẤT CỦA CON NGƯỜI LÀ KHIÊM TỐN VÀ GIẢN DỊ"

Ăng- ghen có một câu nói: "Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị". Hiểu và suy ngẫm, ta thấy câu nói trên hoàn toàn đúng đắn.

Đầu tiên chúng ta cần hiểu “khiêm tốn” và “giản dị” là gì. Khiêm tốn là một thái độ sống tích cực, một cách làm phong phú thêm kiến thức, kinh nghiêm của bản thân từ cuộc sống. Thái độ khiêm tốn thể hiện qua từng lời nói, hành động và cử chỉ một cách thật tâm đối với mọi người. Trong các mối quan hệ, người khiêm tốn không thể hiện mình là một người kiêu kì, kiêu căng, tự phụ đối với những điều mà mình hơn người hay được người khác khen ngợi. Không tự ti nhưng luôn khiên nhường, có thái độ và tinh thần học hỏi cũng như giúp đỡ mọi người. Người khiêm tốn có khả năng học hỏi được nhiều điều trong cuộc sống và cũng được nhiều người yêu mến vì thái độ chân thành, dễ gần.

Giản dị là cách sống không cầu kì, xa hoa, cách sống sao cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh cá nhân. Sự giản dị thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau: từ cách sử dụng vật chất, lời ăn tiếng nói hằng ngày, cách hành xử của mỗi người, cử chỉ, cách thể hiện bản thân. Người giản dị không ưa những điều quá cầu kì mà luôn đơn giản hóa những khía cạnh trong cuộc sống, gần gũi, thân thiện, dễ vừa lòng. Còn “trang bị” nghĩa là những điều cần được cung cấp trong cuộc sống này.

“Khiêm tốn” và “giản dị” là hai đức tính mà theo Ăng- ghen là hai đức tính được xem là trang bị quý giá nhất của con người. Tức là cuộc sống của con người muốn đạt được những điều thành công, như ý, muốn trở thành một người hạnh phúc và có ích thì cần có sự khiêm tốn và giản dị. Vì sao ư? Chúng ta cần khiêm tốn vì chúng ta hiểu rằng xung quanh ta có vô cùng nhiều tài năng mà ta chỉ là một hạt cát trên sa mạc, ta không phải trung tâm vũ trụ để kiêu kì cũng không phải là người quá tài giỏi để tự phụ.

Hơn thế, một người dành cả đời mình để học cũng chưa thể học hết tri thức nên phải biết khiêm tốn, biết có tinh thần học hỏi và đừng thỏa mãn với khả năng hiện tại của mình. Chúng ta cũng cần giản dị bởi cầu kì xa hoa chính là cái mà tạo nên khoảng cách giữa moi người. Hãy cứ giản dị, đơn giản nhiều nhất có thể, không chỉ ở của cải vật chất khi nước ta còn là một nước nghèo mà còn là trong cách thể hiện bản thân, đừng cầu kì mà hãy lấy chân thành làm gốc. Người khiêm tốn và giản dị không chỉ dễ gần, hòa đồng mà còn đáng được học hỏi, điều này khiếm cho nhiều người yêu quý họ.

Một người mà vô cùng khiêm tốn và giản dị đó chính là Bác Hồ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Bác trong lòng mỗi con dân Việt Nam và bạn bè năm châu chính là một vĩ nhân, tài năng của Người là không một ai có thể phủ định và mọi người ai cũng kính phục Bác vô cùng vì điều ấy. Nhưng Bác thì lại là một con người luôn khiêm tốn và đặc biệt là vô cùng giản dị. Bác luôn không bao giờ tự hào thái quá về những hiểu biết của bản thân, luôn có ý thức học hỏi thêm cho dù là ở thời điểm nào, trong hoàn cảnh nào. Bác có lẽ cũng là vị chủ tịch duy nhất trên thế giới trước đây, hiện tại và sau này sống một lối sống giản dị kể từ những món ăn dân giã đến cách ăn mặc giản dị: bộ kaki cũ và đôi dép cao su. Đến cách nói chuyện, sinh hoạt của Bác cũng vô cùng giản dị khiến cho không ai là không yêu quý Bác. Vì vậy, ngay trong năm điều Bác dạy thanh niên cũng có hai đức tính khiêm tốn và giản dị.

"Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị". Sống khiêm tốn và giản dị chính là chìa khóa cho một cuộc sống tốt đẹp và lành mạnh.