Hướng dẫn làm bài văn nghị luận về câu nói; "Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó/ Có tài mà không có đức là kẻ vô dụng lớp 8 hay nhất. Trong xã hội luôn có những biến chuyển không ngừng, thay đổi từng giây từng phút thì con người đôi khi họ mất cân bằng và lúng túng khi đứng trước những thử thách. Có thể họ có tài năng, nhưng đôi lúc họ dùng tài năng ấy làm những chuyện trái đạo làm thui chột đạo đức nhưng cũng có nhiều người, họ có một cái tâm sáng nhưng khi gặp khó khăn, họ lại loay hoay không biết làm gì cho phải. Hai tạng người ấy xuất hiện trong cuộc sống khá phổ biến và nó đã trở thành một câu nói mang tính chiêm nghiệm khi ta nghĩ về họ:"Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó/ Có tài mà không có đức là kẻ vô dụng". Tài và đức luôn là hai điều phải song hành, khi hiểu được điều đó con người sẽ thành công. Đối với những học sinh lớp 8, khi mới tìm hiểu về câu nói này còn nhiều điều chưa thể hiểu sâu nên dưới đây là bài làm văn nghị luận về câu nói; "Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó/ Có tài mà không có đức là kẻ vô dụng lớp 8 hay nhất để các bạn tham khảo nhé.

BÀI LÀM 1 NGHỊ LUẬN VỀ CÂU NÓI:" CÓ ĐỨC MÀ KHÔNG CÓ TÀI LÀM VIỆC GÌ CŨNG KHÓ/ CÓ TÀI MÀ KHÔNG CÓ ĐỨC LÀ KẺ VÔ DỤNG" LỚP 8 HAY NHẤT.

Chữ đức và tài luôn là hai chữ mà chúng ta luôn phải tìm cách dung hòa để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Chính vì vậy nên người xưa thường nói rằng:" có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó/ có tài mà không có đức là kẻ vô dụng"

Câu nói với hai vế có ý nghĩa bổ sung cho nhau đã khẳng định một điều rằng con người luôn phải đặt chữ "đức" làm đầu rồi mới đến chữ "tài". Bởi như câu nói trên khi ta có đức mà không có tài thì làm mọi chuyện rất khó khăn nhưng ít nhất chúng ta không đánh mất đạo đức, nhân phẩm, tính người. Còn khi ta có tài mà mất đức thì con người luôn bị hủy hoại bởi những thứ xấu xa, không thể nào thành công làm bất cứ điều gì và cuối cùng trở thành kẻ vô dụng, bị xã hội ruồng bỏ.

"Đức" là đạo đức, phẩm hạnh mà mỗi con người từ bé đến khi trưởng thành luôn được giáo dục phải hướng tới và giữ gìn nó. Khi ta có đức, ta sẽ làm mọi thứ theo sự chỉ dẫn của lương tri. Không bị lầm đường lạc lối, bị dẫn dắt bởi thứ xấu xa và đen tối. Con người lúc ấy sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc và không phải đau khổ hay hối hận vì những sai lầm mà mình gây ra. Có thể họ không có tài năng vượt trội, làm bất cứ điều gì cũng khó khăn nhưng chỉ cần có tâm, và sự nỗ lực đúng đắn, hãy cứ chờ đợi, để thời gian trả lời tất cả. Còn ngược lại, một người tài năng nhưng lại thiếu hụt đạo đức. Họ luôn tìm cách đạt được mọi thứ bằng mọi giá mà điều đó có thể làm tổn hại, tổn thương những người xung quanh. Khi trong lòng mang tà niệm xấu xa, tâm không thiện thì cho dù thành công, họ vẫn phải gánh chịu sự khổ sở về tinh thần, dẫn đến những suy nghĩ lầm lạc không đáng có và hủy hoại chính bản thân mình. Điều đó khiến họ trở thành những kẻ vô dụng.

Vậy bản thân mỗi người nên làm gì để chúng ta trở thành những có ích cho xã hôi? Trước hết hãy tu dưỡng đạo đức, biến nó thành nền tảng để phát triển những khả năng khác của bản thân. Luôn hướng đến những điều tốt đẹp và không có ý nghĩ tham lam, cực đoan muốn đạt được những thứ không phải của mình. Sau đó ta mới nghĩ đến việc cải thiện khả năng tư duy của bản thân. Căn nguyên của tài năng có lẽ không chỉ là sự thông minh sẵn có mà nó còn nằm ở sự nỗ lực, phấn đấu và rèn luyện trong một quá trình dài đầy khó khăn và chắc chở. Chỉ cần con người có đạo đức tốt, ý chí mạnh mẽ thì mọi điều ta mong muốn đều có thể đạt được, chỉ phụ thuộc vào yếu tố thời gian.

Trong xã hội hiện nay, có nhiều kẻ có tài năng nhưng luôn dùng nó để làm những điều xấu xa, phục vụ cho mục đích kinh tế đen tối. Những kẻ ấy đáng bị pháp luật trừng trị và lên án. Bên cạnh đó cũng có những người có đạo đức, có ý chí và quyết tâm, họ vươn lên một cách chính trực và không làm tổn hại đến bất kì ai. Nhưng muốn hướng đến thành công, thiết nghĩ ta phải dung hòa giữa đức và tài, có tài thì phải rèn cái đức, có đức ta phải cố gắng để bù đắp tài năng. Khi có cả hai yếu tố, ta sẽ trở thành một con người có ích cho xã hội và làm được những điều ta hằng mong muốn.

Những gì mà con người luôn hướng tới đều là những điều lớn lao và tốt đẹp nhưng để thực hiện chúng lại khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, con người luôn phai trau dồi phẩm chất và tài năng để trở thành con người tốt đẹp.

BÀI LÀM 2 NGHỊ LUẬN VỀ CÂU NÓI: "CÓ ĐỨC MÀ KHÔNG CÓ TÀI THÌ LÀM VIỆC GÌ CŨNG KHÓ/ CÓ TÀI MÀ KHÔNG CÓ ĐỨC LÀ KẺ VÔ DỤNG

Hồ Chủ Tịch đã từng khuyên thanh niên một câu: "Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó/ Có tài mà không có đức là kẻ vô dụng". Hiểu câu nói ấy, ta thấy Người dạy rất phải.

Câu nói bàn về vấn đề xoay quanh chữ "đức" và chữ "tài". Đức ở đây là nói đến đạo đức, nhân cách của một con người còn tài là đang nói đến tài năng, khả năng của một con người. Đây là hai yếu tố cơ bản để cấu thành nên giá trị của một con người bởi đức và tài đều không phải là những thứ tự nhiên con người ta có thể có mà phải trải qua một quá trình rèn luyện và tu dưỡng mới hình thành được. Về mức độ thì đều phải tuỳ thuộc vào quá trình tu dưỡng này. Theo như Bác nói thì "người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó" nghĩa là một người có đạo đức nhưng năng lực không có, tài năng không đủ thì sẽ khó khăn trong làm rất nhiều việc. Còn "có tài mà không có đức là kẻ vô dụng" tức là nói một người cho dù có tài năng đến đâu mà không có đạo đức, nhân cách tốt đẹp thì tài năng ấy cũng uổng phí, trở thành một kẻ vô dụng. Câu nói đã cho ta thấy phần nghiêng của cán cân đức và tài đồng thời cho ta thấy tầm quan trọng của cả hai như thế nào đối với một con người.

Con người sống trên đời không phải cứ việc tồn tại là sẽ hoàn thành chữ "Người" vốn có mà phải làm sao cho xứng đáng với chữ "Người" ấy, đã là một con người thì phải có nhân cách, mà hơn hết đó là nhân cách tốt đẹp, hay nói cách khác, đó là đạo đức. Đạo đức ấy đó là cư xử hành thiện, tu nhân tích đức, có đạo đối nhân xử thế phải lẽ, biết thế nào là điều hay lẽ phải, biết tránh xa những việc làm xấu, việc làm sai trái có hại cho người khác. Cái “đức” chính là gốc rễ của lối sống đẹp, là nền tảng để con người sống tốt đẹp hơn đồng thời tạo ra các giá trị đem lại sự tốt đẹp cho người khác. Về phần tài năng, đây là một năng lực mà ai cũng mong có, tài năng, khả năng hay nói cách khác đó là trình độ học vấn hay năng lực trên một lĩnh vực nào đó cũng là phần vô cùng cần thiết trong cuộc sống. Muốn làm bất cứ một điều gì cũng cần có kiến thức, quan trọng hơn là có tài năng. Chỉ những người có đủ năng lực thực sự mới có khả năng gánh vác những trách nhiệm, trọng trách lớn vì vậy họ là những người được trọng dụng hơn cả so với những người bình thường. Có thể nói, chính tài năng là chìa khóa cho sự thành công trên mọi lĩnh vực đời sống. Vậy cái “đức” quan trọng hơn hay là cái “tài” quan trọng hơn? Như Bác đã nói: “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Nếu một người có đầy đủ đạo đức, nhân cách nhưng không có tài năng thì đối với một số việc, không có đủ kiến thức, muốn hoàn thành thì là một việc rất khó khăn. Còn “Có tài mà không có đức là kẻ vô dụng”, một người có tài năng mà không có đạo đức, cho dù thuận lợi cho bất cứ công việc gì cũng không nhằm mục đích tốt đẹp, vì lòng nhân thì ngược lại, rất có thể đó là một tài năng gây hại cho con người, cho tổ quốc, đó là một kẻ vô dụng. Vậy có thể nói chữ “đức” quan trọng hơn chữ “tài”, có thể có đức mà không có tài, tuy khó khăn trong công việc nhưng sống tốt đẹp, nhiều người quý mến còn chỉ có tài mà không có đức thì chẳng là gì cả. Vì vậy, con người trước khi muốn trở thành người tài thì hãy trở thành một người có đức trước thì khi trở thành người tài, cái tài ấy mới đáng được công nhận.

"Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó/ Có tài mà không có đức là kẻ vô dụng". Hãy là một người vừa có đức lại vừa có tài để trở thành một người có ích cho xã hội, niềm tự hào của gia đình.