Hướng dẫn học sinh lập dàn ý và bài văn mẫu bài tập làm văn số 4, bài viết số 4 ngữ văn lớp 11 câu 2c

Vũ Trọng Phụng là một trong những cây bút hiện thức xuất sắc đặc biệt là ngòi bút trào phúng trong văn học hiện thức. Ông từng quan niệm : Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết, còn tôi và các nhà văn cùng trường phái như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời. Qua đó để thấy được, ông rất coi trọng việc phản ánh chân thực hiện thực cuộc sống với tất cả những gì phong phú và bề bộn của nó dù nó nên thơ hay xấu xí, cả rồng phượng lẫn rắn rết, cả cái cao cả thấp hèn lẫn cái bi hùng trác tuyệt. chính vì thế tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng là một bức tranh tổng quát toàn diện về mọi mặt của đời sống, qua đó tố cáo và châm biếm những ung nhọt ở đời. Một trong những tiểu thuyết làm nên tên tuổi của ông đó là “Số Đỏ”. Đặc biệt qua đoạn trích “Hạnh phúc một tang gia” đã thể hiện đặc sắc nghệ thuật châm biếm của nhà văn. Vậy thì hôm nay mình sẽ giúp các bạn bài viết số 4 lớp 11 câu 2c : nghệ thuật châm biếm sắc sảo của Vũ Trọng Phụng qua đoạn trích “Hạnh phúc một tang gia” nhé. với đề bài này các bạn cần phân tích nghệ thuật trào phúng ở các khía cạnh như nhan đề, mẫu thuẫn trào phúng, cách xây dựng nhân vật nhé. Mời các bạn tham khảo bài làm dưới đây.

LẬP DÀN Ý BÀI VIẾT SỐ 4 CÂU 2C LỚP 11: NGHỆ THUẬT CHÂM BIẾM ĐẶC SẮC CỦA VŨ TRỌNG PHỤNG QUA ĐOẠN TRÍCH “HẠNH PHÚC MỘT TANG GIA”.

1.MỞ BÀI:

Giới thiệu vấn đề.

2.THÂN BÀI:

- Nghệ thuật châm biếm:

- Tạo nên những tiếng cười bằng cách phóng đại những cái ngược đời, trái lẽ tự nhiên, đả kích, tố cáo hiện thực xã hội.

- Biểu hiện:

- Nhan đề: đầy tính mỉa mai, châm biếm một hiện tượng trái lẽ thường:tang gia-hạnh phúc.

- Tình huống trào phúng:

- Sự kiến đám tang, một trong những bi kịch của nhân sinh, là một việc buồn thương, tang tóc ấy thế mà ở đây lại là hạnh phúc.

- Nhờ tình huống này, tính cách nhân vật được bộc lộ rõ bản chất xấu xa, bẩn thỉu, bất nhân, vô nghĩa của lũ con cháu.

- Nhân vật với những cử chỉ, hành động lời nói đầy tính châm biếm.

- Lựa chọn được những chi tiết châm biếm đặc sắc: cảnh hạ huyệt.

- Giọng điệu ngôn ngữ châm biếm.

- Bằng tất cả những yếu tố đấy, Vũ Trọng Phụng đã bóc trần bản chất trắng trợn, giả nhân giả nghĩa, vô nhân đạo của lũ con cháu hám tiền của cụ cố Hồng.

3.KẾT BÀI:

Khẳng định tài năng của tác giả.

BÀI VĂN SỐ 4 LỚP 11 CÂU 2C : NGHỆ THUẬT CHÂM BIẾM ĐẶC SẮC QUA ĐOẠN TRÍCH “HẠNH PHÚC MỘT TANG GIA”

Vũ Trọng Phụng là một cây bút trào phúng xuất sắc của văn học hiện thực Việt Nam. Với cách viết trào phúng, mỉa mai, châm biếm ông đã biến các tác phẩm của mình trở thành vũ khí sắc bén chọc thủng những ung nhọt của xã hội tư sản thành thị lúc bấy giờ qua dó thấy được bản chất của xã hội đương thời mà đoạn trích “Hạnh phúc một tang gia” là minh chứng tiêu biểu cho nghệ thuật châm biếm đặc sắc của ông.

“Hạnh phúc một tang gia” là trích đoạn trong tiểu thuyết “Số Đỏ” của Vũ Trọng Phụng. đoạn trích xoay quay sự kiện cụ cố tổ mất và sự hả hê sung sướng của đám con cháu vô nhân đạo, giả nhân giả nghĩa khi cái chúc thư kia đã đi vào thời kì thực hành đúng nghĩa. Ngay từ nhan đề của đoạn trích Vũ Trọng Phụng đã cho thấy sự bất thường và phần nào hé mở bản chất của xã hội tư sản thành thị hám tiền lúc bấy giờ. Tang gia là gia đình có người mất, đó là một trong những việc đại sự và là sự tang thương, buồn bã, đau đớn. cái chết là một trong bốn bi kịch vĩnh cửu của con người đó là: sinh-li-tử-biệt. Ấy thế mà ở đây đối lập hẳn với sự buồn thương, xót xa, đau đớn lại là niềm hạnh phúc tột cùng. Như vậy cách đặt nhan đề đầy tính mỉa mai, châm biếm của Vũ Trọng Phụng đã hé mở cho người đọc thấy điều bất thường, một sự trái với luân thường đạo lí tự nhiên. Đó cũng chính là bộ mặt của xã hội tư sản thành thị hám tiền lúc bấy giờ. Thì ra, là bởi nhờ có cái đám tang thật này mà lũ con cháu mới được dịp chia tài sản và cái chúc thư kia chính thức đi vào thời kì thực hành thật sự chứ không còn là lời nói suông. Như vậy, nỗi buồn trong đám tang trở thành niềm hạnh phúc, sung sướng tột cùng. Đây là tình huống sắc sảo vì nhờ đó đã lột tả được bản chất thật cua những con người bị quay cuồng bởi dục vọng mà sẵn sàng bán rẻ lương tâm, đạo đức, từ bỏ lòng thương và chữ hiếu chung để bị sai khiến trở nên bỉ ổi, ghê tởm trước sức mạnh của đồng tiền. Là ông Phán mọc sừng, là thằng Xuân Tóc Đỏ, là bà phó Đoan, là cụ cố Hồng.

Vũ Trọng Phụng còn cho thấy nghệ thuật châm biếm sắc sảo của mình khi tạo dựng được những chân dung biếm họa. Trước hết là chân dung đám đông, những kẻ đi đưa đám không một chút xót thương, mà đám tang đã trở thành nơi để bọn chúng hẹn hò nhau, mồi chài và ghen tuông nhau; còn các ông già thì được dịp khoe những bộ râu đủ kiểu, những loại huân huy chương đủ loại, những bộ trang phục đắt tiền, sang trọng, còn cô Tuyết thì được dịp khoe đôi bồng đào lấp lò trong tà áo lụa, ông Phán thì băn khoăn chỉ vì không biết xử trí với Xuân khi thế nào khi đã gây ra hai cái tội nhỏ một cái ơn to là làm cụ cố tổ chết đi. Hay ở cuối đoạn trích là hình ảnh cậu Tú Tân hí hửng để khoa cái máy ảnh mà chưa được tác nghiệp, nhảy hết lên những ngôi mộ xung quanh và bắt mọi người tạo dáng đủ kiểu. Như vậy đằng sau bộ mặt ra vẻ buồn thương ấy là sự trơ tráo, bất nhân bất nghĩa vô liêm sỉ của mọi hạng người, mọi đối tượng. tất cả hiện lên như một màn kịch lỗ lăng và trên đó là các nhân vật biếm họa đều diễn thành công vai diễn của mình.

Với ngôn ngữ trào phúng, giọng điệu mỉa mai châm biếm, Vũ Trọng Phụng đã bắt trúng được bản chất của xã hội tư sản thành thị lúc bấy giờ bằng cách khai thác sự đối lập, mâu thuẫn sâu sắc giữa nội dung bên ngoài và hình thức bên trong để bóc trần bộ mặt trắng trợn, vô nhân đạo, vô liêm sỉ của đầy đủ các hạng người trong xã hội bấy giờ.