Khi học các tác phẩm, văn bản là truyện hay đoạn trích trong các tiểu thuyết văn học, giáo viên đều yêu cầu học sinh tóm tắt lại. Việc đó giúp ta nắm vững nội dung tác phẩm hơn, đồng thời đó cũng là cách để củng cố một kĩ năng mà ta đã học ở lớp 6, đó là cách thâu tóm, tóm tắt nội dung văn bản. Ở chương trình Ngữ văn lớp 12, trong học kỳ II sẽ học kha khá các tác phẩm truyện, trong đó “Vợ chồng A Phủ” là bài đầu tiên, đồng thời cũng là bài trọng tâm. Bởi vậy, việc tóm tắt được tác phẩm này là vô cùng quan trọng. Khá nhiều học sinh gặp vấn đề khó khăn trong việc tóm tắt tác phẩm này: người thì tóm tắt quá dài, không xác định rõ được đâu là sự kiện trọng yếu, đâu là phụ, dẫn đến không khác gì kể lại hết toàn bộ; người thì lại quá ngắn, những cái quan trọng thì thiếu, dẫn đến bản tóm tắt không hoàn chỉnh... Vì thế nên hôm nay chúng tôi đã đưa ra dưới đây 2 bài tóm tắt văn bản “Vợ chồng A Phủ” trong sách giáo khoa 12. Hai bài với 2 cách tóm tắt khác nhau, hi vọng rằng nó có ích với các bạn để từ đó biết cách tóm tắt các bài học tiếp theo.

ĐOẠN VĂN TÓM TẮT VỢ CHỒNG A PHỦ SỐ 1

Mị vốn là cô gái tuổi trẻ xinh đẹp, nhưng vì món nợ của cha mẹ mà bị bắt về làm con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra. Sau khi bị bắt về, lúc đầu, Mị phản kháng, nghĩ đến việc ăn lá ngón tự tử nhưng rồi thương cha, Mị buông xuống, “sống lùi lũi như con rùa nơi xó cửa”. Tết đến, trong đêm tình mùa xuân, Mị muốn đi chơi nhưng A Sử - chồng Mị đã trói đứng Mị lại vào cột nhà. Còn A Phủ là một chàng trai trẻ trong làng đã đánh A Sử và bị bắt, phải đền tiền, phạt vạ. Sau vụ xử kiện, A Phủ trở thành người đi ở trừ nợ của nhà thống lí. Một lần, A Phủ đi chăn bò thì bị hổ bắt mất một con, bị trói vào cột nhà, khi nào giết được con hổ mới tha cho. Mị đã cảm thương và quyết định cắt dây trói cho A Phủ, 2 người cùng trốn đến Phiềng Sa, nên vợ nên chồng, giác ngộ Cách mạng, trở thành du kích đánh Pháp, bảo vệ quê hương.

ĐOẠN VĂN TÓM TẮT VỢ CHỒNG A PHỦ SỐ 2

Câu chuyện “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài kể về Mị và A Phủ, hai con người trẻ tuổi nhưng bị phong tục cổ hủ, mê tín chèn ép cuộc sống. Mị vốn là một cô gái xinh đẹp, tài giỏi, đảm đang tháo vát. Vì món nợ truyền đời của cha mẹ còn trẻ mãi chưa trả hết được mà Mị bị A Sử bắt về làm con dâu, nhưng thực chất là con dâu gạt nợ. Mất đi cuộc sống tự do, Mị phản kháng mãnh liệt, đêm nào cũng khóc, có cơ hội là tìm ngay nắm lá ngón để ăn mà tự tử. Nhưng gặp cha, nhìn cha, nghe cha nói, Mị lại từ bỏ, bởi Mị không thể nào để cha lại một mình với món nợ ấy. Tấm lòng hiếu thảo khiến Mị quay về, chấp nhận một sống cuộc không khác nào con trâu con ngựa tại nhà thống lí. Những tưởng tâm hồn Mị đã cạn kiệt sức sống từ lâu, nhưng hóa ra nó lại tiềm ẩn sâu bên trong, để đến đêm tình mùa xuân, nương theo men rượu cùng tiếng sáo, Mị trở về là chính Mị ngày nào. Rồi Mị muốn đi chơi, Mị sửa soạn thật đẹp nhưng lại bị A Sử - chồng Mị bắt ở nhà, trói Mị lại vào cột nhà. Tiếng sáo kết thúc, Mị trở lại thực tại và nhận ra thân phận đầy đớn đau của mình. Cũng trong đêm ấy, A Phủ - một chàng trai cương trực, công bằng đã đánh A Sử bị thương vì hành động xấc xược của gã nên đã bị bắt về xử phạt, trở thành con ở gạt nợ cho nhà thống lí. Sau đêm ấy, cuộc sống của Mị lại trở về như cũ. Đến mùa đông, A Phủ không may để hổ bắt mất một con bò trong đàn nhà thống lí nên bị trói lại vào cột nhà. Mỗi đêm Mị thổi lửa hơ tay đều thấy A Phủ ở đó nhưng chẳng mảy may suy nghĩ gì. Nhưng khi thấy dòng nước mắt của A Phủ, Mị chợt thấy cảm thương, thấy bất bình phẫn nộ. Rồi sau đó, Mị tiến đến cởi trói cho A Phủ, hai người chạy biệt đi khỏi căn nhà đã làm khổ họ bao lâu, cùng nhau tới Phiềng Sa, nên duyên vợ chồng, giác ngộ Cách mạng mà tham gia vào đội ngũ du kích đánh phá giặc Pháp, bảo vệ đồng bào, quê hương.