Hát ru là loại hình âm nhạc xuất hiện sớm ở Việt Nam. Nếu sinh ra ở vùng quê thì ai cũng từng được trực tiếp nghe tiếng "à ơi..." ngọt ngào, êm dịu của các bà, các mẹ, các chị, các cô (đôi khi là cả các ông và các anh) ru cháu, con. Có thể coi âm thanh tiếng sáo diều vi vu, tiếng đàn bầu thánh thót và tiếng hát ru bổng trầm tha thiết là quốc hồn, quốc túy của người Việt. Vậy mà...
Ở nước ta, mỗi miền đều có hát ru và lối hát của mỗi nơi, mỗi người cũng khác nhau. Tuy nhiên, dù ở đâu, hát ru đều có chung mục đích và đạt được hiệu quả là dần đưa đứa bé vào giấc ngủ êm đềm... Những người "Nghệ sĩ chân quê" không hề biết nhạc biết thơ là gì, chỉ bằng tình cảm trìu mến với cháu, con và cách học truyền khẩu giản dị, họ đã vô tình lưu giữ, bảo tồn được một loại hình âm nhạc thuần Việt độc đáo, thấm đậm tính nhân văn, trải hàng ngàn năm lịch sử.
Lời hát ru sử dụng những bài ca dao, đồng dao; những câu tục ngữ, thành ngữ theo thể thơ lục bát có vần điệu nên dễ nhớ, dễ hát và rất truyền cảm. Tác dụng của hát ru cũng thật là kỳ diệu. Trẻ mới vài tháng tuổi chưa hiểu ngôn ngữ, đang thức tỉnh chơi đùa; thậm chí giữa trưa hè oi ả, rôm sảy bức bối bé cáu bẳn, gắt gỏng khóc gào, vậy mà với cử chỉ bồng bế, vỗ về âu yếm và tiếng hát ru thiết tha của mẹ (hoặc bà, cha, chị ...) chỉ vài phút sau cháu đã nhắm mắt thiu thiu, rồi say nồng trong giấc ngủ bình yên. Khi cháu bé có thể nghe hiểu ngôn ngữ thì những câu hát ru còn có thêm tác dụng như bài học khai tâm, khai trí đầu đời, ngày này qua ngày khác giáo dục tình yêu quê hương, trách nhiệm với đất nước; tình thương, công lao của cha mẹ và nghĩa vụ, đạo lý làm con; tình đoàn kết anh em, cộng đồng dân tộc; tiếng hát ru góp phần không nhỏ cho việc hình thành nhân cách con người:
À ơi...
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con ...
Và "Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn",...
Lời hát ru còn nói lên nỗi niềm gian lao vất vả, sự đảm đang và lòng vị tha nhường nhịn của người
thôn nữ ngày xưa.
Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về
Bắt được con trắm, con trê
Cầm cổ lôi về đun nước, làm lông
Miếng nạc thì để phần chồng
Miếng xương phần mẹ, miếng lòng phần con...
Trắm, trê là loài cá đương nhiên không thể có lông, và không ai "cầm cổ lôi về"; nhưng người ta hư cấu để câu ca hợp vần điệu với cả bài hát ru. Còn "miếng lòng" ở đây là lòng thương yêu của người mẹ dành cho con.
Câu hát ru đôi khi là bài học giản dị, dí dỏm, hài hước mà đúng đắn về cách chế biến các món ăn thường nhật; thịt con vật nào thì phải dùng gia vị ấy:
À ơi ...
Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng, khóc ngồi
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng...
Cái cò, cái vạc, cái nông
Ba con cùng béo, vặt lông con nào?
Khi có quyết định "Vặt lông con cốc cho tao", đồng thời một nồi xáo măng cũng được bắc lên, và trong lúc "cái vạc kiếm củi tung tăng" thì "cò bay đi mất, nồi măng vẫn còn"... Tác giả dân gian đã rất tài tình trong cách dùng từ, ngữ và nhân hóa các con vật để cả người hát và người nghe đều cảm thấy thú vị vì "vô lý mà có lẽ"!
Hát ru hay như thế, tác dụng thiết thực là vậy, nhưng như một tất yếu lịch sử, xã hội tiến bộ văn minh, đương nhiên cuộc sống có nhiều đổi mới, tiện ích. Và trong cách nuôi dạy con trẻ ở mỗi gia đình người ta dần quên đi cách hát ru xưa cũ, rồi đua nhau dùng những thiết bị điện tử hiện đại như đàn Oóc-gan, đĩa CD, điện thoại di động... phát ra âm nhạc để dỗ dành trẻ em. Mặt khác hệ thống nhà trẻ, trường mẫu giáo phát triển mạnh, các bé được đi nhà trẻ, trường mầm non. Ở đây, mọi sinh hoạt, kể cả ăn ngủ phải răm rắp đúng giờ theo mệnh lệnh của các cô bảo mẫu... Tiếng hát ru truyền thống không được phát huy.
Chúng ta đã và đang tích cực tuyên truyền lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, rằng sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất bảo đảm cho trẻ sơ sinh phát triển thể lực và trí tuệ. Thiết nghĩ, cũng rất nên khuyến cáo các bậc phụ huynh quan tâm dùng lời hát ru trực tiếp của mình để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ; để ngay từ thuở lọt lòng các em đã được đắm mình trong âm hưởng dịu êm của loại hình âm nhạc độc đáo được hướng thiện bởi những triết lý bình dân, dễ hiểu trước khi tiếp cận với âm nhạc hiện đại.
Báo Mới
Ở nước ta, mỗi miền đều có hát ru và lối hát của mỗi nơi, mỗi người cũng khác nhau. Tuy nhiên, dù ở đâu, hát ru đều có chung mục đích và đạt được hiệu quả là dần đưa đứa bé vào giấc ngủ êm đềm... Những người "Nghệ sĩ chân quê" không hề biết nhạc biết thơ là gì, chỉ bằng tình cảm trìu mến với cháu, con và cách học truyền khẩu giản dị, họ đã vô tình lưu giữ, bảo tồn được một loại hình âm nhạc thuần Việt độc đáo, thấm đậm tính nhân văn, trải hàng ngàn năm lịch sử.
Lời hát ru sử dụng những bài ca dao, đồng dao; những câu tục ngữ, thành ngữ theo thể thơ lục bát có vần điệu nên dễ nhớ, dễ hát và rất truyền cảm. Tác dụng của hát ru cũng thật là kỳ diệu. Trẻ mới vài tháng tuổi chưa hiểu ngôn ngữ, đang thức tỉnh chơi đùa; thậm chí giữa trưa hè oi ả, rôm sảy bức bối bé cáu bẳn, gắt gỏng khóc gào, vậy mà với cử chỉ bồng bế, vỗ về âu yếm và tiếng hát ru thiết tha của mẹ (hoặc bà, cha, chị ...) chỉ vài phút sau cháu đã nhắm mắt thiu thiu, rồi say nồng trong giấc ngủ bình yên. Khi cháu bé có thể nghe hiểu ngôn ngữ thì những câu hát ru còn có thêm tác dụng như bài học khai tâm, khai trí đầu đời, ngày này qua ngày khác giáo dục tình yêu quê hương, trách nhiệm với đất nước; tình thương, công lao của cha mẹ và nghĩa vụ, đạo lý làm con; tình đoàn kết anh em, cộng đồng dân tộc; tiếng hát ru góp phần không nhỏ cho việc hình thành nhân cách con người:
À ơi...
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con ...
Và "Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn",...
Lời hát ru còn nói lên nỗi niềm gian lao vất vả, sự đảm đang và lòng vị tha nhường nhịn của người
thôn nữ ngày xưa.
Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về
Bắt được con trắm, con trê
Cầm cổ lôi về đun nước, làm lông
Miếng nạc thì để phần chồng
Miếng xương phần mẹ, miếng lòng phần con...
Trắm, trê là loài cá đương nhiên không thể có lông, và không ai "cầm cổ lôi về"; nhưng người ta hư cấu để câu ca hợp vần điệu với cả bài hát ru. Còn "miếng lòng" ở đây là lòng thương yêu của người mẹ dành cho con.
Câu hát ru đôi khi là bài học giản dị, dí dỏm, hài hước mà đúng đắn về cách chế biến các món ăn thường nhật; thịt con vật nào thì phải dùng gia vị ấy:
À ơi ...
Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng, khóc ngồi
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng...
Cái cò, cái vạc, cái nông
Ba con cùng béo, vặt lông con nào?
Khi có quyết định "Vặt lông con cốc cho tao", đồng thời một nồi xáo măng cũng được bắc lên, và trong lúc "cái vạc kiếm củi tung tăng" thì "cò bay đi mất, nồi măng vẫn còn"... Tác giả dân gian đã rất tài tình trong cách dùng từ, ngữ và nhân hóa các con vật để cả người hát và người nghe đều cảm thấy thú vị vì "vô lý mà có lẽ"!
Hát ru hay như thế, tác dụng thiết thực là vậy, nhưng như một tất yếu lịch sử, xã hội tiến bộ văn minh, đương nhiên cuộc sống có nhiều đổi mới, tiện ích. Và trong cách nuôi dạy con trẻ ở mỗi gia đình người ta dần quên đi cách hát ru xưa cũ, rồi đua nhau dùng những thiết bị điện tử hiện đại như đàn Oóc-gan, đĩa CD, điện thoại di động... phát ra âm nhạc để dỗ dành trẻ em. Mặt khác hệ thống nhà trẻ, trường mẫu giáo phát triển mạnh, các bé được đi nhà trẻ, trường mầm non. Ở đây, mọi sinh hoạt, kể cả ăn ngủ phải răm rắp đúng giờ theo mệnh lệnh của các cô bảo mẫu... Tiếng hát ru truyền thống không được phát huy.
Chúng ta đã và đang tích cực tuyên truyền lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, rằng sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất bảo đảm cho trẻ sơ sinh phát triển thể lực và trí tuệ. Thiết nghĩ, cũng rất nên khuyến cáo các bậc phụ huynh quan tâm dùng lời hát ru trực tiếp của mình để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ; để ngay từ thuở lọt lòng các em đã được đắm mình trong âm hưởng dịu êm của loại hình âm nhạc độc đáo được hướng thiện bởi những triết lý bình dân, dễ hiểu trước khi tiếp cận với âm nhạc hiện đại.
Báo Mới