Không bao giờ ăn tiết canh lợn mà chỉ chế biến để bán hàng ăn sáng, nhưng anh T.L (38 tuổi ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn bị nhiễm bệnh liên cầu lợn mà không hay biết.

Suýt cụt chân vì tiết canh lợn T575380

Phần chân của anh T.L bị hoại tử do nhiễm bệnh liên cầu lợn.Anh L. mở cửa hàng bán đồ ăn sáng lòng lợn tiết canh, nhưng anh chưa một lần ăn tiết canh. Anh có dấu hiệu phát ban trên da sau khi mở cửa hàng bán tiết canh cháo lòng được khoảng một tuần. Ban đầu, gia đình chỉ nghĩ đơn giản là anh bị sốt phát ban. Vì thế, sau 5 ngày, những nốt ban không lặn mà càng ngày càng rõ, kèm theo mệt mỏi, gia đình mới đưa anh lên bệnh viện tỉnh và được chuyển ra Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

“Khi nhập viện, anh L ở trong tình trạng hôn mê sâu, có ban hoại tử khắp trên da, sốc, tụt huyết áp, khám kiểm tra thì bệnh nhân suy đa phủ tạng (gan, thận) và suy hô hấp phải thở máy. Đến nay, tình trạng suy phủ tạng đã đỡ hơn nhưng ngón chân của bệnh nhân bị hoại tử quá nhiều, có khả năng sẽ phải cắt bỏ những chi bị hoại tử”, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhiệt đới TW) cho biết.

Trao đổi với phóng viên về dịch bệnh nguy hiểm này, BS Cấp cho biết: "Liên cầu lợn ở người do một loại virus có tên S.suis gây nên. Loại vi khuẩn này cư trú trên cơ thể lợn, chủ yếu ở vùng yết hầu. Kể cả đối với lợn không mắc bệnh cũng có một tỷ lệ nhỏ các con virus này ký sinh. Chúng chủ yếu sống ở vùng hầu họng của con lợn. Nó ít khi gây bệnh cho người, nếu chúng ta đảm bảo việc nấu ăn chín, không ăn tái. Còn đối với lợn bị mắc bệnh dịch như dịch tai xanh, thì lúc đó sức đề kháng của con lợn giảm đi, con liên cầu khuẩn bắt đầu xâm nhập vào cơ thể lợn và gây bệnh. Vi khuẩn này gây viêm phổi hay nhiễm trùng máu ở lợn, và lúc đó các cơ quan phủ tạng khác của lợn cũng đều chứa các vi khuẩn này.

Khi lợn bị nhiễm trùng máu, tất cả các bộ phận như thịt, da, xương, tiết, lòng... đều có vi khuẩn. Lúc đó, nguy cơ lây bệnh sang người tăng cao. Nếu chúng ta ăn các sản phẩm từ lợn mà chưa được nấu chín như tiết canh, lòng trần, nem chạo, phủ tạng... là chúng ta đang ăn vi khuẩn S.suis. Hoặc là khi chúng ta tiếp xúc với con lợn nhiễm bệnh này như là việc chăm sóc, giết mổ, chế biến mà bị xây xước chân tay, loại vi khuẩn đó cũng xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh.

Loại vi khuẩn S.suis gây bệnh liên cầu lợn này sống rất lâu. Chúng sống được 24 giờ trong bụi và 8 ngày trong phân, thậm chí chúng còn tồn tại 10 phút ở nhiệt độ 60 độ C . Đây là nguy cơ lây truyền bệnh rất cao, nếu chúng ta không thực hiện đúng yêu cầu vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Biểu hiện của căn bệnh này, khởi đầu bằng sốt cao, sau đó tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, bệnh nhân sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh chóng, suy đa phủ tạng. Nếu đến muộn thì cơ hội cứu chữa rất thấp.

Một bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn có thể viêm màng não mủ, phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng”.

Tại Bệnh viện Nhiệt đới TW, từ đầu năm tới nay đã tiếp nhận 7 ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn nặng. Trong đó, một ca bệnh nhân nữ ở Thái Bình bị nhiễm khuẩn huyết quá nặng, gia đình xin về và bệnh nhân này đã tử vong".

Theo Phunutoday