Các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho hay họ đã phát hiện các trữ lượng khổng lồ đất hiếm, vốn được sử dụng trong nhiều thiết bị công nghệ cao, dưới đáy biển Thái Bình Dương.Đất hiếm chứa 17 nguyên tố hóa học, vốn có hàm lượng rất nhỏ có trong Trái Đất. Người ta có thể tìm thấy các nguyên tố đất hiếm ở trong các lớp trầm tích, các mỏ quặng và cát đen. Đất hiếm là nguyên liệu chủ chốt để chế tạo các linh kiện trong nhiều sản phẩm công nghệ cao như máy tính, điện thoại di động, động cơ xe hơi eco, hỏa tiễn…Các nhà địa chất ước tính có khoảng 100 tỷ tấn đất hiếm trong lớp bùn của đáy biển Thái Bình Dương.
Hiện tại, Trung Quốc sản xuất 97% lượng đất hiếm của thế giới.
Các nhà phân tích cho hay việc Nhật bản phát hiện một trữ lượng đất hiếm có thể thách thức vị thế thống trị của Trung Quốc, nếu việc khai thác đất hiếm từ đáy biển có thể thực hiện được.
Tạp chí khoa học Nature Geoscience của Anh đưa tin một nhóm các nhà khoa học dẫn đầu là ông Yasuhiro Kato, một giáo sư về khoa học trái đất tại Đại học Tokyo, đã tìm ra đất hiếm trong bùn dưới đáy biển tại 78 địa điểm.
“Bùn chứa lương đất hiếm rất cao. Chỉ 1km2 bùn sẽ có thể cung cấp 1/5 lượng tiêu thụ đất hiếm toàn cầu hiện nay”, ông Yasuhiro Kato nói.
Đất hiếm được tìm thấy ở độ sâu từ 3.500-6.000m dưới mặt biển.
Những lo ngại về môi trường
Ông Kato cho biết thêm rằng 1/3 trong số 78 địa điểm nói trên chứa nồng độ đất hiếm và kim loại Ytri rất cao.
Trữ lượng đất hiếm được tìm thấy trong vùng biển quốc tế phía đông và tây quần đảo Hawaii, và phía đông đảo Tahiti trong quần đảo Polynesia của Pháp.
Ông Kato ước tính trữ lượng đất hiếm chứa trong bùn lên tới từ 80-100 tỷ tấn.
Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) ước tính trữ lượng đất hiếm toàn cầu chỉ khoảng 110 tỷ tấn, chủ yếu được tìm thấy tại Trung Quốc, Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô trước kia, và Mỹ.
Trung Quốc năm ngoái đã hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vì tranh chấp lãnh thổ. Nhật Bản từ đó đã không ngừng xúc tiến việc tìm kiếm các nguồn cung đất hiếm mới.
Chính phủ Malaysia đang cân nhắc có nên cho phép việc thực hiện một dự án do Australia trợ giúp tài chính nhằm khai thác đất hiếm hay không, trong khi sự phản đối của người dân địa phương tập trung vào nỗi lo chất thải phóng xạ.
Số lượng công ty đang tìm kiếm giấy phép để khai thác đáy biển Thái Bình Dương đang gia tăng nhanh chóng.
Công ty khai mỏ Nautilus của Canada là công ty đầu tiên nhận được giấy phép nhằm tiến hành thăm dò đáy biển Bismarck và Solomon xung quanh Papua New Guinea để tìm kiếm các mỏ sulphide chứa vàng và đồng.
Viễn cảnh khai thác đáy biển để tìm các kim loại quý - và thiệt hại mà nó có thể gây ra đối với các hệ sinh thái biển - đang khiến các nhà môi trường lo ngại.
(Dân Trí dẫn nguồn từ BBC)