ĐỌC SÁCH NHƯ MỘT NGHỆ SỸ, VÌ ĐỌC SÁCH LÀ MỘT MÔN NGHỆ THUẬT!

Biết cách đọc sách cũng chính là biết cách “chọn sách” hay “mua sách” một cách có PHƯƠNG PHÁP.

Các bạn có biết:

- Lượng thông tin hiện hữu trên thế giới cứ tăng gấp đôi sau 6 tháng.

- Cứ mỗi năm, từ 20 – 30% lượng tri thức của chúng ta trở nên lỗi thời (nên phân biệt rõ thông tin và tri thức).

- Ít nhất 50% lượng kiến thức các bạn vừa học xong sẽ bị quên ngay khi khoá học kết thúc (nếu các bạn không biết ôn tập và sử dụng chúng đúng cách).

- Và thực tế rất nguy hiểm là 100% lượng kiến thức đó hầu như trở nên lỗi thời sau 2 năm.

Như vậy, việc chọn lọc thông tin , chuyển thành tri thức và lưu giữ, đem ra sử dụng là những việc hết sức quan trọng, giúp chúng ta tự học (bằng sách), đọc sách, tiết kiệm thời gian, tiền của, sức lực v.v… chính là nhu cầu (ưu tiên) trước cả khi bạn ra quyết định mua một cuốn sách.

Chính vì thế, việc chúng ta tiếp cận với PHƯƠNG PHÁP ĐỌC SÁCH là một cách đầu tư khôn ngoan hơn cả để tạo nên cơ chế định hướng cho chúng ta khỏi bị “trôi dạt và chết đuối” trong lượng thông tin ngập đến mũi như hiện nay.

Không nhằm bao quát hết mọi vấn đề, khi tôi nghĩ là phải viết topic này chia sẻ với các bạn, tôi luôn tự xem mình viết để học hỏi, vì thế, ngoài việc tôi cố gắng tổng hợp kiến thức và kinh nghiệm của mình vốn có, tôi rất mong được sự góp ý chân thành và sự sẻ chia của tất cả mọi người, cho dù các bạn là ai để giúp cho mỗi thành viên chúng ta ngày càng có những tiến bộ đi đến thành công nhiều hơn trong việc học tập cũng như cuộc sống.

Chúng ta bắt đầu nhé!

—————————

MỞ ĐẦU – Giá trị của sách

Trước hết, tôi xin chia sẻ với các bạn công thức : “100-10-1 = Biết 100, hiểu 10, nói 1“. Những quyển sách các bạn có được, là do tác giả cô đọng lại từ một lượng tri thức của TG gấp cả trăm lần, qua nhiều lần kết hợp bằng nhiều phương pháp, và cả với cộng đồng xung quanh tác giả (tư vấn, nhân viên, những cá nhân hợp tác hỗ trợ v.v…) mới cô đọng lại một số thông tin phù hợp, sau đó, thông tin được chọn lọc lần cuối để chuyển tất cả những điều “hiểu và biết” trước đó thành 1 dạng thông tin cô đọng và quý giá nhất.

Chính vì thế, việc các bạn đặt mình vào tư thế tiếp xúc với thông tin trong sách như thế nào chính là cách các bạn đầu tư khôn ngoan vào thời gian và tiền bạc của mình (ở đây xin mặc định là sách được biên soạn bởi những người lương tâm và lòng nhiệt huyết).

Tiếp theo là về giá cả (một phần của giá trị), một số người không dám đầu tư vào sách vì chỉ “cảm giác” thích sở hữu nó, nhưng sợ tốn tiền, chung quy lại là họ chỉ thích cái cảm giác được “sờ”, “lật” cuốn sách trên giá sách mà thôi, sau đó, họ rất thoả mãn, vì đã “cop” được một số ý trong sách, họ gật gù vì họ tự nhận mình là thông minh khi quyết định “mình không mua sách quả thật là lựa chọn đúng….” và qua vài phút tiếp xúc với sách, họ đã tự cho mình đã hiểu hết ý tác giả đề cập đến.

Kinh nghiệm của tôi là gì?

Lời khuyên đúng 1/2: Bạn không nên tiếc tiền mua sách, hãy mua ngay khi có thể, vì trước sau gì bạn cũng dùng đến nó.

Tại sao chỉ đúng 1/2?

1/2 đầu tiên: Như ở trên tôi đã đề cập, việc chọn lựa thông tin cuốn sách phải thật kỹ càng trong thời đại thông tin bùng nổ, chính sự lựa chọn khôn khéo đó giúp chúng ta tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và tiền của.

1/2 còn lại, sau khi các bạn đã TẠO CƠ CHẾ ĐỊNH HƯỚNG cho bản thân mình khi tiếp xúc với những loại sách (thông tin) chúng ta muốn tiếp xúc, các bạn nên quyết định dứt khoát và tự tin trước quyết định của mình. TẠI SAO LẠI NHƯ THẾ?

Điều tôi muốn chia sẻ ở đây, chính là GIÁ TRỊ CỦA SÁCH. Thật đáng tiếc nó không nằm phần nhiều ở chỗ giá cả, chất lượng, người dịch hay tác giả, mà nó có phần lớn giá trị khi bạn chuyển được lượng thông tin có trong sách thành tri thức của mình.

Chính vì thế, việc bạn đứng giữa sự lựa chọn có nên mua hay không, CŨNG CHÍNH LÀ SỰ LỰA CHỌN làm mất thời gian của bạn. TẠI SAO bạn không lựa chọn cách chuyển tải thông tin có ích trong sách thành tri thức của bạn, để rồi ứng dụng nó trong cuộc sống của chính bạn, thay vì bạn chần chừ với câu hỏi “CÓ NÊN MUA HAY KHÔNG?”.

Cuối cùng, quyền lựa chọn là ở các bạn.

Ở ví dụ dưới đây, tôi xin được sử dụng cuốn sách LÀM CHỦ TƯ DUY, THAY ĐỔI VẬN MỆNH làm mẫu. Sách của tác giả ADAM KHOO người SINGAPORE, sách do Dịch giả Trần Đăng Khoa và Uông Xuân Vy dịch sang tiếng Việt (NXB Phụ Nữ).

PHẦN I – SÁCH LÀM CHỦ TƯ DUY, THAY ĐỔI VẬN MỆNH (MYM DYD)

Tôi xin phép mặc định tất cả những thành viên đọc topic này là những người đã có quyển MYM DYD trong tay. Vậy, điều đầu tiên, xin chúc mừng các bạn đã QUYẾT ĐỊNH, thay vì đã lựa chọn chần chừ.

Bây giờ các bạn có thể cầm MYM DYD trên tay. Chúng ta bắt đầu đi vào vấn đề.

XÁC ĐỊNH THỂ LOẠI SÁCH

MYM DYD là một quyển sách thực hành, nó đòi hỏi bạn phải tập trung đọc và nghiền ngầm nó, không những thế, bố cục cuốn sách gần 10% là những khoảng trống dành cho các bạn làm bài tập.

Chính xác nội dung sách có khoảng 434 trang (còn lại là các phần giới thiệu hay bìa sách v.v…) Trung bình mỗi trang có 28 dòng, mỗi dòng khoảng 14 từ. Như vậy, chúng ta có khoảng 170.128 từ trong sách (các bạn có thể trừ đi 10% lượng chữ do có kèm cả bài tập và trang trắng).

Trong một số nguồn tài liệu và khoá học, các bạn sẽ được tìm hiểu về phương pháp đọc nhanh (có thể tăng tốc độ đọc của mình lên hơn gấp 5 lần, và hơn thế nữa), từ đó, các bạn có thể đo được tốc độ đọc của mình, tuy nhiên lời khuyên của tôi là, PHƯƠNG PHÁP ĐỌC NHANH nên hiểu theo nghĩa là PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU CHỈNH TỐC ĐỘ ĐỌC để tiếp thu thông tin, những thể loại sách khác nhau, chúng ta nên LỰA CHỌN phương pháp đọc khác nhau, cũng như việc áp dụng TỐC ĐỘ đọc phù hợp với thể loại sách đó. Tôi xin khuyên bạn là đừng tham vọng hoàn thành cuốn sách với tốc độc tăng hơn 150% tốc độ đọc bình thường của bạn (tất nhiên mỗi bạn sẽ khác nhau về tốc độ đọc, cũng như mức độ tiếp thu).

Vậy việc đầu tiên các bạn cần làm, là đo tốc độ đọc của mình.

PHẦN II – TÍNH TỐC ĐỘ ĐỌC Bước 1: Lật đoạn bất kỳ trong MYM DYD.

Bước 2: Đếm số chữ có trong 3 đến 5 dòng kề cận nhau (bất kỳ).

Bước 3: Chia số từ đó cho 3 (hoặc 4,5 tuỳ theo cách bạn đếm) để ra số từ trung bình mỗi dòng (ở đây tôi tính được trung bình có 14 từ mỗi dòng).

Bước 4: Xác định điểm đầu muốn đọc, chuẩn bị một cái đồng hồ bấm giây.

Bước 5: Bấm giây và bắt đầu đọc, đến khi tròn 1 phút thì bấm dừng.

Bước 6: Đếm số dòng các bạn đọc được, nhân với số từ trung bình mỗi dòng sẽ cho kết quả là tốc độ đọc của các bạn.

Công thức: Số dòng đọc x số từ trung bình mỗi dòng = tốc độ đọc (công thức được tính trong 1 phút, các bạn có thể tuỳ chọn 2 phút hoặc hơn nữa).

Các bạn đừng quá lo lắng, nếu các bạn thấp hơn 200 (từ/phút). Hoặc thậm chí có lúc bạn đọc với những tốc độ rất khác nhau, QUAN TRỌNG LÀ LƯỢNG THÔNG TIN BẠN TIẾP THU.

Như vậy khi đã xác định tốc độ đọc xong, các bạn sẽ ước đoán được là các bạn sẽ mất bao nhiều thời gian vào cuốn sách, bằng cách lấy tổng số từ chia cho tốc độ đọc.

Ví dụ: tốc độ đọc của tôi khoảng 350 – 550 từ/phút (tuỳ theo mức độ tập trung và tiếp thu). Như vậy với tốc độc 350 từ/phút, tôi đọc quyển sách này mất khoản 486 phút (tương đương 8h đồng hồ). Thông tin hiểu khoảng >90% và mức độ tiếp thu khoảng 70%.

Sau khi xác định được thời lượng các bạn bỏ ra cho cuốn sách, các bạn nên phân chia thời gian biểu để hoàn thành nó như một môn học, vấn đề khó khăn của chúng ta ở đây chính là MYM DYD là một quyển sách THỰC HÀNH, như vậy việc ước lượng thời gian theo tốc độ đọc chỉ quyết định được chuyện duy nhất là ….tiếp cận thông tin.

Chưa kể, NLP của bạn cũng thay đổi theo bạn hàng ngày hàng giờ, phụ thuộc vào kinh nghiệm bạn tích luỹ, môi trường, kiến thức v.v…Mỗi một khoảng thời gian, các bạn làm lại các bài tập trong sách, tôi cam đoan nó sẽ cho ra những kết quả khác nhau.

Việc quan trọng hơn, chính là …

SỬ DỤNG MYM DYD như thế nào?

Sau khi phân tích tổng quát cuốn sách, chúng ta sẽ phân tích một chút về nội dung cũng như hình thức. Chúng ta khá may mắn khi tác giả lẫn dịch giả là những người có trách nhiệm, Vì họ đi từ trải nghiệm đi lên, cho nên những vấn đề họ chia sẻ trong xuyên suốt cuốn sách rất thực tế và bổ ích, hầu hết là “xài” được ngay. Nhưng cũng phải nói rằng việc nội dung cuốn sách đôi khi hơi phân tích sâu một tí (vẫn hơi hướng mang thông tin đến cho độc giả dưới 20 tuổi hơn là vốn dĩ nó dành cho từ 20 trở đi) để tránh những thông tin không được hiểu đúng giá trị của nó đối với độc giả nhỏ tuổi hơn.

Các bạn sẽ thấy thông tin trong sách có những đoạn từ, đoạn câu lặp lại xuyên suốt cuốn sách (hi vọng các bạn nhận ra dụng ý của tác giả – dịch giả), chính những điều đó (từ khoá, đoạn khoá) sẽ giúp ích cho các bạn hệ thống và nhớ cuốn sách “dai” hơn rất nhiều.

PHẦN III – PHƯƠNG PHÁP ĐỌC

BƯỚC 1: Đọc lướt qua những đoạn giới thiệu cuốn sách (Bìa, nhà xuất bản, lời giới thiệu, tác giả, dịch giả v.v..) Tìm hiểu xem tác giả nói gì? Cuốn sách thể loại gì? Tác giả có yêu cầu gì riêng biệt cho cuốn sách hay không?

BƯỚC 2: Lật nhanh qua các tiêu đề, những phần chú thích, đặc biệt, những phần in nghiêng, hình ảnh v.v…. nổi bật của cuốn sách từ đầu đến cuối.

BƯỚC 3: Đọc phụ lục và lật theo chương để biết tổng quát cuốn sách bố trí. Chọn một chương bất kỳ các bạn quan tâm và áp dụng ngay phương pháp đọc nhanh (và tập trung vào chương đó)

BƯỚC 4: Đọc phần tóm tắt của mỗi chương (quan trọng), phần tiếp nối, hoặc phần chủ điểm (đầu mỗi chương). Cố gắng tóm tắt lại phần tóm tắt này, kẹp một mảnh giấy (hoặc dán) vào mỗi cuối chương.

Dừng lại để suy ngẫm, hình dung ra bố cục tổng quát của cuốn sách, ứng dụng sơ đồ tư duy để hồi tưởng lại nội dung cuốn sách, cố gắng hoàn thành trong 5-10 phút cho SƠ đồ tư duy này.

BƯỚC 5: Áp dụng phương pháp đọc nhanh cho tất cả nội dung sách, chọn từ khoá.

BƯỚC 6: Lọc từ khoá, áp dụng sơ đồ TM để lưu lại từ khoá – kèm cảm xúc, ý riêng phát sinh.

BƯỚC 7: Vẽ sơ đồ tư duy con theo những từ khoá cho từng chương (hay từng phần theo ý thích các bạn)

BƯỚC 8: Tổng hợp thành sơ đồ tư duy tổng, lên kế hoạch ôn tập theo biểu đồ đánh dấu những thời điểm trí nhơ suy giảm (tham khảo ở sách TTG) cùng với sơ đồ Tư duy và sơ đồ TM.

PHẦN IV – THỰC HÀNH

Các bạn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của Tác giả, phần này tự xử, xử tới đâu “lên đây” nhớ chia sẻ tới đó, chính là một cách “thực hành” nhanh và hiệu quả, cũng như việc chuyển kiến thức thành tri thức của mình.

Lời kết

Như lúc đầu đã đề cập, mọi chia sẻ đều hi vọng giúp đỡ cho các bạn một phần nào đó, quan trọng là mong muốn học hỏi từ các bạn hơn nữa. Mọi thắc mắc hay góp ý, các bạn có thể chia sẻ thêm ở đây, chúng ta cùng nhau thảo luận, cho tiến bộ, thành công trong học tập và cuộc sống.

Chân thành cảm ơn các bạn đã theo dõi đến cuối cùng một topic dài như thế.

Thân