Lời nói đầu.
Dịch giả: Trịnh Lữ
Tên nguyên gốc của tác phẩm, Noruwei no mori, là cách dịch tiêu chuẩn trong tiếng Nhật cho tựa bài hát Norwegian Wood được John Lennon viết khi còn trong nhóm The Beatles (và cũng thường được nhắc đến trong cốt truyện); đây là cách dịch sai, vì mori là wood với nghĩa "rừng", không phải là "gỗ" vốn được đề cập trong bài hát.
o O o
Lời người dịch
Mối tình sâu sắc nhất của bạn có gắn liền với một bài hát nào không? Một cảnh trí nào không? Như một căn phòng trong đêm mưa mùa hạ? Một chiều thu ngoài bìa rừng hoang vắng? Rừng Na-uy là tên một bài hát của nhóm nhạc Beatles nổi tiếng. Lời ca của nó có những câu "Tôi từng có một cô gái, mà có lẽ đúng hơn là cô ấy đã từng có tôi… Cô dẫn tôi vào phòng và bảo tôi ngồi đâu cũng được, nhưng tôi thấy chẳng có chiếc ghế nào… Khi tỉnh dậy tôi chỉ có một mình, con chim ấy đã bay đi rồi…" Giai điệu và cấu trúc bài hát rất giản dị. Những sự kiện làm biến đổi cả cuộc đời ta thường gắn liền với những cái ngẫu nhiên giản dị. Ký ức khi đã trưởng thành thường cũng chỉ xúc động vì những điều giản dị. Và Rừng Na-uy là một câu chuyện tình yêu giản dị.
Giản dị như sự thật.
Như bốn mùa.
Như Sống Chết.
Như đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore đã viết về con tim biết yêu: "Cái giàu cái nghèo của nó là vô biên, niềm vui nỗi buồn của nó là trường cửu." Cái giản dị của Rừng Na-uy là cái giản dị chỉ có được khi người viết đã vượt lên hết những làm dáng có bản chất kĩ thuật vốn rất khó tránh trong sáng tác để chỉ bồi hồi kể lại những gì đang tuôn trào từ sâu thẳm cõi lòng mình.
Rừng Na-uy không lãng mạn. Nó không lí tưởng hoá và do vậy không bị lừa mị bởi chính những lí tưởng ấy của mình. Nó dũng mãnh như mũi tên vừa bay ra khỏi cánh cung. Thẳng từ cõi lòng bộc trực và chân xác của kiếp người. Đọc lời thoại trong Rừng Na-uy, tôi chỉ mong mình cũng nói được như thế với người mình yêu mến. Bị lôi cuốn theo những ý nghĩ và xúc cảm trong Rừng Na-uy, tôi cũng chỉ mong mình dám nghĩ được thành lời những gì vẫn cuộn tròn trong lòng mình như vậy. Đọc Rừng Na-uy, tôi chợt nhớ ra rằng hình như mình đã chỉ quen lừa mị bản thân, lừa mị người khác, để bôi trơn mọi mối quan hệ xã hội vốn chỉ xoay quanh và bị chi phối bởi tiền bạc, quyền lợi, danh vọng… Hình như tôi đã quên mất, hoặc đã luôn có ý thức đè nén tất cả những gì gọi là tự nhiên và cao cả của chính mình, hình như tất cả những "người bạn", "người yêu" kia chẳng phải vậy chút nào, vì đã có bao giờ tôi dám nói thẳng lòng mình với họ và biết chắc rằng họ cũng đã nói thẳng lòng họ với mình. Hình như tôi cũng đã chẳng phải là mình, vì đã khi nào tôi thực sự dám nhìn nhận những khiếm khuyết méo mó của mình, có ý thức công nhận chúng và biết vui với chúng, cũng như công nhận và vui với những khiếm khuyết của mọi người.
Con chim sắp chết, tiếng hót bi thương; con người hấp hối, lời nói chân thành. Tại sao vậy? Chỉ có sự chết mới cứu vãn được loài người khỏi nghiệp chướng dối trá hay chăng? Đọc Rừng Na-uy, tôi thấm thía được một chân lí giản đơn, rằng "sự chết không là đối nghịch của sự sống, mà là một phần của sự sống". Sống, tức là nuôi dưỡng Chết. Sự chết không phải là chấm dứt, cũng chẳng phải là bắt đầu. Nó ở ngay đây rồi, được chính sự sống nuôi dưỡng.
Và tôi hiểu được tại sao chỉ những nhân vật trung thực trong trắng và dũng cảm trong Rừng Na-uy mới tự kết liễu cuộc đời mình. Họ còn quá trẻ và không đủ kiên nhẫn để hy vọng cuộc đời này sẽ nuôi dưỡng được một cái chết tự nhiên xứng đáng. Và tôi cũng hiểu tại sao nhiều nhà văn lớn của Nhật Bản như Osamu Dazai và Yasunari Kawabata cũng đã chọn cái chết để khỏi phải chứng kiến cái đẹp và cái cao cả đang bị thời cuộc làm nhục.
Cuộc khủng hoảng của thế hệ trẻ Nhật Bản cuối thập kỷ 1960 trong Rừng Na-uy không phải chỉ là sự đớn đau của linh hồn và thân xác đang phải vượt ngưỡng ngây thơ, mà còn là sự thất vọng lớn lao trước những biến đổi ngu xuẩn của thờỉ cuộc: phép lạ kinh tế của một đế quốc quân chủ thất trận đang khiến cho lòng tin mù quáng vào Thiên Hoàng bị thay thế bởi tín ngưỡng có tính toán vào sức mạnh của đồng tiền và những ước lệ xã hội kèm theo.
Tôi đọc Rừng Na-uy và nhớ đến Hemingway, Paul Bowls, Kerouac… đến những thế hệ trí thức trẻ tuổi Âu Mỹ sau hai cuộc thế chiến vẫn được gọi là The lost generations - những thế hệ bị tha hoá với chính sự thắng thế và hưng thịnh vật chất của phương Tây, không tìm thấy chỗ đứng của mình trong chốn phồn thực hãnh tiến ấy. Tôi nhớ đến Kundera và cái nhẹ bỗng không thể chịu đựng nổi của kiếp người trong vòng xoáy của những cuộc đổi thay bạo lực. Và tôi cũng nhớ đến câu nói của Alexei Tolstoi: "Những cuộc chiến tranh rồi sẽ chấm dứt, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét, và sẽ chỉ còn lại mãi mãi tấm lòng dịu dàng và êm ái của em."
Trong Rừng Na-uy, thân xác là nơi trú ngụ và phương tiện biểu cảm tự nhiên nhất của tình yêu. Không những hoàn toàn không phải là một "dâm thư", mà ngược lại, Rừng Na-uy là cuốn tiểu thuyết bắt người đọc phải nhận thức được sự ngu xuẩn của mọi thứ dâm tính trong thị trường văn chương, phim ảnh, và trong chính ý nghĩ của con người. Rừng Na-uy chinh phục được độc giả toàn thế giới vì nó đã giúp giới trẻ (và cả những người không còn trẻ nữa) nhận ra cái cao cả theo nghĩa triết học và tự nhiên của tình yêu. Cái cao cả không còn núp bóng lí tưởng và lãng mạn, mà công khai trực tiếp trong tấm lòng trung thực dũng mãnh của tuổi trẻ.
Đọc Rừng Na-uy rồi, tôi chắc bạn sẽ nghĩ nhiều về bản thân mình. Về người mình yêu. Về bạn bè. Về bố mẹ anh chị em trong nhà. Bạn sẽ nghĩ, và sẽ nhớ đến lời những nhân vật trong Rừng Na-uy, và thực sự cảm thấy sung sướng vì máu nóng đang chảy trong huyết quản bạn, vì bạn đang sống, vì tình yêu là có thực. Và bạn sẽ muốn chạy đến với người mình yêu mến nhất để nói rằng bạn hỡi, chúng ta hãy trung thực với nhau, cùng làm quen và chấp nhận những bất toàn của nhau, vì chỉ có vậy chúng ta mới có thể tìm thấy bình yên và hạnh phúc.
Nhân vật chính trong Rừng Na-uy tên là Toru Wantanabe.
Tôi đã thấy cái tên Toru và Watanabe này ở vài tác phẩm khác của Murakami. Tự nhiên tôi giật mình: Murakami tuổi Kỷ Sửu, mà trong tử vi Tây Phương thì tuổi Sửu là Taurus - vị thần bò dũng mãnh đầy nhục cảm trong thần thoại Hy Lạp mà tôi vẫn bắt gặp trong tranh vẽ của Picasso. Toru phải chăng là một biến âm dí dỏm của Taurus theo lối Murakami? (Rừng Na-uy dí dỏm lắm, bạn cứ đọc mà xem).
Và Watanabe phải chăng là âm thanh vọng lại từ mấy từ tiếng Anh: "Want to be" - muốn được tồn tại, muốn sống, muốn thành được như thế? Có lẽ sự chân thực và tình yêu dũng mãnh của nhân vật Toru Watanabe đối với cả bản ngã và tha nhân trong Rừng Na-uy cũng chính là mơ ước của tác giả. Thế mới thật là tiểu thuyết! Đọc Rừng Na-uy rồi, tự nhiên ta thấy mình tự nhủ rằng nào, hãy mạnh mẽ lên như thần bò huyền thoại, và hãy biết "want to be". Ấy là một vài xúc cảm riêng tư của tôi khi đọc và dịch Rừng Na-uy.
Còn bạn, cuộc đời của bạn là cả một cõi riêng tư khác biệt, và bạn sẽ còn tìm được nhiều cái hay cái lạ nữa khi đọc Rừng Na-uy. Từng nghĩa trong tiểu thuyết cũng như xiêm y mỹ nhân, lớp lang của nó hấp dẫn đến đâu là tuỳ ở lòng người lần mở, và khi ta tưởng đã đến nơi thì hoá ra mới chỉ là bắt đầu. Cái duyên của Murakami là ông động được đến tơ lòng sâu kín của tất cả mọi người. Mong rằng những ân hưởng văn chương và cuộc đời mà tôi đã nhận được từ ông vẫn nguyên vẹn trong từng con chữ Việt mà tôi đã lựa chọn để kể lại Rừng Na-uy cho bạn nghe với tấm lòng bồi hồi trân trọng của mình.
Dịch giả: Trịnh Lữ
Tên nguyên gốc của tác phẩm, Noruwei no mori, là cách dịch tiêu chuẩn trong tiếng Nhật cho tựa bài hát Norwegian Wood được John Lennon viết khi còn trong nhóm The Beatles (và cũng thường được nhắc đến trong cốt truyện); đây là cách dịch sai, vì mori là wood với nghĩa "rừng", không phải là "gỗ" vốn được đề cập trong bài hát.
o O o
Lời người dịch
Mối tình sâu sắc nhất của bạn có gắn liền với một bài hát nào không? Một cảnh trí nào không? Như một căn phòng trong đêm mưa mùa hạ? Một chiều thu ngoài bìa rừng hoang vắng? Rừng Na-uy là tên một bài hát của nhóm nhạc Beatles nổi tiếng. Lời ca của nó có những câu "Tôi từng có một cô gái, mà có lẽ đúng hơn là cô ấy đã từng có tôi… Cô dẫn tôi vào phòng và bảo tôi ngồi đâu cũng được, nhưng tôi thấy chẳng có chiếc ghế nào… Khi tỉnh dậy tôi chỉ có một mình, con chim ấy đã bay đi rồi…" Giai điệu và cấu trúc bài hát rất giản dị. Những sự kiện làm biến đổi cả cuộc đời ta thường gắn liền với những cái ngẫu nhiên giản dị. Ký ức khi đã trưởng thành thường cũng chỉ xúc động vì những điều giản dị. Và Rừng Na-uy là một câu chuyện tình yêu giản dị.
Giản dị như sự thật.
Như bốn mùa.
Như Sống Chết.
Như đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore đã viết về con tim biết yêu: "Cái giàu cái nghèo của nó là vô biên, niềm vui nỗi buồn của nó là trường cửu." Cái giản dị của Rừng Na-uy là cái giản dị chỉ có được khi người viết đã vượt lên hết những làm dáng có bản chất kĩ thuật vốn rất khó tránh trong sáng tác để chỉ bồi hồi kể lại những gì đang tuôn trào từ sâu thẳm cõi lòng mình.
Rừng Na-uy không lãng mạn. Nó không lí tưởng hoá và do vậy không bị lừa mị bởi chính những lí tưởng ấy của mình. Nó dũng mãnh như mũi tên vừa bay ra khỏi cánh cung. Thẳng từ cõi lòng bộc trực và chân xác của kiếp người. Đọc lời thoại trong Rừng Na-uy, tôi chỉ mong mình cũng nói được như thế với người mình yêu mến. Bị lôi cuốn theo những ý nghĩ và xúc cảm trong Rừng Na-uy, tôi cũng chỉ mong mình dám nghĩ được thành lời những gì vẫn cuộn tròn trong lòng mình như vậy. Đọc Rừng Na-uy, tôi chợt nhớ ra rằng hình như mình đã chỉ quen lừa mị bản thân, lừa mị người khác, để bôi trơn mọi mối quan hệ xã hội vốn chỉ xoay quanh và bị chi phối bởi tiền bạc, quyền lợi, danh vọng… Hình như tôi đã quên mất, hoặc đã luôn có ý thức đè nén tất cả những gì gọi là tự nhiên và cao cả của chính mình, hình như tất cả những "người bạn", "người yêu" kia chẳng phải vậy chút nào, vì đã có bao giờ tôi dám nói thẳng lòng mình với họ và biết chắc rằng họ cũng đã nói thẳng lòng họ với mình. Hình như tôi cũng đã chẳng phải là mình, vì đã khi nào tôi thực sự dám nhìn nhận những khiếm khuyết méo mó của mình, có ý thức công nhận chúng và biết vui với chúng, cũng như công nhận và vui với những khiếm khuyết của mọi người.
Con chim sắp chết, tiếng hót bi thương; con người hấp hối, lời nói chân thành. Tại sao vậy? Chỉ có sự chết mới cứu vãn được loài người khỏi nghiệp chướng dối trá hay chăng? Đọc Rừng Na-uy, tôi thấm thía được một chân lí giản đơn, rằng "sự chết không là đối nghịch của sự sống, mà là một phần của sự sống". Sống, tức là nuôi dưỡng Chết. Sự chết không phải là chấm dứt, cũng chẳng phải là bắt đầu. Nó ở ngay đây rồi, được chính sự sống nuôi dưỡng.
Và tôi hiểu được tại sao chỉ những nhân vật trung thực trong trắng và dũng cảm trong Rừng Na-uy mới tự kết liễu cuộc đời mình. Họ còn quá trẻ và không đủ kiên nhẫn để hy vọng cuộc đời này sẽ nuôi dưỡng được một cái chết tự nhiên xứng đáng. Và tôi cũng hiểu tại sao nhiều nhà văn lớn của Nhật Bản như Osamu Dazai và Yasunari Kawabata cũng đã chọn cái chết để khỏi phải chứng kiến cái đẹp và cái cao cả đang bị thời cuộc làm nhục.
Cuộc khủng hoảng của thế hệ trẻ Nhật Bản cuối thập kỷ 1960 trong Rừng Na-uy không phải chỉ là sự đớn đau của linh hồn và thân xác đang phải vượt ngưỡng ngây thơ, mà còn là sự thất vọng lớn lao trước những biến đổi ngu xuẩn của thờỉ cuộc: phép lạ kinh tế của một đế quốc quân chủ thất trận đang khiến cho lòng tin mù quáng vào Thiên Hoàng bị thay thế bởi tín ngưỡng có tính toán vào sức mạnh của đồng tiền và những ước lệ xã hội kèm theo.
Tôi đọc Rừng Na-uy và nhớ đến Hemingway, Paul Bowls, Kerouac… đến những thế hệ trí thức trẻ tuổi Âu Mỹ sau hai cuộc thế chiến vẫn được gọi là The lost generations - những thế hệ bị tha hoá với chính sự thắng thế và hưng thịnh vật chất của phương Tây, không tìm thấy chỗ đứng của mình trong chốn phồn thực hãnh tiến ấy. Tôi nhớ đến Kundera và cái nhẹ bỗng không thể chịu đựng nổi của kiếp người trong vòng xoáy của những cuộc đổi thay bạo lực. Và tôi cũng nhớ đến câu nói của Alexei Tolstoi: "Những cuộc chiến tranh rồi sẽ chấm dứt, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét, và sẽ chỉ còn lại mãi mãi tấm lòng dịu dàng và êm ái của em."
Trong Rừng Na-uy, thân xác là nơi trú ngụ và phương tiện biểu cảm tự nhiên nhất của tình yêu. Không những hoàn toàn không phải là một "dâm thư", mà ngược lại, Rừng Na-uy là cuốn tiểu thuyết bắt người đọc phải nhận thức được sự ngu xuẩn của mọi thứ dâm tính trong thị trường văn chương, phim ảnh, và trong chính ý nghĩ của con người. Rừng Na-uy chinh phục được độc giả toàn thế giới vì nó đã giúp giới trẻ (và cả những người không còn trẻ nữa) nhận ra cái cao cả theo nghĩa triết học và tự nhiên của tình yêu. Cái cao cả không còn núp bóng lí tưởng và lãng mạn, mà công khai trực tiếp trong tấm lòng trung thực dũng mãnh của tuổi trẻ.
Đọc Rừng Na-uy rồi, tôi chắc bạn sẽ nghĩ nhiều về bản thân mình. Về người mình yêu. Về bạn bè. Về bố mẹ anh chị em trong nhà. Bạn sẽ nghĩ, và sẽ nhớ đến lời những nhân vật trong Rừng Na-uy, và thực sự cảm thấy sung sướng vì máu nóng đang chảy trong huyết quản bạn, vì bạn đang sống, vì tình yêu là có thực. Và bạn sẽ muốn chạy đến với người mình yêu mến nhất để nói rằng bạn hỡi, chúng ta hãy trung thực với nhau, cùng làm quen và chấp nhận những bất toàn của nhau, vì chỉ có vậy chúng ta mới có thể tìm thấy bình yên và hạnh phúc.
Nhân vật chính trong Rừng Na-uy tên là Toru Wantanabe.
Tôi đã thấy cái tên Toru và Watanabe này ở vài tác phẩm khác của Murakami. Tự nhiên tôi giật mình: Murakami tuổi Kỷ Sửu, mà trong tử vi Tây Phương thì tuổi Sửu là Taurus - vị thần bò dũng mãnh đầy nhục cảm trong thần thoại Hy Lạp mà tôi vẫn bắt gặp trong tranh vẽ của Picasso. Toru phải chăng là một biến âm dí dỏm của Taurus theo lối Murakami? (Rừng Na-uy dí dỏm lắm, bạn cứ đọc mà xem).
Và Watanabe phải chăng là âm thanh vọng lại từ mấy từ tiếng Anh: "Want to be" - muốn được tồn tại, muốn sống, muốn thành được như thế? Có lẽ sự chân thực và tình yêu dũng mãnh của nhân vật Toru Watanabe đối với cả bản ngã và tha nhân trong Rừng Na-uy cũng chính là mơ ước của tác giả. Thế mới thật là tiểu thuyết! Đọc Rừng Na-uy rồi, tự nhiên ta thấy mình tự nhủ rằng nào, hãy mạnh mẽ lên như thần bò huyền thoại, và hãy biết "want to be". Ấy là một vài xúc cảm riêng tư của tôi khi đọc và dịch Rừng Na-uy.
Còn bạn, cuộc đời của bạn là cả một cõi riêng tư khác biệt, và bạn sẽ còn tìm được nhiều cái hay cái lạ nữa khi đọc Rừng Na-uy. Từng nghĩa trong tiểu thuyết cũng như xiêm y mỹ nhân, lớp lang của nó hấp dẫn đến đâu là tuỳ ở lòng người lần mở, và khi ta tưởng đã đến nơi thì hoá ra mới chỉ là bắt đầu. Cái duyên của Murakami là ông động được đến tơ lòng sâu kín của tất cả mọi người. Mong rằng những ân hưởng văn chương và cuộc đời mà tôi đã nhận được từ ông vẫn nguyên vẹn trong từng con chữ Việt mà tôi đã lựa chọn để kể lại Rừng Na-uy cho bạn nghe với tấm lòng bồi hồi trân trọng của mình.