Một mối quan hệ không thân cũng chẳng sơ, nhưng hết sức gây quan ngại, tôi gọi là tình cũ!

“Chở người yêu qua nhà người yêu cũ

Rơi cơn mưa ban trưa

Chợt thấy lòng mình chia làm hai nửa

Nửa ướt bây giờ, nửa ướt xa xưa.”

Vào văn chương nghe lãng mạn là thế, mà ngoài đời thực thì bao chuyện bi hài, phức tạp lắm thay. Xưa nay hiếm thấy có đôi nào chia tay xong vẫn làm bạn được với nhau. Tình cảm hời hợt, không tổn thương vật vã gì mấy thì chẳng kể làm gì. Yêu sâu đậm thì dứt khoát không ở bên làm một mối quan hệ nửa nạc nửa mỡ được. Có người bảo, chuyện ấy đau như lấy tay tự bóp cổ mình. Nên thông thường, cách mọi người hay chọn là cắt đứt mọi liên lạc, cuộc sống của người này không liên quan gì đến người kia nữa. Rồi chờ thời gian dần nguôi ngoai.

Và dù quyết định thế rồi, vẫn còn những câu hỏi đau đầu như giải quyết sao với đống kỷ vật? Tôi có hai cô em gái vừa chia tay, cô thì ngay lập tức vứt hết “kỷ niệm” vào sọt rác, bạn bè ai thích gì cứ lấy. Cô thì bỏ thùng các tông, nhét dưới gầm giường, không hẹn ngày mở lại. Ấy thế mà nhìn những khoảnh trống trước đây đặt vật kỷ niệm ấy thì lại òa lên khóc. Trái ngược hẳn với cô đầu tiên, nhìn cô thứ hai ngồi xóa ảnh chụp chung trên facebook, mà rõ là nhiều, tôi mới khuyên em lần sau yêu cậu nào, chụp bỏ chung một album, sau chia tay xóa một nhát là đi đứt hết. Chứ thế này vất vả quá!

Vì chia tay nhau có vô vàn lý do nên cách cư xử hậu chia tay của mỗi người mỗi khác. Nếu mà vì hết tình thì cũng nhẹ nhàng êm đẹp, ai hỏi chỉ cười ruồi một cái bảo hết yêu nhau rồi, cho cả hai cơ hội mới thôi. Còn phải như chàng hoặc nàng bắt cá hai tay thì đừng mong yên ổn với người kia, thể nào cũng chọc trời khuấy nước hãi hùng một phen. Mà lạ là, sau khi chia tay thấy các cặp đôi quay ra nói xấu nhau nhiều. Đôi lúc chỉ muốn hỏi, người ta xấu thế sao xưa lại yêu? Phải chăng ngày ấy lỡ lời? Đâu, tán nhau cũng cực nhọc phết ấy chứ. Hay là bây giờ do người ta thay đổi nhanh quá, nên đôi lúc nghĩ lại kỉ niệm xưa, con người cũ, chỉ thấy xót xa. Có nhiều anh nhìn rõ đường hoàng lịch lãm, cư xử với xung quanh hết chỗ chê, mà quay ra toàn nói xấu người yêu cũ. Có người mới là nói xấu người cũ được ngay. Mọi chuyện chỉ đổ bể khi mấy cô người yêu cũ họp nhau lại, mặt nạ của chàng mới được gỡ xuống. Các cô truyền tai nhau một kinh nghiệm xương máu là: cứ xem cách chàng cư xử với người cũ là biết được tương lai của mình thôi. Đàn ông tốt hay không chia tay rồi mới biết! Ôi, sao mà lắm nhiêu khê.

Vậy nên nhiều lúc tôi mới hỏi: Thứ đọng lại sau cuộc tình ấy của em là gì? Thêm một kẻ thù? Hay mất đi một người mình từng rất yêu thương và trân trọng? Có người trả lời tôi: chỉ giữ được kỉ niệm. Câu trả lời này không sai, nhiều lúc người ta cũng không phân biệt được rạch ròi là nhớ về nhau hay nhớ về một con người trong quá khứ. Có mấy cuộc tình kết thúc trong êm đẹp, trong trân trọng và tiếc nuối dịu dàng? Người ta nhớ về người mình từng yêu như nhớ về một vết mực nhơ xấu xí, như một lầm tiếc tuổi trẻ, như một bài học mà sau này cần tránh cho xa.

Có lẽ, ứng xử ngay khi sắp sửa – cho đến lúc đã chia tay cũng là một nét văn hóa, mà nhiều người trẻ không hề biết. Cảm xúc và cái tôi được đẩy lên cao quá, trong khi sự tôn trọng đối phương thì không còn. Người ta quên mất khi xưa từng nâng niu nhẹ nhàng với nhau, giờ chỉ lo ôm cái đau của mình trước đã. Vậy, đối xử với tình cũ sao là phải? Công thức tuyệt vời chia tay rồi vẫn có thể làm bạn bè giúp đỡ nhau liệu có thể áp dụng với tất cả mọi người không? Tôi e rằng không, vì đó là một việc khiên cưỡng và dễ khiến bản thân ngộp thở. Nếu có thể, hãy đoạn tuyệt một lần, nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, và không xúc phạm bất cứ một điều gì chung. Trước đây có người từng nói với tôi, muốn bước qua một mối quan hệ, cần đủ dũng cảm, hoặc đủ tuyệt vọng.

Vậy thì hãy can đảm để trân trọng và nâng niu những điều từng rất đẹp trong lòng.

Theo Thatmah.com