Để Word "hiểu" được tiếng Việt, điều cần phải làm đầu tiên là sưu tầm font tiếng Việt và cài đặt chúng vào Windows ...

Để Word "hiểu" được tiếng Việt, điều cần phải làm đầu tiên là sưu tầm font tiếng Việt và cài đặt chúng vào Windows (ở đây chúng ta chỉ nói tới font TrueType). Do font tiếng Việt có nhiều bảng mã khác nhau và mọi người có thể tùy ý sử dụng bất cứ bảng mã nào theo thói quen hay theo sở thích, nên để thuận tiện khi trao đổi dữ liệu tiếng Việt, bạn cần phải cài đặt tất cả các bảng mã này vào máy mình.

Các bộ font tiếng Việt đang được sử dụng rộng rãi trong nước hiện nay là VNI, ABC, Bách khoa, Vietware. Người Việt Nam ở nước ngoài thường sử dụng font VNI, VISCII và VPS... Ngoài ra, font tiếng Việt Unicode đang ngày càng phổ biến thay thế cho các bộ font cũ do được cung cấp kèm theo Windows.

Mỗi font được xây dựng theo một bảng mã nhất định và mỗi bộ font cùng một bảng mã bao gồm nhiều kiểu font, mỗi kiểu font lại có bốn cách trình bày: thường (normal), nghiêng (italic), đậm (bold), nghiêng đậm (bold italic). Font được quản lý bởi tên file (khi lưu trữ) và tên font (khi sử dụng). Muốn sử dụng đúng font, bạn cần hiểu rõ các khái niệm bộ font, font, bảng mã, tên file, tên font để có thể phân biệt rõ ràng giữa các loại font khác nhau. (Xin xem thêm bài "Nhận diện font tiếng Việt" đã đăng trong e-CHÍP số 39)

Cách cài đặt font nói chung

Việc cài đặt font vào Windows rất đơn giản, bạn có thể làm theo hai cách:

Cách thứ nhất:

Chép toàn bộ các tập tin font tiếng Việt cần bổ sung vào một thư mục tạm trên đĩa cứng hay lưu trên dụng cụ lưu trữ tin nào đó (đĩa mềm, CDROM, đĩa RAM...) mà Windows có thể truy xuất được.

- Mở Start -> Control Panel -> Fonts, trong cửa sổ Fonts chọn File - > Install New Font...

- Trong hộp thoại Add Fonts, bạn chỉ định ổ đĩa lưu các tập tin font (Drives) và thư mục (Folders). Windows sẽ dò tìm và hiển thị danh sách tên font trong ô List of fonts. Bạn chọn font cần bổ sung, có thể chọn nhiều font cùng lúc bằng cách bấm và giữ phím Shift hay Ctrl đồng thời với bấm phím trái chuột (nếu chọn tất cả thì bấm nút Select All cho nhanh). Bạn cần đánh dấu chọn mục Copy fonts to Fonts folder nếu muốn sao chép các tập tin font từ thư mục cài đặt vào thư mục Fonts của Windows (nên chọn mục này). Bấm nút OK để tiến hành cài đặt.

Cách thứ hai:

Chạy Windows Explorer để chép toàn bộ các tập tin font tiếng Việt cần bổ sung vào thư mục Windows\Fonts rồi mở Start -> Control Panel -> Fonts để Windows cập nhật lại danh sách font hiện có.

Bạn đọc có thể tải chương trình tự động cài đặt 10 font tiếng Việt cho các bảng mã thông dụng nhất (mỗi bảng mã một font) tại địa chỉ Www.Echip.Com.Vn (fontvn.exe - 733.581 byte). Bao gồm các font sau:

- ABC/TCVN3: 1byte chữ hoa (.VnTimeH); 1 byte chữ thường (.VnTime).

- Bach Khoa: 1byte (VnTime); 2 byte (VnTime2).

- Vietware: 1 byte chữ thường (SVNtimes new roman); 1 byte chữ hoa (SVNtimes new roman H); 2 byte (VNtimes new roman).

- VNI: 1 byte (Thanhhoa); 2 byte (VNI-Times).

- PCWorld VN: (BK 2 byte).

Cài đặt font tiếng Việt Unicode

Font tiếng Việt Unicode có sẵn trong Windows 2000/XP, nhưng nếu bạn đang sử dụng Windows 9x/ME thì cần cài thêm các phần mềm Office 2000/XP hay Internet Explorer 6.x để bổ sung font Unicode vào Windows 9x/ME (các font cơ bản của Microsoft đi kèm với các phần mềm trên để hỗ trợ tiếng Việt Unicode là Times New Roman, Arial, Courier, Tahoma, Verdana).

Bạn đọc có thể tải chương trình tự động cài đặt bảy font tiếng Việt Unicode của Microsoft tại địa chỉ Echip.Com.Vn (gồm: Arial, Courier New, Microsoft Sans Serif, Palatino Linotype, Tahoma, Time New Roman, Verdana).

Trừ những người có nhu cầu trình bày và in ấn với nhiều kiểu font, thông thường bạn chỉ nên cài một, hai font thường dùng nhất của mỗi bảng mã vào Windows. Khi nhận được dữ liệu có cùng bảng mã nhưng khác font, bạn chỉ cần đưa chúng vào MS Word rồi chỉ định lại font hiện có (cùng bảng mã) trên máy bạn. Thí dụ: Trên máy bạn chỉ cài font VNI-Time, khi Word mở văn bản gõ bằng font VNI-Helv sẽ không hiển thị được tiếng Việt. Bạn chọn toàn bộ văn bản rồi chỉ định font là VNI-Time, văn bản sẽ hiển thị tiếng Việt bình thường (tuy kiểu chữ có khác).

VÀI ĐIỀU CẦN BIẾT KHI SỬ DỤNG TIẾNG VIỆT TRONG MICROSOFT WORD

- Không liệt kê font tiếng Việt trong danh sách font: Nếu bạn chưa cài máy in trong Windows hay khi bạn cài máy in mặc định của Windows là loại không hỗ trợ font Truetype, Word sẽ không liệt kê danh sách font Truetype (kể cả font tiếng Việt) cho bạn sử dụng. Điều này rất dễ nhận biết vì font tiếng Việt vẫn hiển thị đầy đủ khi chạy các chương trình khác như Excel...

- Tất cả những chữ Việt đều có dấu gạch răng cưa màu đỏ ở dưới: Bạn mở Tools -> Options, chọn bảng Spelling rồi bỏ dấu chọn mục Check spelling as you type (kiểm tra chính tả khi bạn gõ).

- Chữ bị giãn ra một khoảng trắng khi gõ tiếng Việt có dấu với font Unicode: Bạn mở Tools -> Options, chọn bảng Edit rồi bỏ dấu chọn mục Smart cut and Paste.

- Kiểu font: Word có khả năng thay đổi cách trình bày font: thường (normal), nghiêng (italic), đậm (bold), nghiêng đậm (bold italic) từ một font duy nhất nên bạn chỉ cần cài một kiểu normal cho từng font là đủ.

- Mất clipboard: Vì các phần mềm gõ tiếng Việt đều dùng clipboard (khay nhớ tạm) để xử lý dấu tiếng Việt Unicode, hay nói cách khác là nội dung đã có trong clipboard sẽ bị xóa mỗi khi bạn gõ tiếng Việt có dấu với font Unicode. Do đó, trước khi dán (paste) nội dung trong clipboard vào Word, bạn không gõ được bất kỳ từ tiếng Việt có dấu nào. Nếu sử dụng Unikey, bạn có thể khắc phục bằng cách vào Configuration (Bảng điều khiển) -> Expand (Mở rộng) -> bỏ dấu chọn mục Use clipboard for Unicode (Sử dụng clipboard cho Unicode).

Sưu tầm​