Hạ về, khi những áng mây không đủ dày để che lấp đi những tia nắng vàng ươm lên gốc mận sau nhà. Hai thằng nhóc trạc tuổi ngồi đó, tay đẩy đẩy mấy chiếc xe đồ chơi nhỏ, thằng kia xúc cát lên xe ben và thằng còn lại “lái” đến địa điểm đã định. Tôi vẫn nhớ như in cái khuôn mặt của nó, mặt dài dài, tướng tá ốm o, đen nhẻm, như bọn khác trong xóm.
Khoảng sân rộng phía sau trường tiểu học là nơi tôi và nó bắt đầu chạy hì hục với trái bóng tròn. Hồi ấy có được một trái banh động lực cũ mà mấy chú làm ở sân vận động cho là quý lắm rồi. Tôi và nó, cứ chiều chiều lại đi lòng vòng kêu bọn trẻ trong xóm, hai đứa tôi một đội, ăn ý nhau đến độ gọi là song sát. Cái cảm giác hai đứa phối hợp đan bóng qua một rừng chân, hoặc đôi khi là một đường chọc khe xé toang hết hàng thủ đội khách làm cho tôi thấy hứng khởi lắm. Nó ghi bàn rồi ùa đến nhảy cẩng lên mình tôi, mồ hôi nhễ nhại, mệt nhưng thật sự vui.
Có những trưa nó đứng ngoài hàng rào í ới gọi tôi đi câu cá trong khi tôi đang lum dim mắt mơ màng trên võng. Hai thằng len lén lấy cái cuốc của ba tôi rồi chạy ù sang khoảng đất ẩm nhà dì Năm đào giun làm mồi. Trưa hè nắng chang chang vậy mà vẫn có hai thằng nhóc đầu trần chân đất chạy nhong nhong trên con đường ra đồng, vai vác thêm vài cái cần câu bằng tre cong cong. Lang thang hết con mương này đến con mương khác, mùi bông lúa chín ngào ngạt không lẫn vào đâu được, có lúc nó nhảy cẫng lên vì câu được con cá rô to, đen sì. Chiều tối, nó cắm cần đó, nhảy xuống mương tắm, còn tôi thì vội lấy rọ cá câu được rồi ba chân bốn cẳng chạy về nhà giấu, trong lòng thầm nghĩ thể nào lát nữa về cũng tạt qua nhà tôi đòi chia cá cho mà xem.
Vài năm sau, chúng tôi lớn, vẫn chơi những trò đó, nhưng khoảng sân nhỏ sau trường tiểu học thì không còn đủ rộng cho chúng tôi nữa. Tôi và nó may mắn học cùng lớp trong những năm cấp hai. Sáng sáng, khi ông mặt trời bắt đầu tưới những tia nắng ấm lên rặng cỏ còn đọng lại sương, nó ở đó, đầu con hẻm, chờ tôi đi học, tôi và nó huyên thuyên đủ thứ, về một trận đấu bóng đá tối qua trên truyền hình, về một bài toán khó, về một bài thơ hay, về chuyện cảm nắng một cô bạn nào đấy…Đôi khi, tôi trộm nghĩ, liệu một lúc nào đấy, khi tôi và nó bắt đầu cho những ước mơ của riêng mình thì tình bạn này sẽ như thế nào. Tôi đem điều ấy nói với nó, nó lặng im, mặt đăm chiêu hướng cái nhìn về một nơi nào đó xa xăm mà không nói gì.
Lên Đại học, nó học kỹ sư nông nghiệp trong khi tôi quyết định trở thành một kỹ sư phần mềm máy tính. Nó dự định ra trường sẽ về quê tìm việc làm và sinh sống, cuộc sống ở quê cần những kỹ sư như nó, nó thuộc về nơi đó. Cuộc sống thành phố dù bon chen và xô bồ nhưng thích hợp hơn cho những kẻ như tôi, vả lại đồng lương ở huyện cũng chẳng đủ để sinh sống, thành phố sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn. Nghe tôi nói vậy, nó buồn buồn, tôi biết nó thật vọng vào thằng bạn thân lắm. Nhưng, có lẽ mỗi người đều có ước mơ của riêng mình mà.
Hết năm học, tôi vác ba lô về quê nghỉ hè đã thấy nó bon bon trên mấy con đưòng trong xóm tự khi nào. Ở quê, chiều chiều khói rạ ngoài đồng thổi vào mắt cay xè, tôi bỗng thấy rưng rưng cho một tình bạn chuẩn bị dang dở. Tối, nó bảo tôi ra ngoài đồng, nó nằm đó, nằm lăn ra bãi cỏ trên bờ mương, nó nhai nhai vài cọng cỏ mà lâu rồi tôi không nhớ là cỏ gì nữa. Nó hít lấy một hơi thật sâu cái mùi hôi hôi của bùn mới được máy cày cày lên lúc chiều, vậy mà nó bảo thơm. Rồi nó lại huyên thuyên đủ thứ, về những lần hai đứa đánh bi, đá banh, câu cá, trộm trái cây, chọc chó…
***
Một mùa hè nữa đến, tôi lại về quê với tấm bằng tốt nghiệp trên tay, ba mẹ tôi mừng rơn. Vừa đặt ba lô xuống là tôi chạy sang nhà nó ngay nhưng chỉ thấy ổ khoá to đùng trên cửa. Tôi ra lang thang một mình trên cánh đồng thơm mùi lúa chín, từng cơn gió thổi làm mấy cọng cỏ bên đường cứ nghiêng nghiêng ngả ngả, vài làn khói mỏng manh ở cuối xóm từ từ bay lên rồi mờ hẳn. Chưa bao giờ tôi cảm thấy cuộc sống ở quê bình yên đến vậy, nhưng nó thì không còn nữa, nó bỏ lại tôi sau một tai nạn khi đang thực hiện đồ án tốt nghiệp, nó mãi mãi nằm lại nơi đây, ở nơi mà nó thuộc về, nó bỏ luôn cả ước mơ còn dang dở…
...Nguồn: ZingBlog...