Thất bại là là vấn đề ai cũng gặp trong cuộc sống. Nhưng sự nhận thức và phản ứng của mỗi con người đối với Thất bại là rất khác nhau. Tùy theo mỗi cách phản ứng với Thất bại mà con người có tìm được chỗ đứng trong cuộc sống hay không, có đạt được những điều mình mong muốn hay là không.
Trong cuốn sách của mình tác giả John C. Maxwell đã bàn luận những sự khác biệt lớn giữa người biết học hỏi từ thất bại của bản thân với những không làm được điều đó. Bạn muốn tinh thần của mình nằm kẹt cứng trong bệnh viện, quá mệt mỏi đến mức chẳng còn sức lực gì nữa? Hay bạn muốn nắm lấy cơ hội được học tập, đánh giá và cân nhắc vấn đề vừa xảy ra và sử dụng tri thức đó để trang bị cho bản thân có thể ứng phó với cuộc đời?
Những nguyên tắc cần thiết cho việc học hỏi mà John nêu trong cuốn sách sẽ đem lại cho độc giả một vũ khí lợi hại vừa giúp ta tránh né, phòng thủ lẫn phản công những thách thức của hiện tại và trong tương lai.
Nếu bạn làm theo lời khuyên của John và học cách xem những thất bại như cơ hội để phát triển thông qua học hỏi thì ta sẽ trở nên bất bại. Cuộc đời chứa đầy những thất bại nhưng nếu được trang bị phù hợp, ta sẽ vượt qua được những thất bại đó. Bởi khi một người rút ra được điều gì đó quý giá từ những giây phút khó khăn, họ sẽ tự giải thoát mình khỏi sự kiểm soát của hoàn cảnh đó đối với tâm trí, th.ân thể, trái tim và tâm hồn mình.
Những trang sách này không chỉ là cuốn cẩm nang chỉ dẫn cách thức vượt qua những giai đoạn khó khăn, nó còn trao cho ta món quà giá trị nhất: Hy vọng. Thông qua cuốn sách bạn đọc sẽ được trải nghiệm các góc độ của việc học hỏi như sau:
+ Tinh thần của học hỏi đó là sự Khiêm tốn: Sự Khiêm tốn giúp con người nhìn nhận bản thân một cách chính xác và cởi mở, rút kinh nghiệm được một cách triệt để từ những sai lầm để bản thân được hoàn thiện hơn
+ Nền tảng của học hỏi là Thực tế: Thực tế là trong cuộc sống ai cũng gặp khó khăn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ không phải bạn gặp khó khăn gì mà là bạn học được gì từ những khó khăn đã trải qua. Nếu bạn học hỏi được càng nhiều bạn sẽ trưởng thành và những khó khăn bạn đã vượt qua không thể làm khó bạn được nữa.
+ Bước đầu tiên của học hỏi là Trách nhiệm: Con người cần có trách nhiệm với bản thân mình. Trách nhiệm ở đây được hiểu trong mỗi thất bại đã gặp phải nhận thức được rõ nguyên nhân nào do bản thân mình và nguyên nhân nào do môi trường bên ngoài. Hiểu rõ bản thân mình và hiểu được những yếu tố của ngoại giới tác động đến mình là cơ sở để bắt đầu thực hiện việc học hỏi.
+ Liên tục trau dồi để cải thiện bản thân là tâm điểm của việc học hỏi: Học hỏi là một quá trình liên tục không có điểm dừng, một trận chiến không có hồi kết. Để quá trinh học hỏi hiệu quả bạn phải bước ra khỏi "vùng thoải mái" của bản thân và cam kết thực hiện sự cải thiện bản thân mỗi ngày
+ Hi vọng là động lực của học hỏi: Hy vọng là ánh sáng trong đêm tối, là ngọn hải đăng trong cơn bão biển. Hy vọng là công cụ đầy quyền năng và uy lực đem lại cho con người sức mạnh để đối mặt, tự học hỏi và vượt qua thất bại
+ Xây dựng lộ trình học hỏi bằng Tinh thần cầu thị: Muốn quá trình học hỏi được hiệu quả phải nuôi dưỡng và mở rộng tâm hồn. Người sẵn sàng học hỏi luôn sở hữu suy nghĩ của người mới bắt đầu, đồng thời họ luôn nhìn sâu và lâu vào chính bản thân mình để tìm ra nguyên nhân của vấn đề trước khi tìm kiếm nguyên nhân ở bên ngoài.
+ Chất xúc tác cho việc học hỏi chính là Nghịch cảnh: Nghịch cảnh chính là cơ hội để khám phá bản thân nếu chúng ta muốn hiểu thêm về chính mình. Nghịch cảnh mang lại nhiều lợi ích và là cơ sở để thiết lập những chuyển đổi tích cực nếu bạn phản ứng đúng đắn với nó. Nghịch cảnh giúp ta sáng tạo cuộc đời. Cuộc đời bạn tươi đẹp hay đen tối tùy thuộc cách bạn phản ứng với nghịch cảnh.
+ Các vấn đề gặp trong cuộc sống chính là cơ hội để học hỏi: Để sử dụng tốt các cơ hội này bạn đừng nên đánh giá quá thấp hay cao vấn đề, đừng đợi vấn đề tự giải quyết hoặc làm trầm trọng thêm. Bạn hãy lường trước vấn đề để có sự chủ động. Truyền tải vấn đề để được nhiều người giúp đỡ và đánh giá cẩn thận từng vấn đề có thể học hỏi được nhiều nhất từ việc giải quyết vấn đề đó.
+ Để việc học hỏi được từ thất bại bạn phải Thay đổi: Phần đông mọi người thường sợ sự thay đổi vì sự thay đổi mang lại cảm giác mất mát và không an toàn, mất điểm tựa trong nhận thức. Nhưng để có được một sự thay đổi có dáng hình vật chất bên ngoài, nó phải được xây dựng trên nền tảng nhận thức từ bên trong. Thay đổi hiếm khi xảy ra ngay lập tức. Nó là một quá trình đi từ tư duy, cảm xúc đến hành động.
Giá trị của việc học hỏi là bạn có sự trưởng thành:
- Trưởng thành là kết quả của việc tìm kiếm lợi ích từ thất bại
- Trưởng thành là kết quả của học hỏi để bồi dưỡng cảm xúc đúng đắn và các thói quen tốt.
- Trưởng thành là kết quả của việc học cách hy sinh ngày hôm nay cho thành công của ngày mai.
- Trưởng thành là kết quả của việc học hỏi để có được sự tôn trọng chính bản thân mình và người khác
Thông tin tác giả:
John C. Maxwell là nhà sáng lập của Tập đoàn INJOY, một tổ chức giúp mọi người phát huy tối đa tố chất cá nhân và tiềm năng lãnh đạo. Ông là tác giả của một loạt cuốn sách nằm trong danh sách bán chạy của New York Times, cũng là sách bán chạy trên bảng xếp hạng của Business Week.