Bố mẹ đã dùng nhiều chiêu từ ngọt nhạt đến cứng rắn để mong cô con gái bước vào tuổi 30 yên bề gia thất, nhưng họ đành ngậm ngùi, bất lực khi biết cô vẫn dành trọn trái tim cho người anh họ hơn 10 năm qua.

“Từ đầu, chúng tôi đến với nhau bằng tình cảm rất vô tư vì là anh em họ, là người thân. Nhưng từ những sự quan tâm, lo lắng và gần gũi nhau, từ sự chia sẻ những vui, buồn trong cuộc sống, tôi và anh đều biết cả hai không thể ngừng yêu nhau”, cô gái xinh xắn Như Phương xúc động tâm sự.

Mẹ của Phương và mẹ người yêu cô là hai chị em ruột. Anh hơn cô 2 tuổi nên ngay khi còn nhỏ, hai đứa trẻ đã được các mẹ tạo điều kiện sinh hoạt và học tập cùng nhau. Khi Phương bắt đầu bước vào cấp 2, gia đình người dì chuyển lên Tây Nguyên lập nghiệp. Mỗi mùa hè, cậu trai hoặc Phương được mẹ thưởng một chuyến nghỉ hè nếu kết quả học tập tốt. Phương lại được gặp anh, được anh chở đi khắp các con đường của phố núi, bảo vệ trước đám bạn xấu hay hái tặng cô một bó hoa cúc dại chất đầy giỏ xe đạp... Trong lòng cô gái đã nảy sinh nhiều tình cảm ngây ngô của trẻ con tuổi mới lớn.

Ngày Phương đỗ đại học, mẹ cô an lòng khi con gái bé nhỏ được sống cùng nhà với những người anh em họ. Họ tin rằng cô sẽ được chăm sóc và an toàn bởi người thân.

Cô kể: “Tôi luôn được anh đưa đi cùng trong các cuộc vui của anh, gặp bạn bè anh và cả những tin nhắn anh tán tỉnh một cô gái anh thích, tôi cũng là người biết đầu tiên. Có lúc tôi thầm ước rằng chúng tôi không phải anh em họ mà là hai người xa lạ, để tôi có thể yêu anh. Nhưng tôi lại thấy mình may mắn vì được làm em họ anh, tôi có điều kiện gần gũi, hiểu anh và chia sẻ với anh bất cứ lúc nào”, Phương kể.

Dần dần trong Phương và người anh họ nảy sinh tình cảm. “Tôi khao khát được ở cạnh anh ấy và tôi hiểu, anh cũng không thể thiếu tôi”, cô bộc bạch.

Ngang trái tình yêu anh em họ Tyeu3

Tình yêu nam nữ phải từ những người không cùng huyết thống mới đảm bảo hạnh phúc và đảm bảo sức khỏe cho thế hệ sau. Ảnh chỉ có tính minh họa

Trong cô luôn tồn tại sự dằn vặt, đấu tranh giữa lý trí và trái tim. Cô tự nhủ, sau khi hoàn thành đại học, cô sẽ rời xa anh, để anh có thể yêu một người con gái xứng đáng với anh hơn. Nhưng cô đã bất ngờ khi anh thổ lộ rằng anh yêu cô và khi gặp bất cứ một cô gái nào khác, anh luôn so sánh họ với cô. Và sau nhiều lần lẩn tránh nhau, cả hai đã không thể ngăn cản được tình cảm mãnh liệt của mình, đi quá giới hạn cho phép.

Giờ đây, sau nhiều năm âm thầm duy trì mối quan hệ, nước mắt tuôn trào, cô và người yêu đã cùng nhau thừa nhận trước gia đình để mong được tha thứ. Mẹ cô chỉ còn biết ôm mặt khóc và hiểu vì sao suốt nhiều năm qua, con gái từ chối tất cả cuộc tình khác đến với mình.

Một trường hợp khác, chọn cách yên bề gia thất để dứt khoát tình cảm ràng buộc nhau nhưng Trinh và người anh họ của mình là Cường thừa nhận họ vẫn còn rất yêu nhau.

Rời gia đình vào thành phố lập nghiệp, Trinh được sống tại nhà người bác ruột. Sau khi ly thân với vợ, bác chuyển công tác ra Hà Nội. Cường - anh con trai của bác - sau chuyến du học trở về đã bắt đầu sống cùng nhà với Trinh.

Sau 15 sống cùng nhau, Cường và Trinh nhiều lần bị mẹ Cường phát hiện mối quan hệ không đúng đạo lý nên ngăn cấm, nhưng cả hai vẫn mặc kệ dư luận. Nhưng trước áp lực của gia đình hai bên, Cường quyết định chuyển công tác đến một tỉnh xa thành phố trong 2 năm, còn Trinh chấp nhận lấy chồng.

Cô từng nói: “Tôi không quan tâm mọi người bên ngoài nhìn vào nghĩ gì, đánh giá ra sao vì chúng tôi chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Tôi biết chồng tôi hay vợ anh biết được điều này sẽ thất vọng và đau khổ, nhưng tôi và anh vẫn rất yêu nhau. Chúng tôi rời xa nhau vì hiểu rằng, cuộc sống này không phải chỉ yêu nhau là có thể sống với nhau đến trọn đời, trọn kiếp”.

Nhận định tình trạng ngày càng nhiều cặp anh em họ, chị em họ yêu nhau và công khai mối quan hệ, bất chấp dư luận, một chuyên viên tư vấn tổng đài 1088 TP HCM (đề nghị giấu tên) chia sẻ, là anh chị em họ nên những người trong cuộc có một loại “gene” nhận diện người thân, tình cảm gắn bó nhau, tình cảm dễ dàng tiến triển tốt hơn đối với người ngoài.

Theo chuyên gia này, quy định luật pháp Việt Nam, những người có họ trong phạm vi ba đời là người cùng một gốc sinh ra như cha mẹ là đời thứ nhất; anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh chị em con chú con bác, con cô con cậu, con dì là đời thứ ba. Những người có quan hệ huyết thống nhiều hơn 3 đời mới được phép kết hôn.

Như vậy, nếu muốn tiến tới hôn nhân, các đôi lứa có cùng huyết thống sẽ vi phạm luật pháp, chưa kể luân thường đạo lý và cả về mặt di truyền học.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong ở thế hệ sau của những cặp vợ chồng cùng huyết thống cao gấp 3 lần so với những người bình thường. Còn tỷ lệ trẻ bị dị tật cao hơn gấp khoảng 5 đến 6 lần.

"Do đó có thể thấy rằng, kết hôn với người cùng huyết thống là không tốt cho thế hệ sau, hơn nữa sẽ ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dòng tộc", chuyên gia này đúc kết.

tác giả: Nhật My