Bác- tên gọi thân thương và quen thuộc của con dân Việt Nam, người đã liều mình ra đi với đôi tay trắng để tìm lại độc lập cho đân tộc, người đã thức trắng bao đêm để cùng bộ đội chiến đấu, và người đã ra đi trong sự nuối tiếc của vô vàn con người được sống trong độc lập. Trong mạch cảm xúc dâng trào khi đến thăm lăng Bác năm 1976, Viễn Phương đã cho ra đời bài thơ "Viếng lăng Bác". Sự gần gũi, thân thiết, niềm thương nhớ và nỗi tiếc nuối của nhà thơ đã được thể hiện nổi bật ở hai khổ thơ:

"Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim.

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này."

Tác giả đã đến lăng Bác, nóng lòng muốn gặp Bác khi sương còn giăng khắp ngả. Từng giây, từng phút, từng khoảnh khắc, nhà thơ tinh tế cảm nhận từng chút một, khi đến lăng bất giác nhìn thấy hình ảnh của con ngươi Việt Nam qua hàng tre xanh thẳng tắp, khi hoà cùng dòng người dâng lên cho Bác tràng hoa tươi thắm, ngát hương. Tất cả đều gợi lên sự gần gũi, thân thiết, tôn kính của nhà thơ đối với Bác. Gợi nhắc đến sự kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam. Thay mặt cho con dân miền Nam, nhà thơ bày tỏ niềm thương tiếc, nỗi nhớ và lòng biết ơn sâu sắc tận sâu đáy lòng của mỗi người, Bác vẫn sống mãi với non sông. Theo dòng người, tác giả vào viếng lăng Bác:

"Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim."

Từ dòng cảm xúc trào dâng, tác giả không khỏi bùi ngùi xúc động khi đứng trước lăng Bác:

"Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vẫng trăng sáng dịu hiền"

Nhà thơ đã khéo léo sử dụng biện pháp nỏi giảm nói tránh để vơi đi nỗi đau mất Bác trong lòng những người con Việt Nam: chỉ những ai vẫn sống thì mới ngủ. "Ngủ" ở đây không chỉ thầm lặng khẳng định rằng Bác vẫn sống, mà còn ca ngợi sự ra đi nhẹ nhàng và thanh thản của Bác. Nhiều đêm, Bác không ngủ. Bác thức lo cho bộ đội, lo cho cách mạng. Nhưng giờ đây, Bác đã được yên giấc, không còn điều gì có thể làm Bác phiền muộn. Bác chẳng còn điều chi để lo lắng nữa. Không gian trong lăng Bác ngời một ánh sáng dịu hiền như vầng trăng- người bạn tri kỉ của Bác. Thuở còn sống, Bác rất yêu thiên nhiên, đặc biệt là trăng. Bác yêu trăng, xem trăng như là người bạn thân, và đã sáng tác rất nhiều bài thơ ca ngợi vẻ đẹp trường tồn của ánh trăng, như:

"Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa" (Cảnh khuya)

hay

"Nhân hướng song tuyền khán minh nguyệt

Nguyệt tòng song khích khán thi gia" (Vọng nguyệt)

Bác gắn bó với trăng trong suốt những thăng trầm của cuộc đời, khi suy tư trong rừng thẳm, lúc ưu sầu ở nhà lao. Dù Bác có làm gì, nơi đâu, trăng vẫn luôn đồng hành với Bác. Và giờ đây, vầng trăng ấy, vẫn ở bên, vỗ về, ủi an giấc ngủ an lành của Bác. Tình tri kỉ ấy mãi không thay dời. Ngoài ra, "vầng trăng sáng dịu hiền" còn mang một ý nghĩa ẩn dụ: tâm hồn trong sạch, thanh cao của Bác. Ánh trăng nhẹ nhàng, hiền dịu, không kiêu kì chói gắt, nhưng cũng không tầm thường nhỏ nhoi. Trăng vẫn toả sáng, thuần khiết, giản đơn. Đó là tâm hồn và cách sống của Bác. Tác giả đã bày tỏ tấm lòng biết ơn Bác sâu sắc, sự hy sinh cao cả, suốt cả cuộc đời chỉ dành cho dân, cho nước.

Trong khoảnh khắc thiêng liêng bên cạnh Bác, một cảm giác đau xót bất chợt trỗi dậy trong lòng nhà thơ:

"Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim"

"Trời xanh" là hỉnh ảnh ẩn dụ cho lối sống cao đẹp của Bác. Vĩ đại, rộng lớn, vô tận, bất diệt. Đây là cuộc đấu tranh tư tưởng thật khốc liệt, giữa tình cảm và lí trí. Không chỉ nhà thơ, mà mọi người, ai cũng biết, và tin rằng, Bác vẫn sống mãi trong lòng mỗi người. Bác vẫn sống mãi với đất nước Việt Nam. Bác vẫn sống mãi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bác vẫn như bầu trời xanh cao kia, vẫn trường tồn, mãi mãi. Tuy nhiên, sự thật, đó là Bác đã không còn. Sự ra đi của Bác đã để lại một mất mác vô cùng to lớn cho mọi người, cho đất nước Việt Nam. Nỗi đau ấy quả thật quá lớn, đã vượt lên trên khỏi những lập luận, những mặc định tự tạo của con người. Nhà thơ nghẹn ngào, thương tiếc, và bỗng thấy "nhói" như những mũi kim đâm vào trong trái tim thổn thức này. Nó không phải đau dữ dội, cũng chẳng phải là một sự tê buốt. Nhưng sự xót xa ấy, cứ như gậm nhấm, cắn, rứt, từng chút một, thật ít mà đau, cứ như muốn chọc trái tim nhà thơ thành từng chỗ thủng, hay nghiền thành từng mảnh vụn. Việc sử dụng động từ mạnh, cũng như sự mâu thuẫn gay gắt giữa lí trí và tình cảm, đã đem niềm đau xót, thương tiếc, nỗi nghẹn ngào, của tác giả lên đến đỉnh điểm. Bày tỏ thiết tha tấm lòng tiếc nuối khôn nguôi vì sự ra đi của Bác.

Giây phút được ở bên Bác, rất dài, nhưng cũng thật ngắn ngủi. Bất cứ điều chi cũng vậy, có gặp gỡ, sẽ có chia ly. Mạch cảm xúc của nhà thơ chợt dâng trào khi biết mình sắp phải rời xa Bác, lần nữa:

"Mai về miền Nam thương trào nước mắt"

Vừa mới đến lăng, chỉ vừa được ngắm nhìn Bác ngủ yên, mai, lại phải về. Ôi, thời gian đúng thật là một kẻ bội bạc, phủ phàng! Nhà thơ "thương trào nước mắt", lưu luyến không muốn rời xa. Cụm từ "thương trào nước mắt" đã nói lên cả sự thương yêu, thương kính, thương xót đến trào nước mắt, là một cảm xúc mãnh liệt không sao chế ngự được. Đó cũng là cảm xúc chung của những người con Việt Nam, của hàng triệu trái tim đang hướng về Bác.

Chính từ tình cảm cao cả, thắm sâu ấy, mà tác giả đã buộc dâng lên ước nguyện, khát vọng của mình:

"Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này."

Điệp ngữ "muốn làm" như để khẳng định, nhấn mạnh ước nguyện chân thành, khát vọng tự nguyện của nhà thơ. Nhà thơ muốn hoá thân thành những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp dâng tặng Bác. Nhà thơ muốn làm con chim ríu rít hót vang mang niềm vui đến cho Bác, muốn làm đoá hoa ngát hương tô điểm cho khu vườn của Bác thêm đẹp, thêm xinh, thêm lên cho đời nguồn sống mới, tràn ngập hương hoa lan toả. Và cuối cùng, là muốn được làm cây tre trung hiếu mãi ở bên Bác. Tác giả đã rất sâu sắc nhắc lại hình ảnh cây tre ở khổ thơ đầu. Tre là biểu tượng của con người, của dân tộc Việt Nam. Tre kiên cường, bất khuất. Tre nghĩa tình, thuỷ chung. Tre trung hiếu với nước, với dân. Mở đầu bằng lời ca ngợi, niềm tự hào dân tộc Việt Nam, và kết thúc bằng lời mong ước được trở nên một con người Việt Nam chân chính, nối tiếp con đường mà Bác đã đi, góp phần mang niềm vui, tô điểm cho đời thêm tươi thắm. Bằng những hình ảnh đầy sức gợi, nhà thơ đã bày tỏ niềm thương nhớ da diết, chân thành, muốn được ở mãi bên Người, làm người con trung hiếu với dân.

Khi nghe những lời tâm sự, những khát vọng thầm kín của tác giả, chúng ta bất giác nhớ đến một sự cống hiến không tên của Thanh Hải trong "Mùa xuân nho nhỏ":

"Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến."

Cả hai nhà thơ đều muốn được làm con chím hót mang niềm vui, hạnh phúc đến cho đời, muốn được làm cành hoa toả ngát hương thơm tô điểm cho cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, nâng cao giá trị sống cho con người. Cả hai đều tự nguyện muốn hiến dâng. Cả hai đều muốn được cống hiến trong thầm lặng, với những khát vọng nhỏ nhoi: một chú chim bé nhỏ tươi vui, một đoá hoa gian đơn toả ngát, một nốt trầm nhẹ nhàng, sâu lắng làm lay động lòng người hay chỉ là một cây tre bình dị trung hiếu với nước non. Tất cả đều xuất phát từ lóng yêu quê hương, lòng yêu đất nước, từ khát vọng chân thành, và hoàn toàn tự nguyện. Không cần chi cao sang, không cần mọi người quý mến, ca ngợi, chỉ cần được góp chút sức mọn mình đưa đất nước đi lên, đi lên phía trước.

Với giọng thơ trang nghiêm, sâu lắng, tha thiết, đau đớn, hình ảnh thơ sáng tạo, có ý nghĩa, mang tính biểu cảm cao, kết hợp các biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, nghệ thuật nói giảm nói tránh, sử dụng động từ mạnh, nhà thơ đã thể hiện niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, niềm tự hào đau xót của mình cũng như là của con dân miền Nam nói riêng, của cả dân tộc Việt Nam nói chung, dành cho Bác. Bác đã hy sinh cả cuộc đời vì đất nước, chỉ để được thấy non sông Việt Nam ngày càng phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu. Bác đã để lại cho chúng ta một di sản quý báu, nên, chúng ta, là những thế hệ mai này, được Bác tin tưởng giao lại trọng trách, chúng ta hãy cố gắng nối tiếp bước chân Bác, giúp cho đất nước ngày càng giàu mạnh để không phụ lòng Bác.

-Yoshida & A secrect document-​*Vui lòng ko sao chép, xin cảm ơn ^.^*