Ngoài khoản học phí lên đến 2,3 triệu đồng một học kỳ, các khoản thu phát sinh như: tiền thư viện, sách niên giám, lệ phí thi tốt nghiệp... lên tới cả triệu đồng khiến nhiều sinh viên ĐH Công nghiệp TP HCM ngỡ ngàng.

Một sinh viên chuyên ngành Công nghiệp hệ cao đẳng nghề cho biết, học kỳ cuối phải đóng thêm 500.000 đồng tiền đồ án tốt nghiệp cho lớp trưởng nhưng không có chứng từ và 750.000 đồng lệ phí thi tốt nghiệp cho nhà trường. "Mặc dù học kỳ cuối vẫn chưa xếp lịch nhưng học phí vẫn thu, sinh viên nào đóng trễ là bị xóa tên. Em cũng chưa thấy ở trường nào có mức lệ phí thi cao đến thế", sinh viên này thắc mắc.

Cũng chung tâm lý, Văn Cường sinh viên khoa công nghệ thông tin cho hay với cách học theo tín chỉ mỗi học viên trung bình phải học 15 - 20 tín chỉ một học kỳ. Mức thu mà nhà trường áp dụng cho sinh viên trong hai năm nay là 110.000 đồng trên một tín chỉ. Với 22 tín chỉ mà bạn đăng ký trong học kỳ này thì mức học phí phải đóng lên tới 2.420.000 đồng.

"Đó mới chỉ là tiền học phí, ngoài ra còn có hàng loạt các khoản khác như: tiền thư viện (100.000 đồng), sổ tay sinh viên, thẻ sinh viên, sách niên giám... tất cả các khoản cũng phải hơn một triệu", Cường nhẩm tính.

Sinh viên Công nghiệp TP HCM khiếu nại việc thu phí Congnghiep

Đại học công nghiệp TP HCM. Ảnh: Hải Duyên

Theo thông báo của trường thì học phí đối với sinh viên khóa 36 hệ trung cấp là 1.600.000 đồng, sinh viên khóa 37 là 1.750.000 đồng một học kỳ. Hệ đại học tính theo tín chỉ 110.000 đồng một tín chỉ và hệ cao đẳng là 105.000 đồng.

Với mức tiền này trung bình mỗi tháng sinh viên hệ đại học phải đóng trên 400.000 đồng và trung cấp là 320.000 đồng. Trong khi đó mức trần học phí hệ ĐH theo quy định Bộ đưa ra là 240.000 đồng.

"Khi thi đậu vào đại học em háo hức lắm, nghĩ học ở trường công thì sẽ đỡ cho bố mẹ, ai ngờ khi vào học rồi mới thấy học phí cao không kém các trường dân lập. Mấy đứa bạn em cũng học trường công nhưng học phí chỉ bằng một phần ba", một nữ sinh năm nhất đến từ Bình Thuận phân bua.

Trao đổi với VnExpress.net, Phó phòng kế hoạch tài chính ông Nguyễn Đình Hưng giải thích, tất cả các khoản tiền nhà trường thu của sinh viên đều nộp về phòng kế hoạch tài chính và có biên nhận rõ ràng. Khoản tiền 500.000 đồng lệ phí đồ án nhà trường không chủ trương thu, mà đối với những sinh viên khối công nghệ thì các lớp tổ chức thu gộp lại để mua thiết bị dụng cụ làm đề tài, thay vì một người tự mua thì chi phí sẽ tốn kém hơn và tiền này do các lớp trưởng hoặc nhóm trưởng tự thu.

Khoản lệ phí thi tốt nghiệp 750.000 đồng nhà trường thu là xuất phát từ việc phải làm nhiều khâu bao gồm: tổ chức thi tốt nghiệp trong đó có ra đề, coi thi, chấm thi, in ấn giấy thi, cộng điểm...; Hoạt động xét tư cách tốt nghiệp thông qua các khoa và hội đồng xét duyệt; Khâu cuối cùng là mua phôi bằng, đóng dấu, lễ phục...

"Tất cả những khâu này đều phải có chi phí và đối với mỗi sinh viên chúng tôi phải sao in kết quả tốt nghiệp, bảng điểm tới 5 bản. Tuy nhiên đối với mỗi chuyên ngành lệ phí khác nhau và khối kinh tế sẽ thấp hơn kỹ thuật", ông Hưng nói.

Riêng đối với tiền học phí thì ông Hưng cho rằng, mức thu như vậy là hợp lý và không hề vượt quá quy định của Bộ. Ở hệ đại học trong 110.000 đồng một tín chỉ thì tiền học phí chiếm 70.000 còn 40.000 là để đầu tư cơ sở vật chất, điện nước. Đối với hệ trung cấp do đặc trưng là đào tạo nghề nên phải chia sinh viên thành nhóm nhỏ và mua máy móc, dụng cụ nên trong số 350.000 tiền học phí mỗi tháng thì có tới hai phần ba phục vụ cho cơ sở vật chất, phần còn lại là tính vào tiền học phí.

"Tiền cơ sở vật chất đều được nhà trường sử dụng vào việc xây dựng xưởng công nghiệp cho các em thực hành và có những nhiều thiết bị tốn kém khác đối với khối công nghệ cũng như các em học nghề", phó trưởng phòng tài chính giải thích.

Đại diện nhà trường cũng thừa nhận khoản tiền của đại học Công nghiệp thu cao hơn với một số trường công lập khác, nhưng nếu thu thấp hơn sẽ không thể phục vụ cho việc đào tạo.

Hải Duyên​