Bỏ lỡ

Tác giả: Đình Nguyên.

Tự Truyện - Bỏ Lỡ - Đình Nguyên WbxzVJy


Người ta bỏ lỡ nhiều thứ. Điều đó là sự thật.

Ba năm tuổi, tôi mới biết nhiều thêm về bố mẹ, người mà ngày ngày bên cạnh chăm sóc tôi.

Nghe bố kể chuyện ngày xưa, cái thời còn bao cấp, thời còn đi khai phá đất, cái thời mà bố tôi còn ngang ngược, đầu đội trời, chân đạp đất, chẳng sợ ai.

Bố kể bố là những người thuộc thế hệ đầu tiên lên mộc châu khai phá đất. Ngày đó chả ai muốn lên vùng rừng núi, chẳng bóng người này làm gì.

Một trăm người ở trong khu tập thể, nào có được rộng rãi như ký túc xá sinh viên bây giờ.

Ngày đó mọi người lên làm cho nông trường. Đi làm để chấm công, có công là không lo đói.

Nhưng bố đâu có chịu đi làm, quan hệ rộng. Một năm ba trăm ngày nghỉ ốm.

Nhiều cái lý do oái om, nghe mà mắc cười.

Bố kể, bố quen ông nghênh làm y tá, làm cho nông trường cứ một tháng là được bảy ngày phép nghỉ ốm. Ông đều ký giấy cho nghỉ.

Rồi lại quen cô luyến trên bệnh viện. Lại thêm vài chục cái giấy nghỉ.

Chuyện như đùa phải không?

* * * nhưng mà có lần bố cũng bị người ta bắt được. Tội xin nghỉ ốm, chốn theo xe đi về xuôi buôn gỗ.

Người ta vào tận nhà hỏi. Bố chỉ cười khì.

"Đó là do tôi ốm, phải theo xe về xuôi để đi bệnh viện, các anh không hỏi thăm thì thôi, còn trách móc cái gì"..

Bố giờ nhiều tuổi rồi, không có còn như trước nữa.

Sáu năm trước khi về thăm nhà tôi nhớ ông vẫn đi xem từng con gà đẻ, từng cái van nước, ngày ngày đi nhặt trứng, hễ nghe thấy tiếng kêu là lại lao ngay xuống chuồng gà xem chúng có mổ nhau không. Có lẽ bố mệt rồi. Bố chỉ vào cho gà ăn, không hề để ý thấy cái van nước đang bị rò, dây chun buộc bị đứt, quên tắt máy bơm. Thậm trí ba hôm mới nhặt trứng một lần.

Bố kể có lần bố theo xe đi xuôi. Để con bò của hợp tác xã suýt chết đói. Bố được giao nhiệm vụ chăn bò. Người lười như bố chăn bò cũng không xong là điều có thật.

Bố buộc bò ở giữa cánh đồng, rồi theo xe đi xuôi không hẹn ngày trở lại.

Một tuần sau phải cho bò uống nước thì nó mới có thể đứng dậy được.

Bố là thế đó. Ngày mẹ sinh anh trai. Bố có biết nấu cơm đâu. Người ta cắt hộ tiết gà, bố không có biết vặt lông, chỉ chặt hai cái đùi rồi đem luộc cầm lên viện cho mẹ.

Nấu nồi cháo thì không biết là cơm nhão hay cháo nữa.

Mẹ nằm viện, bố mang gạo sang nhà bà hạnh sản nhờ nấu hộ. Lợn gà nhờ nhà quyết huyền cho ăn.

Bố kể có năm mẹ về xuôi chữa bệnh. Bố luộc cái chân giò từ hôm ba mươi tết, để lên bàn thờ thắp hương, rồi bố đi miết đến ngày năm tết mới về.

Ngày đó xóm làng còn tình cảm, đến nhà ai ăn uống, rượu chè cả ngày cũng được.

Chả phải suy nghĩ gì.

Chúng ta bỏ lỡ nhiều thứ, bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội.

Phải chăng là vì con cái?

Mang máy cưa, xẻ gỗ, đồ làm mộc lên sớm nhất cũng là bố, rồi thì đồ nấu rượu, làm đậu phụ, đốt vôi, cũng là bố.

Nhưng vẫn không giàu được.

Cái gì bố cũng giỏi. Chỉ tiếc con cái không có phụ được bố.

Nhớ những ngày đầu cùng bố làm mộc, hậu đậu chả biết gì, bị bố trách. Nhưng vẫn cùng bố làm đến 12h, 1h đêm.

Hồi đó còn quá bé, nhưng cũng vẫn cố gắng để giúp đỡ bố mẹ.

Còn biết lấy những đoạn gỗ thừa rồi cắt gọt, cẩn thận đánh số làm thước kẻ cho mấy cô chú hàng xóm. Đem cả thước cho thầy giáo nữa.

Bố tuy làm mộc, nhưng trong nhà không có đồ đẹp, chỉ toàn đồ bền thôi.

Cái phản bố làm, cái bàn thờ bố đóng, bộ cánh cửa gỗ hồi làm cái nhà mới, rồi cả cái tủ quần áo, cái trạn bát.. mới đó mà đã hai mươi năm tuổi rồi.

Vẫn còn ở đó, Người ta có thể chê nó cũ, Vứt sang một góc.

Còn tôi thì vẫn nhớ, trân trọng. Một kỷ niệm đẹp về ngày còn nghèo khó, Về người mà ngày ngày tôi vẫn gọi là bố.

Trên chuyến xe hôm đó, lần đầu tiên tôi mới thấy ông tự hào kể về chiến tích của ông ngày xưa.

Ông già tôi, ngày đó đặt chân lên khai hoang ở nơi rừng sâu, không thấy bóng người này, ngày mộc châu chả có gì, vẫn tự hào, vẫn vui vẻ cùng sức khỏe của tuổi trẻ, hai mươi, hai mốt tuổi, Cũng như tôi khi lần đầu đặt chân lên đất hàn.

Ông kể về những lần đi ăn trộm quýt của nông trường, ông bảo vườn quýt thì chỉ có một người trông coi, bọn bố chia làm hai tốp, một tốp cứ chạy vòng quanh cổng trước giả vờ tập thể dục, tốp còn lại vòng cổng sau vườn ăn trộm. Có khi ăn hết cả nửa vườn quýt luôn, mãi về sau cũng bị bắt, do bà trông vườn đến tận cổng tập thể rình, nhưng lúc đấy quýt thì cũng đã vặt rồi..

Bố kể tiếp, hôm đó bác tổ trưởng đến bảo với tụi bố là không được ăn trộm của các hộ gia đình, của cá nhân, ăn trộm của nông trường thì không sao.

Rồi những lần đi vặt trộm ngô, lấy trộm chè về sao để bán chui.

Bố chả biết nấu ăn.

Ngoài ra thì cái gì bố cũng giỏi.

Trạng của xóm.

Tôi hỏi sao bố biết sửa khóa, ông chỉ cười. Dễ mà, cứ tháo ra là kiểu gì tao cũng lắp lại được. Mất chìa khóa bố cũng rũa được chìa khác.

Bố kể ngày xưa mọi người đoàn kết, giúp đỡ nhau xây dựng nhà cửa, hễ biết có việc là lại đến giúp, ngay cả việc vào rừng xẻ gỗ, làm nhà.

Mãi về sau khi tính công, thì bọn bố mới ghi.

Bố kể, ngày đó làm nhà cho nhà bác tý thoi. Bọn bố làm mộc, lên tính công riêng. Chủ nhà trả công cho bọn bố riêng, không tính công ở bên phía nông trường.

Thế là đến cuối tháng bên phía nông trường bọn bố được ít công nhất, được có một nghìn đồng thời bấy giờ, thế là bác thủ trưởng bêu bọn bố lên cờ.

Vậy là cãi nhau. Bố bảo là làm mộc thì tính công riêng với chủ nhà nữa.

Mà đợt đó chủ nhà cũng không chịu trả công cho bọn bố, Lại được trận cãi nhau.

Có lẽ vì con cái. Lên bố mẹ cũng thay đổi tính đi rất nhiều. Người ta bảo hy sinh đâu cần phải đổ máu, là vậy.

Bố! Ngày xưa ngang ngược lắm.

Bố kể, đội giao cho bố đi đốn chè.

Bố nhận nguyên một quả đồi, không cho ai làm cùng. Rồi cứ thế mỗi ngày bố lại cho người khác đến chặt luôn cả gốc chè đem về làm củi đốt.

Đến cuối năm, gần tết. Bác thủ trưởng đến bảo bố là chỉ còn mỗi đám chè nhà bố là đủ chỉ tiêu. Bố bảo tết rồi, mua vé xe cho bố về quê ăn tết, Chiều là đốn chè xong luôn.

Bác ý đành chịu, mua vé xe cái, chiều bố bảo cả xóm, ai thích lấy củi thì đi đốn chè. Buổi chiều là xong hết luôn.

Bố bảo mấy đội khác nhờ bố lên mới có đất xây nhà.

Bố cũng kể, bố mua được con lợn giá hời. Ông bác bán vo con lợn có hai trăm hai mươi nghìn, hơn hai mươi cân.

Bố biết tính ông ấy, nếu không đem về thịt luôn là kiểu gì ông ấy cũng đổi ý.

Bố gọi cả đám xuống bắt lợn đem về thịt luôn, mời cả ông chủ nhà ăn cùng. Trong bữa nhậu bác chủ nhà bảo nếu không thịt ngay thì mai tao cũng không bán. Bố cười bảo tôi biết tính ông, lên mới bảo mọi người làm thịt luôn. Con lợn đó được gần bốn mươi cân. Mà chỉ giả có hai trăm ba mươi nghìn. Bác chủ nhà vừa ăn vừa tiếc. Nhưng thịt rất ngon, rượu cũng ngon nữa, Vui mà.

Bố không biết nấu ăn Nhưng chỗ nào có đồ ngon thì đều có bố.

Bố về xuôi lấy bơ, các thiết bị điện lên đổi lợn gà với các dân bản, Rồi lại đem gỗ từ bản về xuôi.

Là con trai phải biết nấu ăn, không biết cũng không sao.

Thịt chó ngon nhất ở dồi chó.

Vậy mà bố có biết thịt chó đâu, vứt nguyên cả bộ lòng trôi theo dòng suối.

Bác thủ trưởng biết bố không biết nấu ăn, sai bố đi thịt gà, Thế là bố cho cả khu tập thể nhịn ăn luôn.

Ngang thì không ai bằng.

Bố giờ hiền. Có lẽ bố chẳng bao giờ quát tôi.

Có lẽ chỉ có mẹ đánh chúng tôi.

Bố thì chỉ có hai lần thì phải.

Bố kể, lần đó bố được giao đi cày ruộng. Được xã giao cho một con bò và một cái cày. Bố cho bà tuyến hạ mượn cày ruộng nhà bà ý, Còn bố thì đi chơi.

Chiều hôm đó bác thủ trưởng sai người đi nhốt con trâu lại.

Đến sáng hôm sau tìm bố hỏi tại sao bố không đi cày, Bố mới nói thủ trưởng phải đi cày thì tôi mới đi, Ông nhốt trâu với cày rồi còn gì.

Thế là bác thủ trưởng phải bảo chú vinh cồ đưa trâu và cày cho bố.

Có ai từng nghe câu lý ông mèo chưa.

Bố tôi là lý ông trạng.

Ngày đó bố hay đi theo xe về xuôi, lên ít ăn cơm ở tập thể cùng mọi người. Bố bảo cô nấu ăn là cứ đem cơm để trong nhà cho bố. Khi nào bố về bố ăn.

Thế là soong của tập thể xếp đầy phòng bố. Bác thủ trưởng sai người cắt khóa, rồi bảo bố là soong để hết ở phòng bố.

Bố chỉ nói, bác cắt khóa cửa nhà tôi, mất trộm cái gì là bác phải chịu trách nhiệm.

Bác thủ trưởng đành lặng lẽ đi về.

Và một vài ký ức tôi được biết từ bố.

Có lẽ tôi với bố giống nhau nhiều hơn là giống mẹ.

Bố kể có lúc bố đã định bỏ hẳn mộc châu để về quê. Hôm đó ông cụ thân sinh ra bố mà không nói "mày nhìn các em mày xem, cuộc sống ra sao" thì có lẽ bố đã về xuôi rồi. Đợt đầu tiên lên mộc châu, chỉ có hơn trăm người ở khu tập thể. Có ba năm người cùng quê hà đông.

Về sau lên được hơn bảy trăm người, thì cũng hơn năm trăm người bỏ mộc châu về xuôi. Những người bỏ về ngày đó khổ lắm.

Bố ngang ngược vậy, mà mấy đời thủ trưởng chả ai đuổi bố về xuôi. Bố bảo các ông mà giả sổ hộ khẩu, đuổi tôi về xuôi. Tôi không cần phải xin ở lại, mà còn sẵn sàng mời các ông một bữa no say.

Mà giờ tôi mới biết bố đã từng yêu mẹ.

Ngày hôm đó qua lời kể của bố, tôi mới biết thêm nhiều về bố và mẹ, về cuộc sống thời bao cấp, về mộc châu, những ngày đầu khai hoang.

Bố đã ba lần hỏi tôi "mày suy nghĩ kỹ chưa" như ông cụ thân sinh ra bố từng hỏi.

Bố à, Con xin lỗi.

Con hiểu rồi.

Bố, bố tôi già rồi. Mẹ cũng vậy.

Có những lúc bố mẹ hay quên.

Nhưng nhiều chuyện cách đây mấy chục năm bố mẹ vẫn nhớ.

Mẹ hay nhầm, lúc nào cũng đất đất.

Mày ăn cơm với đất chưa. Lấy cho mẹ cái đất. Bỏ đất vào đây cho mẹ.

Mặc dù gọi qua zalo, facebook mà lúc nào mẹ cũng nói "cúp máy đi không tốn tiền, cúp máy đi không hết tiền"

Mẹ dậy tôi viết chữ, bố dậy tôi làm toán.

Bố mẹ hy sinh nhiều vậy, mà tôi vẫn cứ trách ông bà.

Có lẽ vì bản thân tôi tự trách tôi, đã không cố gắng.

Dù tôi từ năm tuổi đã nhận thức về cuộc sống. So với bạn bè cùng tuổi thì tôi làm nhiều hơn, chăm chỉ hơn.

Khi bạn bè còn ngủ say thì 4h sáng tôi dậy phụ bố mẹ làm đậu. 6h cùng mẹ đi bán. 7h về chuyển bị đi học.

Ngày đó người ta cho xôi, tôi không lấy, mẹ phải nhắc khéo tôi mới chịu cầm.

Có lần tôi mang đậu cho nhà giang khuê. Hai nhà gần nhau, tôi lại mang nhầm nhà. Nhưng người ta vẫn lấy, còn cho tôi một chiếc bánh mỳ. Tôi sợ, đem giấu ở vệ đường. Mãi đến chiều mới lên lấy ăn.

Ngày đó cũng hay ốm vặt, nhưng cứ ăn bánh mỳ là khỏi.

Trẻ con mà, khó khăn mà. Một năm mới mua được bộ quần áo mới, một chiếc dây thắt lưng là vui rồi.

Ngày đó nghèo mà chả có than vãn gì. Đâu có trách bố mẹ.

Giờ trưởng thành, Đâm ra hay cáu, hay nổi nóng.

* * * anh trai tôi bảo, làm con tuyệt đối không được nổi nóng với bố mẹ, có chuyện gì từ từ nói. Không nói được thì im đi.

Ừ, đúng rồi.

Ai cũng có ước mơ. Ai cũng từng bỏ lỡ.

Những nghề khổ nhất bản thân tôi và bố mẹ đều đã trải qua.

Bé hạt tiêu như tôi cũng phụ bố mẹ đốt vôi. Có khi bận đóng mận đến 12h trưa không nghỉ ăn cơm, làm mộc đến 11, 12h đêm. Còn dậy phụ bố mẹ làm đậu, đốt vôi, say đậu tương.

Đi lấy trộm củi chè, cắt trộm rau cho lợn.

Tôi hay khóc, nhưng tôi rất khỏe.

Ngày tôi bị tai nạn, mẹ vứt cả thau đậu phụ chạy vội lên viện, làm vỡ tan cái ấm nước.

Và có những ngày bố cứ thế chở tôi đi học trên chiếc xe đạp.

Thật may vì bố mẹ còn khỏe, chưa một ngày nào phải chăm sóc bố mẹ trong viện. Và cũng may mắn là tôi từ đó về sau cũng không còn phải nhập viện thêm lần nào. Mẹ bảo mẹ chả sợ gì, ông trời còn cho mẹ sức khỏe thì mẹ còn làm.

* * *

Bạn đã từng bỏ lỡ điều gì chưa?

Hết