Hướng dẫn làm bài viết số 2 đề 1 lớp 11: Cảm nghĩ giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích vào phủ chúa trịnh có dàn ý và bài viết tham khảo

Lê Hữu Trác hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, là nhà y học, nhà văn, nhà thơ lớn nửa cuối thế kỉ 18. Ông là tác giả của bộ sách y học nổi tiếng “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”. “Thượng kinh kí sự” là tập kí sự bằng chữ Hán, in ở cuối bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”. Tác phẩm được viết nhân sự kiện chúa Trịnh Sâm cho mời tác giả từ Hương Sơn- Hà Tĩnh ra kinh đô chữa bệnh cho thái tử Trịnh Cán. Qua việc miêu tả quang cảnh ở kinh đô, cuộc sống xa hoa ở phủ chúa Trịnh và quyền uy thế lực của nhà chúa, tác giả đã thể hiện thái độ coi thường danh lợi của mình. Tác phẩm được coi là đánh dấu sự ra đời của thể loại kí trong văn học, kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật của kí: du kí, nhật kí, hồi kí, kí phong cảnh, kí ghi người, ghi việc. Đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh” có giá trị hiện thực sâu sắc ghi đã ghi lại cuộc sống và cung cách sinh hoạt trong phủ chúa lúc bấy giờ. Sau đây, mình sẽ hướng dẫn các bạn làm bài viết số 2 đề 1 lớp 11: Cảm nghĩ giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích vào phủ chúa trịnh

BÀI VIẾT SỐ 2 ĐỀ 1 LỚP 11: CẢM NGHĨ GIÁ TRỊ HIỆN THỰC SÂU SẮC CỦA ĐOẠN TRÍCH VÀO PHỦ CHÚA TRỊNH

Văn học là tấm gương phản chiếu của cuộc sống. Một tác phẩm văn học có giá trị và tạo được sức sống lâu bền khi nó vừa giàu giá trị hiện thực, đồng thời cũng thấm đẫm tinh thần nhân đạo của tác giả. Lê Hữu Trác được biết đến không chỉ với tư cách là một danh y tài ba mà còn là một văn nhân vừa có tài vừa có tâm. Trong tác phẩm “Thượng kinh kí sự”, tác giả đã vạch trần cuộc sống xa hoa, giàu sang, uy quyền tột bậc của phủ chúa. Tiêu biểu cho giá trị hiện thực của tác phẩm là đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh”.

Quang cảnh và cung cách sinh hoạt trong phủ chúa hiện lên chân thực và sinh động qua sự miêu tả của tác giả. Con đường vào phủ phải qua nhiều lần cửa, hành lang quanh co, ở mỗi cửa đều có vệ sĩ canh gác. Cảnh trí trong phủ cũng khác lạ: cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm. Ngoài ra còn có những đại đồng, quyền bổng gác tía, kiệu son, mâm vàng chén bạc. Riêng căn phòng Trịnh Cán và Trịnh Sâm ở phải đi qua 5, 6 lần trướng gấm. Trong phòng thắp nến, sập thếp vàng, ghế rồng sơn son thếp vàng. Cảnh phủ chúa cực kì lộng lẫy, tráng lệ, không nơi nào sánh bằng, biểu hiện một cuộc sống xa hoa khác với dân thường:

“Lính nghìn cửa vác đòng nghiêm nhặt,

Cả trời Nam sang nhất là đây!

Lầu từng gác vẽ tung mây,

Rèm châu, hiên ngọc, bóng mai ánh vào”.

Nhấn để mở rộng...

Khung cảnh tuy xa hoa, tráng lệ song tù túng, ngột ngạt, thiếu sinh khí. Đi kèm với cuộc sống xa hoa, hưởng lạc là quyền uy tột bậc của chúa. Vào phủ phải có thánh chỉ, có lính chạy thét đường. Trong phủ có một guồng máy phục vụ đông đảo: người giữ cửa truyền bá rộn ràng, người có việc quan đi lại như mắc cửi. Lời lẽ nhắc đến chúa và thế tử phải cung kính ngang hàng với vua. Chúa luôn có phi tần hầu hạ, tác giả không trực tiếp gặp chúa, “phải khúm núm đứng chờ từ xa”. Thế tử có tới tận 7- 8 thầy thuốc túc trực, có người hầu cận hai bên. Những lễ nghi khuôn phép, mực thước cho thấy sự cao sang quyền quý đến tột cùng của phủ chúa, cũng là uy thế nghiêng trời lấn lướt cả cung vua. Những đoạn miêu tả, ghi chép cụ thể đã tự nó phơi bày sự xa hoa, quyền thế của chúa Trịnh. Cách quan sát, những lời nhận xét, bình luận cho thấy thái độ thờ ơ, dửng dưng của tác giả, không đồng tình với cuộc sống quá no đủ mà thiếu sức sống. Lời văn pha chút châm biếm, mỉa mai.

Qua việc khám bệnh, bắt mạch kê đơn cho thái tử, tác giả cũng bộc lộ phần nào bản chất thối nát của xã hội phong kiến đương thời. Tác giả lập luận và lí giải căn bệnh của thái tử là do ở chốn trướng rủ màn che, ăn quá no, mặc quá ấm làm tạng phủ yếu đi, trong khi đó, cuộc sống lại tù túng, ngột ngạt, thiếu khí trời. Đó là căn bệnh bắt nguồn từ sự xa hoa, no đủ. Từ đó, tác giả phê phán lối sống hưởng lạc trong phủ chúa. Hiểu rõ căn bệnh của thái tử có cơ hội chữa khỏi, song ông lại sợ bị danh lợi ràng buộc, cho nên phải chữa bệnh cầm chừng, vô thưởng vô phạt. Tuy nhiên, sợ làm trái y đức, phụ lòng cha ông, Lê Hữu Trác đã gạt sở thích cá nhân để làm tròn trách nhiệm của người thầy thuốc. Qua đoạn trích, ta thấy Lê Hữu Trác là một thầy thuốc giỏi, không chỉ giàu kinh nghiệm mà còn có lương tâm, y đức. Nhân cách cao đẹp, coi thường vinh hoa phú quý và quan điểm sống thanh đạm, trong sạch của ông thật đáng để người đời ngưỡng mộ và kính trọng.

Bằng khả năng quan sát tỉ mỉ, ghi chép trung thực, tả cảnh, tả người sinh động kết hợp với lối kể khéo léo, lôi cuốn, đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh” đã phản ánh một thời kì đầy biến động trong lịch sử Việt Nam: vua Lê chỉ còn là bù nhìn, chúa Trịnh nắm trong tay mọi quyền hành, tự do hưởng thụ cuộc sống xa hoa, trụy lạc. Đoạn trích còn tỏa sáng bởi nhân cách thanh sạch, thái độ coi thường vinh hoa phú quý của danh y Lê Hữu Trác.