Với môn Văn, nhiều sĩ tử, nhất là “dân tự nhiên” phải thốt lên: “Sao mà khó đạt điểm cao quá!”

Nhiều giáo viên và học sinh nhận định rằng môn văn không phải là một môn thi dễ đạt điểm cao. Nguyên do là trong quá trình làm bài, thí sinh thường mắc một hoặc nhiều lỗi... “củ chuối”.

Bố cục không rõ ràng

Ai cũng biết một bài văn hoàn chỉnh phải có mở bài, thân bài và kết bài. Nhưng điều đó không có nghĩa là trong bài thi chỉ có 3 đoạn teen nhé. Bài làm cần phải được tách đoạn (nhất là ở thân bài) để các ý rõ ràng, độc lập với nhau, mỗi đoạn lại được viết theo kiểu diễn giải hoặc qui nạp để kết cấu luôn chặt chẽ và không bị thừa ý.

Bạn cũng cần chú ý, nếu bố cục rõ ràng mà nội dung chưa trọn vẹn trong từng đoạn thì bài làm sẽ chung chung, không bật lên vấn đề cần nói.

Bài làm rõ ràng, mạch lạc các ý sẽ ghi điểm với giám khảo chấm thi đấy!

Bỏ quên giá trị nghệ thuật của tác phẩm

Đối với một bài nghị luận văn học, yếu tố nghệ thuật đóng vai trò quan trọng không kém gì nội dung của tác phẩm. Trong nhiều bài thi, do xem nhẹ yếu tố này hoặc không còn đủ thời gian nên teen thường mắc lỗi không đưa những đặc sắc về nghệ thuật vào trong bài làm của mình. Dù cho nội dung có hoàn chỉnh nhưng nếu thiếu nghệ thuật thì bài viết đó của teen xem như không trọn vẹn và bị mất điểm là điều đương nhiên.

Tham dẫn chứng

Dẫn chứng là yếu tố quan trọng làm nên độ thuyết phục và tính sinh động của bài viết. Đôi lúc, các sĩ tử vì muốn bài viết của mình phong phú, mở rộng nên lấy dẫn chứng quá tham lam, phân tích thật cụ thể. Do đó, “bùa chú” dẫn chứng bị phản tác dụng, bài viết không sâu sắc, không làm sáng tỏ được vấn đề. Thậm chí nhiều teen không hoàn thành bài thi vì thiếu thời gian. Ngược lại, một số bạn lại quên không đưa dẫn chứng vào hoặc đưa vào rất ít khiến cho bài viết không thuyết phục được các thầy cô.

"Râu ông nọ cắm cằm bà kia"

Do Ngữ văn là một trong những môn học chính nên khối lượng kiến thức của môn này cũng thuộc loại “khủng”. Trong chương trình lớp 12 có đến mấy chục tác phẩm văn học (chủ yếu là văn xuôi). Với từng tác phẩm, thí sinh phải học nào là tên và tiểu sử tác giả, hoàn cảnh sáng tác, nội dung tác phẩm, dẫn chứng, chưa kể đến những tác phẩm mở rộng... Vì thế, có sự nhầm lẫn khi làm bài là điều dễ xảy ra. Nhất là ghi tên nhân vật sai, tác giả của tác phẩm này lại được teen gán vào tác phẩm khác hay tình tiết này nằm trong truyện kia…

Ngoài những lỗi cơ bản đó, thí sinh chủ yếu mắc những lỗi về diễn đạt và sử dụng từ, sai chính tả.

Vietbao.vn