Phân tích đoạn: "Sáng hôm sau, đúng 7 giờ thì cất đám [..] hoặc ghen ghét nó.." trích Hạnh phúc của một tang gia, Vũ Trọng Phụng.

Phân tích cảnh đám tang gương mẫu - Hạnh phúc của một tang gia YnUdYVw


Tang gia là nhà có người chết, không khí bao trùm là buồn thương ảo não. Còn hạnh phúc là trạng thái sung sướng vì được thỏa mãn nhu cầu, nguyện vọng. Tang gia thì làm gì có hạnh phúc và hạnh phúc hẳn không phải là lúc nhà có tang. Vậy mà Vũ Trọng Phụng lại cho chúng ta thấy rất nhiều hạnh phúc của rất nhiều người trong đám tang cụ cố tổ trong chương "Hạnh phúc của một tang gia" (trích Số đỏ). Hãy xem qua ngòi bút trào phúng của Vũ Trọng Phụng, niềm hạnh phúc ấy được miêu tả như thế nào trong đoạn:

"Sáng hôm sau, đúng 7 giờ thì cất đám [..] hoặc ghen ghét nó.."

Vũ Trọng Phụng là nhà văn hiện thực phê phán tiêu biểu bậc nhất của văn học hiện đại Việt Nam. Trong khoảng chưa đầy 10 năm cầm bút, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm lớn gồm nhiều thể loại, đặc sắc nhất là tiểu thuyết và truyện ngắn.

"Số đỏ" là tiểu thuyết hiện thực trào phúng góp phần khẳng định tên tuổi Vũ Trọng Phụng trên văn đàn. Tác phẩm kể về hàng loạt vận may của Xuân - một tên ma cà bông chuyên trèo me, trèo sấu, nhặt ban quần, thổi kèn thuốc lậu.. nhờ sự cổ xúy của cái xã hội nhố nhăng, đồi bại mà trở thành đốc tờ Xuân, thành anh hùng cứu quốc. Qua "Số đỏ", Vũ Trọng Phụng đã kịch liệt phê phán xã hội tư sản thành thị với đủ các kiểu người lố bịch, giả dối, tham lam, hãnh tiến..

Mỗi chương truyện là một màn hài kịch và "Hạnh phúc của một tang gia" (chương XV) là một trong những màn đặc sắc. Nhờ ơn Xuân, cụ cố tổ lăn đùng ra chết. Cái chết của cụ khiến nỗi mong chờ dồn nén lâu ngày của đám con cháu bỗng bật tung, niềm hạnh phúc như vỡ òa. Sau khi được lệnh phát tang, bọn con cháu "ai ai cũng sung sướng thỏa thích". Họ sung sướng vì được chia gia tài, vì được thỏa mãn những khát vọng riêng tư thầm kín. Đến cảnh đưa tang, niềm vui của những người trong gia đình hòa cùng niềm vui của quan khách tạo nên không khí vô cùng vui vẻ, huyên náo.

Người đọc có thể nhận thấy sự vui vẻ, huyên náo ấy qua cách tổ chức đám tang "theo cả lối Ta, Tàu, Tây, có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, cho đến lốc bốc xoảng và bú dích, và vòng hoa, có đến ba trăm câu đối, vài ba trăm người đi đưa", các phó nháy thì thi nhau chụp ảnh "như ở hội chợ", đám ma "đưa đến đâu làm huyên nào đến đấy.." Đó là không khí của một đám rước, đám hội, đâu phải không khí của một đám tang? Cái thứ văn minh nửa mùa thể hiện qua sự hỗn giao của các kiểu văn hóa đã nói lên phần nào bộ mặt của xã hội thành thị: Chạy đòi theo văn hóa ngoại bang, biến đám tang thành nơi phô trương thanh thế và sự giàu có.

Đám tang nhưng không còn là đám tang, con người nhưng không còn là con người mà là những quái thai của xã hội. Vũ Trọng Phụng rất tài tạo phông, dựng cảnh để làm nền cho sự xuất hiện của những chân dung biếm họa nổi bật. Với thủ pháp của điện ảnh, Vũ Trọng Phụng chẳng khác gì một nhà quay phim, khi thì lia ống kính ra xa để ghi toàn cảnh, khi lại ghé ống kính lại gần để "chộp" lấy từng khoảng khắc vui vẻ của từng nhân vật.

Giữa lúc không ai đáng phạt mà phạt, hai viên cảnh sát Min đơ, Min toa đang buồn rầu như những nhà buôn sắp vỡ nợ bỗng được thuê giữ trật tự cho đám ma thì "sung sướng đến cực điểm". Cái chết của ông cụ 80 tuổi bỗng trở thành cơ hội để bọn chúng kiếm chác thêm thu nhập. Cái khéo của Vũ Trọng Phụng là đặt các nhân vật vào tình huống éo le: Ngao ngán vì thất nghiệp rồi lấy đó làm đòn bẩy để làm bật lên niềm sung sướng tột đỉnh của nhân vật khi có người thuê. "Sung sướng cực điểm" là không còn gì sung sướng hơn, không còn niềm hạnh phúc nào có thể sánh bằng. Thật trớ trêu, niềm hạnh phúc ấy lại được sinh ra từ cỗ quan tài kẻ khác.

Nổi bật trong đám tang là cô Tuyết. Cô trở thành trung tâm của sự chú ý bởi bộ trang phục Ngây Thơ và vẻ mặt buồn lãng mạn rất đúng mốt một nhà có đám. Cô mặc bộ y phục ấy để cả thiên hạ biết mình còn ngây thơ, trong trắng, chưa đến nỗi đánh mất cả chữ trinh. Nhưng thực chất đó chỉ là bộ đồ lố lăng, hở hang, đồi bại. Đồi bại như chính nhân cách của Tuyết vậy. Cô không hề buồn cho cái chết của ông nội, mà buồn vì mãi không được gặp bạn giai. Vậy nên, vẻ buồn lãng mạn của cô chỉ là tấm màn đạo đức che phủ sự hư hỏng, bất hiếu bên trong. Dù cô có che giấu thế nào, qua vài dòng phác họa của Vũ Trọng Phụng, tất cả đã bị phơi bày.

Có chân dung biếm họa cá nhân, lại có chân dung biếm họa theo nhóm. Đó là nhóm các vị quan chức cao cấp, bạn thân cụ cố Hồng. Họ long trọng gắn trên ngực đủ các thứ huy chương: Bắc Đẩu bội tinh, Long bội tinh, Cao Mên bội tinh, Vạn Tượng bội tinh, đủ các thứ màu sắc và râu ria trên cằm "hoặc dài, hoặc ngắn, hoặc đen hoặc hung hung, hoặc lún phún hay rầm rậm, loăn quăn".. Các vị đi sát ngay linh cữu thì bị kích động bởi "làn da trắng thập thò Tuyết trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết". Thì ra, họ đi đưa tang là do xã giao, là để phô trương danh giá, cấp bậc, vị thế xã hội. Vẻ ngoài thì bệ vệ, oai phong, đường hoàng là thế, vậy mà chỉ cần nhìn thấy làn da trắng của Tuyết, họ bỗng trở nên mềm yếu đến lạ "cảm động hơn khi nghe tiếng kèn xuân nữ ai oán, não nùng". Họ đâu cảm động vì cái chết của người nằm trong quan tài, cái "cảm động" của họ phải chăng là cách nói hài hước của những dục vọng đang nổi loạn trong lòng? Anh hùng không qua ải mĩ nhân, ai đó nói thật đúng. Chỉ có điều, họ không phải là anh hùng, họ chỉ là những kẻ có cái "vỏ" anh hùng, còn bản chất thì dâm đãng, xấu xa.

Xuân xuất hiện bất ngờ mang theo sự long trọng cho đám tang với "sáu chiếc xe, trên có sư chùa Bà Banh, xe nào cũng che hai lọng", "hai vòng hoa đồ sộ, một của báo gõ mõ, một của Xuân". Sự long trọng ấy khiến cụ bà "cảm động hết sức", hớt hải chạy lên "sung sướng" cảm ơn nó, còn cậu Tú Tân cũng vội chạy lên bấm máy ảnh lách tách. Thì ra, mọi người chẳng ai để ý đến cái tội của Xuân, tội làm cho cụ tổ uất lên mà chết, ngược lại họ còn ngầm coi Xuân là ân nhân đã gây nên cái chết của ông cụ già đáng chết. Họ thật bao dung, rộng lượng. Hay chính sự bất hiếu đã làm cho họ trở nên bao dung, rộng lượng? Còn Xuân, hắn chẳng mảy may ăn năn về việc làm của mình, ngược lại, hắn tỏ ra sung sướng, hãnh diện vì trở thành nhân vật đặc biệt của đám tang. Đến khi hạ huyệt, Xuân còn thản nhiên nhận món tiền năm đồng của ông Phán vì có công làm cho cụ cố tổ chết. Thật là lố bịch, bất nhân!

Trong giới Phật giáo, sư thầy vốn dĩ được mọi người suy tôn, kính cẩn. Khi đã được gọi là "sư cụ" thì hẳn là ai nấy đều trọng vọng, mến yêu. Vậy mà trong cái xã hội nhố nhăng ấy, sư lại chẳng ra sư.. Đi dự tang mà lòng "từ bi" không hề lay động, trước cái chết của con người mà tâm tình không hề xót thương. Sư cụ Tăng Phú ngồi đạo mạo trên một chiếc xe trong trạng thái "sung sướng, vênh váo" vì với việc đi dự tang một gia đình danh giá, cụ coi đó là việc cụ đã đánh đổ được Hội Phật giáo - một cuộc đắc thắng đầu tiên của báo Gõ mõ. Cụ đến đám tang vì ý đồ cá nhân, vì muốn khoe mẽ danh giá bản thân trước đối thủ. Tâm không hướng thiện, lòng đầy sân si.. kẻ mặc áo cà sa mà không phải đạo tu hành. Thật đáng buồn.

Như vậy, đám ma thì to tát, tiếng khóc thì thảm thương nhưng lại rỗng tuếch lòng người. Không ai mảy may xót thương cho người đã khuất, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Điểm chung ở họ là ai nấy đều vui vẻ, hạnh phúc. Cái chết của ông cụ đáng thương đã mang đến sinh khí cho cả gia đình, và lan tỏa sinh khí ấy đến với những người đi đưa tang.. Bằng việc kể về một đám tang, Vũ Trọng Phụng đã dựng lên và công kích cái "chó đểu", cái "tấn trò đời" nhố nhăng, lố bịch của xã hội tư sản thành thị trước Cách mạng tháng Tám. Hầu như các nhân vật trong tác phẩm đều xuất hiện trong đoạn trích này và đều hiện nguyên hình là những kẻ vô tình vô nghĩa, vô đạo đức, vô văn hóa, dối trá, bịp bợm. Đằng sau tiếng cười của nhà văn, ta có thể nhận ra niềm đau xót của một tâm hồn nghệ sĩ trước sự đảo lộn của những giá trị văn hóa đạo đức tinh thần truyền thống. Mỗi trang viết của ông đều khiến người đọc cười, khóc và suy ngẫm.

Bằng nghệ thuật trào phúng bậc thầy, Vũ Trọng Phụng đã tạo cho mỗi người một vẻ, vẻ buồn, vẻ nghiêm trang, vẻ đạo mạo.. nhưng chỉ là vẻ bề ngoài, còn bên trong thì hạnh phúc, sung sướng. Ở nhân vật nào, nhà văn cũng tạo nên những mâu thuẫn đối lập giữa nội dung và hình thức, giữa cái bên trong và cái bên ngoài để dựng lên những chân dung biếm họa đặc sắc. Không chỉ thành công ở nghệ thuật xây dựng chân dung nhân vật, đoạn trích còn tạo ấn tượng ở lời văn hài hước, gây cười; bút pháp cường điệu phóng đại..

"Nhà văn phải là người thư kí trung thành của thời đại" (Ban dắc). Với ngòi bút tôn trọng hiện thực và nghệ thuật trào phúng bậc thầy, Vũ Trọng Phụng giống như một người thư kí trung thành của thời đại ông đang sống. Ông đã dựng lên một bức tranh chân thực, nực cười về xã hội tư sản thành thị với lối sống văn minh nửa mùa, với đủ các kiểu người "quái thai" của xã hội.

(Còn nữa)