Chiều nghiêng
- Thanh Nguyên -
Có những buổi chiều nghiêng, em thèm ngồi đâu đó ven sông, chỗ nào cũng được chỉ để ngắm dòng trôi. Ừ thì con nước cũng giống như cuộc đời, có bao giờ dừng lại nói chi là con người không đổi thay, thời gian còn thay đổi, còn vận động kia mà. Vậy mà em buồn, nỗi buồn thoáng chênh vênh, kiểu như vài lần mình hụt hẫng, chới với giữa dòng, bốn bề mênh mông không biết bấu víu vào đâu.
Tôi từng thoáng chùng xuống, lặng người đi khi nghe cô bé nhỏ tuổi hơn mình tâm sự về câu chuyện cuộc đời cô bé. Đó là một ngã rẽ đi vòng, không đơn thuần thẳng bước như bạn bè cùng trang lứa. Cô bé làm mẹ ở tuổi 18, khi vừa tốt nghiệp phổ thông, chồng lớn hơn em tròn con giáp có việc làm ổn định. Chấp nhận chậm lại hai năm so với bạn bè, sinh và nuôi con nhỏ xong em quyết tâm phải học tiếp. Tốt nghiệp đại học ở tuổi hai mươi sáu, ngày em nhận bằng tốt nghiệp, con gái tròn tám tuổi. Nhưng cuộc đời đâu vốn dĩ êm đềm khi em phải chịu cực, chịu khó hơn bạn bè để bước đi trên con đường vòng. Bốn năm đại học là nỗi vất vả trên giảng đường, em đi về ngược xuôi với con nhỏ, chồng hục hặc ghen tuông vì "gái một con trông mòn con mắt", rồi chính người đàn ông ấy thay lòng. Ở giai đoạn cao điểm, em vừa thực tập, vừa chuẩn bị tốt nghiệp mâu thuẫn gia đình cũng không thể hòa giải "vì con" được nữa, em bị người chồng ném quần áo, đuổi ra khỏi nhà ngay trước mắt đứa con nhỏ. Ở tuổi hai lăm, em kí vào đơn li dị, tự cởi bỏ lớp dây trói của đời mình.
Ngày em thỏ thẻ với tôi, "Chị ơi, em sắp trầm cảm, em cố gắng nghĩ tích cực vì con, em biết mình không quyết tâm vượt qua đoạn này, em sẽ trôi ngay.." tôi hơi ngạc nhiên, tôi từng biết em – cô bé đầy nghị lực và mạnh mẽ, em đã dũng cảm và cả sáng suốt khi chủ động cởi đi vòng dây trói cuộc đời mình vậy mà lúc tưởng em "sẽ bước qua" cũng là lúc cô bé cảm thấy mình kiệt sức. Chắc vì bao nhiêu dũng khí, bao nhiêu nghị lực em đã trút hết cho cuộc hôn nhân của mình. Chồng cũ giành quyền nuôi con với lí do em chưa có việc làm ổn định, người thứ ba là một phụ nữ lớn hơn em rất nhiều tuổi lại đi làm chuyện buồn cười, nhắn tin, gọi điện quấy rối, mặc dù em đã buông tay. Dường như những chiến thắng dễ dàng quá khiến người ta không đủ thỏa mãn, nên đi giày vò ngược lại một cô bé càng làm cho chiến thắng của người phụ nữ kia "rực rỡ" hơn chăng. Tôi mừng vì em-cô bé trong mắt tôi nhưng lại cư xử ý nhị và đầy tri thức của người được dạy dỗ, học hành tử tế. Em lờ đi những tin nhắn, những cuộc gọi đó, lờ đi không yên em trả lời ngắn gọn, đanh thép với người phụ nữ kia "Em không quan tâm đến người đó, việc đó nữa, chị bận tâm là chuyện của chị, đừng phiền em."
Đến đây tôi thầm hiểu vì sao em kiệt sức, chỉ còn lại chút ý chí sắc bén như tính cách của em, quả thật tình yêu không có lỗi, nhưng tôi tự hỏi những người lớn kia, những người dày dạn hơn em biết bao nhiêu sương gió cuộc đời đang làm gì cô bé hai lăm tuổi của tôi. Vì sao cùng là phụ nữ, hạnh phúc từ tay người này qua tay người khác mà người ta vẫn giày vò vì nhau, vẫn làm đau nhau chứ không nhẹ nhàng văn minh với nhau được. Tôi lớn hơn em một thế hệ, tôi chưa trải nghiệm qua cuộc sống hôn nhân, tôi cũng chưa từng làm mẹ.. nhưng câu chuyện của em cứ làm tôi đau đáu.
Rồi cũng trầy trật, cũng đầy quyết tâm, em hoàn thành chương trình đại học đúng tiến độ, không muộn, không bỏ cuộc. Ngày em khoác lên người chiếc áo cử nhân, nụ cười lấp lánh pha chút dạn dày, tôi biết em đã chiến thắng, chiến thắng bản thân mình và thắng cả thử thách đầy gian truân mà cuộc đời dành cho em quá sớm. Tôi không dám hỏi em về câu chuyện đã cũ ấy, tôi nhìn những tấm ảnh em khoe về ngày tốt nghiệp, về bé gái tám tuổi rạng ngời hạnh phúc, tôi tin rồi em sẽ được đền đáp, được hạnh phúc sau chừng đó cơn giông bão. Em chỉ là một trong nhiều câu chuyện tương tự, liệu bao nhiêu bạn gái ngoài cuộc đời thật mà tôi chưa biết có đủ mạnh mẽ, sáng suốt và quyết tâm như em. Những người kiệt cùng không gượng dậy được rồi sẽ trôi về phía nào giữa mênh mông cạm bẫy vô thường ngoài kia. Học hành, tri thức không phải là lá chắn duy nhất để cô bé của tôi chiến thắng, nhưng tôi tin đó là một trong những yếu tố để em cư xử văn minh, là hành trang để em có thể vững bước, mạnh mẽ dám thay đổi cuộc sống và nắm chắc, làm chủ tương lai của chính mình.
Cuộc đời dạy mình lớn, đôi khi buộc mình phải lớn mặc kệ mình có mong muốn hay không. Và cuộc oằn mình nào cũng đau đáu, vơi dần từng chút hồn nhiên, trong trẻo, thơ ngây thay bằng những dạn dày, phủ bụi cuộc đời khô khốc. Tự nhiên tôi thấy buổi chiều tôi ngồi cùng em cứ nghiêng nghiêng, chênh chao kéo tụt vài người vài câu chuyện ra khỏi cuộc đời mình mà không khỏi bất an. Đời vốn vậy, có những mối duyên kì lạ đến bên ta một đoạn rồi trôi đi, muốn rời đi sớm cũng không được mà muốn níu giữ nhiều hơn một chút cũng không xong. Nếu mình lấy lí do phù hợp hay không phù hợp, ừ thì phù hợp ở một thời điểm, một hoàn cảnh nhất định, một đoạn đường đời. Thời gian cứ như nước chảy qua kẽ tay kia mà.
- Thanh Nguyên -
Có những buổi chiều nghiêng, em thèm ngồi đâu đó ven sông, chỗ nào cũng được chỉ để ngắm dòng trôi. Ừ thì con nước cũng giống như cuộc đời, có bao giờ dừng lại nói chi là con người không đổi thay, thời gian còn thay đổi, còn vận động kia mà. Vậy mà em buồn, nỗi buồn thoáng chênh vênh, kiểu như vài lần mình hụt hẫng, chới với giữa dòng, bốn bề mênh mông không biết bấu víu vào đâu.
Tôi từng thoáng chùng xuống, lặng người đi khi nghe cô bé nhỏ tuổi hơn mình tâm sự về câu chuyện cuộc đời cô bé. Đó là một ngã rẽ đi vòng, không đơn thuần thẳng bước như bạn bè cùng trang lứa. Cô bé làm mẹ ở tuổi 18, khi vừa tốt nghiệp phổ thông, chồng lớn hơn em tròn con giáp có việc làm ổn định. Chấp nhận chậm lại hai năm so với bạn bè, sinh và nuôi con nhỏ xong em quyết tâm phải học tiếp. Tốt nghiệp đại học ở tuổi hai mươi sáu, ngày em nhận bằng tốt nghiệp, con gái tròn tám tuổi. Nhưng cuộc đời đâu vốn dĩ êm đềm khi em phải chịu cực, chịu khó hơn bạn bè để bước đi trên con đường vòng. Bốn năm đại học là nỗi vất vả trên giảng đường, em đi về ngược xuôi với con nhỏ, chồng hục hặc ghen tuông vì "gái một con trông mòn con mắt", rồi chính người đàn ông ấy thay lòng. Ở giai đoạn cao điểm, em vừa thực tập, vừa chuẩn bị tốt nghiệp mâu thuẫn gia đình cũng không thể hòa giải "vì con" được nữa, em bị người chồng ném quần áo, đuổi ra khỏi nhà ngay trước mắt đứa con nhỏ. Ở tuổi hai lăm, em kí vào đơn li dị, tự cởi bỏ lớp dây trói của đời mình.
Ngày em thỏ thẻ với tôi, "Chị ơi, em sắp trầm cảm, em cố gắng nghĩ tích cực vì con, em biết mình không quyết tâm vượt qua đoạn này, em sẽ trôi ngay.." tôi hơi ngạc nhiên, tôi từng biết em – cô bé đầy nghị lực và mạnh mẽ, em đã dũng cảm và cả sáng suốt khi chủ động cởi đi vòng dây trói cuộc đời mình vậy mà lúc tưởng em "sẽ bước qua" cũng là lúc cô bé cảm thấy mình kiệt sức. Chắc vì bao nhiêu dũng khí, bao nhiêu nghị lực em đã trút hết cho cuộc hôn nhân của mình. Chồng cũ giành quyền nuôi con với lí do em chưa có việc làm ổn định, người thứ ba là một phụ nữ lớn hơn em rất nhiều tuổi lại đi làm chuyện buồn cười, nhắn tin, gọi điện quấy rối, mặc dù em đã buông tay. Dường như những chiến thắng dễ dàng quá khiến người ta không đủ thỏa mãn, nên đi giày vò ngược lại một cô bé càng làm cho chiến thắng của người phụ nữ kia "rực rỡ" hơn chăng. Tôi mừng vì em-cô bé trong mắt tôi nhưng lại cư xử ý nhị và đầy tri thức của người được dạy dỗ, học hành tử tế. Em lờ đi những tin nhắn, những cuộc gọi đó, lờ đi không yên em trả lời ngắn gọn, đanh thép với người phụ nữ kia "Em không quan tâm đến người đó, việc đó nữa, chị bận tâm là chuyện của chị, đừng phiền em."
Đến đây tôi thầm hiểu vì sao em kiệt sức, chỉ còn lại chút ý chí sắc bén như tính cách của em, quả thật tình yêu không có lỗi, nhưng tôi tự hỏi những người lớn kia, những người dày dạn hơn em biết bao nhiêu sương gió cuộc đời đang làm gì cô bé hai lăm tuổi của tôi. Vì sao cùng là phụ nữ, hạnh phúc từ tay người này qua tay người khác mà người ta vẫn giày vò vì nhau, vẫn làm đau nhau chứ không nhẹ nhàng văn minh với nhau được. Tôi lớn hơn em một thế hệ, tôi chưa trải nghiệm qua cuộc sống hôn nhân, tôi cũng chưa từng làm mẹ.. nhưng câu chuyện của em cứ làm tôi đau đáu.
Rồi cũng trầy trật, cũng đầy quyết tâm, em hoàn thành chương trình đại học đúng tiến độ, không muộn, không bỏ cuộc. Ngày em khoác lên người chiếc áo cử nhân, nụ cười lấp lánh pha chút dạn dày, tôi biết em đã chiến thắng, chiến thắng bản thân mình và thắng cả thử thách đầy gian truân mà cuộc đời dành cho em quá sớm. Tôi không dám hỏi em về câu chuyện đã cũ ấy, tôi nhìn những tấm ảnh em khoe về ngày tốt nghiệp, về bé gái tám tuổi rạng ngời hạnh phúc, tôi tin rồi em sẽ được đền đáp, được hạnh phúc sau chừng đó cơn giông bão. Em chỉ là một trong nhiều câu chuyện tương tự, liệu bao nhiêu bạn gái ngoài cuộc đời thật mà tôi chưa biết có đủ mạnh mẽ, sáng suốt và quyết tâm như em. Những người kiệt cùng không gượng dậy được rồi sẽ trôi về phía nào giữa mênh mông cạm bẫy vô thường ngoài kia. Học hành, tri thức không phải là lá chắn duy nhất để cô bé của tôi chiến thắng, nhưng tôi tin đó là một trong những yếu tố để em cư xử văn minh, là hành trang để em có thể vững bước, mạnh mẽ dám thay đổi cuộc sống và nắm chắc, làm chủ tương lai của chính mình.
Cuộc đời dạy mình lớn, đôi khi buộc mình phải lớn mặc kệ mình có mong muốn hay không. Và cuộc oằn mình nào cũng đau đáu, vơi dần từng chút hồn nhiên, trong trẻo, thơ ngây thay bằng những dạn dày, phủ bụi cuộc đời khô khốc. Tự nhiên tôi thấy buổi chiều tôi ngồi cùng em cứ nghiêng nghiêng, chênh chao kéo tụt vài người vài câu chuyện ra khỏi cuộc đời mình mà không khỏi bất an. Đời vốn vậy, có những mối duyên kì lạ đến bên ta một đoạn rồi trôi đi, muốn rời đi sớm cũng không được mà muốn níu giữ nhiều hơn một chút cũng không xong. Nếu mình lấy lí do phù hợp hay không phù hợp, ừ thì phù hợp ở một thời điểm, một hoàn cảnh nhất định, một đoạn đường đời. Thời gian cứ như nước chảy qua kẽ tay kia mà.