TÀO THÁO VÀ CHÂN MỆNH THIÊN TỬ

Sau khi thất bại thảm hại ở Xích Bích, Tào Tháo họp các quân sư lại để hỏi xem lý do gì thất bại. Người thì nói do địa hình hiểm trở, cách sông Trường Giang rộng lớn nên quân ta tới nơi chưa thể tấn công ngay dẫn đến địch đủ thời gian chuẩn bị. Kẻ lại nói do quân địch có những anh tài xưa nay hiếm như Khổng Minh, Chu Du, Bàng Thống..

Tào Tháo nghe xong một lượt rồi cười ha hả mà rằng: Quân ta thất bại là do thời tiết bất thường. Các ngươi không thấy lạ là mùa này lại có gió đông hay sao? Chúng ta thua vì chúng ta không nghiên cứu thời tiết đó thôi.

Thời điểm Tào Tháo xua quân xuống phía nam toan bình định Đông Ngô là vào mùa đông. Mùa chỉ có gió tây bắc thổi xuống, nên họ Tào yên tâm chơi chiêu liên hoàn thuyền mà không sợ hỏa công. Tuy nhiên Tào Tháo đã nhầm.

Hẳn ai cũng nhớ Khổng Minh dùng kế mượn tên của Tào Tháo như thế nào. Hôm đó mặt sông sương giăng mù mịt, quân Tào chỉ loáng thoáng nhìn thấy ánh đuốc lập lòe và tiếng chiêng trống khua ầm ĩ chứ chẳng thể thấy được kẻ địch lực lượng ra sao. Cách tốt nhất là bắn tên ào ào để chặn địch.

Sương mù bản chất là do độ ẩm không khí cao kết hợp với nhiệt độ thấp mà ngưng tụ thành. Sương mù trên mặt sông là do lớp hơi nước bốc lên ở mặt nước, tạo thành bởi nhiệt độ mặt nước thấp hơn nhiệt độ xung quanh. Gia Cát Lượng là người thông tuệ các sách thiên văn, ông nhìn thời tiết và dự đoán được tương đối chính xác điều gì sắp xảy ra.

Mặt sông Trường Giang rất rộng, khi đêm xuống nhiệt độ sẽ giảm nhanh hơn so với xung quanh, hình thành các khối áp cao cục bộ và gió đông có thể xuất hiện tại vài thời điểm.

Xem ra Tào Tháo dù đổ lỗi tại thời tiết, nhưng rốt cuộc vẫn là thua bởi kẻ địch có Gia Cát Lượng.

Tuy nhiên với khí chất ngạo nghễ, họ Tào chưa bao giờ đề cao người khác hơn mình. Chính vì vậy ông luôn không ngừng học hỏi để tăng thêm sự hiểu biết, đặc biệt là khả năng nhìn nhận con người. "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng". Tào Tháo từng nhìn ra chân tướng và khí phách của Lưu Bị, tiếc là ông vẫn còn chút điểm yếu là quá quý trọng anh hùng nên đã không ra tay với Lưu Bị khi có cơ hội, để rồi sau đó Lưu Bị đã trở thành một lực lượng khó chịu nhất trong sự nghiệp thống nhất Trung Hoa của họ Tào.

Người đời gọi Tào Tháo là gian hùng, là bởi bị bó buộc trong ý thức "trung quân ái quốc" mà thôi. Ái quốc thì không nói làm gì, còn trung quân thì cần nhìn nhận lại. Họ Tào cũng bởi lo sợ tư tưởng ấy trong lòng người mà không dám phế vua, để rồi dù một đời oanh liệt cuối cùng cũng không thể có được chân mệnh thiên tử.