Trong cuộc đời của mỗi con người, ắt hẳn ai cũng từng có một tuổi thơ đầy hoa mộng bên trường lớp, thầy cô, bè bạn. Nhưng tôi lại không được may mắn như bao nhiêu bạn bè đồng trang lứa.
Tuổi thơ của tôi không có những buổi chạy rong trên cánh đồng thơm mùi lúa mới, không có được kiến thức qua từng bài giảng ở nơi mà người ta vẫn hay bảo là “ngôi trường, lớp học”...
Tuổi thơ của tôi là những tháng ngày nằm bất động trên chiếc giường tre - chiếc giường được đặt cạnh ngay cửa sổ để mỗi lúc buồn tôi có thể thả những ước mơ nhỏ bé của mình lên bầu trời cao cao kia.
Tôi sinh ra với một cơ thể không lành lặn. Tôi cao 0,65cm, nặng 23kg - không đi, không đứng được, tay và chân ngắn ngủn gắn vào cơ thể như chỉ để trang trí. Tôi lại mắc thêm chứng bệnh “xương thủy tinh” (tự gãy nhưng lại tự lành) và bị nhiễm chất độc da cam. Trái trời, trở gió là tôi lại phải chịu những cơn đau hành hạ.
Bệnh tật khiến tôi luôn trú mình trong vỏ ốc của sự tự ti. Mẹ - người bạn luôn đồng hành bên tôi - vỗ về, an ủi mỗi lúc tôi oà khóc khi nhìn thấy bọn con nít trong xóm cứ sáng sáng ríu rít ùa nhau chạy đi học, rồi trưa lại chí choé những câu chuyện ngộ nghĩnh mà tôi ước gì mình được một ngày như thế...
Khát khao được đi học bùng cháy trong tôi mãnh liệt đến nỗi tôi đã “tuyệt thực” cả một ngày với hi vọng sẽ đồng ý đưa tôi đi học. Mẹ cũng muốn cho tôi đi học nhưng lại sợ “đến trường lỡ bị bạn bè giẫm phải thì biết làm sao!”... Nhìn giấu vội giọt nước mắt sau câu nói ấy lòng tôi thắt lại. Tôi đành nén khao khát mà cố gắng vui vẻ dù lúc ấy tôi biết cánh cửa tri thức đã khép lại với mình nhưng thật sự tôi rất thương mẹ và không nỡ làm mẹ tôi buồn lòng.
Ít lâu sau trong một lần ra chợ mẹ tôi đã mua về một quyển sách có đề chữ Tiếng Việt tập 1. Mẹ bảo: “Có sách này tối nay mẹ sẽ dạy con ráp vần, con sẽ biết chữ”. Không cần phải nói tôi vui đến mức nào.
Cả ngày hôm ấy tôi trông cho trời mau tối để mẹ làm xong việc và dạy tôi học. Ôi! Những con chữ đầu tiên thật kỳ lạ, nào là: chữ O tròn như... như... như gì nhỉ? À, quả trứng! Còn chữ Ô nữa có cái mũ trên đầu thật ngộ ghê. Lúc ấy tôi chưa ngồi được nên mọi việc di chuyển đều ở trên giường, ngay cả việc mẹ dạy tôi học cũng vậy. Chiếc giường tre là lớp học, nhà là trường, mẹ là cô giáo, còn tôi là học trò. Cứ như thế mỗi tối nơi góc nhà vang vang tiếng đọc của hai mẹ con...
Chỉ trong vòng một tháng tôi đã ghép được 24 chữ cái, biết đọc, biết viết, biết làm toán: cộng, trừ, nhân, chia... Tất cả như một giấc mơ. Từ con bé một chữ bẻ đôi không biết rồi bỗng nhiên có thể đọc vanh vách cả một quyển báo khiến ai ghé thăm cũng bất ngờ. Để có được thành quả ấy mẹ đã phải rất kiên nhẫn hướng dẫn tôi.
Mỗi lần hai mẹ con đánh vật với những con chữ là ví như đang bơi giữa cả biển kiến thức mênh mông, có lúc bơi mãi tôi cảm thấy mình đuối sức. Những lúc ấy mẹ lại nhìn tôi trìu mến, trong ánh mắt ấy tôi như đọc được lời động viên của mẹ “cố lên con gái”.
Mẹ không những dạy tôi nét chữ đầu tiên mà còn là người khơi nguồn bao cảm xúc yêu thương trong tôi, dạy tôi cách làm người, cách yêu chính mình, tự tin vui sống.
Hiện tại tôi cũng đang là “cô giáo” - cô giáo “trường nhà” đang dạy kèm mấy em nhỏ xung quanh xóm. Tôi vẫn chưa được xã hội trao bất kỳ bằng cấp nào (dù chỉ là một bằng cấp thấp nhất) nhưng tôi không oán trách mẹ bởi vì mẹ là người thầy đầu tiên mà tôi mãi mãi muốn tri ân. Cảm ơn mẹ đã sinh ra con và bảo bọc con trong suốt 24 năm qua. Cảm ơn mẹ đã dành tình yêu thương vô bờ bến và chính nhờ tình yêu thương của mẹ đã tiếp thêm sức mạnh để con có thể sống tốt hơn.
Huỳnh Thanh Thảo
Tuổi thơ của tôi không có những buổi chạy rong trên cánh đồng thơm mùi lúa mới, không có được kiến thức qua từng bài giảng ở nơi mà người ta vẫn hay bảo là “ngôi trường, lớp học”...
Tuổi thơ của tôi là những tháng ngày nằm bất động trên chiếc giường tre - chiếc giường được đặt cạnh ngay cửa sổ để mỗi lúc buồn tôi có thể thả những ước mơ nhỏ bé của mình lên bầu trời cao cao kia.
Tôi sinh ra với một cơ thể không lành lặn. Tôi cao 0,65cm, nặng 23kg - không đi, không đứng được, tay và chân ngắn ngủn gắn vào cơ thể như chỉ để trang trí. Tôi lại mắc thêm chứng bệnh “xương thủy tinh” (tự gãy nhưng lại tự lành) và bị nhiễm chất độc da cam. Trái trời, trở gió là tôi lại phải chịu những cơn đau hành hạ.
Bệnh tật khiến tôi luôn trú mình trong vỏ ốc của sự tự ti. Mẹ - người bạn luôn đồng hành bên tôi - vỗ về, an ủi mỗi lúc tôi oà khóc khi nhìn thấy bọn con nít trong xóm cứ sáng sáng ríu rít ùa nhau chạy đi học, rồi trưa lại chí choé những câu chuyện ngộ nghĩnh mà tôi ước gì mình được một ngày như thế...
Khát khao được đi học bùng cháy trong tôi mãnh liệt đến nỗi tôi đã “tuyệt thực” cả một ngày với hi vọng sẽ đồng ý đưa tôi đi học. Mẹ cũng muốn cho tôi đi học nhưng lại sợ “đến trường lỡ bị bạn bè giẫm phải thì biết làm sao!”... Nhìn giấu vội giọt nước mắt sau câu nói ấy lòng tôi thắt lại. Tôi đành nén khao khát mà cố gắng vui vẻ dù lúc ấy tôi biết cánh cửa tri thức đã khép lại với mình nhưng thật sự tôi rất thương mẹ và không nỡ làm mẹ tôi buồn lòng.
Ít lâu sau trong một lần ra chợ mẹ tôi đã mua về một quyển sách có đề chữ Tiếng Việt tập 1. Mẹ bảo: “Có sách này tối nay mẹ sẽ dạy con ráp vần, con sẽ biết chữ”. Không cần phải nói tôi vui đến mức nào.
Cả ngày hôm ấy tôi trông cho trời mau tối để mẹ làm xong việc và dạy tôi học. Ôi! Những con chữ đầu tiên thật kỳ lạ, nào là: chữ O tròn như... như... như gì nhỉ? À, quả trứng! Còn chữ Ô nữa có cái mũ trên đầu thật ngộ ghê. Lúc ấy tôi chưa ngồi được nên mọi việc di chuyển đều ở trên giường, ngay cả việc mẹ dạy tôi học cũng vậy. Chiếc giường tre là lớp học, nhà là trường, mẹ là cô giáo, còn tôi là học trò. Cứ như thế mỗi tối nơi góc nhà vang vang tiếng đọc của hai mẹ con...
Chỉ trong vòng một tháng tôi đã ghép được 24 chữ cái, biết đọc, biết viết, biết làm toán: cộng, trừ, nhân, chia... Tất cả như một giấc mơ. Từ con bé một chữ bẻ đôi không biết rồi bỗng nhiên có thể đọc vanh vách cả một quyển báo khiến ai ghé thăm cũng bất ngờ. Để có được thành quả ấy mẹ đã phải rất kiên nhẫn hướng dẫn tôi.
Mỗi lần hai mẹ con đánh vật với những con chữ là ví như đang bơi giữa cả biển kiến thức mênh mông, có lúc bơi mãi tôi cảm thấy mình đuối sức. Những lúc ấy mẹ lại nhìn tôi trìu mến, trong ánh mắt ấy tôi như đọc được lời động viên của mẹ “cố lên con gái”.
Mẹ không những dạy tôi nét chữ đầu tiên mà còn là người khơi nguồn bao cảm xúc yêu thương trong tôi, dạy tôi cách làm người, cách yêu chính mình, tự tin vui sống.
Hiện tại tôi cũng đang là “cô giáo” - cô giáo “trường nhà” đang dạy kèm mấy em nhỏ xung quanh xóm. Tôi vẫn chưa được xã hội trao bất kỳ bằng cấp nào (dù chỉ là một bằng cấp thấp nhất) nhưng tôi không oán trách mẹ bởi vì mẹ là người thầy đầu tiên mà tôi mãi mãi muốn tri ân. Cảm ơn mẹ đã sinh ra con và bảo bọc con trong suốt 24 năm qua. Cảm ơn mẹ đã dành tình yêu thương vô bờ bến và chính nhờ tình yêu thương của mẹ đã tiếp thêm sức mạnh để con có thể sống tốt hơn.
Huỳnh Thanh Thảo