TTO - Ngày 21-4, TAND TP.HCM đã xét xử vụ án kê toa thuốc khống để chiếm đoạt tiền khám chữa bệnh từ quỹ BHYT xảy ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy do Lưu Tố Lan (nguyên bác sĩ chuyên khoa 1 bệnh viện) cùng 11 người khác thực hiện.

Vụ “rút ruột” tiền bảo hiểm y tế tại BV Chợ Rẫy: Bác sĩ thừa nhận kê khống thuốc 493618

​ Bị cáo Lưu Tố Lan (áo cam, hàng trên) cùng các nghi phạm trước vành móng ngựa Chỉ có bị cáo Lưu Tố Lan và một đồng phạm tích cực với Lan là trình dược viên Lưu Thị Liễu bị tạm giam trong quá trình điều tra, truy tố. 10 bị cáo khác nguyên là các bác sĩ, nhân viên, kỹ thuật viên của bệnh viện đều được tại ngoại để điều tra.

Trước ngày xử, bị cáo Huỳnh Quốc Thái (nguyên nhân viên khoa dược Bệnh viện Chợ Rẫy) đã có đơn nêu lý do bị bệnh nặng (huyết áp, tim mạch) không thể đi lại được, đề nghị tòa cho xử vắng mặt. Hội đồng xét xử đã chấp thuận yêu cầu này nên hầu tòa chỉ có 11 bị cáo.

Tòa cũng đã triệu tập đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng một số người khác tham dự tòa với tư cách người liên quan, nguyên đơn dân sự.

Đại diện VKSND TP.HCM được thừa ủy quyền của VKSND tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa đã tiến hành công bố bản cáo trạng dày 26 trang, truy tố 12 bị cáo về tội “lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo Lưu Tố Lan là người đầu tiên được hội đồng xét xử gọi lên thẩm vấn. Với phong cách nhỏ nhẹ, bác sĩ Lan thừa nhận toàn bộ nội dung bản cáo trạng mà vị đại diện VKS công bố là đúng và nói chính mình đã kê khống 1.168 toa thuốc cho bệnh nhân khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế (VKS xác định mức thiệt hại cho cơ quan Bảo hiểm xã hội TP.HCM - đơn vị chi trả khoản tiền trên gần 4 tỉ đồng).

Lan cho biết mình là bác sĩ chuyên khoa nội tiết của bệnh viện, hằng tuần được bố trí khám bệnh tại phòng khám ngoại trú một ngày (thứ tư). Bị cáo Lan mô tả cụ thể quy trình khám bệnh, kê toa, phát thuốc tại bệnh viện cho thấy quy trình này rất chặt chẽ.

Vì vậy, để có thể kê toa thuốc mà không có bệnh nhân, Lan đã phải “nhờ” một số người khác như điều dưỡng Trần Thị Cẩm Hồng, Huỳnh Thị Ngọc Diễm (để nhờ đóng dấu bệnh viện); nhân viên khoa dược Huỳnh Quốc Thái (để nhập thông tin bệnh nhân vào máy tính, cho số cấp phát thuốc) và Nguyễn Thị Mai, nhân viên khoa dược (để cấp phát thuốc không theo thứ tự, cấp thuốc không có bệnh nhân thật).

Lưu Tố Lan cũng thừa nhận nguồn cung cấp các sổ, thẻ bảo hiểm y tế cho mình để tiến hành vụ lập hồ sơ khám chữa bệnh, phát thuốc khống là một số bác sĩ của bệnh viện tuyến dưới.

Lưu Tố Lan cũng khai nhận chi tiết về các khoản chung chi cho những nhân viên bệnh viện có liên quan quy trình cấp phát thuốc mà Lan đã “bỏ nhỏ” trước. Cụ thể, với mỗi đơn thuốc được đóng dấu bệnh viện, Lan chi cho Diễm, Hồng 200.000 đồng/toa, cho Thái 200.000 đồng/toa thuốc được đánh máy và cho Nguyễn Thị Mai 150.000 đồng/toa.

Đối với mỗi bộ sổ khám bệnh, thẻ bảo hiểm y tế do các trình dược viên, bác sĩ tuyến dưới chuyển lên, Lan cũng phải chung chi từ 300.000-1,4 triệu đồng/bộ.

Chiều nay tòa tiếp tục thẩm vấn các nghi can liên quan trong vụ này.

Theo cáo trạng, hành vi phạm tội của các bị cáo là hết sức nghiêm trọng. Lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, Lưu Tố Lan và đồng phạm đã cấu kết với nhau để lập hồ sơ khám bệnh khống (bệnh nhân không đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám bệnh, không bị bệnh như hồ sơ) để kê 1.168 toa thuốc.

Hầu hết các loại thuốc kê toa đều đắt tiền, dễ bán như thuốc trị bệnh tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp… với trị giá 2,5-5 triệu đồng/toa.

Hành vi phạm tội của các bị cáo có mối liên kết theo từng nhóm từ 2-3 người trở lên, tạo thành đường dây phạm tội từ Bệnh viện Chợ Rẫy móc nối với những đối tượng ở bệnh viện khác và đối tượng bên ngoài, dùng thẻ bảo hiểm y tế, các hóa đơn thuốc khống để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

CHI MAI​