T - Sáng 14-5 tại xã Bình An (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh khởi công xây dựng tuyến đường tránh Rạch Giá và Minh Lương - Thứ Bảy. Đây là dự án nằm trong tuyến đường hành lang ven biển phía Nam nối liền Việt Nam, Campuchia và Thái Lan, mở ra nhiều cơ hội lớn lao về phát triển kinh tế biển, xuất khẩu, du lịch, tăng thu nhập và việc làm cho người dân khu vực này.



Kỳ vọng về con đường nối liền ba nước ImageView

Cầu Tô Châu (Hà Tiên), nơi con đường ven biển sẽ đi qua - Ảnh: V.Cường

Kỳ vọng về con đường nối liền ba nước ImageView

Từ trên xuống: Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên giữa hai nước Việt Nam - Campuchia, nơi tuyến đường đi qua. Biển Hà Tiên. Phà Tắc Cậu (Xẻo Rô) sẽ được thay thế bằng hai cây cầu là Cái Lớn, Cái Bé thuộc xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) - Ảnh: N.C.T. - V.Cường - T.Thắng - Đồ họa: V.Cường

- Tuyến tránh TP Rạch Giá dài trên 20km, phần đường 17km và xây dựng mới 22 cầu với tổng chiều dài hơn 3km, trong đó có hai nút giao Rạch Giá và Cái Sắn.

- Tuyến Minh Lương - Thứ Bảy dài 22,8km. Phần đường dài hơn 20km, phần cầu dài 1,9km. Trong đó xây dựng mới hai cầu quan trọng là Cái Lớn, Cái Bé. Hai cây cầu này dài 1.238m (trong đó cầu Cái Lớn dài 719m).

Dự kiến thời gian thi công cả hai dự án này khoảng ba năm.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đây là hai dự án thành phần có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Đặc biệt là đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở các địa phương vùng ven biển phía tây bao gồm hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Đây cũng là dự án nằm trong tuyến hành lang đông tây nối liền các nước ASEAN. “Ước mơ ngàn đời của người dân”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Hai dự án thành phần khởi công hôm nay khi hoàn thành có ý nghĩa rất quan trọng. Chẳng hạn tuyến tránh TP Rạch Giá sẽ giúp TP mở ra không gian rộng, thuận lợi để đầu tư, quy hoạch phát triển đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Còn tuyến Minh Lương - Thứ Bảy khi hoàn thành sẽ hiện thực ước mơ ngàn đời của người dân là qua sông Cái Lớn, Cái Bé mà không phải lụy đò”.

Do tính chất quan trọng của dự án nên Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị thi công, tư vấn thực hiện nghiêm túc các hợp đồng đã ký. Địa phương có dự án đi qua bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.

Là một người gắn bó với vùng đất U Minh Thượng, khi nghe tin xây dựng hai cây cầu nối liền sông Cái Lớn và Cái Bé, bà Nguyễn Thị Lệ - cán bộ hưu trí - xúc động nói: “Tôi rất mừng vì hai cây cầu này sẽ góp phần khai phá vùng đất U Minh Thượng vốn còn nhiều khó khăn”.

8 năm chuẩn bị

Ông Dương Tuấn Minh - tổng giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận - cho biết tuyến đường này là dự án thuộc chương trình hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng nhằm mục tiêu thiết lập tuyến đường bộ quốc tế nối các khu vực kinh tế quan trọng của ba nước Việt Nam, Campuchia và Thái Lan.

Dự án có điểm đầu từ Bangkok (Thái Lan) qua Campuchia và kết thúc tại TP Cà Mau với tổng chiều dài 950km. Đoạn đi qua Việt Nam dài khoảng 217km. Tổng mức đầu tư của dự án 398 triệu USD (8.159 tỉ đồng) sử dụng nguồn ODA ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á, viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc và đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án được bắt đầu nghiên cứu vào năm 2003, sau thời gian chuẩn bị gần tám năm, các đoạn tuyến của dự án thuộc giai đoạn 1 đã được triển khai xây dựng.

Sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, tuyến đường sẽ tạo điều kiện cho việc đi lại và lưu thông hàng hóa trong khu vực thuận lợi hơn. Trong đó, mở ra hướng xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Hà Tiên với Campuchia. Tuyến đường sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế biển, giúp xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng ven biển thuộc bán đảo Cà Mau. Đây là vùng từ trước tới nay chưa có trục giao thông đường bộ chính.

Theo ông Minh, cùng với các công trình đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương và các cầu Cần Thơ, Rạch Miễu, các tuyến đường nam sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, dự án đường hành lang ven biển phía Nam khi hoàn thành sẽ hình thành một hệ thống giao thông đường bộ thông suốt, tạo điều kiện cho ĐBSCL cất cánh.

Cải thiện thu nhập cho người dân ĐBSCL

Theo TS Nguyễn Văn Sánh - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, do giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc giao lưu văn hóa, tiếp cận thị trường, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khai thác tài nguyên... các nước nằm trong tiểu vùng sông Mekong như Thái Lan, Campuchia và Việt Nam rất chú tâm phát triển giao thông liên quốc gia, nối liền các tỉnh ven biển của từng nước để cùng phát triển.

“Theo tôi, sau khi tuyến đường này hoàn thành và hòa vào mạng lưới giao thông toàn vùng sẽ góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở ĐBSCL. Đặc biệt, khu vực nông thôn sẽ phát triển nhanh hơn, giá bán nông sản sẽ tăng cao do giao thông phát triển. Kinh tế - thương mại nông thôn phát triển sẽ kéo theo cơ hội tăng thu nhập và tạo cơ hội việc làm cho hơn 70% dân số của vùng” - ông Sánh nói.

H.T.Dũng ghi vtc .vn