Lúc gặp lại nàng, tôi đang ngồi nhìn những bông tuyết nhẹ rơi phía ngoài khung cửa kính và nghĩ vẩn vơ. Giáng sinh này Tokyo không lạnh như năm ngoái nhưng cũng đủ để một người nơi đất khách như tôi cảm thấy chạnh lòng. Hồi còn ở Huế, mỗi đêm Noel tôi đều lang thang khắp thành phố, qua khu Chợ Dinh rồi lên Phủ Cam, cứ hết đêm mới về nhà.

Tôi đặt cuốn sách đang đọc dở xuống bàn. Nhạc cũng vừa chuyển sang bản concerto cung mi trưởng dành cho violon của Bach do Hilary Hahn độc tấu. Tôi không rành về nhạc cổ điển nhưng vẫn thích ngồi quán này mỗi đêm Giáng sinh. Không biết ở khu Shinjiku này có bao nhiêu quán cà phê không mở nhạc thánh ca khi Giáng sinh đến nhưng đây là một trong số đó.

Tôi nhìn sang phía bên kia đường. Bưu điện Shinjikusan dường như không nhộn nhịp như ngày thường vì vào giờ này hầu hết mọi người đều đang chuẩn bị quay quần bên gia đình. Bên ngoài trời khá lạnh. Tôi cảm nhận được điều ấy qua những làn hơi mọi người phả ra khi hối hả đi trên đường. Tôi ngại nhập vào dòng người ồ ạt đó nên tự tìm cho mình một chỗ để tận hưởng không khí của đêm lễ thánh theo cách của mình, với cà phê, sách và âm nhạc.

Nàng xuất hiện khi tôi đang nghĩ nếu ở Việt Nam thì giờ này mình đang làm gì nhỉ? Sự xuất hiện cứ như là đã an bài từ lâu lắm rồi. Tôi hết sức điềm tĩnh. Còn nàng cũng không bấn loạn vì nàng là người chủ động đến bàn tôi với lời đề nghị nhã nhặn: “Xin lỗi, em có thể ngồi đây chứ?”. Đã lâu lắm rồi tôi mới lại được nghe một chất giọng Việt ấm áp và ngọt ngào đến vậy. Nếu ai đã từng xa xứ như tôi chắc cảm giác được sự thân thương như thế nào khi nghe giọng dân tộc mình ở chốn tha hương. Tôi cười với một câu trả lời tự nhiên hơn cả thời tiết: “Vâng, mời cô bé tóc bím ngồi”. Thú thực là đến tận lúc này, bốn năm trôi qua rồi, tôi vẫn chưa biết tên nàng là gì. Chúng tôi chỉ mới gặp nhau một lần duy nhất. Nhưng một lần cũng đủ day dứt để bây giờ có thể nhận ra nhau…

oOo

Đêm đó, tôi đi bộ qua dốc nhà thờ Phủ Cam, về phía đường Nguyễn Trường Tộ. Trời thật lạnh. Tôi kéo nhẹ áo khoác, hà hơi vào đôi tay đã cóng. Cái hộp đàn guitar phía sau lưng cứ phát ra tiếng kêu “xoẹt xoẹt” khe khẽ theo mỗi bước chân tôi. Con đường có vẻ hiu hắt hơn dưới ánh đèn vàng vọt. Hàng phượng hai bên in xuống mặt đường những đường vân loang lổ. Tôi bước chậm, thỉnh thoảng ném vào thinh không một vài câu hát không tên. Rồi tôi ngừng hát…

Nàng đứng bên kia con đường không rộng lắm. Tóc bím (hình như bây giờ không nhiều cô gái còn để tóc như vậy), quấn khăn màu hồng nhạt bên ngoài chiếc áo khoác màu đen dài quá gối. Nàng không biết tôi nhìn mình, có lẽ thế. Tôi cứ đứng như vậy một lúc. Người đi chơi lễ cũng đang dần về. Thỉnh thoảng có vài người liếc nhìn. Buồn cười thật, chắc sẽ có nhiều người nghĩ rằng chúng tôi là một cặp yêu đương đang hờn dỗi… Hình như nàng khóc. Rất có thể, vì đúng là lấy tay lau nước mắt. Một cô gái khóc trong đêm Giáng sinh à? Chắc lại buồn bã chuyện hẹn hò? Tôi cũng không biết nữa… Tôi mạnh dạn băng qua đường… Cô gái tóc bím nhận thấy tôi, đôi mắt không chút sợ hãi, vẫn long lanh vì bàn tay chưa quệt hết nước mắt.

“Tôi… Tôi chỉ tình cờ đi ngang qua… thấy bạn…”. Tôi bắt đầu giải thích với nàng một cách vụng về. Cô gái tóc bím đưa tay lên lau mắt một cách dứt khoát, rồi cười ngượng nghịu. Tôi dám chắc là chưa bao giờ tôi nhìn thấy một nụ cười dễ thương đến vậy, nó thánh thiện chi lạ! “Cảm ơn bạn… dù chỉ ngang qua”. Nàng nói chậm rãi như rót vào tai tôi những thanh âm tuyệt vời, lạ kỳ. “Hình như bạn có chuyện buồn? Tôi có thể giúp gì không?”. Tôi dè dặt hỏi. “Không. Mình không sao. Cảm ơn bạn”. “Tôi đưa bạn về nhé?”. Nàng lắc đầu. “Mình đứng đây với bạn nhé?”. Nàng vẫn lắc đầu. Tôi không biết phải làm thế nào. “Vậy tôi về nhé. Chào bạn…”. Tôi đành lòng phải nói thế chứ biết làm sao bây giờ, kiểu gì thì cũng vô duyên. Nhưng thực là ra về chẳng nỡ. Đúng lúc tôi định bước đi thì cô bé cất tiếng nói với theo…

oOo

Câu hỏi của Tóc Bím làm tôi sực tỉnh. “Hả? Tóc Bím hỏi gì tôi nhỉ?”. “Ủa? Em tên Tóc Bím hả? Cái tên ngộ quá ta!”. “Ờ. Tại hồi đó đến giờ vẫn… chưa biết tên”. “Em tên Pha Lê”. Kèm theo câu trả lời là một nụ cười không thể đẹp hơn. Pha Lê – cai tên gợi lên sự mỏng manh dễ vỡ nhưng nó lại rất hợp với những bông tuyết đang rơi đầy trời Shinjiku ngoài kia. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ Tóc Bím, à mà không, Pha Lê chứ, như một thiên thần từ xứ sở thần tiên nào đó giáng trần. Có cái gì đó tinh khôi thánh thiện trong nụ cười, trong con người ấy. Bốn năm rồi mà trong tôi vẫn nguyên ký ức của ngày nào…

oOo

“Nhưng… bạn có thể hát cho mình nghe được không”. Cô gái nói với theo khi tôi vừa quay lưng. Tôi nhìn nàng. “Hát à?”. Tóc Bím chỉ vào cây đàn guitar tôi đang mang sau lưng. Lũ bạn vẫn bảo tôi khùng, đi đâu cũng mang theo nó, dù chỉ là để một lúc nào đó nghêu ngao đôi ba câu. Giờ thì tôi thấy nó cực kỳ hữu dụng rồi đây.

Chúng tôi ngồi xuống ngay vỉa hè, dưới những tán phượng loang lổ, dưới ánh đèn đường vàng vọt. Dười đường là những bước chân, là người xe xuôi ngược đi về. Tôi hỏi Tóc Bím thích nghe bài gì. Cô bé trả lời bài gì cũng được, Tôi chậm rãi lướt phím đàn, nhẹ nhàng như những cơn gió thoảng qua. Nhẹ nhàng nhưng lay động. Tôi cảm nhận được hơi thở của mùa trong từng đầu ngón tay. Và mơ hồ cảm nhận được cả nỗi buồn của cô gái trong cách mà Tóc Bím ngồi nghe tôi hát – dẫu tôi hát chẳng hay là mấy. Cô gái đề nghị tôi hát lại bài hát ấy đến lần thứ bảy. Càng hát tôi càng cảm thấy buồn chi lạ, cứ như thể tôi thở chung nhịp thở, buồn chung nỗi buồn với người con gái bên cạnh. Dù là mơ hồ, rất mơ hồ, nhưng trong tôi dấy lên một cảm xúc khó tả. Nó đã đặc quánh theo từng hợp âm trong bài ca Giáng sinh tôi hát…

Tôi đi bộ cùng Tóc Bím về nhà. Đó là một ngôi nhà kiểu Pháp có vườn và những cây long não đằng trước. Một người phụ nữ trung niên mở cửa cho cô gái. Có lẽ là mẹ nàng. Tôi cuối chào và nhìn cả hai khuất sau những tấm rèm vàng lên dưới ánh đèn. Một ngôi nhà lạnh lẽo, không hiểu sao tôi lại nghĩ vậy. Tôi đứng tựa lưng vào một cây long não và mải miết nghĩ lại chuyện vừa qua. Cứ như thể một cơn mơ. Thực lòng cứ thấy chơi vơi thế nào ấy. Ngay cả chuyện tôi hát đi hát lại bảy lần một bài hát cũng có vẻ gì đó khôi hài!

Nhưng hình như là giấc mơ thật, vì đã bao lần, dù cố tình hay vô tình đi ngang ngôi nhà ấy tôi vẫn chưa thấy lại bong dáng cô gái hôm nào. Có lẽ tôi bị ảo giác, bị mê lú bởi một vẻ đẹp tưởng tượng. Nhưng dù sao đi chăng nữa đó cũng là vẻ đẹp đã ám ảnh tôi mãi.

oOo

“Đúng là trái đất tròn… Không ngờ lại được gặp anh ở đây”. “Ừ, đúng là kỳ lạ thật”. “Mà em vẫn chưa biết tên anh đấy. Buồn cười nhỉ?”. Hai chúng tôi cười. Gặp nhau một lần rồi thôi. Bốn năm sau hội ngộ ở một chốn xa lạ, thế mà vẫn nhận ra nhau, giữa nàng và tôi chắc chắn cũng có một chữ “duyên”. Tôi nhấp thêm một hớp cà phê, những ngón tay miết miết xuống bìa cuốn sách đang để ngay ngắn trên bàn.

“Cho tôi hỏi một câu nhé?”. Tóc Bím gật đầu. “Tại sao hồi đó Pha Lê lại khóc?”. Cô ấy im lặng một lúc: “Đó là một câu chuyện dài”…

Pha Lê kể tôi nghe câu chuyện về ba mẹ mình. Nơi tôi gặp Pha Lê hôm ấy chính là nơi ba mẹ cô ấy bị tai nạn qua đời hồi Giáng sinh ba năm trước. Vậy nên, cứ mỗi đêm Giáng sinh cô lại đến đó. Sau tai nạn, Pha Lê sống với o ruột trong ngôi nhà có nhiều cây Long não ấy. Tôi không gặp lại Tóc Bím cũng đúng thôi, vì sau hôm đó Tóc Bím qua Nhật bằng một học bổng toàn phần cô giành được của một trường đại học danh tiếng của Nhật Bản.

“Từ khi sang đây em rất buồn vì mỗi đêm Giáng sinh em không thể đến thăm ba mẹ được”. Đôi mắt Pha Lê long lanh khi dứt câu nói. Tôi không biết nên nói thế nào, chẳng lẽ lại nói với Tóc Bím rằng trong hai đêm Giáng sinh tiếp theo tôi đều quay lại con đường Nguyễn Trường Tộ để mong gặp lại Tóc Bím… Nhưng dù nói hay không, tôi vẫn biết một cách chắc chắn rằng tôi luôn mong chờ sự gặp lại.

oOo

Pha Lê hỏi tôi khi nhạc chuyển sang một bản concerto khác của Bach, lần này là một khúc tam tấu violon. “Này anh, mình đi dạo nhé?”. “Đó là lời đề nghị ấm áp nhất đêm nay”, tôi nói. “Và… anh lại hát cho em nghe nhé?”. Tôi nhìn cô ấy. Tóc Bím cười. Dường như chúng tôi không phải đang ở giữa Shinjiku mà đang ở giữa con đường Nguyễn Trường Tộ năm nào. Bốn năm rồi nhưng nụ cười ấy vẫn không hề thay đổi. Tôi đã nhiều lần đi tìm nhưng không gặp. Giờ nó lại hiển hiện trước mặt tôi như một ngọn lửa lung linh giữa đêm đông lạnh giá. Tôi cười. “Nhưng tôi sợ mình sẽ hát sai lời mất”. “Vì sao thế?”. “Vì không biết trong bài hát ấy có câu nào đại loại như… Thật sự, anh đã tìm em…”

Pha Lê mỉm cười – nụ cười sao thân thuộc. “Lẽ ra…”. Tóc Bím ngập ngừng. “Lẽ ra gì nhỉ?” – tôi hỏi. “Lẽ ra… anh nên để em nói trước là… em đã đợi anh…”.

oOo

Chúng tôi nắm tay nhau đi giữa những bông tuyết bay lất phất trong đêm Shinjiku lung linh ánh đèn. Và tôi biết tôi sẽ không hát bảy lần mà hát cả nghìn, cả vạn lần bài hát ấy mỗi đêm Giáng sinh về…

ST

Merry Christmas...chúc mọi người có 1 giáng sinh thật ấm