Vàng mai - Truyện ngắn của Phan Trang Hy
Vàng mai
Đưa chén trà lên môi, nhắp nhẹ, giọng từ tốn, tôi khẽ nói : “Bác có khi nào tìm về chốn cũ ấy chăng ?”. Lão già nước mắt lưng tròng, gượng cười : “Thầy giáo ạ ! Trước đây thì có, giờ thì chân chùn gối mỏi làm sao mà đến được. Âu cũng là phận cả ! Thế thầy có tin mỗi cuộc đời đều có phận của nó không ? Tôi thì tôi tin thầy ạ ! Càng già thì càng tin. Chả bù với thời trẻ”.
- Bác nói thế thì tôi tin thế. Mà đã có phận tất có duyên. Cũng nhờ có duyên mà tôi được làm quen với bác đấy.
Lão cười : “Thầy khéo nịnh ! Mà thôi ! Giờ thì tôi đưa thầy đi xem mai”.
Tôi cùng lão ra vườn. Gọi là vườn cho nó “khí thế”, chứ thực ra ở cái thành phố đang phát triển này làm gì có đất rộng để làm vườn.
Chả bù lúc ngồi nói chuyện. Giờ thì lão huyên thuyên khoe với tôi. Cả thảy 21 chậu mai. Nào là Hồng Diệp Mai tậu từ Sài Gòn ; nào là Thanh Mai ở tuốt Bình Định ; nào là Bạch Mai mua tận Thái Lan…Dẫu không có đất, thế mà lão có từng ấy chậu mai, quả thật là tuyệt ! Lão tỉ mỉ giới thiệu cho tôi cái thú chơi mai. Phải biết đợi chờ mai nở, đếm cánh mai nhiều hay ít để đoán tài lộc, may mắn trong năm. Phải cảm nhận được hương thơm của mai, hiểu được cốt cách - tinh thần của mai. Phải thở với hơi thở của mai, hít khí trời như mai… Lão cũng lên lớp với tôi : “Như anh biết đấy ! Tết đến mà thiếu mai thì mất cả hương vị của ngày xuân, mất cả tình xuân”. Con mắt của lão hóm lên ngời sáng như trêu tức tôi. Tôi chỉ còn biết : “Dạ vâng ! Dạ vâng ! Bác nói phải !”.
Lão chào hàng cả thảy 20 chậu mai. Chỉ còn một chậu là lão không đả động gì đến nó. Theo tôi biết, đây là chậu mai núi bình thường. Nhưng, thế của cây mai quả là chỉ có tay sành điệu mới tạo được dáng như thế. Thanh mảnh, dáng dấp con gái. Nhìn chậu mai, tôi nghe như có tiếng thì thào của đất, của trời. Và từ cây mai toát ra cả mùi của suối rừng và nắng mới. Dẫu là thứ mai núi, nhưng chậu mai đã cảm hóa được tôi. Tôi cảm thấy hồn mình như đẹp thêm ra. Quả là chậu mai núi đã thuyết phục được tôi trong chừng mực nào đó. Tôi bèn đề nghị lão :
- Bác để chậu này cho tôi !
- Cũng có nhiều người nài nỉ tôi. Nhưng có đựợc giá mấy đi nữa, tôi cũng không thể bán - giọng lão chợt buồn như khi ngồi uống trà với tôi trước đó - Nó là một phần hồn của tôi mà. Không có nó, tôi cần sống làm gì nữa. Xin thầy giáo thông cảm cho tôi !
- Bác nói thế thì tôi chẳng dám đâu. Nhưng tôi xin bác kể cho tôi biết sao nó cần thiết với bác đến như vậy ?
- Ta vô nhà nói chuyện.
Chúng tôi lại ngồi vào chỗ như trước khi xem mai. Vẫn không khí trầm lắng. Lão rót trà.
- Mời thầy giáo uống trà ! Tôi sẽ kể thầy nghe.
Tôi không dám đưa chén trà lên môi uống, chỉ chú mục vào lão. Giọng lão run run : “Chậu mai khi nãy, cả cô ấy nữa, cả chốn ấy nữa là một đấy, thầy giáo ạ ! Nhìn thấy nó là tôi nhìn thấy cô ấy, chốn ấy. Thử hỏi như thế thì làm sao tôi để mất nó được”.
Và lão kể…
Giọng lão trầm hẳn xuống. Tôi chơi vơi trong câu chuyện. Nguyên trước đây, lão là đại đội trưởng quân giải phóng. Xuân 1968, đơn vị lão được lệnh tấn công huyện lỵ Đại Lộc. Tham gia chiến dịch này, cấp trên đã phái xuống đơn vị lão một nữ chiến sĩ. Thực ra, người nữ chiến sĩ ấy là nhà thơ. Theo lão kể, cô tham gia trận đánh là để làm thơ.
Kể từ ngày cô về đơn vị, tâm hồn lão như sáng thêm ra. Cái duyên ít thấy ở người đàn ông, ở người lính, lúc ấy phát ra thứ ngôn ngữ của “thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Cô ấy viết được câu thơ nào đều đưa lão đọc. Đôi khi cô ấy chép những vần ca dao về chuyện lứa đôi tặng lão. Dù không nói gì với nhau, nhưng mùa xuân tràn ngập trong mắt dịu dàng của họ. Họ như là của nhau.
Trận đánh năm ấy, quân ta gây được tiếng vang. Thế nhưng, nỗi mất mát trong lão là cô ấy đã hy sinh khi chưa viết xong bài thơ cho trận đánh.
Khi rút quân về hậu cứ, đơn vị lão đã an táng cô gái trong rừng mai. Mùa xuân vẫn còn rực vàng như chưa hề có sự đau buồn và mất mát ở đây. Lão đã khắc tên cô trên đá - đánh dấu nơi an nghỉ của một con người, của một đồng đội, của một trinh nữ, của một nhà thơ.
Đơn vị lão về hậu cứ an toàn. Đêm ấy, máy bay giặc Mỹ thả bom phía rừng mai. Mỗi tiếng bom nổ là vằm thêm trái tim lão. Lão trơ con mắt. Con mắt đỏ theo tiếng bom. Cả khu rừng mai phía ấy cũng đỏ lên…
Sáng hôm sau, khi trở lại rừng mai, lão không tin ở mắt mình. Không còn dấu tích của người con gái ấy ; không còn dấu tích của mùa xuân. Lão rưng rức cúi đầu…
Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, lão về lại chốn xưa, đúng cái ngày cô ấy hy sinh. Lão ngợp hồn trong sắc vàng của mai, lâng lâng chơi vơi trong hương mai. Lão thấy mình như trẻ lại trong tiếng réo gọi của mùa xuân. Lão nằm, nhìn lên đầy vàng mai. Lão ngồi xuống, mai vàng. Lão chạy trong vàng mai. Lão bay trong mai vàng. Bay trong mùa xuân của núi rừng. Trong màu vàng xuân lão thấy hình như cô ấy ẩn hiện đọc những vần thơ về mối tình đầu của họ.
Về lại thành phố, lão đem theo một cây mai rừng như là để tìm hình bóng cũ. Cả mùa xuân của đời lão được vun vén, chăm sóc, nuôi dưỡng ở trong chậu mai rừng…
…Lão đã khóc.Và cứ khóc. Lão nói trong tiếng khóc. Tôi nghe tiếng khóc của lão : “Tôi tìm hoài cô ấy mà không thấy. Chỉ có mai rừng, chỉ có sắc vàng của mai. Tôi già rồi làm sao về lại chốn ấy, làm sao tìm được cô ấy, làm sao đọc được bài thơ cô ấy chưa viết xong ?...”.
Một năm sau, tôi đến thăm lão. Lão không còn. Tôi tự trách mình sao quá vô tình không thắp được một nén hương cho ấm linh hồn lão khi lão ra đi. Xin lão tha thứ cho tôi !
Rời căn nhà trước đây lão đã ở, tôi hòa vào dòng người sắm Tết. Tôi vào chợ hoa ở Quảng trường 29-3. Tôi không thấy gì ngoài hoa. Những cành hoa đơm nụ. Người ta đang bán mùa xuân. Người ta đang mua mùa xuân. Người ta trao nhau mùa xuân. Tôi chọn mùa xuân cho mình : vàng mai.
Xuân Canh Thìn - 2000
Phan Trang Hy
namtrung.info
Vàng mai
Đưa chén trà lên môi, nhắp nhẹ, giọng từ tốn, tôi khẽ nói : “Bác có khi nào tìm về chốn cũ ấy chăng ?”. Lão già nước mắt lưng tròng, gượng cười : “Thầy giáo ạ ! Trước đây thì có, giờ thì chân chùn gối mỏi làm sao mà đến được. Âu cũng là phận cả ! Thế thầy có tin mỗi cuộc đời đều có phận của nó không ? Tôi thì tôi tin thầy ạ ! Càng già thì càng tin. Chả bù với thời trẻ”.
- Bác nói thế thì tôi tin thế. Mà đã có phận tất có duyên. Cũng nhờ có duyên mà tôi được làm quen với bác đấy.
Lão cười : “Thầy khéo nịnh ! Mà thôi ! Giờ thì tôi đưa thầy đi xem mai”.
Tôi cùng lão ra vườn. Gọi là vườn cho nó “khí thế”, chứ thực ra ở cái thành phố đang phát triển này làm gì có đất rộng để làm vườn.
Chả bù lúc ngồi nói chuyện. Giờ thì lão huyên thuyên khoe với tôi. Cả thảy 21 chậu mai. Nào là Hồng Diệp Mai tậu từ Sài Gòn ; nào là Thanh Mai ở tuốt Bình Định ; nào là Bạch Mai mua tận Thái Lan…Dẫu không có đất, thế mà lão có từng ấy chậu mai, quả thật là tuyệt ! Lão tỉ mỉ giới thiệu cho tôi cái thú chơi mai. Phải biết đợi chờ mai nở, đếm cánh mai nhiều hay ít để đoán tài lộc, may mắn trong năm. Phải cảm nhận được hương thơm của mai, hiểu được cốt cách - tinh thần của mai. Phải thở với hơi thở của mai, hít khí trời như mai… Lão cũng lên lớp với tôi : “Như anh biết đấy ! Tết đến mà thiếu mai thì mất cả hương vị của ngày xuân, mất cả tình xuân”. Con mắt của lão hóm lên ngời sáng như trêu tức tôi. Tôi chỉ còn biết : “Dạ vâng ! Dạ vâng ! Bác nói phải !”.
Lão chào hàng cả thảy 20 chậu mai. Chỉ còn một chậu là lão không đả động gì đến nó. Theo tôi biết, đây là chậu mai núi bình thường. Nhưng, thế của cây mai quả là chỉ có tay sành điệu mới tạo được dáng như thế. Thanh mảnh, dáng dấp con gái. Nhìn chậu mai, tôi nghe như có tiếng thì thào của đất, của trời. Và từ cây mai toát ra cả mùi của suối rừng và nắng mới. Dẫu là thứ mai núi, nhưng chậu mai đã cảm hóa được tôi. Tôi cảm thấy hồn mình như đẹp thêm ra. Quả là chậu mai núi đã thuyết phục được tôi trong chừng mực nào đó. Tôi bèn đề nghị lão :
- Bác để chậu này cho tôi !
- Cũng có nhiều người nài nỉ tôi. Nhưng có đựợc giá mấy đi nữa, tôi cũng không thể bán - giọng lão chợt buồn như khi ngồi uống trà với tôi trước đó - Nó là một phần hồn của tôi mà. Không có nó, tôi cần sống làm gì nữa. Xin thầy giáo thông cảm cho tôi !
- Bác nói thế thì tôi chẳng dám đâu. Nhưng tôi xin bác kể cho tôi biết sao nó cần thiết với bác đến như vậy ?
- Ta vô nhà nói chuyện.
Chúng tôi lại ngồi vào chỗ như trước khi xem mai. Vẫn không khí trầm lắng. Lão rót trà.
- Mời thầy giáo uống trà ! Tôi sẽ kể thầy nghe.
Tôi không dám đưa chén trà lên môi uống, chỉ chú mục vào lão. Giọng lão run run : “Chậu mai khi nãy, cả cô ấy nữa, cả chốn ấy nữa là một đấy, thầy giáo ạ ! Nhìn thấy nó là tôi nhìn thấy cô ấy, chốn ấy. Thử hỏi như thế thì làm sao tôi để mất nó được”.
Và lão kể…
Giọng lão trầm hẳn xuống. Tôi chơi vơi trong câu chuyện. Nguyên trước đây, lão là đại đội trưởng quân giải phóng. Xuân 1968, đơn vị lão được lệnh tấn công huyện lỵ Đại Lộc. Tham gia chiến dịch này, cấp trên đã phái xuống đơn vị lão một nữ chiến sĩ. Thực ra, người nữ chiến sĩ ấy là nhà thơ. Theo lão kể, cô tham gia trận đánh là để làm thơ.
Kể từ ngày cô về đơn vị, tâm hồn lão như sáng thêm ra. Cái duyên ít thấy ở người đàn ông, ở người lính, lúc ấy phát ra thứ ngôn ngữ của “thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Cô ấy viết được câu thơ nào đều đưa lão đọc. Đôi khi cô ấy chép những vần ca dao về chuyện lứa đôi tặng lão. Dù không nói gì với nhau, nhưng mùa xuân tràn ngập trong mắt dịu dàng của họ. Họ như là của nhau.
Trận đánh năm ấy, quân ta gây được tiếng vang. Thế nhưng, nỗi mất mát trong lão là cô ấy đã hy sinh khi chưa viết xong bài thơ cho trận đánh.
Khi rút quân về hậu cứ, đơn vị lão đã an táng cô gái trong rừng mai. Mùa xuân vẫn còn rực vàng như chưa hề có sự đau buồn và mất mát ở đây. Lão đã khắc tên cô trên đá - đánh dấu nơi an nghỉ của một con người, của một đồng đội, của một trinh nữ, của một nhà thơ.
Đơn vị lão về hậu cứ an toàn. Đêm ấy, máy bay giặc Mỹ thả bom phía rừng mai. Mỗi tiếng bom nổ là vằm thêm trái tim lão. Lão trơ con mắt. Con mắt đỏ theo tiếng bom. Cả khu rừng mai phía ấy cũng đỏ lên…
Sáng hôm sau, khi trở lại rừng mai, lão không tin ở mắt mình. Không còn dấu tích của người con gái ấy ; không còn dấu tích của mùa xuân. Lão rưng rức cúi đầu…
Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, lão về lại chốn xưa, đúng cái ngày cô ấy hy sinh. Lão ngợp hồn trong sắc vàng của mai, lâng lâng chơi vơi trong hương mai. Lão thấy mình như trẻ lại trong tiếng réo gọi của mùa xuân. Lão nằm, nhìn lên đầy vàng mai. Lão ngồi xuống, mai vàng. Lão chạy trong vàng mai. Lão bay trong mai vàng. Bay trong mùa xuân của núi rừng. Trong màu vàng xuân lão thấy hình như cô ấy ẩn hiện đọc những vần thơ về mối tình đầu của họ.
Về lại thành phố, lão đem theo một cây mai rừng như là để tìm hình bóng cũ. Cả mùa xuân của đời lão được vun vén, chăm sóc, nuôi dưỡng ở trong chậu mai rừng…
…Lão đã khóc.Và cứ khóc. Lão nói trong tiếng khóc. Tôi nghe tiếng khóc của lão : “Tôi tìm hoài cô ấy mà không thấy. Chỉ có mai rừng, chỉ có sắc vàng của mai. Tôi già rồi làm sao về lại chốn ấy, làm sao tìm được cô ấy, làm sao đọc được bài thơ cô ấy chưa viết xong ?...”.
Một năm sau, tôi đến thăm lão. Lão không còn. Tôi tự trách mình sao quá vô tình không thắp được một nén hương cho ấm linh hồn lão khi lão ra đi. Xin lão tha thứ cho tôi !
Rời căn nhà trước đây lão đã ở, tôi hòa vào dòng người sắm Tết. Tôi vào chợ hoa ở Quảng trường 29-3. Tôi không thấy gì ngoài hoa. Những cành hoa đơm nụ. Người ta đang bán mùa xuân. Người ta đang mua mùa xuân. Người ta trao nhau mùa xuân. Tôi chọn mùa xuân cho mình : vàng mai.
Xuân Canh Thìn - 2000
Phan Trang Hy
namtrung.info