Nhiều người nói ai không được sống quãng đời sinh viên thì thật là đáng tiếc, có lẽ vậy bởi cuộc sống sinh viên vui thật, đẹp thật... 


Làng Đại học Thủ đức nơi tập trung nhiều sinh viên và thêm một thành phần nữa là những người buôn bán, cho thuê phòng trọ. Bước chân vào làng Đại học là những dãy nhà trọ mọc san sát nhau nhìn ẩm thấp và lụp xụp, tiếp theo đó là những quán lẩu, quán café, quán net, quán karaoke, các tiệm làm tóc cũng thi nhau mọc lên như nấm sau mưa. Cuộc sống của những người buôn bán chủ yếu sống dựa vào sinh viên, mà như người ta hay nói đùa nhau là những người này sống “kí sinh” trên sinh viên. Có thể đó là cuộc sống trao đổi qua lại giữa những người buôn bán, cho thuê với sinh viên nhưng thực chất sinh viên có quyền lên tiếng trong cuộc trao đổi qua lại ấy hay không, đó là điều mà mỗi bạn sinh viên trong làng Đại học biết rõ nhất. 



Đi học, các bạn không chỉ đơn giản quan tâm đến việc học mà còn nhiều mối lo nữa, nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Đó chính là: 
Tiền phòng trọ 
Việc ở đâu, ở như thế nào là một việc vô cùng quan trọng quyết định đến việc học của sinh viên, nhiều bạn may mắn hay gia đình thuộc vào hoàn cảnh khó khăn, thuộc những vùng miền núi, các bạn có quyền được ưu tiên vào ở kí túc xá. Mỗi tháng cũng chỉ đóng 70-80 nghìn tiền phòng, nếu tính cả tiền điện nước thì cũng chỉ đến hơn 100 nghìn là cùng. Nhưng không phải ai cũng may mắn, được vào kí túc xá để ở. 
Bạn Minh học trường ĐHKHXH&NV, quê ở Thanh hóa, mới năm đầu tiên vào nhập học bạn làm đơn xin vào kí túc xá ở cho tiết kiệm, an ninh bảo đảm vì gia đình bạn cũng thuộc vào dạng bình thường. Mấy ngày làm đơn là mấy ngày bạn phải trực suốt cả ngày ở kí túc xá, cố gắng xin lấy một suất vào kí túc, một tuần ròng rã đi rồi lại về bạn cảm thấy nản quá đành bỏ cuộc và quyết định ra ngoài tìm phòng trọ ở. Hỏi ra mới biết do tỉnh Thanh hóa của bạn không đầu tư xây kí túc xá nên khi xin vào bị ban quản lí kí túc xá từ chối. 
Bạn Vân Anh, học Đại học Khoa học tự nhiên thì lại chán cuộc sống trong kí túc xá vì bị gò bó, suốt ngày phải ăn cơm bụi cho nên bạn quyết định chuyển ra ngoài để sống cho thoải mái và có thể tự nấu ăn. Khi chuyển ra ngoài và đi tìm phòng trọ, đó là một khoảng thời gian tương đối vất vả với bạn, không có phòng trọ nào vừa ý với bạn mà khi có thì túi tiền lại không cho phép. Cuối cùng bạn cũng tìm được một phòng trọ cho dù không thật vừa ý nhưng được cái không gian cũng thoải mái. Tháng đầu tiên khi mới vào, ông bà chủ kêu lấy 450 nghìn một tháng trên một phòng, thấy số tiền đó với một phòng trọ ở hai người Vân Anh thấy cũng hợp lí nên gật đầu ở luôn. Được một tháng sau, khi bạn đã ổn định chỗ ở, sắp xếp hết mọi thứ trong phòng thì ông bà chủ đến và kêu tăng tiền phòng trọ lên 600 nghìn với một câu nói làm tất cả mọi người trong khu trọ choáng váng “Ở được thì ở, không ở được thì dọn đi cho người khác thuê. Khối người đang cần phòng chỉ đợi mấy đứa mày chuyển đi là họ vào liền”. 
600 nghìn một phòng trọ không phải là sạch sẽ cộng thêm với vệ sinh ngoài nếu so với mức giá trên thành phố thì có thể gọi là rẻ nhưng nếu so với mặt bằng chung của cả làng Đại học thì có thể nói là quá đắt. Cuộc sống sau một tháng đã ổn định, Vân Anh không muốn chuyển đi nơi khác ở với lại có chuyển đi thì chắc gì đã còn phòng trọ cho thuê nữa, vào năm học rồi nên sinh viên đi kiếm phòng trọ nhiều lắm. Bạn quyết định ở nhưng trong lòng vẫn thấy hậm hực. 
Sau một năm ở thấy cũng gắn bó với khu trọ nên trong đầu Vân Anh tính toán là sẽ ở thêm năm nữa. Hè về quê chơi một tháng, vào lại thành phố cũng là lúc năm học mới bắt đầu, đã là sinh viên năm 3 cho nên việc học ngày càng nhiều không có thời gian để đi tìm phòng trọ mới. Vân Anh quyết định ở lại khu trọ cũ, vẫn cứ tưởng mức giá sẽ giữ nguyên là 600 nghìn một tháng nhưng ngờ đâu sau một tháng về hè, tiền phòng lại tăng lên 700 nghìn, thêm một điều kiện là sẽ phải đóng tiền cọc trước 2 tháng là 1,4 triệu đồng. Và tính cho cả 2 người, thì tiền phòng 5 tháng lên tới con số 3,5 triệu, con số đó gấp rất nhiều lần so với tiền ở kí túc xá của bạn hồi năm nhất. Và quan trọng là khi chuyển đi rồi số tiền cọc ấy, các bạn có thể lấy lại được từ tay nhà chủ hay không. 
Lại thêm một mối lo cho không chỉ riêng Vân Anh mà còn rất nhiều những bạn sinh viên khác sống trong làng Đại học, mỗi năm tiền nhà trọ đều tăng từ 100 cho đến 150 nghìn, vậy cho đến khi học hết 4 năm đại học của các bạn, tiền nhà trọ sẽ tăng lên bao nhiêu nữa. 
Cuối tháng lại lo tiền điện nước 
Nhiều người nói ai không được sống quãng đời sinh viên thì thật là đáng tiếc, có lẽ vậy cuộc sống sinh viên vui thật, đẹp thật nhưng cũng chứa đựng nhiều nỗi lo toan, nhất là vấn đề liên quan đến tiền bạc. Bởi lẽ sinh viên phần đa đang còn sống vào sự trợ cấp của bố mẹ. 
Cứ đến ngày mùng 5 hàng tháng là Hoa (ĐH Nông Lâm) lại lo tiền điện nước, ban đầu tiền điện là 3 nghìn một số, sau đó tăng lên 3,5 nghìn một số, không biết đến khi nào thì sẽ tăng nữa. Mà theo những gì Hoa biết thì tiền điện được nhà nước ưu đãi cho sinh viên và công nhân, nên tính theo giá điện sinh hoạt là 600 đồng cho một số điện, giá cao nhất cũng chỉ là 1,890 đồng trên một số nếu như sử dụng quá nhiều. Vậy mà khu trọ Hoa, chủ nhà trọ cho tính lên tới 3,5 nghìn trên một số. Hoa và một số người trong khu trọ có phản ánh lại với chủ nhà nhưng cũng bằng thừa, bởi vì chỉ nhận lại được một câu trả lời duy nhất “Người khác tính sao, cô chú tính vậy chứ tính cao cho bọn mày làm gì”. Đành phải chấp nhận ở, chứ lên tiếng nữa họ lại đuổi ra khỏi phòng thì biết ở đâu. 
Số tiền điện trên một số đã cao rồi, số điện hàng tháng còn cao ngất ngưởng mà khi nói ra ai cũng phải choáng. Phòng Hoa chỉ sử dụng nồi cơm điện, một cái quạt, một bóng đèn, tần suất sử dụng rất ít vì phải đi học suốt có chăng cũng chỉ dùng nhiều vào những ngày chủ nhật. Thế nhưng cuối tháng, Hoa nhận được giấy báo số điện của cả phòng là 50 số, có tháng lên tới 70 số điện, vì vậy mà chỉ tiền điện của Hoa và một người bạn ở chung phòng lên tới 170 đến 245 nghìn một tháng, nếu tính cả tiền nước thì lên tới con số gần 400 nghìn. 
Nói về tiền nước, năm đầu vào ở chủ nhà trọ tính 4000/m3 nước nhưng sang năm sau tính lên 5000 và tiền nước của mỗi người cuối tháng ở khu trọ của Hoa chia theo đầu người là 50 nghìn trên một người. Đấy là nước giếng bơm, có nhiều hôm nó còn bị vẩn đục, nhìn qua là thấy sợ , ban đầu thì mọi người e dè, dần dần cũng cảm thấy quen hay nói đúng hơn là mặc kệ, không dùng thì biết lấy nước đâu mà dùng nữa. 
Số tiền điện nước nhiều như vậy, cho nên cuối tháng không phải ai cũng đóng được đầy đủ, có bạn phải xin nợ lại một vài hôm. Nhưng có điều làm Hoa thấy thật sự bức xúc là đang lúc 12 giờ đêm khi mà mọi người đã ngủ say vì một ngày làm việc, học tập vất vả thì chủ nhà trọ đi xe máy đến đập cửa để thu tiền điện. Đầu tháng, giữa tháng chẳng thấy mặt mũi chủ trọ ở đâu, cứ đến khi thu tiền điện nước, tiền nhà là lại đến và làm ầm ĩ cả khu lên. Đó là điều làm cho Hoa và mấy bạn trong khu cảm thấy khó mà chịu nỗi. 
Và một nối lo về sức khỏe 
Đi học xa nhà sinh viên không chỉ học được cách phải biết lo cho bản thân mà thêm vào đó là học được cách phải biết chi tiêu. Vân Anh từ khi chuyển ra khỏi kí túc xá, bạn thấy cuộc sống ở ngoài thoải mái thật nhưng mỗi khi gần cuối tháng đêm nằm bạn lạ trằn trọc nghĩ về việc chi tiêu sao cho đủ, chỉ có mỗi việc ấy thôi thấy cũng đủ mệt rồi. 
Nhiều tiền phải đóng, nhiều việc phải cần đến tiền, giá cả thì cứ leo thang, một bó rau cũng mất 3 nghìn mà tiền gia đình chu cấp thì cũng có hạn, không thể nào đủ để cho các bạn trang trải cho cuộc sống của mình . Vì vậy còn một bước đường nữa là phải đi làm thêm, ngoài giờ học các bạn phải tranh thủ làm thêm buổi tối đến tận 12 giờ đêm hay 1 giờ sáng mới về, có bạn làm từ 9 giờ đêm cho đến 5 giờ sáng về lại bắt đầu đi học. Tối đi làm, ngày đi học, đến lớp các bạn cũng chỉ ngủ gật nhưng bắt buộc phải đi vì sợ điểm danh, và kết quả là nhiều bạn lăn ra ốm, không chỉ thế kết quả học hành cũng bị sa sút. 
Còn vấn đề nước sinh hoạt cho sinh viên, nhiều buổi sáng thức dậy, Trường (sinh viên trường Nhân Văn) cho biết “ tự dưng thấy nước lạ lạ, đánh răng thì ngửi có mùi giống mùi xăng dầu, nhìn kĩ vào thì thấy có váng nổi lên. Vậy là không đánh răng nữa, phải đợi đến trưa thì nước mới bớt mùi. Nhiều hôm còn lấy chậu hứng nước thì thấy cát, sỏi nằm dưới đáy chậu. Chắc đi học hết 4 năm đại học trong người bọn mình sẽ là một nơi lí tưởng cho mầm bệnh phát triển mất”. 
Không chỉ vậy, ở làng đại học còn là nơi tập trung của rất nhiều chuột, nếu bạn nào sống ở khu trọ có nhà vệ sinh chung thì có thể thấy điều đó một cách dễ dàng, vì sau mỗi lần rửa đồ ăn, rửa chén, hay là trong thùng rác, các bạn có thể thấy một đàn chuột kéo nhau chạy ngang nhiên xung quanh bể nước. Chúng chính là nguy cơ mang đến bệnh dịch hạch, một loại bệnh nguy hiểm. 
Mỗi sinh viên khi đi học đều mong muốn mình sẽ sống trong một điều kiện đảm bảo nhất, vệ sinh nhất để có thể phục vụ tốt cho việc học. Thế nhưng những mối lo ấy của sinh viên, có lẽ kéo dài từ năm này qua năm khác, từ khóa này qua khóa khác, không biết đến khi nào thì những nỗi lo ấy sẽ được giảm bớt, để các bạn có thể yên tâm học hành. Đấy là câu hỏi mà tôi tin chắc, nhiều bạn sinh viên vẫn đang băn khoăn và trăn trở. 



MTI

____________________
WEBSITE: 5Phut.me
FACEBOOK: 5 Minutes
YOUTUBE:  5 Minutes Channel