Thonis-Heracleion, Alexandria, Meroë, và Jenne-Jeno từng là những trung tâm thịnh vượng và hội tụ tinh hoa, nhưng của cải của chúng dần cạn kiệt. Dù vẻ nguy nga thời xa xưa đã khuất khỏi tầm mắt, nhưng khảo cổ học giờ đây đang hé lộ quá khứ huy hoàng của những thành phố này.


Khám phá 4 thành phố cổ đại nhất được ví như ngọc quý tại châu Phi 349540_1653814745349

Một người cưỡi lạc đà đang khảo sát kim tự tháp dốc đứng của Mero ở Sudan. Ảnh: Robbie Shone/National Geographic Image Collection.​

Các di tích đồ sộ của Giza và đền thờ tráng lệ của Thebes là chứng nhân cho sự vĩ đại của những thành phố châu Phi đã xây dựng nên chúng. Những thành phố cổ đại khác ở châu Phi cũng không kém cạnh, tuy dấu vết của những trung tâm thành thị lộng lẫy ấy khó tìm thấy hơn. Những thành phố từng hưng thịnh này nằm ở Ai Cập, Sudan và Mali ngày nay. Vẻ hào nhoáng của chúng chìm vào quên lãng, biến mất khỏi lịch sử cho đến khi các nhà khảo cổ học thời nay tìm ra một số phát hiện bất ngờ.

Thonis-Heracleion, Ai Cập: thương cảng sầm uất

Thành phố bị mất Thonis-Heracleion của Ai Cập cổ đại là một trong những phát hiện dưới nước tuyệt vời nhất của các nhà khảo cổ học. Hàng ngàn năm qua, thành phố ẩn mình dưới nước, sự tồn tại của nó chỉ được ghi nhận trong một vài bản khắc và văn thư cổ đại hiếm hoi. Thành phố cảng nằm ở cửa sông Nile này trỗi dậy sau khi quyền lực của Ai Cập phai nhạt vào thế kỷ 7 TCN. Người Ai Cập gọi nơi đây là Thonis, còn với người Hy Lạp đó là Heracleion. Thành phố phát triển thành một trung tâm giao thương và văn hoá quan trọng, rồi sau đó biến mất.

Năm 2000, nhà khảo cổ học hải dương Franck Goddio của Viện Khảo cổ dưới nước của châu Âu đã khám phá ra nguyên nhân tại sao thành phố không để lại dấu vết nào dọc bờ biển: Cả thành phố đã chìm xuống Địa Trung Hải vào thế kỷ 8. Khi tìm kiếm cách bờ biển vịnh Abu Qir ngày nay khoảng 4 dặm, dưới mặt nước 10 mét, nhóm của Goddio phát hiện tàn tích một ngôi đền Amun và một hệ thống kênh đào chằng chịt trong thành phố.


Khám phá 4 thành phố cổ đại nhất được ví như ngọc quý tại châu Phi 349542_1653814789614

Một tấm bia được tìm thấy tại Thonis-Heracleion do Pharaoh Nectanebo I ban hành, ghi lại lễ vật dâng lên những ngôi đền địa phương. Ảnh: Bill Greenblatt/Upi/Alamy Stock Photo.​

Hơn 70 xác tàu đắm và hàng trăm mỏ neo cho thấy Thonis-Heracleion là một trung tâm giao thương nhộn nhịp sánh ngang với Babylon và Pompeii. Khám phá dưới nước gồm có những bức tượng nhân sư và thước kẻ, nhẫn, tiền xu và một tượng đá granit thần Hapy của Ai Cập khổng lồ, biểu tượng của sự sung túc. Các kho báu khác còn có đồ gốm sứ Hy Lạp sang trọng và những chiếc giỏ liễu gai đầy hoa quả.

Làm thế nào thành phố sống động này biến mất dưới những cơn sóng? Các nhà khảo cứu cho rằng những trận động đất kết hợp với sóng thần và đất lở đã khiến Thonis-Heracleion chìm xuống dưới sức nặng của chính mình.

Alexandria, Ai Cập: trung tâm học thuật và văn hoá

Thương cảng Alexandria thuộc Địa Trung Hải nằm trên rìa đồng bằng sông Nile, Ai Cập là thành phố nổi tiếng nhất do Alexander Đại Đế, quốc vương của vương quốc Macedon thời Hi Lạp cổ đại, thành lập. Ngày nay, phần lớn thành phố cổ này đã chìm xuống nền đất lầy và nằm dưới khoảng 6 mét nước. Năm 332 TCN, trong lúc chu du, Alexander đã lập nên thành phố, kết nối giao thương vùng Địa Trung Hải, và rồi thành phố nhanh chóng trở thành một giao lộ học thuật và văn hoá. Các học giả Hy Lạp, Ai Cập và Do Thái cùng nhau học tập dưới những giáo đường của Alexandria.

Theo lời Aristeas, Đại Thư Viện nằm ở quận Mouseion được thành lập để sưu tầm “mọi quyển sách trên thế giới”. (Thư viện đã bị phá huỷ gần hết do hoả hoạn trong cuộc chiến với người La Mã). Một số bộ óc thiên tài của thời cổ đại chọn sinh sống tại Alexandria gồm có Euclid, Archimedes, và Ptolemy. Chính từ Alexandria, nhà địa lý Eratosthenes đã lần đầu đo được chu vi Trái Đất. Hàng trăm học giải tại đó cũng là những người đầu tiên dịch Kinh Cựu Ước từ tiếng Hebrew sang tiếng Hy Lạp. Alexandria thịnh vượng đến thế kỷ 7 rồi thua cuộc trước người Ba Tư, sau đó bị người Ả Rập chinh phạt.


Khám phá 4 thành phố cổ đại nhất được ví như ngọc quý tại châu Phi 349544_1653814826029


Bức vẽ Hải đăng Alexandria. Ảnh: Isadora/Bridgeman Images.​

Năm 365, một cơn sóng thần lớn đã tàn phá mọi thứ. Thay vì bị bỏ hoang như nhiều thành phố khác từng bị thiên tai, Alexandria cổ đại đã bị nuốt chửng khi một thành phố mới hiện đại được xây dựng trên nó. Vị trí chính xác của một vài di tích nổi tiếng nhất của Alexandria, như lăng mộ Alexander Đại Đế và lăng mộ Cleopatra, vẫn còn là một bí ẩn.

Meroë, Sudan: thành phố nữ binh

Không phải mọi thành phố quyền lực đều trị vì ở Ai Cập. Thế kỷ 6 TCN tại Sudan ngày nay, các thủ lĩnh của vương quốc Kush cổ đại ở Nubia dọc thung lũng phía nam sông Nile đã thành lập kinh đô tại Meroë. Nằm giữa các tuyến đường giao thương châu Phi, tứ bề đất đai phì nhiêu, thành phố thịnh hành ngành gia công kim loại, chuyên sản xuất vàng miếng kiểu dáng đẹp mắt.


Khám phá 4 thành phố cổ đại nhất được ví như ngọc quý tại châu Phi 349546_1653814857421


Vòng tay bằng vàng tìm thấy tại nghĩa trang phía bắc Meroë. Ảnh: AKG-Images.​

Nền văn hoá của Kush pha trộn dưới sức ảnh hưởng của Ai Cập và các vương quốc châu Phi khác. Ở một số ngôi đền, các bức chạm khắc hoạ hình những vị nam thần và nữ thần Ai Cập như Amun và Isis, Apedemak đầu sư tử - vị thần chiến tranh của Kush thường cầm cung tên. Di sản của Ai Cập thể hiện nổi bật nhất ở hơn 200 kim tự tháp dốc dứng và lăng mộ của Meroë, được tìm thấy ở hai nghĩa trang lớn của thành phố. Tại đó, quốc vương, hoàng hậu và giới quý tộc được an táng, thỉnh thoảng còn có xác động vật và gia nhân hiến tế.

Kush cũng trứ danh với những nữ cai trị mạnh mẽ. Những vương hậu và thân mẫu của họ được gọi là các kandake. Họ không ngại cầm lên vũ khí. Sử gia người Hy Lạp Strabo miêu tả vương hậu Amanirenas (hay còn bị gọi nhầm là vương hậu Candace) là “ kiểu phụ nữ đầy nam tính, và bị mù một mắt”. Thế kỷ 1 TCN, bà đã chiến đấu với người La Mã. Vương hậu Amanitore trị vì vào đầu thế kỷ sau đó, được khắc hoạ cầm thanh kiếm dài trên các bức tường đền thờ.

Vào thế kỷ 4, vương quốc suy yếu, có thể là sau cuộc xâm lược của vương quốc Aksum láng giềng. Meroë là một phần đáng tự hào của lịch sử người Sudan. Người phương Tây gần như không để mắt đến nó cho đến thế kỷ 19-20, khi bọn trộm mộ và sau đó là các nhà khảo cổ khai quật lên sự giàu có của thành phố.


Khám phá 4 thành phố cổ đại nhất được ví như ngọc quý tại châu Phi 349548_1653814877820


Hơn 200 kim tự tháp và lăng mộ còn lại tại Meroë. Ảnh: Fabian Von Poser/Robertharding.Com.​

Jenne-Jeno, Mali: quê hương của thợ thủ công

Các sử gia phương Tây từng tin rằng sa mạc Sahara trải dài khắp Bắc Phi là rào cản ngăn chặn sự phát triển của các thành phố. Cho đến thế kỷ 9 khi các thương nhân từ phương bắc thiết lập những tuyến giao thương băng qua những bãi cát dữ thì rào cản ấy mới biến mất. Nhưng thành cổ nhộn nhịp Jenne-Jeno gần Djenné ở Mali ngày nay đã chứng minh họ sai.

Thập niên 1970, ảnh máy bay đã hé lộ tàn tích một khu định cư trên đồi ở vùng đất màu mỡ gần sông Niger. Tại đây, nhà khảo cổ học Susan và Roderick McIntosh khám phá ra di tích một cộng đồng đông dân có niên đại khoảng năm 250 TCN. Đây là một trong những thành phố lâu đời nhất được tìm thấy ở châu Phi hạ Sahara.

Cư dân thành phố trồng lúa, bo bo và các loại ngũ cốc khác; chế tác đồ trang sức bằng sắt, đồng và đồng thau; tạo hình đồ gốm sứ tinh xảo và tượng điêu khắc bằng đất nung sinh động. Hàng trăm động vật nhỏ bằng đất sét tìm thấy tại đó được làm ra để làm đồ chơi mua vui cho trẻ em.


Khám phá 4 thành phố cổ đại nhất được ví như ngọc quý tại châu Phi 349550_1653814905071


Tượng bằng đất nung từ thành phố Jenne-Jeno. Ảnh: Agefotostock/Alamy Stock Photo.​

Có lẽ 7000 đến 13000 người đã sống trong những ngôi nhà bằng gạch bùn và mua bán với các thành phố co cụm gần đó. Cách bố trí đan xen chặt chẽ, thiếu vắng cung điện và các công trình lớn khác cho thấy cư dân của thành phố khá bình đẳng. Jenne-Jeno tồn tại trong gần 1000 năm.

Vào thế kỷ 11 và 12, thành phố suy thoái, có thể là do các thành phố khác, như Timbuktu, bắt đầu bùng nổ và thu hút dân số rời đi. Ngày nay, Djenné và các địa điểm láng giềng được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

____________________
FACEBOOK:  logo
YOUTUBE:  logo