Những thứ vận hành trong tự nhiên không phải lúc nào cũng tốt cho thú cưng.


Tại sao chó lại liếm vết thương? Cùng tìm hiểu nguyên nhân tại đây 339462_1649906483430
Một con chó sục Boston mang vòng cổ để ngăn nó dùng miệng đụng đến vết thương. Nhưng tại sao chó và những động vật khác liếm vết thương? Ảnh: JoeChristensen/Getty Images.​

Hành vi liếm vết thương được quan sát thấy ở một số loài thú cưng và động vật. Chó, chuột, thậm chí là kiến. Tất cả chúng đều dùng nước bọt của mình bôi lên các vết trầy xước. Nhưng tại sao chúng liếm vết thương?

Câu trả lời nằm ở phần lớn những hành động tự xoa dịu của việc liếm và đặc tính chữa lành của nước bọt. Liếm vết thương là một phản ứng bản năng, được chọn lọc tự nhiên mài giũa, có thể giảm bớt sưng tấy và đau đớn, thậm chí giúp vết thương chóng lành, bác sĩ thú y Benjamin Hart cho biết. Nhưng ở chó và những thú cưng khác, bản năng này có thể dễ trở nên phản tác dụng, nhất là khi đã có nhiều cách chữa thương tốt hơn.

Đối với động vật thì “bị cụt ngón hoặc được chữa trị”, nên liếm là “cách tốt nhất chúng làm được”, bác sĩ thú y Kristi Flynn cho biết. Liếm có thể loại bỏ mảnh vụn, như bụi bẩn hoặc mảnh da rách khỏi vết thương, đồng thời giúp xoa dịu cơn đau. Tương tự như cách một người xoa ngón chân sau khi vấp ngón hay nắm chặt cánh tay sau khi dựa vào bếp nóng. “Khi [động vật] cảm thấy đau, chúng có xu hướng cố xoa dịu khu vực đau,” Flynn cho biết.

Hart cũng đồng tình. “Liếm vết thương là một bản năng ở chó có nguồn gốc từ tổ tiên loài sói,” ông nói. “Khi chúng bị thương, bản năng sẽ buộc chúng liếm vết thương: giữ vết thương sạch sẽ và rửa trôi bụi bẩn.” Và ngoài nỗ lực xoa dịu tức thời, nghiên cứu của Hart và cộng sự còn cho thấy một số loại nước bọt của động vật (kể cả con người) có đặc tính kháng khuẩn, thúc đẩy phát triển mô và thần kinh giúp mau lành vết thương.

Ví dụ, nước bọt của chó diệt khuẩn Streptococcus canis rất hiệu quả, một loại liên cầu khuẩn chủ yếu lây nhiễm cho động vật, và khuẩn E. coli, theo một nghiên cứu năm 1990 do Hart đồng tác giả và được công bố trên tạp chí Physiology & Behavior. Một nghiên cứu khác năm 2018 so sánh nước bọt chó và con người từ tạp chí PLOS One phát hiện ra nhiều protein tăng trưởng tế bào và miễn dịch đặc trưng ở nước bọt của chó. Đồng thời, nước bọt của chuột cũng chứa những hợp chất thúc đẩy phát triển da và khép miệng vết thương, theo một nghiên cứu năm 1979 trên tạp chí Nature và một nghiên cứu năm 1991 trên tạp chí Experimental Gerontology. Những yếu tố tương tự cũng được tìm thấy ở liều lượng nhỏ trong nước bọt người, theo một nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Archives of Oral Biology.

Tuy nhiên trong kỷ nghiên y học hiện đại dành cho thú cưng và con người, liếm vết thương có thể gây hại nhiều hơn, đó là lý do tại sao chó mèo thường đeo vòng cổ nhựa khi trở về nhà từ phòng khám thú y. Liếm một vết thương phẫu thuật có thể làm tổn thương hoặc sứt chỉ khâu, và “khiến vết thương rất nhỏ trở nên nặng hơn,” Flynn cho biết. Chó rất dễ liếm quá mức, có thể khiến vết thương khó lành. “Chúng chuyện bé xé ra to và không có óc phán đoán để dừng lại.”

Liếm vết thương cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn từ miệng đi vào vết thương. Dù nước bọt có một số đặc tính kháng khuẩn, nhưng đó không phải là phương thuốc tiệt trùng toàn năng. Ví dụ, nghiên cứu năm 1990 của Hart cho thấy nước bọt chó không diệt được Staphylococcus (tụ cầu khuẩn), một chi vi khuẩn gây nhiễm trùng tụ cầu và thường xuất hiện ở các vết thương.

Thế nếu liếm vết thương không quá có lợi, thì tại sao nó vẫn tiến hoá và tồn tại qua nhiều thế hệ?

“Mọi thứ tiến hoá đều không đúng 100%,” Hart nói. “Chúng phải hữu ích 75% hoặc 50%, và chúng vẫn được chọn lọc tự nhiên giữ lại vì có còn hơn không.”

Nhưng khoa học và y học hiện đại thường tiên tiến nhanh hơn tiến hoá. Liếm vết thương là một giải pháp tốt cho động vật hoang dã khi không có cách khác thay thế. Nhưng đối với chủ nuôi thú cưng chó mèo, tốt hơn vẫn nên lắng nghe lời khuyên của bác sĩ thú y.

(Theo Live Science)

____________________
WEBSITE: 5Phut.me
FACEBOOK: 5 Minutes
YOUTUBE:  5 Minutes Channel