Ly rượu miệt vườn
“Một ly nhâm nhi tình bạn
Hai ly giải cạn tình sầu”
Phải khẳng định rằng nếu như con mắm đượm đà đã là đại diện xuất sắc cho “thực” thì không gì có thể thay được ly rượu đế ấm nồng trở thành nét đặc trưng cho “ẩm” trong đời sống người dân miền sông nước. Nói như thế không có nghĩa rằng ta đang cổ súy cho quốc nạn nhậu nhẹt tràn lan, mà ý là ta cần phải bảo tồn và giữ gìn văn hóa uống rượu thật đẹp, thật giàu tình cảm của dân xứ miệt vườn.
Từ thuở đi khai hoang lập ấp, giữa cái đượm buồn theo chao chác của cánh cò bay mỏi, trong tiếng ếch nhái kêu xao xác, chung rượu chia nhau xoa dịu tâm tình ly hương của kẻ “mang gươm đi mở cõi”. Trải biết bao thăng trầm, ngày nay, cũng chung rượu đó, ta nhâm nhi tự tình cùng chân đồng gốc rạ mà ngẫm nghĩ cái dâu bể của đời người, cái nhơn tình thế thái.
Sự nhậu của người Nam khác hẳn xứ Bắc. Nếu như ở miền ngoài, mỗi người một chung rượu, thì nơi sông nước chỉ có ly rượu xoay vần, chạm môi hết từng bạn nhậu. Âu cũng là ảnh hưởng bởi văn hóa sẻ chia của những con người tứ chiếng thuở xưa. Ít khi người ta uống rượu một mình. Thường mâm rượu có hai, ba hoặc bốn, thậm chí cả chục người cùng nâng ly cạn chén, gọi là nhậu giao lưu, giao hảo.
Trong cuộc rượu, dân miệt vườn thường chọn ra người lớn tuổi hoặc có uy tín nhất để chuyên rót rượu, gọi là chủ xị. Chủ xị rót một ly đưa cho hai người, mỗi người nửa ly, gọi là cưa đôi hoặc mỗi người uống trăm phần trăm, hết cả một ly. Uống xong trả ly đó về cho chủ xị, chủ xị rót tiếp đưa lần lượt hết những người trong bàn. Nếu kết anh bạn nhậu nào đó, ta có thể rót mời riêng, gọi là đá ngang, tất nhiên ly rượu này không tính vào vòng đâu nhé, đến lượt mình, mình vẫn phải uống. Trong mâm nhậu, ai đến sau hoặc về trước cũng bị phạt theo luật vào ba ra bảy - nghĩa là đi trễ phải uống liên tiếp ba ly, về trước thì phải uống trước bảy ly. Và trong xoay vòng ly rượu đế giữa cuộc vui, ai bỏ vòng hay sai luật là bị cả hội nhậu phán ngay “Cà chớn, mậy!”
Nói về mồi nhậu, ở xứ miệt vườn, những lúc lạt miệng, muốn đưa cay với mấy ông bạn hàng xóm không có món nào lành và ngon như con cá lóc. Này nhé, hãy nhẹ nhàng khua đôi đũa, dẽ lấy thớ thịt trắng phau của con cá lóc thui rơm thơm phức trên cái dĩa hột xoài, quấn lấy ít rau sống, khế xanh, chuối chát, cuộn tròn vào trong chiếc bánh tráng mỏng rồi chấm ngập nước mắm chua ngọt. Ta cắn một miếng bánh tráng cuộn rau-cá kia, lại thêm nửa trái ớt hiểm thơm tho. Tất cả cay, đắng, ngọt, bùi của cả đời người như quyện vào món ăn dân dã. Nhai thật chậm rãi để nghe bao nhiêu hương vị của rơm rạ, rau cỏ, đồng ruộng như ngấm tận ruột gan. Còn chờ gì nữa mà không khề khà thêm ly rượu cho cái thống khoái thần khẩu kéo dài ra bất tận?
Nhưng không phải lúc nào cũng cần bạn nhậu, thảng hoặc, giữa buổi chiều tà se lạnh, lão nông tri điền sai sấp nhỏ chạy ra quán bà tư đầu xóm, mua về đôi xị đế. Chỉ chốc lát thôi, trên cái bàn tiếp khách nơi hiên nhà, sẽ có ít rau tập tàng, một nồi đất cá bống kho tiêu săn mình, vẫn còn sôi nhè nhẹ tỏa hương thơm nức mũi. Rồi đấy, lão nông già vấn điếu thuốc rê, se qua đầu lưỡi, bật diêm, rít hơi nhè nhẹ, mắt nhìn xa xăm thả hồn vào đêm tối nhập nhoạng. Rót ly rượu đầy, đưa lên mũi, hít hà hương nếp mới, lão nông từ tốn ngửa cổ nhâm nhi một hơi dài cho dòng rượu ấm nồng chảy tràn vào cuống họng. Gắp lấy con cá bống kho, cắn ngang lưng, chậm rãi nhai mà cảm thấy mặn, ngọt, béo, bùi tứa ra trong thần khẩu. Mê ly quá đỗi! Mắt lim dim, đùi rung nhè nhẹ, lão nông tinh tế ấy đang tận hưởng tình quê mênh mang ve vuốt ngũ quan.
Hoặc giả, trong buổi chuyện trò vần lân phút nông nhàn nơi góc vườn râm mát, chợt hứng chí, ta xách cái xẻng hú nhau đi đào hang chuột. Thế nào rồi sau đó cũng có thịt chuột quay vàng rượm cùng chai đế ngát hương để chuyền nhau những thơm thảo miệt vườn. Ô hay, còn gì bằng khi được thưởng cái thú ẩm thực dân dã giữa cơn gió rười rượi hơi nước, nhè nhè lay đồng lúa xanh mướt mắt ?
Lại nữa, trong đêm trăng sáng vằng vặc, chợt nhớ rằng còn hủ mắm lóc đỏ màu gác nơi chái bếp, ta chẳng ngại ngần gì mà kêu, mà gọi anh ba, anh sáu nhà bên trải manh chiếu ra sau hè mà đưa cay vài ly tài tử. Khề khà dăm chung rượu cưa đôi, nhắm nhấp con mắm đượm nồng, bỗng dưng cái tay muốn đờn, cái miệng muốn hát. Thế rồi, “ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh ngã bảy” cứ tuôn ra dào dạt, tha thiết, ngân vang cùng tiếng dế rền vang phụ họa. Khà một tiếng, ta lên câu vọng cổ khiến ánh trăng vàng vọt cũng lả lơi theo bóng dừa xào xạc.
Và khi khách thương hồ đang cô đơn giữa mênh mông trời nước, não nề nghe tiếng sóng vỗ hông thuyền, tự dưng nghe thấy tiếng hò ơ của cô gái bán vàm trở về sau chuyến buôn đêm nơi bến tàu tấp nập. Chẳng ngại ngùng, người khách cất lên câu hò đối đáp, tỏ ý lơi lả mời cô gái cập thuyền làm chung rượu ấm lòng, làm dịu bớt nỗi buồn xa xứ lênh đênh. Biết đâu rằng, bữa rượu đó có phải là tình duyên đã định sẵn chỉ chực chờ ly rượu nối môi nhau?
Có đôi khi, giữa chốn đô thành náo nhiệt, uống ly rượu ngoại bên bàn nhậu ê hề mỹ vị thật không khác chi nước lã vô vị bởi nó chẳng thắm tình quê, chẳng đượm hương đất. Ly rượu miệt vườn chính là mối kết liên của cái tình, cái nghĩa xóm riềng của những đoàn người khẩn hoang thuở xứ này còn rừng thiêng, nước độc. Cho đến tận bây giờ, nó vẫn là nét văn hóa độc đáo thể hiện sự đoàn kết cộng đồng, lòng hiếu khách của người dân sông nước Cửu Long. Và những người con miệt vườn ly hương, trong phút yếu lòng trông về quê cũ hẳn rằng sẽ thèm lắm cảm giác lâng lâng, say sưa cùng đám bạn “cà chớn” bên mâm rượu đầy hương đồng cỏ nội. Ôi, thèm chết đi được một tiếng “khà”!
Phan Khắc HuyNguồn: Lớp học vui vẻ - Lan truyền tinh hoa Việt
“Một ly nhâm nhi tình bạn
Hai ly giải cạn tình sầu”
Phải khẳng định rằng nếu như con mắm đượm đà đã là đại diện xuất sắc cho “thực” thì không gì có thể thay được ly rượu đế ấm nồng trở thành nét đặc trưng cho “ẩm” trong đời sống người dân miền sông nước. Nói như thế không có nghĩa rằng ta đang cổ súy cho quốc nạn nhậu nhẹt tràn lan, mà ý là ta cần phải bảo tồn và giữ gìn văn hóa uống rượu thật đẹp, thật giàu tình cảm của dân xứ miệt vườn.
Từ thuở đi khai hoang lập ấp, giữa cái đượm buồn theo chao chác của cánh cò bay mỏi, trong tiếng ếch nhái kêu xao xác, chung rượu chia nhau xoa dịu tâm tình ly hương của kẻ “mang gươm đi mở cõi”. Trải biết bao thăng trầm, ngày nay, cũng chung rượu đó, ta nhâm nhi tự tình cùng chân đồng gốc rạ mà ngẫm nghĩ cái dâu bể của đời người, cái nhơn tình thế thái.
Sự nhậu của người Nam khác hẳn xứ Bắc. Nếu như ở miền ngoài, mỗi người một chung rượu, thì nơi sông nước chỉ có ly rượu xoay vần, chạm môi hết từng bạn nhậu. Âu cũng là ảnh hưởng bởi văn hóa sẻ chia của những con người tứ chiếng thuở xưa. Ít khi người ta uống rượu một mình. Thường mâm rượu có hai, ba hoặc bốn, thậm chí cả chục người cùng nâng ly cạn chén, gọi là nhậu giao lưu, giao hảo.
Trong cuộc rượu, dân miệt vườn thường chọn ra người lớn tuổi hoặc có uy tín nhất để chuyên rót rượu, gọi là chủ xị. Chủ xị rót một ly đưa cho hai người, mỗi người nửa ly, gọi là cưa đôi hoặc mỗi người uống trăm phần trăm, hết cả một ly. Uống xong trả ly đó về cho chủ xị, chủ xị rót tiếp đưa lần lượt hết những người trong bàn. Nếu kết anh bạn nhậu nào đó, ta có thể rót mời riêng, gọi là đá ngang, tất nhiên ly rượu này không tính vào vòng đâu nhé, đến lượt mình, mình vẫn phải uống. Trong mâm nhậu, ai đến sau hoặc về trước cũng bị phạt theo luật vào ba ra bảy - nghĩa là đi trễ phải uống liên tiếp ba ly, về trước thì phải uống trước bảy ly. Và trong xoay vòng ly rượu đế giữa cuộc vui, ai bỏ vòng hay sai luật là bị cả hội nhậu phán ngay “Cà chớn, mậy!”
Nói về mồi nhậu, ở xứ miệt vườn, những lúc lạt miệng, muốn đưa cay với mấy ông bạn hàng xóm không có món nào lành và ngon như con cá lóc. Này nhé, hãy nhẹ nhàng khua đôi đũa, dẽ lấy thớ thịt trắng phau của con cá lóc thui rơm thơm phức trên cái dĩa hột xoài, quấn lấy ít rau sống, khế xanh, chuối chát, cuộn tròn vào trong chiếc bánh tráng mỏng rồi chấm ngập nước mắm chua ngọt. Ta cắn một miếng bánh tráng cuộn rau-cá kia, lại thêm nửa trái ớt hiểm thơm tho. Tất cả cay, đắng, ngọt, bùi của cả đời người như quyện vào món ăn dân dã. Nhai thật chậm rãi để nghe bao nhiêu hương vị của rơm rạ, rau cỏ, đồng ruộng như ngấm tận ruột gan. Còn chờ gì nữa mà không khề khà thêm ly rượu cho cái thống khoái thần khẩu kéo dài ra bất tận?
Nhưng không phải lúc nào cũng cần bạn nhậu, thảng hoặc, giữa buổi chiều tà se lạnh, lão nông tri điền sai sấp nhỏ chạy ra quán bà tư đầu xóm, mua về đôi xị đế. Chỉ chốc lát thôi, trên cái bàn tiếp khách nơi hiên nhà, sẽ có ít rau tập tàng, một nồi đất cá bống kho tiêu săn mình, vẫn còn sôi nhè nhẹ tỏa hương thơm nức mũi. Rồi đấy, lão nông già vấn điếu thuốc rê, se qua đầu lưỡi, bật diêm, rít hơi nhè nhẹ, mắt nhìn xa xăm thả hồn vào đêm tối nhập nhoạng. Rót ly rượu đầy, đưa lên mũi, hít hà hương nếp mới, lão nông từ tốn ngửa cổ nhâm nhi một hơi dài cho dòng rượu ấm nồng chảy tràn vào cuống họng. Gắp lấy con cá bống kho, cắn ngang lưng, chậm rãi nhai mà cảm thấy mặn, ngọt, béo, bùi tứa ra trong thần khẩu. Mê ly quá đỗi! Mắt lim dim, đùi rung nhè nhẹ, lão nông tinh tế ấy đang tận hưởng tình quê mênh mang ve vuốt ngũ quan.
Hoặc giả, trong buổi chuyện trò vần lân phút nông nhàn nơi góc vườn râm mát, chợt hứng chí, ta xách cái xẻng hú nhau đi đào hang chuột. Thế nào rồi sau đó cũng có thịt chuột quay vàng rượm cùng chai đế ngát hương để chuyền nhau những thơm thảo miệt vườn. Ô hay, còn gì bằng khi được thưởng cái thú ẩm thực dân dã giữa cơn gió rười rượi hơi nước, nhè nhè lay đồng lúa xanh mướt mắt ?
Lại nữa, trong đêm trăng sáng vằng vặc, chợt nhớ rằng còn hủ mắm lóc đỏ màu gác nơi chái bếp, ta chẳng ngại ngần gì mà kêu, mà gọi anh ba, anh sáu nhà bên trải manh chiếu ra sau hè mà đưa cay vài ly tài tử. Khề khà dăm chung rượu cưa đôi, nhắm nhấp con mắm đượm nồng, bỗng dưng cái tay muốn đờn, cái miệng muốn hát. Thế rồi, “ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh ngã bảy” cứ tuôn ra dào dạt, tha thiết, ngân vang cùng tiếng dế rền vang phụ họa. Khà một tiếng, ta lên câu vọng cổ khiến ánh trăng vàng vọt cũng lả lơi theo bóng dừa xào xạc.
Và khi khách thương hồ đang cô đơn giữa mênh mông trời nước, não nề nghe tiếng sóng vỗ hông thuyền, tự dưng nghe thấy tiếng hò ơ của cô gái bán vàm trở về sau chuyến buôn đêm nơi bến tàu tấp nập. Chẳng ngại ngùng, người khách cất lên câu hò đối đáp, tỏ ý lơi lả mời cô gái cập thuyền làm chung rượu ấm lòng, làm dịu bớt nỗi buồn xa xứ lênh đênh. Biết đâu rằng, bữa rượu đó có phải là tình duyên đã định sẵn chỉ chực chờ ly rượu nối môi nhau?
Có đôi khi, giữa chốn đô thành náo nhiệt, uống ly rượu ngoại bên bàn nhậu ê hề mỹ vị thật không khác chi nước lã vô vị bởi nó chẳng thắm tình quê, chẳng đượm hương đất. Ly rượu miệt vườn chính là mối kết liên của cái tình, cái nghĩa xóm riềng của những đoàn người khẩn hoang thuở xứ này còn rừng thiêng, nước độc. Cho đến tận bây giờ, nó vẫn là nét văn hóa độc đáo thể hiện sự đoàn kết cộng đồng, lòng hiếu khách của người dân sông nước Cửu Long. Và những người con miệt vườn ly hương, trong phút yếu lòng trông về quê cũ hẳn rằng sẽ thèm lắm cảm giác lâng lâng, say sưa cùng đám bạn “cà chớn” bên mâm rượu đầy hương đồng cỏ nội. Ôi, thèm chết đi được một tiếng “khà”!
Phan Khắc HuyNguồn: Lớp học vui vẻ - Lan truyền tinh hoa Việt