Chỉ cần bỏ ra 4.000 USD, khách hàng có thể sở hữu một chiếc máy bay được trang bị hệ thống trí thông minh nhân tạo. Nó có thể thực hiện vô số động tác phức tạp mà không cần tới sự can thiệp của con người.

Ngày 15/9, mẫu trực thăng thông minh đầu tiên đã tự cất cánh trong khuôn viên Đại học Stanford (Mỹ). Với độ dài thân 1,2 m, chiếc máy bay thực hiện các động tác vọt lên trên, xoay tròn, nghiêng cánh, ngừng bay đột ngột rồi đổi hướng, bổ nhào, bay theo đường xoáy trôn ốc.

Trực thăng tí hon được trang bị một hệ thống trí thông minh nhân tạo do các chuyên gia máy tính của Đại học Stanford phát triển. Nhờ hệ thống này, nó có thể tự học cách bay bằng cách theo dõi màn biểu diễn của những trực thăng có người lái. Trực thăng còn có một thiết bị định vị toàn cầu hoặc 2 camera đặt dưới đất để xác định vị trí của nó.

Trực thăng tí hon có khả năng tự học H1

Máy bay siêu nhỏ nên có thể xách bằng tay.

Trong trường hợp cần có người điều khiển, trực thăng thông minh có thể liên lạc với một máy tính dưới mặt đất.

"Nó có thể thực hiện những động tác mà trực thăng truyền thống không thể làm, bay tới những nơi mà trực thăng bình thường không thể tới", nghiên cứu sinh tiến sĩ Adam Coates, một thành viên của dự án, phát biểu.

Adam cho biết, nhiều công ty đã đặt hàng máy bay có trí thông minh nhân tạo để ứng dụng trong các lĩnh vực do thám quân sự, đo đạc bản đồ. Các nhà khoa học khẳng định trực thăng tí hon của họ có thể phát hiện cháy rừng và dò tìm mìn. Mỗi chiếc có giá khoảng 4.000 USD. Các phụ kiện kèm theo gồm một máy đo gia tốc, con quay hồi chuyển, khí cụ đo từ trường để xác định phương hướng và theo dõi quá trình tăng tốc.

(theo Reuters)​