Dân tộc Việt Nam đã phải trải qua thời kì lịch sử chống Pháp đầy đau thương và bao mất mát hi sinh. Những con người đã ngã xuống, đã nhắm mắt lại vì sự tàn bạo của kẻ xâm lăng, vì sự vô lí của chúng, vì sự tham lam không bao giờ thấy đáy của chúng. Trong thời kì ấy, những tác phẩm văn học phát triển vô cùng mạnh mẽ, sự sống của chúng không vì thế mà dừng lại, mà mất đi. Những tác phẩm phê phán, lên án, căm phẫn, kêu gọi… xuất hiện vô cùng nhiều với vô vàn thể loại phong phú khác nhau. Trong thời kì ấy, ta nhớ mãi và ấn tượng mãi với những tác phẩm của vị Cha già thân yêu Hồ Chí Minh. Tác phẩm của người không chỉ có ý nghĩa lớn lao với quá trình cứu nước mà còn mang rất nhiều giá trị nội dung, nghệ thuật. Không chỉ tác phẩm, mà ngay cả ở nhan đề tác phẩm cũng mang nặng giá trị, tư tưởng lớn lao. Bởi vậy, việc tìm hiểu nhan đề tác phẩm cũng vô cùng quan trọng. Đến với đoạn trích “Thuế máu”, không ít bạn học sinh thấy khó khăn trong quá trình tìm hiểu nhan đề. Vì thế, chúng tôi đã dẫn ra dưới đây hai đoạn văn ngắn phân tích nhan đề tác phẩm để làm tài liệu tham khảo cho các bạn trong quá trình học tập. Hi vọng chúng sẽ có ích với các bạn.

ĐOẠN VĂN PHÂN TÍCH Ý NGHĨA NHAN ĐỀ THUẾ MÁU SỐ 1

“Thuế máu” – một cái tên gợi lên sự rùng rợn và đáng sợ cho người đọc mỗi lần nhìn thấy lại chính là nhan đề cho đoạn trích ngắn từ tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc. Thuế là một khoản tiền mà chính quyền Nhà nước đặt ra thu từ công dân nhằm điều tiết cho các hoạt động của xã hội và kinh tế. Ấy vậy những hai chữ “thuế máu” lại không hề đơn giản như vậy. Đó là một loại thuế được thu về từ chính xương máu của người dân hay chăng? Quả thực vậy, với nhan đề mang đầy hàm ý mỉa mai, châm biếm cùng tràn ngập sự căm phẫn tột cùng, hai chữ “thuế máu” đã gợi ra cho người đọc thấy khung cảnh đàn áp cùng bóc lột man rợ của thực dân Pháp lên người dân Việt Nam, những con người nhỏ bé của nước thuộc địa. Với những thủ đoạn che giấu trắng trợn mục đích độc ác của mình, chúng ngang nhiên chiếm đoạt mọi thứ, bịa ra đủ thứ tiền phải nộp để thu lợi về cho bản thân chúng. Tiền bạc, nguyên vật liệu, thành phẩm sản xuất… tất cả những gì chúng nắm trong tay đều được lấy ra từ trong chính xương máu của những người dân đáng thương ấy. Không chỉ đơn giản là tố cáo cùng lên án, nhan đề còn mang hàm ý nhắc nhờ, kêu gọi người dân vùng dậy đấu tranh, giành lại tự do, quyền lợi cho chính bản thân mình. Nhan đề đơn giản nhưng lại chứa đựng thông điệp sâu sắc, mang lại ấn tượng khó phai cho người đọc cũng như gợi ra niềm cảm thương trước một giai đoạn lịch sử đau thương đã qua của dân tộc.

ĐOẠN VĂN PHÂN TÍCH Ý NGHĨA NHAN ĐỀ THUẾ MÁU SỐ 2

Có những nhan đề chỉ nhìn qua một lần đã để lại trong ta ấn tượng không nguôi, để rồi chỉ cần nhắc đến tên nhan đề thôi, ta có thể dễ dàng hình dung tới trọn vẹn tác phẩm. “Thuế máu” của Nguyễn Ái Quốc là một nhan đề như thế. Tên nhan đề với hai chữ đơn giản nhưng lại dễ dàng gây được dấu ấn mạnh mẽ tới bạn đọc bởi ta mới chỉ từng nghe qua thuế đất, thuế muối, thuế rượu xưa kia, chứ nào đã nghe qua thuế máu. Nhan đề không khỏi làm ta nghĩ đến rằng có phải chăng thứ thuế đó là từ xương máu của con người? Quả thực là vậy. Nhan đề mang nặng hàm ý mỉa mai châm biếm cùng sự căm phẫn tột cùng tới kẻ bóc lột nhân dân An Nam nói riêng và nhân dân các nước thuộc địa nói chung – thực dân Pháp. Chúng đặt ra đủ thứ thuế, nghĩ ra đủ mọi chiêu trò, ngang nhiên dùng những lí do tưởng chừng thật thân thiện và tốt đẹp xâm nhập vào các quốc gia nhỏ bé để đàn áp, để bóc lột. “Thuế máu” – những đồng tiền trong tay chúng chính là thứ thuế man rợ nhất, bị cướp từ chính mạng sống, cuộc đời của những người dân nhỏ bé hiền lành. Nhan đề đoạn trích được trích ra từ tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc mang tính khái quát nội dung cho đoạn trích vô cùng lớn, đồng thời mang sức gợi cao cho người đọc về sự tham lam độc ác của thực dân Pháp cũng như sự đau khổ mà người dân đã phải chịu đựng suốt bao năm lịch sử. Từ đó, khiến ta căm phẫn, thêm yêu mến quê hương đất nước, khơi dậy tinh thần dân tộc từ sâu nơi trái tim.