Một người bình thường dành tổng cộng 25 năm trong cuộc đời cho việc ngủ. Một đứa trẻ sơ sinh có thể ngủ đến 18 tiếng mỗi ngày. Càng lớn, số thời gian ngủ càng giảm dần. Teen cần ngủ khoảng 8 đến 8 tiếng rưỡi, nhưng có xu hướng bắt đầu chậm và kéo dài, nên dễ gặp tình trạng làm “cú đêm” và “ngủ nướng”.

1. Mật mã ZZZ

Giấc ngủ được chia làm 2 giai đoạn. Đầu tiên, bạn sẽ rơi vào một giấc ngủ sâu. Nhiệt độ cơ thể lúc này sẽ giảm, cơ thể sẽ được thư giãn, và nhịp thở trở nên chậm đều.

Khoảng 90 phút sau, bạn sẽ chuyển sang trạng thái giấc ngủ chưa sâu (gọi tắt là REM). Nếu tỉnh dậy khi đang ngủ trong trạng thái REM, bạn sẽ có thể nhớ lại được những giấc mơ của mình.

Cơ thể bạn dành khoảng 20 phút cho trạng thái REM và sau đó trở về lại trạng thái ngủ sâu trong khoảng 1 giờ, cứ thế cho toàn bộ giấc ngủ.

Có thể bạn nghĩ bạn chỉ mơ 1-2 lần một tuần, nhưng thực tế một nghiên cứu cho thấy rằng bạn mơ vào mỗi tối, dù đôi khi bạn không nhớ tí gì về nó. Theo thống kê, với người bình thường, trung bình mỗi đêm ngủ có thể trải qua từ 4-6 giấc mơ dài ngắn khác nhau. Khi bạn rơi vào một giấc ngủ chập chờn, bạn sẽ có khuynh hướng nhớ lại những giấc mơ dễ dàng hơn vào sáng hôm sau.

2. Khi Zzz khiến bạn thành... thiên tài

Mọi giấc mơ đều là ảo ảnh, nhưng không phải tất cả đều tan biến đi khi tỉnh giấc. Với những người làm công việc trí óc, họ có xu hướng chuyên tâm suy nghĩ.

Phần lớn các tế bào thần kinh đang ở trạng thái ức chế, mà những vấn đề họ suy nghĩ vẫn lưu giữ trong não làm cho một số tế bào thần kinh vẫn trong trạng thái hưng phấn, sống động và thế là diễn ra giấc mơ của trực giác giúp họ tìm ra được lối đi cho những suy nghĩ của mình.

Hẳn ai cũng biết ca sĩ Paul McCartney của ban nhạc The Beatles với bản nhạc xuyên thời gian Yesterday. Ông nói rằng ông đã tỉnh giấc với nhạc phẩm Yesterday trong đầu.

Và bạn có biết rằng bảng tuần hoàn hóa học Mendeleev cũng “ra đời” từ giấc mơ? Dimitry Ivanovich Mendeleev trong giấc mơ đã nhìn thấy một trang bảng biểu gồm nhiều ô, đồng thời lại thấy các nguyên tố hóa học đang “lũ lượt” rơi vào từng ô thích hợp.

Ông bừng tỉnh và vội lấy bút ghi lại ý tưởng thiết lập thành bảng với các ô sắp xếp những nguyên tố hóa học theo một quy luật. Từ ý tưởng đó, ông đã cho ra đời Bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học.

3. Giải mã những Zzz đáng sợ

Đó là những giấc mơ, thường xảy ra rất mạnh mẽ, đem đến cho bạn sự căng thẳng, sợ hãi và lo lắng. Theo thống kê trên thế giới hầu hết những người khỏe mạnh có từ 1 đến 2 cơn ác mộng trong mỗi năm. Các cơn ác mộng có xu hướng giảm khi tuổi cao, nhưng lại có thể tăng lên do stress ở bất cứ tuổi nào.

Điều kỳ lạ nhất mà có thể bạn chưa biết đó là, với những cơn ác mộng, trên thực tế, các nhà khoa học lại khuyên chúng ta nên khuyến khích và “chào mời” khi chúng xuất hiện. Vì đó là cách để tâm trí chúng ta “dọn dẹp và đổ rác”.

Trí óc bạn như một cái máy vi tính, chúng sẽ thải đi những thứ linh tinh (ác mộng), và giữ lại những file quan trọng (những giấc mơ và suy nghĩ làm vừa ý bạn) trong bộ nhớ. Hãy giữ một cuốn sổ nhỏ bên gi.ường, để bạn có thể ghi lại những giấc mơ và giải thích của bạn về những ý nghĩa hợp lý và tích cực của nó.

4. Zzz như thể một cuộc sống thứ 2

Mộng du là một loại rối loạn giấc ngủ và có thể gặp ở bất kì lứa tuổi nào. Con người bị mộng du khi đang ở trong trạng thái ngủ sâu, và họ làm những điều thật lạ lùng.

Họ mở cửa, bay nhảy như chim, hoặc có thể lái xe đi vòng vòng. Họ còn có thể nấu ăn, đi tắm, cạo râu, đánh răng, thay đồ, và hành vi t.ình d.ục cũng có thể xuất hiện.

Có rất nhiều câu chuyện “thần kì” về những người mộng du. Một người đàn ông ở Scotland đã tỉnh dậy trong chiếc xe hơi của anh ta, khi nó ở cách nhà anh ta 2 dặm, và... không mặc gì trên người.

Hoặc có trường hợp một người mộng du ngồi dịch sách từ tiếng Italia sang tiếng Pháp, anh ta cặm cụi với quyển từ điển và tra từ dưới ánh sáng của ngọn nến đặt bên cạnh. Khi người ta tắt nến đi, anh ta lại châm nó lên, và tất cả những việc đó đều xảy ra trong giấc ngủ.

Thật ra với những người mộng du họ đều đang ngủ, nhưng mắt họ mở và họ có thể thấy. Không dễ để gọi họ tỉnh dậy, vì họ có thể sẽ tấn công người đánh thức mình. Và khi họ thức giấc, họ sẽ không hề nhớ gì cả.

Tình trạng lo âu, mệt mỏi, stress, mất ngủ, hoảng sợ ban đêm, ngủ không có giờ giấc, ốm đau triền miên, sử dụng một số thuốc điều trị bệnh tâm thần, thuốc an thần, hay do nơi ngủ ồn ào, có nhiều ánh sáng là những nguyên nhân gây ra tình trạng mộng du.

Nếu bị mộng du, tốt nhất hãy đến gặp các bác sĩ chuyên khoa tâm thần và kiên trì thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ với sự giúp đỡ của người thân.