Người ta nói Phạm Toàn Thắng gặp thời với một loạt “hit” như Cô bé mùa đông, Vẽ, Lạc, Dấu mưa, Bốn chữ lắm… Tự nhận mình không phải người vẹn toàn, anh bình thản trước mọi chê bai chỉ trích và chia sẻ cùng ThatMah.
Cuộc sống chúng ta thường bị bao vây bởi những con người thích soi mói, thích ồn ào chuyện thị phi. Không cần hiểu rõ ngọn nguồn, họ tạo tin đồn, thêm thắt tình tiết gay cấn. Thật khó có thể làm vừa lòng hết tất thảy! Thời gian trước, tôi có sáng tác ca khúc Điều tiếng để nói lên nỗi bức xúc của chính mình từ những chuyện tai nghe mắt thấy. Thị phi như mồi lửa ngầm chẳng biết từ đâu bùng lên và xáo trộn cuộc sống những người trong cuộc. Tôi vốn không sợ đồn thổi về giới tính, gia đình hay khả năng bản thân nhưng luôn e ngại và tự dặn mình cẩn thận điều tiếng về phông văn hóa, ứng xử. Tôi vô cùng sợ người ta bảo mình là người vô văn hóa hoặc văn hóa thấp!
Khi tham gia X-Factor, tôi vướng vào điều tiếng như thế chỉ vì “dám” tranh luận với ban giám khảo. Với những nhận xét như: “Chị muốn giữ em trong bóng tối…” hay “Giờ nếu có bị loại thì em cũng không có buồn gì đâu vì dường như trong ánh mắt em không có khát khao chiến thắng”, tôi đã trả lời: “Em nghĩ khát khao chiến thắng không hẳn chỉ chuyện đạt giải mà là em làm được cái gì ở đây và mọi người có đồng cảm với âm nhạc của em hay không! Em đến cuộc thi để thể hiện những ca khúc do chính em sáng tác, không chỉ có pop ballad, mà còn những ca khúc về cuộc sống như Muối Ớt, Vẽ, Muốn Yêu…”.
Thật ra, tôi nghĩ tại sao ban giám khảo được quyền đưa ra quan điểm và cách đánh giá của họ còn thí sinh thì không. Đây là một xã hội công bằng, một sân chơi có uy tín chứ không phải là một lớp học giáo điều nhạt nhẽo. Cách tôi nói chuyện với ban tổ chức cũng lịch sự và lễ phép. Tuy nhiên, dường như ở Việt Nam, hầu như mọi người đều có quan điểm rằng người lớn nói gì thì mình cũng phải áp đặt tuân theo. Kể cả không đúng thì bạn cũng phải lắng nghe và chấp nhận. Tôi biết ơn những đóng góp chân thành của ban giám khảo nhưng tôi có sự lựa chọn riêng. Thứ nhất, tôi đang ở độ tuổi nhận định được chuyện đúng hay sai, và không phải ý kiến của ban giám khảo lúc nào cũng phù hợp với con đường của mình. Thứ hai, việc đưa ra ý kiến riêng cũng sẽ phần nào thể hiện cá tính của mỗi cá nhân. Thông thường, ta ngại đưa ra ý kiến, quan điểm của riêng mình chỉ vì sợ sự đánh giá hay nhận xét của người khác. Điều đó khiến ta khó thoát ra khỏi đám đông, lối mòn để bước tới thành công mà mãi mãi chôn chân trong sự tù túng. Nghệ thuật nói chung và những người nghệ sĩ nói riêng nên có chính kiến riêng và lối đi riêng của chính họ chứ không phải chạy theo những công thức, khuôn mẫu sẵn có. Sáng tạo những cái mới, nét riêng là điều nên làm.
Khi chương trình lên sóng, vì thời lượng có hạn nhà sản xuất đã cắt bỏ đi nhiều phần trong câu trả lời của tôi. Dư luận thừa cơ bẻ sang một hướng khác và đẩy câu chuyện lên cao trào. Sau buổi thi hôm đó, có nhiều người comment khiếm nhã: nào là bướng, bố láo, cãi ban giám khảo, quá tự cao tự đại… trong khi câu chuyện thì chẳng có gì to tát! Thời gian đầu tôi cũng khá buồn và thất vọng nhưng sau đó tôi hiểu rằng đừng vì những chuyện như thế mà ảnh hưởng đến cảm xúc và cuộc sống. Tôi mặc kệ những điều tiếng và dị nghị. Lời thị phi dù vô tình hay ác ý cũng là một phần của cuộc sống. Bản thân tôi, tuy không thích nhưng cũng học cách chấp nhận nó như chuyện đánh răng mỗi ngày. Tôi cũng không phải là người vẹn toàn thì làm sao có thể tránh được tiếng khen chê của dư luận. Tôi học được rằng, khi vấp phải những điều như thế, mình nên bình tâm!
Theo Thatmah