Nếu ai có dịp xuôi về miền đồng quê sông nước Nam Bộ, hẳn sẽ không thể quên những món ngon dân dã, đậm đà và phong phú từ những con cá lóc miền quê.
Nam Bộ - vùng đất sông nước mênh mông, sông ngòi chằng chịt là điều kiện thuận lợi để cá tôm phát triển. Nhắc đến cá lóc ở miền Nam, quả thật có rất nhiều món ăn phong phú được chế biến từ loại cá này. Chuyên mục Du lịch mời bạn cùng tham khảo các món ngon từ cá lóc dưới đây. Tuy bình dị giản đơn nhưng chắc hẳn hương vị của nó sẽ khiến cho du khách nhớ mãi không quên.
Cá lóc nướng trui
Trong tất cả những món ăn ngon từ cá lóc, thì có lẽ “nướng” là phương thức mau lẹ, gọn gàng và dân dã nhất. Sau khi tát đìa hoặc vớt mương, cá lóc được vớt lên ú na ú nần, người dân làm sạch cá rồi đem đi nướng, thế là có ngay một món “đặc sản” thơm lừng.
Cá lóc nướng trui được nướng bằng lửa ngọn hoặc lửa rơm, không được đặt lên vỉ nướng bằng than vì như vậy sẽ làm mất đi hương vị. Người ta xiên một que tre từ miệng đến đuôi cá, cắm que xuống đất rồi phủ rơm hay cỏ khô.
Điều quan trọng là phủ lượng rơm sao để vừa đủ cho đến khi lửa tàn thì cá cũng vừa chín tới. Rơm nhiều thì cá khét, rơm ít thì cá không chín đều. Nướng chín quá thì mất đi vị ngọt, nướng chưa đủ độ thì thịt nhão, lại tanh. Vậy mới thấy được sự giỏi giang trong tay nghề của “đầu bếp”!
Cá nướng xong, cạo lớp vẩy cháy cho sạch để lộ ra lớp da vàng thơm phức, thịt trắng nõn và ngọt lịm. Món ăn này đi kèm với bánh tráng, nước mắm me và đủ loại rau sống (nào là diếp cá, húng cây, húng lủi, quế, tía tô, giá hẹ, khế chua, chuối chát...) thì không gì tuyệt bằng.
Khô cá lóc
Cá lóc bắt về mổ bụng, xẻ thịt, lấy ruột gan ra, đem ướp muối phơi. Nếu trời nắng gắt, phơi khoảng vài nắng là được. Khi cá đã khô, người ta thường treo lủng lẳng ở nhà bếp, dùng để ăn lâu dài, khi ăn ta có thể nướng hoặc chiên giòn lên.
Nhìn sơ qua thì khô cá lóc rất dễ làm nhưng muốn chế biến con khô cho ngon, hợp khẩu vị nhiều người lại rất khó. Đầu tiên phải lên tận miệt Châu Đốc tìm mua cá lóc ngon, con lớn từ 1-1,5 kg. Sau đó, rửa cá thật sạch, chặt bỏ đầu, lấy xương rồi ướp gia vị cho vừa ăn, đặc biệt phải hơi cay một chút.
Kế đến chất cá lên giàn và mang phơi nắng, đây là khâu quan trọng quyết định chất lượng con khô. Nếu gặp nắng tốt thì phơi vài ngày là màu khô tươi đỏ. Ngoài ra, người dân còn có những bí quyết riêng nên khô mới trở thành đặc sản.
Cá lóc kho tộ
Món ăn này bình dân và mang đậm hương vị đồng quê. Cá làm sạch, cắt ra từng khứa, cho vào mẻ kho. Kho cá lóc cũng như kho các loại cá khác, có thể kho khô hoặc kho nước.
Nếu kho khô thì cho tiêu thật nhiều, còn kho nước thì có thể để vào vài trái ớt sừng trâu. Ăn kèm với các loại rau, dưa leo, chuối chát, nếu bằm xoài sống cho vào nước kho thì ăn càng ngon.
Cá lóc hấp bông so đũa
Hương vị cá hấp do được nhụy bông so đũa bọc kín nên dịu ngọt và rất thơm ngon. Ai đã một lần thưởng thức món ăn này hẳn sẽ nhớ mãi.
Bông so đũa.
Con cá lóc làm sạch, ướp cá với bột ngọt, tiêu, củ hành, ít muối để trong 10 phút. Hái 14-18 bông so đũa (non vừa búp nở) ở đọt, rửa sạch, lần lượt sắp phân nửa vào đĩa lớn, đặt cá lên, rồi sắp phân nửa phần bông còn lại lên phía trên, để trong nồi hấp cách thủy đậy nắp nồi đun sôi trong 30 phút thì cá chín. Lấy đĩa cá ra ăn với cơm nóng hoặc nhắm rượu. Nước chấm là nước mắm đồng dầm ớt.
Khi lấy đĩa cá nóng ra, lấy bông so đũa phía trên ra, để lộ thân cá một phần khói lên nghi ngút rất hấp dẫn. Bông so đũa rất ngon vì nó hút hết những mùi vị thơm ngọt của cá khi hấp tiết ra. Dùng hết bông so đũa rồi đến cá. Món ăn này có thể chinh phục cả những du khách khó tính nhất đấy!
Canh chua cá lóc
Đây là một trong những món ăn đặc trưng mà người Nam Bộ từ thành thị đến nông thôn đều ưa thích. Cá lóc làm sạch, cắt ra từng khứa to nấu với me, giá, bạc hà, ngò gai, cà chua v.v. phi thêm chút tỏi cho thơm. Ăn canh chua cá lóc muốn ngon thì nước chấm phải là nước chấm trong (chưa pha chế), dầm ớt vào cho cay. Tô canh chua cá lóc nóng nghi ngút, hấp dẫn với màu trắng của thịt cá, màu vàng của thơm, màu đỏ của cà, màu xanh của ngò gai v.v. cùng lớp tỏi phi vàng nổi trên mặt khiến ta chỉ nhìn thôi cũng muốn ăn ngay…
Canh chua cá “đúng kiểu” của người miền Nam phải vừa có cả vị chua lẫn vị ngọt. Có vị chua nhưng không được chua quá, có vị ngọt nhưng cũng không được ngọt quá, vị chua phải là vị chủ đạo, vị ngọt vừa phải. Hai vị này hòa quyện vào nhau sẽ tạo nên một món canh có hương vị rất lạ và rất ngon.
Chỉ với con cá lóc người dân có thể chế biến ra hơn một chục món ăn ngon khác, món nào cũng độc đáo, hấp dẫn, đậm đà hương vị miền Nam. Chắc chắn rằng, cá lóc nướng trui, canh chua cá lóc, khô cá lóc… sẽ ở mãi trong tâm trí bạn nếu có dịp thưởng thức những món ăn này.
(afamily)
Nam Bộ - vùng đất sông nước mênh mông, sông ngòi chằng chịt là điều kiện thuận lợi để cá tôm phát triển. Nhắc đến cá lóc ở miền Nam, quả thật có rất nhiều món ăn phong phú được chế biến từ loại cá này. Chuyên mục Du lịch mời bạn cùng tham khảo các món ngon từ cá lóc dưới đây. Tuy bình dị giản đơn nhưng chắc hẳn hương vị của nó sẽ khiến cho du khách nhớ mãi không quên.
Cá lóc nướng trui
Trong tất cả những món ăn ngon từ cá lóc, thì có lẽ “nướng” là phương thức mau lẹ, gọn gàng và dân dã nhất. Sau khi tát đìa hoặc vớt mương, cá lóc được vớt lên ú na ú nần, người dân làm sạch cá rồi đem đi nướng, thế là có ngay một món “đặc sản” thơm lừng.
Cá lóc nướng trui được nướng bằng lửa ngọn hoặc lửa rơm, không được đặt lên vỉ nướng bằng than vì như vậy sẽ làm mất đi hương vị. Người ta xiên một que tre từ miệng đến đuôi cá, cắm que xuống đất rồi phủ rơm hay cỏ khô.
Điều quan trọng là phủ lượng rơm sao để vừa đủ cho đến khi lửa tàn thì cá cũng vừa chín tới. Rơm nhiều thì cá khét, rơm ít thì cá không chín đều. Nướng chín quá thì mất đi vị ngọt, nướng chưa đủ độ thì thịt nhão, lại tanh. Vậy mới thấy được sự giỏi giang trong tay nghề của “đầu bếp”!
Cá nướng xong, cạo lớp vẩy cháy cho sạch để lộ ra lớp da vàng thơm phức, thịt trắng nõn và ngọt lịm. Món ăn này đi kèm với bánh tráng, nước mắm me và đủ loại rau sống (nào là diếp cá, húng cây, húng lủi, quế, tía tô, giá hẹ, khế chua, chuối chát...) thì không gì tuyệt bằng.
Khô cá lóc
Cá lóc bắt về mổ bụng, xẻ thịt, lấy ruột gan ra, đem ướp muối phơi. Nếu trời nắng gắt, phơi khoảng vài nắng là được. Khi cá đã khô, người ta thường treo lủng lẳng ở nhà bếp, dùng để ăn lâu dài, khi ăn ta có thể nướng hoặc chiên giòn lên.
Nhìn sơ qua thì khô cá lóc rất dễ làm nhưng muốn chế biến con khô cho ngon, hợp khẩu vị nhiều người lại rất khó. Đầu tiên phải lên tận miệt Châu Đốc tìm mua cá lóc ngon, con lớn từ 1-1,5 kg. Sau đó, rửa cá thật sạch, chặt bỏ đầu, lấy xương rồi ướp gia vị cho vừa ăn, đặc biệt phải hơi cay một chút.
Kế đến chất cá lên giàn và mang phơi nắng, đây là khâu quan trọng quyết định chất lượng con khô. Nếu gặp nắng tốt thì phơi vài ngày là màu khô tươi đỏ. Ngoài ra, người dân còn có những bí quyết riêng nên khô mới trở thành đặc sản.
Cá lóc kho tộ
Món ăn này bình dân và mang đậm hương vị đồng quê. Cá làm sạch, cắt ra từng khứa, cho vào mẻ kho. Kho cá lóc cũng như kho các loại cá khác, có thể kho khô hoặc kho nước.
Nếu kho khô thì cho tiêu thật nhiều, còn kho nước thì có thể để vào vài trái ớt sừng trâu. Ăn kèm với các loại rau, dưa leo, chuối chát, nếu bằm xoài sống cho vào nước kho thì ăn càng ngon.
Cá lóc hấp bông so đũa
Hương vị cá hấp do được nhụy bông so đũa bọc kín nên dịu ngọt và rất thơm ngon. Ai đã một lần thưởng thức món ăn này hẳn sẽ nhớ mãi.
Bông so đũa.
Con cá lóc làm sạch, ướp cá với bột ngọt, tiêu, củ hành, ít muối để trong 10 phút. Hái 14-18 bông so đũa (non vừa búp nở) ở đọt, rửa sạch, lần lượt sắp phân nửa vào đĩa lớn, đặt cá lên, rồi sắp phân nửa phần bông còn lại lên phía trên, để trong nồi hấp cách thủy đậy nắp nồi đun sôi trong 30 phút thì cá chín. Lấy đĩa cá ra ăn với cơm nóng hoặc nhắm rượu. Nước chấm là nước mắm đồng dầm ớt.
Khi lấy đĩa cá nóng ra, lấy bông so đũa phía trên ra, để lộ thân cá một phần khói lên nghi ngút rất hấp dẫn. Bông so đũa rất ngon vì nó hút hết những mùi vị thơm ngọt của cá khi hấp tiết ra. Dùng hết bông so đũa rồi đến cá. Món ăn này có thể chinh phục cả những du khách khó tính nhất đấy!
Canh chua cá lóc
Đây là một trong những món ăn đặc trưng mà người Nam Bộ từ thành thị đến nông thôn đều ưa thích. Cá lóc làm sạch, cắt ra từng khứa to nấu với me, giá, bạc hà, ngò gai, cà chua v.v. phi thêm chút tỏi cho thơm. Ăn canh chua cá lóc muốn ngon thì nước chấm phải là nước chấm trong (chưa pha chế), dầm ớt vào cho cay. Tô canh chua cá lóc nóng nghi ngút, hấp dẫn với màu trắng của thịt cá, màu vàng của thơm, màu đỏ của cà, màu xanh của ngò gai v.v. cùng lớp tỏi phi vàng nổi trên mặt khiến ta chỉ nhìn thôi cũng muốn ăn ngay…
Canh chua cá “đúng kiểu” của người miền Nam phải vừa có cả vị chua lẫn vị ngọt. Có vị chua nhưng không được chua quá, có vị ngọt nhưng cũng không được ngọt quá, vị chua phải là vị chủ đạo, vị ngọt vừa phải. Hai vị này hòa quyện vào nhau sẽ tạo nên một món canh có hương vị rất lạ và rất ngon.
Chỉ với con cá lóc người dân có thể chế biến ra hơn một chục món ăn ngon khác, món nào cũng độc đáo, hấp dẫn, đậm đà hương vị miền Nam. Chắc chắn rằng, cá lóc nướng trui, canh chua cá lóc, khô cá lóc… sẽ ở mãi trong tâm trí bạn nếu có dịp thưởng thức những món ăn này.
(afamily)