KHU VƯỜN BÍ MẬT - Bài cảm nhận của Lam Hạ Một buổi trưa ngồi cà phê vàng nắng, tôi từng bảo với bạn mình rằng, nếu có cuốn sách nào đó để tôi mang theo suốt cuộc đời, tôi nhất định sẽ chọn ‘Khu vườn bí mật’ của Francis Hodgson Burnett.
Thật khó để lý giải vì sao tôi yêu thích cuốn sách nhỏ này đến như vậy, chỉ biết là mỗi lần đọc nó tôi đều cảm thấy thật diệu kỳ. Có lúc tưởng như mình vừa được thưởng thức một tách trà thơm thượng hạng trong buổi chiều nắng vàng như mật, có khi lại là thứ cảm giác thoải mái của đôi chân trần bước trên thảm cỏ xanh xanh. Không lần nào là giống lần nào.
Tôi thường đọc nó mỗi khi mệt mỏi. Tôi luôn bắt đầu đọc với tư duy của một người lớn, rồi từ từ buông bỏ hết những phiền muộn, lo ngại, hoài nghi mà hòa vào từng bước chân của Mary Lennox, để rồi khi khép trang sách lại, tôi trở thành một đứa trẻ với niềm tin hết sức ngây thơ mà kiên định về một điều thoạt nghe có vẻ ngớ ngẩn: Phép màu.
Phép màu đến từ những đứa trẻ. Mary Lennox, cô bé tiểu thư khó tình kiêu kì và cáu kỉnh chuyển về nước Anh sống với ông bác họ của mình trong một trang viên rộng lớn sau khi bố mẹ cô qua đời ở Ấn Độ. Rồi một hôm cô bé gặp một con chim có cái ức đỏ và vô tình khám phá ra một khu vườn bị khóa trái suốt 10 năm qua. Cùng với Dixon, cậu bé dễ mến có đôi mắt xanh trong thường nói chuyện với động vật bằng ngôn ngữ của chúng cũng như am hiểu rất rộng về thiên nhiên, Mary đã hồi sinh lại nơi ấy bằng những giống hoa lưu ly, thạch thảo; bằng hàng giờ chăm sóc đào xới cho khu vườn. Chúng làm với niềm hăng say và tình yêu kì lạ dành cho những hạt mầm đang vùi sâu trong đất, với niềm hy vọng vào những dây hoa hồng héo quắt và cảnh tưởng cả khu vườn sẽ thơm ngát hương hoa vào mùa xuân. Cũng bằng một lần tình cờ, Mary phát hiện ra cậu chủ Colin – con trai của bác Archibald – người từ bé đã ốm yếu luôn gào khóc nghĩ mình sắp chết. Từ những câu chuyện kể của Mary về khu vườn, đến những lần cùng Mary và Dixon chơi đùa, chăm sóc khu vườn bí mật ấy, Colin chợt phát hiện ra “Phép màu” khiến cho mình có thể trở nên khỏe mạnh và tự đi lại được trên đôi chân của bản thân không cần nhờ đến người khác.
Phép màu dẫn lối cho những người lớn u sầu. Là ông lão làm vườn Ben Weatherstaff với cái lưng đau nhức và tính khí khó chịu. Là bác Archilbald gù lưng, sống cô độc và khép kín trong nỗi nhớ thương về người vợ đã mất. Nhờ khu vườn, họ tìm lại niềm vui và cả niềm tin đã đánh rơi mất, thoát khỏi những dằn vặt của bản thân. Phép màu lan truyền cho những người lớn tốt bụng. Là chị hầu gái Martha ăn nói bỗ bã nhưng luôn sẵn sàng giúp đỡ Mary. Là bà Susan – mẹ của Dixon và Martha – người đàn bà nghèo nhân hậu có cách dạy con thật tuyệt vời. Phép màu giúp những người lớn bước chân vào thế giới tươi đẹp của bọn trẻ.
Phép màu hồi sinh khu vườn. Khu vườn được chăm sóc, được nhổ cỏ, được gieo hạt tưới nước mỗi ngày bằng sự yêu thương của những đứa trẻ. Với chúng, mỗi ngày được ở trong khu vườn là mỗi ngày khám phá thêm một điều đáng kinh ngạc. Để rồi khi xuân đến, khu vườn tràn ngập sắc và hương. Mà không chỉ là khu vườn, nó còn làm sống dậy cả lòng yêu thiên nhiên của người đọc. Khí trời trong lành, vòm trời cao rộng, tiếng chim líu lo, buổi picnic trên đồng cỏ, ánh nắng nhấp nháy qua tán lá, mùi hương hoa thanh khiết, đã bao lâu rồi chúng ta không thực sự để tâm ngắm nhìn? Thú thực, khi đọc đến những đoạn văn tả khung cảnh khu vườn và đồng cỏ, tôi thích thú tới nỗi đã muốn đi mua ngay mấy bịch hạt giống hoa và dụng cụ làm vườn về, để hưởng thụ cái niềm vui chăm sóc cây cối dù cho khoảnh sân nhà tôi chỉ bé tí hin.
Phép màu giúp Mary có những người bạn. Phép màu khiến Colin tin rằng nó có thể sống mãi. Phép màu giúp bác Archilbald tìm ra sự bình yên trong lòng. Phép màu làm khu vườn sống lại. Phép màu làm bao nhiêu thế hệ độc giả hàng trăm năm qua cùng chung một nhịp đập với từng câu chữ tuyệt đẹp này. Phép màu kỳ diệu đó chính là tình yêu. Tình yêu thương gia đình, tình yêu cuộc sống, niềm tin vào bản thân, và tình thân bè bạn.
“Một trong những điều lạ lùng về cuộc sống nơi trần thế là thỉnh thoảng có người dám cả quyết rằng họ sẽ sống mãi mãi.
Đôi khi người ta có cơ hội cảm nhận điều đó, khi thức dậy vào lúc bình minh uy nghiêm mà dịu dàng, một mình ra khỏi nhà, ngước nhìn bầu trời nhợt nhạt đang từ từ hồng lên, với bao điều tuyệt vời không ai hay biết đang diễn ra cho tới khi cả phương Đông bừng sáng, và ta thảng thốt kêu lên, trái tim lặng đi trước vẻ uy nghi đường bệ muôn đời không đổi thay của cảnh mặt trời mọc - là điều vẫn xảy ra mỗi sáng từ muôn triệu năm qua. Trong khoảnh khắc, ta nhận ra điều đó. Và đôi khi ta lại nhận ra khi đứng một mình trong rừng vào buổi hoàng hôn, khi màu vàng tĩnh lặng thẳm sâu huyền bí chiếu xiên qua vòm cây như đang chậm rãi nhắc đi nhắc lại một điều gì đó ta hầu như không nghe thấy cho dù có cố gắng đến đâu. Rồi đôi khi sự im lặng mênh mang của màn đêm xanh thẳm cùng hàng triệu vì sao đang mong ngóng dõi theo khiến ta cảm nhận điều đó thật rõ ràng, và một nốt nhạc trầm vẳng tới biến mọi chuyện thành sự thật; hay đôi lúc, là nhờ một ánh nhìn trong mắt ai.” (Trích)
Giản dị, thân thuộc, gần gũi, và bằng một giọng kể dịu dàng, Francis Hodgson Burnett đã giúp ta nhận ra ‘Hạnh phúc’ thực sự nằm ở đâu. Nó ở quanh ta, trong khí trời, trong từng hơi ta thở, trong mùi hương của hoa lá, trong nụ cười của những người thân hay chỉ đơn giản trong một tách cà phê và một trang sách thơm mùi mực mới. Như Henri Einstien từng nói “ Hạnh phúc ở đâu xa, chính ở ngay trong bản thân mình, nơi mình, xung quanh mình và ngay dưới chân mình.”
Nơi trái tim mỗi người, bất kỳ là người lớn hay trẻ con, đều có sẵn một khu vườn bí mật. Sau này, khi ba mươi tuổi, khi bốn mươi tuổi, năm mươi, sáu mươi hay thậm chí bảy mươi, tôi đọc lại cuốn sách này, chắc chắn sẽ cảm nhận nó theo một cách khác, điềm đạm và chín chắn hơn. Nhưng tôi tin chắc, cánh cửa gỗ nhỏ mở về tuổi thơ, về những điều tốt đẹp, về ba đứa trẻ cùng con chim ức đỏ, về cả vùng Yorshike xinh đẹp với những đồng hoa trải dài khi xuân về, về khu vườn đầy những phép màu bí mật, sẽ vẫn luôn ở đó. Trong tim tôi sẽ lại nở một đóa hoa. Và tôi sẽ sống lại tuổi trẻ lần nữa.
Thật khó để lý giải vì sao tôi yêu thích cuốn sách nhỏ này đến như vậy, chỉ biết là mỗi lần đọc nó tôi đều cảm thấy thật diệu kỳ. Có lúc tưởng như mình vừa được thưởng thức một tách trà thơm thượng hạng trong buổi chiều nắng vàng như mật, có khi lại là thứ cảm giác thoải mái của đôi chân trần bước trên thảm cỏ xanh xanh. Không lần nào là giống lần nào.
Tôi thường đọc nó mỗi khi mệt mỏi. Tôi luôn bắt đầu đọc với tư duy của một người lớn, rồi từ từ buông bỏ hết những phiền muộn, lo ngại, hoài nghi mà hòa vào từng bước chân của Mary Lennox, để rồi khi khép trang sách lại, tôi trở thành một đứa trẻ với niềm tin hết sức ngây thơ mà kiên định về một điều thoạt nghe có vẻ ngớ ngẩn: Phép màu.
Phép màu đến từ những đứa trẻ. Mary Lennox, cô bé tiểu thư khó tình kiêu kì và cáu kỉnh chuyển về nước Anh sống với ông bác họ của mình trong một trang viên rộng lớn sau khi bố mẹ cô qua đời ở Ấn Độ. Rồi một hôm cô bé gặp một con chim có cái ức đỏ và vô tình khám phá ra một khu vườn bị khóa trái suốt 10 năm qua. Cùng với Dixon, cậu bé dễ mến có đôi mắt xanh trong thường nói chuyện với động vật bằng ngôn ngữ của chúng cũng như am hiểu rất rộng về thiên nhiên, Mary đã hồi sinh lại nơi ấy bằng những giống hoa lưu ly, thạch thảo; bằng hàng giờ chăm sóc đào xới cho khu vườn. Chúng làm với niềm hăng say và tình yêu kì lạ dành cho những hạt mầm đang vùi sâu trong đất, với niềm hy vọng vào những dây hoa hồng héo quắt và cảnh tưởng cả khu vườn sẽ thơm ngát hương hoa vào mùa xuân. Cũng bằng một lần tình cờ, Mary phát hiện ra cậu chủ Colin – con trai của bác Archibald – người từ bé đã ốm yếu luôn gào khóc nghĩ mình sắp chết. Từ những câu chuyện kể của Mary về khu vườn, đến những lần cùng Mary và Dixon chơi đùa, chăm sóc khu vườn bí mật ấy, Colin chợt phát hiện ra “Phép màu” khiến cho mình có thể trở nên khỏe mạnh và tự đi lại được trên đôi chân của bản thân không cần nhờ đến người khác.
Phép màu dẫn lối cho những người lớn u sầu. Là ông lão làm vườn Ben Weatherstaff với cái lưng đau nhức và tính khí khó chịu. Là bác Archilbald gù lưng, sống cô độc và khép kín trong nỗi nhớ thương về người vợ đã mất. Nhờ khu vườn, họ tìm lại niềm vui và cả niềm tin đã đánh rơi mất, thoát khỏi những dằn vặt của bản thân. Phép màu lan truyền cho những người lớn tốt bụng. Là chị hầu gái Martha ăn nói bỗ bã nhưng luôn sẵn sàng giúp đỡ Mary. Là bà Susan – mẹ của Dixon và Martha – người đàn bà nghèo nhân hậu có cách dạy con thật tuyệt vời. Phép màu giúp những người lớn bước chân vào thế giới tươi đẹp của bọn trẻ.
Phép màu hồi sinh khu vườn. Khu vườn được chăm sóc, được nhổ cỏ, được gieo hạt tưới nước mỗi ngày bằng sự yêu thương của những đứa trẻ. Với chúng, mỗi ngày được ở trong khu vườn là mỗi ngày khám phá thêm một điều đáng kinh ngạc. Để rồi khi xuân đến, khu vườn tràn ngập sắc và hương. Mà không chỉ là khu vườn, nó còn làm sống dậy cả lòng yêu thiên nhiên của người đọc. Khí trời trong lành, vòm trời cao rộng, tiếng chim líu lo, buổi picnic trên đồng cỏ, ánh nắng nhấp nháy qua tán lá, mùi hương hoa thanh khiết, đã bao lâu rồi chúng ta không thực sự để tâm ngắm nhìn? Thú thực, khi đọc đến những đoạn văn tả khung cảnh khu vườn và đồng cỏ, tôi thích thú tới nỗi đã muốn đi mua ngay mấy bịch hạt giống hoa và dụng cụ làm vườn về, để hưởng thụ cái niềm vui chăm sóc cây cối dù cho khoảnh sân nhà tôi chỉ bé tí hin.
Phép màu giúp Mary có những người bạn. Phép màu khiến Colin tin rằng nó có thể sống mãi. Phép màu giúp bác Archilbald tìm ra sự bình yên trong lòng. Phép màu làm khu vườn sống lại. Phép màu làm bao nhiêu thế hệ độc giả hàng trăm năm qua cùng chung một nhịp đập với từng câu chữ tuyệt đẹp này. Phép màu kỳ diệu đó chính là tình yêu. Tình yêu thương gia đình, tình yêu cuộc sống, niềm tin vào bản thân, và tình thân bè bạn.
“Một trong những điều lạ lùng về cuộc sống nơi trần thế là thỉnh thoảng có người dám cả quyết rằng họ sẽ sống mãi mãi.
Đôi khi người ta có cơ hội cảm nhận điều đó, khi thức dậy vào lúc bình minh uy nghiêm mà dịu dàng, một mình ra khỏi nhà, ngước nhìn bầu trời nhợt nhạt đang từ từ hồng lên, với bao điều tuyệt vời không ai hay biết đang diễn ra cho tới khi cả phương Đông bừng sáng, và ta thảng thốt kêu lên, trái tim lặng đi trước vẻ uy nghi đường bệ muôn đời không đổi thay của cảnh mặt trời mọc - là điều vẫn xảy ra mỗi sáng từ muôn triệu năm qua. Trong khoảnh khắc, ta nhận ra điều đó. Và đôi khi ta lại nhận ra khi đứng một mình trong rừng vào buổi hoàng hôn, khi màu vàng tĩnh lặng thẳm sâu huyền bí chiếu xiên qua vòm cây như đang chậm rãi nhắc đi nhắc lại một điều gì đó ta hầu như không nghe thấy cho dù có cố gắng đến đâu. Rồi đôi khi sự im lặng mênh mang của màn đêm xanh thẳm cùng hàng triệu vì sao đang mong ngóng dõi theo khiến ta cảm nhận điều đó thật rõ ràng, và một nốt nhạc trầm vẳng tới biến mọi chuyện thành sự thật; hay đôi lúc, là nhờ một ánh nhìn trong mắt ai.” (Trích)
Giản dị, thân thuộc, gần gũi, và bằng một giọng kể dịu dàng, Francis Hodgson Burnett đã giúp ta nhận ra ‘Hạnh phúc’ thực sự nằm ở đâu. Nó ở quanh ta, trong khí trời, trong từng hơi ta thở, trong mùi hương của hoa lá, trong nụ cười của những người thân hay chỉ đơn giản trong một tách cà phê và một trang sách thơm mùi mực mới. Như Henri Einstien từng nói “ Hạnh phúc ở đâu xa, chính ở ngay trong bản thân mình, nơi mình, xung quanh mình và ngay dưới chân mình.”
Nơi trái tim mỗi người, bất kỳ là người lớn hay trẻ con, đều có sẵn một khu vườn bí mật. Sau này, khi ba mươi tuổi, khi bốn mươi tuổi, năm mươi, sáu mươi hay thậm chí bảy mươi, tôi đọc lại cuốn sách này, chắc chắn sẽ cảm nhận nó theo một cách khác, điềm đạm và chín chắn hơn. Nhưng tôi tin chắc, cánh cửa gỗ nhỏ mở về tuổi thơ, về những điều tốt đẹp, về ba đứa trẻ cùng con chim ức đỏ, về cả vùng Yorshike xinh đẹp với những đồng hoa trải dài khi xuân về, về khu vườn đầy những phép màu bí mật, sẽ vẫn luôn ở đó. Trong tim tôi sẽ lại nở một đóa hoa. Và tôi sẽ sống lại tuổi trẻ lần nữa.