Một bộ phận teen sống trong điều kiện gia đình đầy đủ vật chất đã nhìn những bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn bằng nửa con mắt và mặc nhiên coi, nghèo đi đôi với “quái dị”!!

Câu chuyện về những teen nghèo “quái dị”

T là một học sinh cấp 2 ở HN. T học ở một trường dân lập khá có tiếng. Ở trường T, phần lớn đều là con cái nhà từ khá giả trở lên. Hy hữu lắm mới có con em nhà lao động. T bắt đầu câu chuyện:“Lớp em có một thằng tên M. Bọn em cứ gọi là M “đồng phục”. Cái thằng đấy “bệnh tật” lắm anh ạ. Nó đi học mặc đồng phục, về nhà mặc đồng phục, đi ra đường mặc đồng phục, đi chơi mặc đồng phục nốt. Nhìn chán không chịu được.”

Chỉ nghe qua là hiểu vấn đề.

T vẫn cười, hớn hở kể tiếp. “Thằng đấy còn suốt ngày đi đôi Thượng Đình nữa chứ. Bọn em trêu nó như đúng rồi. Cu cậu tức lắm không làm gì được.”. Hỏi “Ai lại trêu thế? Người ta không có điều kiện chứ có phải xấu xa gì đâu?”, T bĩu môi: “Bọn em mặc kệ! Cái thằng “quái dị”!!!

Tôi nghe xong chuyện “cười” của T mà không cười nổi. Thật không thể hiểu nổi. Tại sao chỉ vì những thua thiệt về mặt gia cảnh, kinh tế, hay nói trắng ra là nghèo, mà nhiều teen bị gán cái mác “quái dị”.

T.T là một cô bé ở ngoại thành vào Hà Nội học. Nhà cô chả dư dả gì. Nhìn qua cách ăn mặc, tóc tai, vật dụng đều có thể đoán ra ngay. T.T thường mặc những bộ quần áo cũ đi học, những chiếc áo phông sờn rách, những chiếc quần bạc màu, những chiếc áo khoác rộng quá khổ (của anh trai).

Bạn bè trong lớp T.T cũng hiểu cho hoàn cảnh của cô. Không ai nói gì hay chê bai gì T.T cả. Nhưng trong lớp có một hội những tiểu thư “lá ngọc cành vàng” thì không “ưa” nổi cách ăn mặc của T.T. Họ là những con người sành điệu, và sự “không sành điệu” của T.T khiến họ khó chịu.

“Cái con quái đản, 18 tuổi mà ăn mặc như bà già. Lại còn tóc thắt bím hai bên nữa chứ. Vãi chưởng!” Đó là câu phát biểu của một nhân trong nhóm tiểu thư kia khi được hỏi về T.T

Qủa thực, bây giờ rất nhiều teen bị gán mác là “quái” hay “gàn” hay “lập dị” đơn giản chỉ bởi họ không có điều kiện để được “bình thường” như người khác.

M thường được bạn bè gọi là “dân chơi”. Nhưng đâu phải là dân chơi theo đúng nghĩa của nó. Đó là cách mà những người bạn trong lớp mỉa M vì cách sống của cậu.

M đi học bằng xe đạp. Cả năm không có nổi đôi giày mới. Suốt một học kỳ M chỉ dùng hết... một cái bút chì vọt. M cứ cầm cái vọt trong tay, vọt từng tí một, để dùng cho tiết kiệm, tránh bị gãy. Vở của M thì có lúc được viết ra cả lề, để cho...lâu hết. Sách thì M không dám viết vào bao giờ, dài đến mấy cũng chép vào vở ghi vì “sách còn để cho em chứ”. Trong lớp, bạn bè thường xuyên nói đến M như một tên “lập dị”.

“A! M “dân chơi” chứ gì. Thằng đấy ai chả biết. “Dân chơi” Hà Thành đấy”

Tôi hỏi vô cùng nghiêm túc mà L - một người cùng lớp với M - trả lời như đùa với một cái giọng bỡn cợt đến khó chịu.

Đâu phải ai cũng sành điệu và giàu có, đừng đánh giá bạn mình "quái dị" chỉ vì họ nghèo!

M thấy bạn bè gọi mình như vậy thì cậu cũng hiểu là họ đang trêu mình. Nhưng M chả biết làm thế nào. M là con thương binh, mẹ giáo viên ở quê. Nhà M chật vật cho cậu lên Hà Nội học, cậu không sống như thế thì biết sống thế nào. Ấy thế mà đi đến đâu người ta cũng nhìn M như kẻ tội đồ. Tội nghiệp M, cậu cứ phải cúi mặt mà đi vì sợ những lời châm chích từ bạn bè.

Khác với M, Q sinh ra giữa Hà Nội. Cha mẹ cậu là người Hà Nội gốc hẳn hoi. Nhưng do là công chức nhà nước, chứ không phải buôn bán gì, nên nhà Q cũng khá khó khăn.

Lên cấp 3, Q vào học một trường nổi tiếng về ăn chơi giữa chốn Hà Thành. Và 3 năm trung học cũng là 3 năm “đáng nhớ” nhất với Q.

Ngày đầu vào lớp, Q cầm theo con di động cục gạch của bố cho. Bố bảo lên cấp 3 đi nhiều nên có gì gọi cho bố mẹ một câu. Q cũng chỉ nghĩ đơn giản thế chứ không phải ăn chơi hay sành điệu gì. Nhưng những người bạn trong lớp Q thì đâu có nghĩ vậy. Với họ di động là thể hiện đẳng cấp, trình độ, và một thằng vác “cục gạch” như Q sẽ bị coi như “tội đồ”.

Cả lớp xin số di động của nhau để tiện liên lạc. Ấy thế nhưng khi nhìn thấy cái di động của Q thì ai cũng lắc đầu, “không thèm” cho hay xin số. “Để số của mày trong di động tao bẩn máy.” Q nhắc lại nguyên văn lời một người bạn hôm đó.

Suốt 3 năm tiếp theo, từ chuyện cái di động, cái cặp, cái xe hay thậm chí chuyện ăn sáng bằng cơm rang mẹ làm của 1 cũng được phán bằng 2 từ “quái đản”.

Nghèo không phải là quái dị

Những câu chuyện trên thật đáng buồn cho một bộ phận teen có suy nghĩ thiển cận. Chỉ vì những ấn tượng hời hợt bên ngoài mà vội đánh giá con người bên trong, chỉ vì những yếu kém về hình thức mà phán người này người kìa là “quái”, là “hâm”, là “hai lúa... Nghèo là điều không ai mong muốn, nhưng cũng là điều không ai có thể chọn lựa hay điều khiển. Nhất là với teen, làm sao các bạn í có thể chọn hoàn cảnh xuất thân cho mình. Những cái trong mắt nhiều người là không bình thường kia thực ra chỉ do cuộc sống, do điều kiện sống của một số teen bắt họ phải như vậy.

(ST)​