VIỆT BẮC

Tố Hữu là cánh chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam. Mặc dù ông trưởng thành trước Cách Mạng Tháng Tám, trước năm 1945, khi phong trào thơ mới được phát triển mạnh mẽ nhất. Nhưng đối với Tố Hữu, ông không viết thơ mới, mà ông đã sử dụng ngòi bút của mình như một thứ vũ khí chiến đấu trên con đường văn chương cách mạng. Với phong cách văn chương trữ tình, chính trị, giọng điệu thơ ngọt ngào, tha thiết, ông đã cho ra đời vô vàn những tác phẩm xuất sắc, khắc sâu vào tâm hồn của những con người yêu văn chương một dấu ấn khó phai về một thời kì lịch sử, về những cuộc cách mạng, về những con người quả cảm "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh".

Việt Bắc từ lâu đã là một đề tài muôn thuở về quê hương cách mạng và kháng chiến. Nhắc đến Việt Bắc là nhắc đến cội nguồn cách mạng, là nhắc đến một miền trung du nghèo khó mà nặng nghĩa, nặng tình, là nơi in sâu biết bao nhiêu là kỉ niệm về một thời kì cách mạng đầy gian khổ nhưng chứa đựng biết bao nhiêu nỗi xuyến xao, bồi hồi, nhớ nhung. Tố Hữu đã từng viết:

"Chín năm làm một Điện Biên

Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng"

Bởi vậy, Ông đã hạ bút viết lên kiệt tác của đời mình, đó là bài thơ "Việt Bắc" được in trong tập thơ cùng tên. Tháng 7 năm 1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng. Tháng 10 năm 1954, những cán bộ từ Việt Bắc trở về miền xuôi để tiếp quản thủ đô Hà Nội. Nhân sự kiện lịch sử này, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ Việt Bắc, tái hiện lại một cuộc chia tay đầy cảm động giữa người ở với người về, giữa người chiến sĩ cách mạng về xuôi với nhân dân Việt Bắc ở lại. Bài thơ được viết theo kiểu đối đáp nam-nữ, phỏng theo lối hát giao duyên của dân ca. Ngay từ những đoạn thơ đầu tiên, sắc thái tâm trạng của cuộc chia tay đã được bộc lộ rõ rệt:

"-Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?"

Tố Hữu đã để cho người ở lại mở lời trước, đây là một sự khéo léo và hợp lí về cách sắp xếp ý thơ. Người ở lại đã có dự cảm về những đổi thay, mang trong mình một nỗi lo lắng bất an nên mới cất lời, mong rằng người cán bộ ra đi đừng quên người ở lại. Bài thơ được mở đầu bằng một câu hỏi tu từ "Mình về mình có nhớ ta". Mục đích của câu hỏi tu từ này không phải là dùng để hỏi, mà nhằm để bộc lộ cảm xúc của nhân vật trữ tình. Ở đây, là lời của người ở lại đang ướm hỏi người ra về, người ở lại boăn khoăn, lo lắng rằng liệu những người cán bộ cách mạng về xuôi khi ra về có nhớ mình hay không. Tố Hữu đã sử dụng kết cấu ta-mình trong toàn bộ tác phẩm này, lấy từ lối hát giao duyên của dân ca, lời hát đối đáp của người ở với người về, những người yêu thương nhau, nhắn nhủ cho nhau, giống trong hai câu thơ:

"Mình về ta chẳng cho về

Ta níu vạt áo ta đề câu thơ"

Trong tác phẩm của Tố Hữu, mình và ta, tuy hai mà một, tuy một mà hai, hài hòa và nồng thắm. Cặp từ "mình-ta" trong thơ Tố Hữu không cố định vị trí phát ngôn, nó mang ý nghĩa ca ngợi ân tình cách mạng cũng thắm thiết, sắt son như tình yêu đôi lứa. Ở câu thơ đầu tiên, hai chữ mình-ta được đặt ở đầu và cuối câu, gợi cho ta một điềm báo, một dự cảm về sự chia xa, cách trở đồng thời góp phần nhấn mạnh tình cảm gắn bó, thủy chung giữa nhân dân Việt Bắc và cán bộ cách mạng về xuôi. Đến với câu thơ "Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng", tác giả đã để cho người ở lại là nhân dân Việt Bắc, gợi cho cán bộ về xuôi về một khoảng thời gian "mười lăm năm". Tố Hữu là một nhà thơ với phong cách thơ trữ tình, chính trị ông đã rất khéo léo trong việc đưa lịch sử vào trong thơ ca. Nhà thơ đưa lịch sử vào thơ ca vô cùng nhuần nhuyễn, hài hòa, không hề khô cứng, khô khan. Quãng thời gian mười lăm năm ấy là từ năm 1939 đến năm 1954, là khoảng thời gian kề vai sát cánh, là khoảng thời gian đầy máu đổ, đầy hi sinh nhưng cũng đầy những kỉ niệm tươi đẹp khó quên. Đối với một đời người, thì mười lăm năm không phải là một khoảng thời gian dài. Nhưng đối với một mối tình, khoảng thời gian ấy lại không hề ngắn. Nó đủ dài để con người khắc ghi cuộc sống đầy ân tình, ân nghĩa, chia ngọt sẻ bùi giữa cách mạng và nhân dân từ lúc đấu tranh cho đến ngày chiến thắng. Những từ "thiết tha", "mặn nồng" đã góp phần diễn tả tình cảm sâu đậm, bền chặt giữa nhân dân Việt Bắc và cán bộ cách mạng, làm cho âm điệu câu thơ trở nên ngọt ngào, tha thiết. Mười lăm năm ấy tuy dài nhưng ngắn, tuy ngắn nhưng dài, chứa đựng biết bao nhiêu là kỉ niệm, biết bao nhiêu là nhớ nhung, lưu luyến:

"Những là rày ướt mai ao

Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình"

Nếu hai câu thơ đầu là đặc tả về thời gian, thì ở hai câu sau tác giả đã để cho người ở lại gợi nhớ với người ra đi về không gian.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn? "

Câu hỏi tu từ được lặp lại với mục đích khơi nguồn cho những nhớ thương, khơi dậy cả một quá khứ đầy ắp những kỉ niệm, bộc lộ niềm day dứt trước cảnh chia ly. Đối với câu thơ" Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn ". Những động từ được nhắc đến ở đây là" nhìn "và" nhớ ", những hình ảnh ẩn dụ trong câu thơ mang ý nghĩa bao trùm về nguồn gốc, cội nguồn của nhau. Có núi thì mới có cây, có nguồn thì mới có sông cũng như có Việt Bắc thì mới có ngày miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Câu thơ như gợi nhắc đến lối sống" ăn quả nhớ kẻ trồng cây "hay" uống nước nhớ nguồn"mang mục đích gợi nhắc người về xuôi nhớ về cội nguồn cách mạng, cội nguồn kháng chiến. Câu thơ chứa đựng nỗi niềm lưu luyến và hàm chứa cả lời dặn dò kín đáo với người về xuôi đừng bao giờ quên Việt Bắc. Việt Bắc là quê hương, là cội nguồn của cách mạng, là căn cứ địa, là chiếc ô bao phủ, chở che cho cán bộ, cho cách mạng trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp.