Có ý kiến cho rằng: “Đoạn thơ "Ta về mình có nhớ ta... ân tình thủy chung" giống một bức tranh tứ bình cổ

Có ý kiến cho rằng: “Đoạn thơ "Ta về mình có nhớ ta... ân tình thủy chung" giống một bức tranh tứ bình cổ điển”. Ý kiến khác lại cho rằng: "Đoạn thơ đẹp như một khúc hát dân gian". Ý kiến anh chị.

Đoạn thơ "Ta về mình có nhớ ta... ân tình thủy chung" là đoạn trích thơ ấn tượng cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Nhận xét về đoạn trích, có người cho rằng đoạn thơ “giống một bức tranh tứ bình cổ điển”, có người lại cho rằng đoạn thơ “đẹp như một khúc hát dân gian”. Hai ý kiến thể hiện hai góc nhìn khác nhau khiến chúng ta phải suy ngẫm để tìm tòi, khám phá vẻ đẹp thực sự của đoạn trích.

Khi nhìn nhận một vấn đề, mỗi người chọn cho mình một góc nhìn riêng và lí giải vấn đề theo một cách riêng. Cũng như thế, khi cảm nhận thơ ca, mỗi ý kiến là một quan điểm cá nhân không giống nhau, để rồi chúng cùng tụ hội tạo nên một cái nhìn hoàn chỉnh, đủ đầy về vẻ đẹp của tác phẩm ấy. Khi nhận xét về đoạn thơ "Ta về mình có nhớ ta... ân tình thủy chung" trích trong “Việt Bắc” của Tố Hữu, có ý kiến cho rằng: “Đoạn thơ "Ta về mình có nhớ ta... ân tình thủy chung" giống một bức tranh tứ bình cổ điển”. Ý kiến khác lại cho rằng: "Đoạn thơ đẹp như một khúc hát dân gian". Hai ý kiến đều nêu lên một vẻ đẹp của nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, tuy nhiên chúng có vẻ đối lập nhau. Điều này khiến chúng ta suy ngẫm để tìm được vẻ đẹp đích thực của đoạn trích thơ. Dưới đây là bài viết chi tiết bàn luận, thể hiện một quan điểm khi nhìn nhận hai ý kiến và đánh giá đoạn thơ này. Mong rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các bạn. Chúc các bạn thành công!

BÀI VIẾT SỐ 1 CHO ĐỀ BÀI: CÓ Ý KIẾN CHO RẰNG, ĐOẠN THƠ: "TA VỀ MÌNH CÓ NHỚ TA...ÂN TÌNH THỦY CHUNG" GIỐNG MỘT BỨC TRANH TỨ BÌNH CỔ ĐIỂN. Ý KIẾN KHÁC LẠI CHO RẰNG: "ĐOẠN THƠ ĐẸP NHƯ MỘT KHÚC HÁT DÂN GIAN". Ý KIẾN ANH CHỊ.

Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. “Việt Bắc” là tác phẩm tiêu biểu cho chất trữ tình chính trị và tính dân tộc của hồn thơ Tố Hữu. Đoạn thơ: : "Ta về mình có nhớ ta... ân tình thủy chung" là đoạn thơ tinh tế, thể hiện những giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc của “Việt Bắc”. Nhận xét về đoạn thơ, có ý kiến cho rằng: đoạn thơ: "Ta về mình có nhớ ta... ân tình thủy chung" giống một bức tranh tứ bình cổ điển. Ý kiến khác lại cho rằng: "Đoạn thơ đẹp như một khúc hát dân gian". Hai ý kiến đưa ra những đánh giá tưởng chừng như đối lập nhau nhưng thật ra là bổ sung cho nhau để hoàn thành một cái nhìn chính xác về vẻ đẹp của đoạn thơ này.

“Cổ điển” là tính chất tiêu biểu, được coi là mẫu mực của thời cổ hoặc thời kì trước đó. Ý kiến thứ nhất cho rằng đoạn thơ “giống một bức tranh tứ bình cổ điển” là nói lên vẻ đẹp cổ xưa, mang tính mẫu mực của những hình ảnh thơ. Còn “dân gian” lại nói đến tính bình dị. Nói "Đoạn thơ đẹp như một khúc hát dân gian" là khẳng định sự hiện diện của những yếu tố thuộc văn hóa, văn học dân gian trong đoạn thơ. Hai ý kiến đưa ra hai cách nhìn nhận khác nhau, một bên là cổ điển với những giá trị mang tính quy ước và mang hơi hướng sang trọng; một bên là dân gian với những giá trị mang tính thuần nông quần chúng lao động. Tuy nhiên , chúng không đối lập nhau hay mang tính chất loại trừ nhau mà cùng bổ sung cho nhau để làm sáng tỏ vẻ đẹp hài hòa của đoạn thơ.

“Việt Bắc” là sáng tác thơ đỉnh cao của phong cách thơ Tố Hữu cũng như của thơ ca cách mạng Việt Nam. Bài thơ sáng tác khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, trung ương Đảng, chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về thủ đô. Nhân sự kiện ấy, Tố Hữu sáng tác bài thơ “Việt Bắc” như một khúc hát ngợi ca vẻ đẹp sử thi của một thời gian khổ hào hùng và là lời nhắn nhủ nhớ về cội nguồn. Đoạn thơ “Ta về mình có nhớ ta... ân tình thủy chung" là đoạn trích thuộc phần I của tác phẩm, là bức tranh bố mùa về cảnh sắc và con người Việt Bắc. Đúng như hai ý kiến đã nhận xét, đoạn thơ là bức tranh cổ điển nhưng vẫn ánh lên sắc màu dân gian tươi thắm.

Vẻ đẹp cổ điển của đoạn thơ được thể hiện qua bút pháp khắc họa của nhà thơ. Bộ tranh tứ bình về Việt Bắc được phác họa bằng bút pháp chấm phá đậm chất cổ điển. Trong mỗi bức họa ta lại thấy sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên:

- “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

- Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”

Nét đẹp nổi bật của núi rừng hiện lên chỉ qua sắc “đỏ tươi” của hao chuối nổi bật trên cái xanh trầm tĩnh của cây rừng Việt Bắc. Bức tranh thiên nhiên hiện lên chỉ bằng một sắc đỏ, nét chấm phá đã làm sống dậy một không gian mang sức sống mãnh liệt. Con người hiện lên ở câu thơ sau thông qua nét vẽ “nắng ánh dao gài thắt lưng”. Không miêu tả dáng vẻ, chỉ cần hai chữ “nắng ánh” cùng với hình ảnh “dao gài thắt lưng” đã gợi ra vẻ đẹp con người Tây Bắc trong tư thế vươn tới đỉnh đèo. Sắc đông rực rỡ, còn sắc xuân lại dịu dàng trong màu trắng hoa mơ:

- “Ngày xuân mơ nở trắng rừng

- Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”

Xuân hiện lên xao xuyến với sắc trắng bạt ngàn cánh rừng, con người Việt Bắc hiện ra giữa khung cảnh thơ mộng trữ tình ấy trong công việc lao động thường ngày. Hạ đến mang theo nắng càng và tiếng ve râm ran, hạ trong “Việt Bắc” cũng tắm mình trong những sắc màu âm thanh ấy:

- “Ve kêu rừng phách đổ vàng

- Nhớ cô em gái hái măng một mình”

Từ “đổ” tựa như nhãn tự của đoạn thơ, thể hiện tương quan kì diệu giữa thanh âm và màu sắc, khiến cảnh vật như có linh hồn và sự giao cảm. Con người Việt Bắc hiện ra như một điểm nhấn sâu lắng trong không khí sôi động ấy. Sang thu, núi rừng thu lại cái rực rỡ để hiện ra thật hòa bình, trong trẻo:

- “Rừng thu trăng rọi hoà bình

- Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”

Nhà thơ không miêu tả mà gợi tả không khí yên ả, hiền hòa của đất trời Việt Bắc trong mùa thu. Con người hiện ra trong đại từ phiếm chỉ “ai”, hiện lên qua “tiếng hát ân tình thủy chung”. Mỗi bức tranh đều mở ra không gian núi rừng rộng lớn, bao la. Thiên nhiên đều gắn với chữ “rừng” gợi ra những lớp cành lá trùng điệp, sắc xanh của lá, sắc trắng hoa mơ, sắc vàng của cây phách, ánh trăng sáng như trải dài theo những dặm rừng dài rộng, Để rồi hiện lên trên khung cảnh đó là những bóng dáng con người, tuy nhỏ, đơn độc nhưng nổi bật, hòa hợp và sáng rỡ đến lạ. Bút pháp chấm phá, gợi nhiều hơn tả đã tạo nên vẻ đẹp cổ điển cho đoạn thơ.

Cổ điển nhưng vẫn ánh lên sắc màu dân gian. Chất dân gian là chất thơ đặc trưng của Tố Hữu, và ở đoạn trích thơ trên cũng không phải ngoại lệ. Hai câu thơ đầu đoạn tựa như bước ra từ một cau hát ca dao:

- “Ta về, mình có nhớ ta

- Ta về ta nhớ những hoa cùng người”

Cặp đại từ “ta” – “mình” cùng cấu trúc câu thơ đều mang đậm màu sắc dân gian. Hai câu thơ như gợi về một thời đại văn học xa xưa với những câu hát đậm tình thắm nghĩa:

- “Mình về có nhớ ta chăng

- Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”

Hai câu thơ không chỉ mang chất dân trong cách sử dụng từ ngữ mà còn đậm chất bình dị trong âm hưởng tình nghĩa, tựa như là tiếng hát tâm tình từ nỗi lòng trao gửi tấm lòng, thể hiện tình cảm sắc son của “mình” và “ta”, của người ra đi và người ở lại, của những cán bộ Đảng với nhân dân núi rừng Việt Bắc. Sắc màu dân gian gắn với quần chúng lao động thuần nông, và con người hiện lên trong những nét vẽ trong đoạn trích cũng gắn liền với lao động bình dị như thế. Là “đan nón chuốt từng sợi giang”, là “cô em gái hái măng”, là tiếng hát “ân tình thủy chung” mang nghĩa tình sắc son bền chặt. Tiếng hát ấy là tiếng vọng lại của núi rừng con người nơi đây, âm vang trong tâm tưởng của người ra đi để mãi vang vọng như lời gợi nhắc về quá khứ gắn bó tình nghĩa. Thể thơ lục bát, cách ngắt nhịp quen thuộc cũng là một nét dân gian rất đậm đà mà nhà thơ đã lồng ghép vào trong đoạn thơ.

Ra đời trong thời hiện đại nên bên cạnh âm hưởng cổ điển, dân gian, đoạn thơ còn nhiễm sắc màu thời đại. Sắc màu trong thơ cổ điển thường thanh đạm, còn trong thơ Tố Hữu thì lại đa dạng, phong phú và tươi sáng. Mỗi gam màu vừa là một ấn tượng, vừa là một sắc màu cho con người Tây Bắc. Trong thơ ca cổ điển, con người xuất hiện chỉ như nét điểm xuyết cho thiên nhiên, còn ngòi bút Tố Hữu lại nâng con người trở thành trung tâm của cảnh vật, làm cho con người trở nên nổi bật giữa không gian rừng rộng lớn. Chất hiện đại còn thể hiện qua việc nhà thơ sử dụng sáng tạo dân gian, mượn những yếu tố dân gian để cho vào câu thơ của mình chứ không hoàn toàn đưa những câu ca dao vào tác phẩm. Điều này khiến thơ Tố Hữu giống mà lại không giống ca dao, để “Việt Bắc” vẫn là thơ của Tố Hữu chứ không phải sự vay mượn của bất kì ai khác.

Thiên nhiên và con người Tây Bắc đã “để nhớ để thương” cho Tố Hữu nhiều quá. Từng bức tranh cảnh vật, con người lao động đều in rõ trong tâm tưởng để hiện ra qua từng nét bút, tuy chỉ phác họa nhưng lại gợi cả một vùng trời đất bao la. Đoạn trích thơ vừa mang nét cổ điển, vừa mang nét dân gian, lại hài hòa với sắc màu hiện đại chính là đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách và tài năng thơ Tố Hữu.

- QP -

BÀI VIẾT SỐ 2 CHO ĐỀ BÀI: CÓ Ý KIẾN CHO RẰNG, ĐOẠN THƠ: "TA VỀ MÌNH CÓ NHỚ TA...ÂN TÌNH THỦY CHUNG" GIỐNG MỘT BỨC TRANH TỨ BÌNH CỔ ĐIỂN. Ý KIẾN KHÁC LẠI CHO RẰNG: "ĐOẠN THƠ ĐẸP NHƯ MỘT KHÚC HÁT DÂN GIAN". Ý KIẾN ANH CHỊ.

Tố Hữu nổi danh trên thi đàn văn học Việt Nam với giọng thơ vừa trữ tình ngọt ngào, vừa chính trị sâu sắc, vừa mang âm hưởng cổ điển vừa gần gũi, thân thuộc như những câu hát ca dao. Vì thế mà khi lật mở trang thơ Việt Bắc”, nhất là đoạn thơ: “Ta về mình có nhớ ta...ân tình thủy chung”, có ý kiến cho rằng đoạn thơ như một bức tranh tứ bình cổ điển. Có ý kiến khác lại cho rằng: “Đoạn thơ đẹp như một khúc hát dân gian.”

Tháng 10-1954, các cơ quan của Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc, nơi đã che chở, nuôi dưỡng cho cách mạng trong suốt những năm trường kì chống thực dân Pháp trở về Hà Nội. Trong cảm xúc bịn rịn với con người và thiên nhiên Việt Bắc, Tố Hữu đã viết nên bài thơ này. Đoạn thơ “Ta về mình có nhớ ta...ân tình thủy chung” được coi là một trong những áng thơ đẹp nhất trong thơ Tố Hữu. “Bức tranh tứ bình cổ điển” là chỉ màu sắc mang tính truyền thống, chuẩn mực, mẫu mực của thơ ca ngàn đời mà “Việt Bắc” đã có sự ảnh hưởng và tiếp thu. “Khúc hát dân gian” ám chỉ sự gần gũi, thân thuộc giống như những khúc hát ru, những bài ca dao nhẹ nhàng đã từng đi vào giấc ngủ của bao thế hệ. Hai ý kiến tưởng như đối lập nhưng lại bổ sung cho nhau để làm nên vẻ đẹp toàn diện cho đoạn thơ. Đó chính là sự kết hợp giữa chất cổ điển mực thước của thơ ca cũ và giọng hát gần gũi, giản dị của những vần thơ ca dao trữ tình, qua đó thể hiện tài năng của nhà thơ chiến sĩ đối với những sáng tác của ông.

Đoạn thơ được ví như một bức tranh tứ bình cổ điển. Người xưa ưa kết cấu đăng đối, hài hòa, cân xứng: họ hòa mình vào tứ thú (cầm, kì, thi, họa), viết vào thơ tứ nhân (ngư, tiều, canh, mục), thờ phụng tứ linh (long, li, quy, phượng). Có thể nói sự cân xứng đó đem lại một vẻ đẹp trọn vẹn, do đó thơ xưa hay dùng chất liệu đó để làm đẹp cho mình. Ở đây thơ Tố Hữu đã có sự hội ngộ với thi ca cổ, khi nhà thơ chấp bút viết về tứ mùa trong năm: xuân, hạ, thu, đông rất hợp với lối biểu đạt của thi ca thuở xưa. Điều này thể hiện nét đẹp cổ điển, mẫu mực của “Việt Bắc”.

Nghệ thuật chấm phá, điểm xuyết khiến nhà thơ chỉ họa vài nét thanh sơ mà ghi được cả linh hồn đối tượng. Mùa đông được khắc họa với hình ảnh của bông hoa chuối đỏ tươi:

- “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

- Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”

Chỉ một bông hoa chuối với sắc màu đỏ tươi tắn đã làm rực sáng cả khu rừng Việt Bắc. Xuân đến thanh khiết trong hình ảnh “mơ nở trắng rừng” khiến thiên nhiên Việt Bắc bồng bềnh trong sắc trắng muốt của nhành mơ rừng. Hạ đến với màu vàng óng của rừng phách khiến ánh sáng như chói lòa, như ngưng đọng lại rót mật xuống trần gian. Cái ấm áp thường thấy của một mùa hè rực cháy được đặc tả qua hình ảnh “rừng phách đổ vàng”, chỉ một từ “đổ” thôi mà đã gợi ra sắc màu nắng lung linh, chói lòa. Bức tranh mùa thu hiện lên với ánh trăng trong trẻo, êm ả và thanh bình. Ta như nghe được những vần thơ của người xưa:

- “Khi chén rượu, khi cuộc cờ

- Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”

Hay Nguyễn Du đã từng miêu tả sự trong khiết của mùa xuân chỉ qua một nhành lê trắng:

- “Cỏ non xanh tận chân trời

- Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

Nghệ thuật điểm xuyết giàu sức gợi rất quen thuộc trong thi ca cổ. Chỉ cần một hình ảnh, một từ ngữ mà các thi nhân đã gợi được tất thảy tinh thần và vẻ đẹp của thiên nhiên. Tố Hữu đã kế thừa và học hỏi nghệ thuật đấy, bức tranh bốn mùa được đặc tả qua những hình ảnh đặc trưng của các mùa trong năm nhưng hiện lên với đầy đủ màu sắc, đường nét, tính chất của nó. Thi liệu mà tác giả sử dụng cũng cực kì quen thuộc và cổ xưa: rừng, hoa, trăng, con người (nhân vật “em” giữa núi rừng”. Điều đặc biệt là con người luôn trong sự hài hòa với thiên nhiên đất trời, hòa mình vào với thiên nhiên mà không mờ nhạt trước thiên nhiên. Thiên nhiên núi rừng Việt Bắc đã làm nên cho con người xuất hiện thật ấn tượng. Cho nên đoạn thơ luôn được ví như một bức tranh tứ bình về tứ thời, là bốn bức bích họa tuyệt mĩ mà thi sĩ Tố Hữu đã “xúc động hồn thơ” cho “ngọn bút có thần”.

Không chỉ kế thừa những thành tựu của nền thơ trung đại, Tố Hữu còn biến đoạn thơ của mình giống hệt như một khúc hát dân ca. Tác giả đã thổi vào đó điệu hồn dân tộc với cách sử dụng thể thơ lục bát – một thể thơ cổ truyền thống của người Việt. Người xưa từng bày tỏ tình cảm của mình qua những vần thơ như thế:

- “Mình về ta chẳng cho về

- Ta nắm vạt áo ta đề bài thơ”

Còn hôm nay, Tố Hữu cũng sử dụng thể thơ đó để viết nên khúc tình ca, bởi vậy mà âm hưởng thơ mang âm hưởng ca dao ngọt ngào và trữ tình. Kết cấu “mình-ta” lấy cảm hứng từ lời đối đáp của nam nữ thuở xưa khiến tình cảm quân dân gắn kết như tình yêu đôi lứa. Kết cấu đó đã làm nên nét đặc sắc cho thơ Tố Hữu, khiến bài thơ như một khúc hát của những liền anh, liền chị trong buổi giao duyên ca hát dưới trăng. Hình ảnh thiên nhiên miêu tả trong đoạn thơ rất gần gũi như món quà của núi rừng Việt Bắc đã ban tặng cho chiến xi ngày ra đi. Nỗi nhớ của người ra đi ẩn hiện trong từng câu chữ vang lên đầy da diết, bâng khuâng, tiếng hát ân tình thủy chung có lẽ là niềm thơ mà nhà thơ mang theo đến hết cuộc đời:

- “Rừng thu trăng rọi hòa bình

- Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

Người xưa mượn tiếng hát, câu thơ để nói hộ lòng mình, còn Tố Hữu cũng dùng nỗi nhớ với tiếng hát ân tình để thổ lộ những lời chưa kịp nói. Sự gặp gỡ giữa thơ Tố Hữu và ca dao, dân ca đã mang lại màu sắc gần gũi, giản dị,mộc mạc mà không kém phần tha thiết, ân tình cho bài thơ. Đó cũng là nỗi niềm, là tình cảm mà nhà thơ chiến sĩ dành cho thủ đô gió ngàn, nơi đã nuôi giấu cán bộ suốt những tháng năm kháng chiến.

Đoạn thơ với bức tranh tứ bình vừa có vẻ đẹp cổ điển của thơ Đường, vừa có nét mộc mạc,giản dị của những câu ca dao dân ca. Màu sắc cổ điển khiến hình ảnh thơ trở nên sang trọng, đẹp đẽ còn sắc màu dân gian lại biến đoạn thơ thành một khúc dân ca thân thuộc và dễ đi vào lòng người. Điều đó cũng làm nên nét đặc sắc trong thơ Tố Hữu, khi ông biết kế thừa những vẻ đẹp của nền thơ ca, cách tân chúng để người đọc thấy quen mà không mòn sáo, quen nhưng vẫn rất độc đáo và ý nghĩa. Liệu có phải chính điều đó đã khiến “Việt Bắc” đi vào trái tim bạn đọc bao đời?

“Thơ ca muôn đời vẫn là việc rút gan ruột mình ra mà viết”. Tố Hữu đã đem cả trái tim và tình yêu dành cho Việt Bắc để cất thành lời ca. Kháng chiến đã lùi xa, hòa bình đã lặp lại, nhưng những tháng năm chiến đấu gian khổ mà ân tình giữa quân và dân Việt Bắc sẽ mãi đi về trong hồn thơ Tố Hữu cũng như lòng bạn đọc muộ đời.

-Minh Anh-

BÀI VIẾT SỐ 3 PHÂN TÍCH HAI Ý KIẾN CHO RẰNG ĐOẠN THƠ “TA VỀ MÌNH CÓ NHỚ TA…ÂN TÌNH THỦY CHUNG” GIỐNG “MỘT BỨC TRANH TỨ BÌNH CỔ ĐIỂN” VÀ “ĐOẠN THƠ ĐẸP NHƯ MỘT KHÚC HÁT DÂN GIAN”

Nhận xét về thơ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi từng chia sẻ: “Từ cuộc sống hiện đại, thơ anh ngày càng bắt nguồn trở lại vào hồn thơ cổ điển của dân tộc”. Thật vậy, đọc thơ Tố Hữu, ta thấy suy nghĩ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi vô cùng đúng đắn và sâu sắc. “Việt Bắc” là một bài thơ mang đậm nét nét xưa ấy. Cảm nhận bài thơ, có ý kiến cho rằng đoạn thơ “Ta về mình có nhớ ta…ân tình thủy chung” giống “một bức tranh tứ bình cổ điển”, ý kiến khác lại cho rằng “Đoạn thơ đẹp như một khúc hát dân gian”. Hai ý kiến đã góp phần đem đến cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về đoạn thơ ấn tượng trong tác phẩm này.

Hai ý kiến với hai cách nhìn, cách cảm nhận vô cùng sinh động, đặc sắc đã khiến người đọc phải dành nhiều thời gian hơn để ngẫm, để cảm nhận từng ý thơ Tố Hữu trong đoạn. Xưa nay, tính từ “cổ điển” được nhắc đến như là cách để nói về một điều gì đó chuẩn mực của thời xưa, mang dấu ấn, phong cách xưa đầy trang trọng. Nói “đoạn thơ như một bức tranh tứ bình cổ điển” phải chăng ý muốn nhắc đến vẻ đẹp cổ xưa, mang tính chuẩn mực của những hình ảnh thơ đẹp giàu ý nghĩa. Cũng đoạn thơ ấy, hình ảnh, nhịp điệu, cảm xúc lại đem đến cho người khác hình dung rằng đoạn thơ giống “khúc hát dân gian”. Bình dị, mộc mạc, gần gũi…có lẽ đó chính là những gì người thứ hai cảm nhận được qua đoạn thơ. Hai ý kiến đã bày tỏ những cách nhìn khác nhau về đoạn thơ “Ta về mình có nhớ ta…ân tình thủy chung”, một là sự trang trọng, cổ xưa, một là nét gần gũi, mộc mạc. Hai ý kiến không đối lập, loại trừ nhau mà lại bổ sung cho nhau, góp phần đem đến cái nhìn toàn diện hơn về nội dung, ý nghĩa nhà thơ gửi gắm qua tác phẩm của mình.

Nhà thơ Tố Hữu được xem là cây bút xuất sắc và tâm huyết của thơ ca Cách mạng Việt Nam với rất nhiều đóng góp nổi bật. Và “Việt Bắc” được coi là một đóng góp tiêu biểu, điển hình mang rất nhiều giá trị, ý nghĩa, cảm xúc. Bài thơ là đỉnh cao của thơ ca Cách mạng Việt Nam. Tố Hữu đã chắp bút sáng tác bài thơ khi chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi, Đảng và chính phủ dời căn cứ về thủ đô. Sự kiện đã đem đến cho nhà thơ nhiều xúc cảm mạnh mẽ, nghĩ suy sâu lắng. Bài thơ “Việt Bắc” ra đời trong thời điểm đó. Trong tác phẩm, đoạn thơ “Ta về mình có nhớ ta…ân tình thủy chung” thuộc phần một, là bức tranh sinh động về cảnh sắc bốn mùa và nét đẹp con người Việt Bắc mà nhà thơ đã khéo léo phác họa nên. Từng câu chữ, hình ảnh thơ đều dẫn liên tưởng ta đến hình ảnh một bức tranh tứ bình cổ điển, sang trọng nhưng vẫn đậm đà màu sắc gần gũi, giản dị của dân gian.

Trước hết, ta có thể cảm nhận được nét đẹp cổ điển, sang trọng của đoạn thơ này qua nghệ thuật khắc họa đầy tinh tế, tài hoa của nhà thơ. Thiên nhiên và con người Việt Bắc, chân thực, sống động ấy được nhà thơ tái hiện bằng bút pháp chấm phá. Mỗi ý thơ lại mở ra một khung cảnh nơi thiên nhiên và con người hòa hợp, hòa quyện vào nhau. Đó là bức tranh thiên nhiên căng tràn sự sống:

- “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

- Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”

Sắc xanh của rừng lá bạt ngàn nơi đồi cao, sắc “đỏ tươi” của hoa chuối, sắc vàng ngọt của nắng hòa vào nhau làm thiên nhiên Tây Bắc bỗng giống như một bức tranh thơ mộng. Sắc đỏ tươi điểm xuyết trên nền xanh trầm tĩnh của núi rừng Việt Bắc, bút pháp chấm phá tinh tế ấy đã mở ra một không gian tuyệt đẹp làm nền cho con người lao động xuất hiện với hình ảnh “dao gài thắt lưng”. Cách dùng từ, hình ảnh ấy đã nhấn mạnh tư thế lao động đầy mạnh mẽ, chủ động. Khi phác họa bức tranh cảnh sắc mùa xuân, Tố Hữu lại gửi vào một sắc thái mới:

- “Ngày xuân mơ nở trắng rừng

- Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”

Trong cảnh thiên nhiên thanh khiết, trong lành ấy, con người lao động Việt Bắc hiện lên với vẻ đẹp tài hoa, khéo léo. Nét đẹp ấy được nhà thơ gửi trọn qua động từ “chuốt” đầy tinh tế. Đông qua, xuân đến và rồi hạ tới. Mùa hè nơi núi rừng Việt Bắc có lẽ trở nên đẹp hơn rất nhiều, gần gũi hơn rất nhiều qua lời thơ Tố Hữu:

- “Ve kêu rừng phách đổ vàng

- Nhớ cô em gái hái măng một mình”

Hai câu thơ trở nên đặc biệt hơn với nhãn tự “đổ” ý nhắc đến một mối tương quan diệu kỳ giữa sắc màu và âm thanh, cảnh vật nhờ thế hiện lên sinh động, tràn đầy sức sống hơn. Con người Việt Bắc, nhịp sống Việt Bắc trong bức tranh ấy cũng sôi nổi, rộn rã hơn. Khổ thơ khép lại với hai câu thơ miêu tả bức tranh thu:

- “Rừng thu trăng rọi hòa bình

- Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

Lòng người như cũng bình yên hơn khi cảm nhận không khí trời thu của Việt Bắc. Ở đây, Tố Hữu không nhắc đến một người nào cụ thể nữa mà lại dùng đại từ phiếm chỉ “ai” đi cùng với hình ảnh “tiếng hát ân tình thủy chung”. Bút pháp chấm phá sử dụng khéo léo trong đoạn thơ đã làm nổi bật nét cổ điển, trang trọng của bức tranh thiên nhiên bốn mùa và hình ảnh con người Việt Bắc.

Đậm đà màu sắc cổ điển, được ví như “bức tranh tứ bình cổ điển”, song, khi đọc đoạn thơ, ta còn cảm thấy nét đẹp của một “khúc hát dân gian” được nhà thơ gửi gắm rất khéo léo. Kế thừa dấu ấn ca dao dân ca xưa, nhà thơ đã sáng tạo để đưa vào trang thơ của mình:

- “Ta về, mình có nhớ ta

- Ta về ta nhớ những hoa cùng người”

Việc sử dụng đại từ quen thuộc “mình – ta” đã phần nào giúp cho đoạn thơ đậm đà màu sắc dân gian hơn. Cùng với đó, chất mộc mạc trong từ ngữ, giản dị trong ngữ điệu, ngữ âm khiến đoạn thơ bỗng hệt như một khúc hát tâm tình, chứa chan tình cảm yêu thương giữa “mình” và “ta”, phải chăng chính là giữa người ra đi và kẻ ở lại, giữa quân và dân, giữa cán bộ cách mạng và đồng bào Việt Bắc. Thể thơ lục bát được sử dụng linh hoạt, cách ngắt nhịp tinh tế, hợp lí cũng đã góp phần đem đến màu sắc dân gian cho đoạn thơ.

Tác phẩm đã góp một phần quan trọng vào sự thành công của sự nghiệp văn chương nhà thơ Tố Hữu. Và đoạn thơ cũng đã góp một phần quan trọng vào sự thành công của tác phẩm. Hai ý kiến, hai cách nhìn nhận đã đem đến cho người đọc cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về đoạn thơ cũng như tâm tư, nghĩ suy của tác giả.

-Nem-