Nắng thổ cẩm reo lấp loáng tiếng chim chiều
Màu yêu thương vẫn xanh lên mắt núi. Màu xanh bất tận của biên cương! Đó là mảnh đất yêu dấu Lào Cai, quê hương tuổi thơ của nàng. Nơi núi cao rừng thẳm, nơi đất và người luôn gắn bó, nơi mênh mang sức sống cao nguyên.
Nàng thích được gọi cái nắng vào thu ở miền Tây Bắc như thế. Đó là cái nắng vàng rực rỡ như thêu hoa thêu gấm dưới trời thu. Cái nắng lung linh sắc màu, khi đất trời vào thu, người ta chỉ gặp ở miền núi cao Tây Bắc, hay nói một cách khác, nàng thích thú nhận ra cái nắng thu ấy mang sắc màu thổ cẩm. Ấy là khi những vườn cây trái chín vàng, sự thơm tho tràn theo hương gió, đầy gọi mời.
Nắng dệt nên nhiều thảm hoa kỳ ảo trên những triền đồi vắng. Nắng nhảy nhót, reo vui cùng những cơn gió hoang. Nắng vàng lên sắc màu lúa chín trên những ruộng bậc thang nhấp nhô sóng lượn. Nắng xanh lên trên mái tóc của những cô nàng miền Sơn cước. Nắng chín đỏ trên những cặp má đào. Nắng về theo những nụ môi hồng. Nắng ánh lên sắc tím trên chõ xôi nếp nương mùa gạo mới của các mế. Nắng đen sậm trên những sắc áo chàm của những người đàn ông Mông. Đó là sắc nắng lung linh thổ cẩm. Không gian đã bớt đi sự oi ả, chang chang nóng bức của mùa hè. Mùa thu và hương cốm mới đang về.
Hãy cùng nhau lên với Tây Bắc để lắng nghe nắng hát. Nắng làm bước chân đi xa thêm gần lại. Nắng thổ cẩm sẽ hào phóng thêu gấm hoa lên mỗi bước chân của bạn. Nắng chưng cất cho trái cây suốt từ mùa Xuân sang mùa hạ và đến mùa thu thì quả đã chín thơm. Cây lá và quả mùa thu đã chín đỏ, chín vàng trên những đồi cam, quýt, na, bưởi. Sắc vàng tươi quyến rũ của những trái thị chín thơm làm người ta phải xuýt xoa. Như những chiếc đèn lồng xinh xắn, vàng tươi, những trái thị cứ thơm nức không gian. Mùi ổi chín, chuối chín, mít chín cùng đua chen hương thơm với thị.
Trên mỗi cung đường đi lên Tây Bắc, sự trập trùng, quanh co, làm cho thứ nắng thu kia ảo diệu và như trong trẻo hơn. Khi đất trời ngập tràn thứ ánh sáng gấm hoa rực rỡ thì hương thơm của cây trái lan tỏa, gọi mời những mùa vàng ấm no. Nắng thu rực rỡ bên này đồi gọi nắng phía bên kia. Nắng thu đang mở ra trước mắt bạn một miền thiên nhiên biếc xanh, thơm tho và quyến dụ. Bà con các dân tộc miền Tây Bắc ăn Tết độc lập vào dịp Quốc Khánh 2/9 trong một không khí náo nức đặc biệt! Đó là dịp để trai gái các bản làng xuống núi vui chơi và tìm bạn.
Mùa nào miền Tây Bắc quê hương nàng cũng đều đẹp! Bởi mùa nào miền Tây Bắc cũng đậm đà hương sắc. Tây Bắc sẽ quyến dụ bước chân của bạn bằng cái nắng lấp lóa với đủ mọi sắc màu. Ấm áp, gần gũi, nồng nàn, lung linh và da diết nhớ thương. Ngược biên cương đi bạn ơi, hãy thử chuyến du ngoạn đi men theo dọc dòng sông Hồng. Đó sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời. Sông Hồng từ nơi cội nguồn đất Việt sẽ thì thầm kể cho bạn nghe vô vàn những câu chuyện hay và hé mở những điều bí mật.
Ảnh: Quyen Huy
Một ngày, nàng cho phép mình vừa bay vừa hát theo dọc sông Hồng trên đôi cánh thi ca. Được trở về quê hương Lào Cai trong nỗi nhớ khôn nguôi. Đó là một chuyến viễn du đẹp đẽ và ảo diệu. Một cuốn phim hay được mở ra trong tưởng tượng. Được về lại tuổi thơ với dòng sông yêu thương và ngắm những cây cầu xinh xẻo từ thuở nàng còn nhỏ. Về với những giấc nắng hoa thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Nắng thổ cẩm đang trổ lấp lánh trên những con đường cũ, trên những vách núi cũ, trên những ngọn đồi cũ, trên sắc màu váy áo rực rỡ của những cô gái dân tộc mà bao năm chưa chịu già.
Nắng thổ cẩm rọi lấp lánh trên gương mặt của những người đàn bà miền sơn cước. Họ dường như bao năm qua vẫn thế. Họ vẫn trẻ, vẫn giản dị, hồn nhiên, nụ cười không có tuổi. Nắng thổ cẩm sáng lung linh trong tâm hồn nàng là điều có thật. Cái nắng vừa ấm áp, rực rỡ, vừa lấp lánh, ảo huyền. Phố núi Sapa- Lào Cai luôn chờ đón nàng quay trở về. Nàng thấy mình đang bay trong biển mây! Ngược miền biên cương, nàng đi tìm lại mình. Tìm lại tuổi thơ và cây cầu treo xưa. Cây cầu treo cũ ngày nào vẫn còn lắc lư, chòng chành trong trí nhớ. Cầu cũ rung rinh trong nắng, vắt ngang qua một dòng suối nhỏ.
Dòng suối ấy có những dải cát vàng, nhiều sỏi trắng, nước trong văn vắt. Cây cầu ấy vắt ngang giấc mơ, vắt ngang những chiều ảo vọng. Nàng bỗng vắt vẻo gió. Nàng chợt lửng lơ mây. Nàng thấy mình nhẹ tênh khi bay bay, khỏa mình trên sóng nước. Nhớ dáng em xưa khi còn thơ ngây. Là nàng của một thời xa xưa con gái. Gió níu ô cây, gió mong cây mở lá xoè ô. Đôi tay non bé bỏng, là nàng thuở ấu thơ vụng dại của ngày xưa.
Nơi ấy, nàng từng sợ hãi không dám bước đi khi bấm chặt chân đất để đi qua cây cầu ấy trong những ngày mưa trơn trượt. Nhớ ngày đến lớp ở nơi sơ tán, hai bàn tay bé xíu của trẻ con đã cố sức bám chặt vào hai bên dây ô văng của cây cầu treo. Tròng trành và lắc lư! Dưới kia là con suối đục ngầu vào mùa lũ. Vụng dại và ngây thơ đến thế! Đó là những ngày nàng đến trường đi học vào những năm đi sơ tán 1969- 1970.
Những dải đồi xoãi lưng nằm mơ màng ngủ. Ruộng bậc thang nơi lưng chừng núi vẫn mướt mải chín. Đợi mùa vàng về, cho lúa thơm lên cồn cào gốc rạ. Nàng nhớ như in con dốc cao, ngược lên theo lưng đèo, con đường lên với Sa pa mù sương. Nơi có những cây thông già thân mốc trắng và cao vút. Dốc còn mải quanh co làm chi để con suối dưới thung kia phải ngước mắt nhìn lên?
Có phải tiếng em gái Hmông đang cười trong gió? Mà sao hoa cỏ lim dim say đến thế? Hay là tiếng chuông chiều từ ngôi nhà thờ đá đã ngân lên. Có tiếng những bước chân trai gái dắt ngựa đi xuống chợ từ xa xưa.
Nàng nghe thấy tiếng vòng bạc leng keng theo từng bước chân Sơn nữ. Ngược lên miền biên viễn xa xôi. Ngắm rừng xanh và nhớ màu khèn lá. Trai Hmong có còn gọi bạn tình, nghe ngất ngư trong gió những lời ca rêu đá. Suối rì rầm kể chuyện lan man. Để thác kia tức tưởi vỡ òa òa trắng xóa. Nắng thổ cẩm vẫn lung linh trên lá. Quê hương ta có biết bao nhiêu niềm đắm say thật lạ!
Hát lên một khúc "Tuổi đá buồn" khi tự hỏi đá xanh rêu kia đã bao nhiêu tuổi. Nhớ mùa mùa tóc ai ngả xanh rêu chín. Núi cúi đầu trầm ngâm đứng lặng, mây trắng lưng trời thả những vòm khăn mây bịn rịn. Chợ phiên kia cũng sắp tan rồi. Ruộng bậc thang lưng núi xa kia vẫn mướt mải nắng xanh. Vẫn đợi mùa vàng thơm cồn cào gốc rạ. Đêm mùa hạ, nàng mơ những giấc xanh. Em gái xưa có còn ngồi vun nắng hoa thổ cẩm? Mà màu nhớ, màu thương vấn vít trên những sợi lanh mềm?
Nắng thổ cẩm reo lấp loáng tiếng chim chiều. Màu yêu thương vẫn xanh lên mắt núi. Màu xanh bất tận của biên cương! Đó là mảnh đất yêu dấu Lào Cai, quê hương tuổi thơ của nàng. Nơi núi cao rừng thẳm, nơi đất và người luôn gắn bó, nơi mênh mang sức sống cao nguyên. Nơi con người luôn sống hòa quện cùng thiên nhiên. Xứ sở miền biên cương, nơi đầu nguồn khi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Nơi có những dòng suối nhỏ, như những mạch nguồn, cứ trong veo. Những dòng suối tuổi thơ vẫn chảy mãi trong tâm hồn ta suốt tự thuở nào. Một mùa thu với sắc nắng thổ cẩm vẫn xôn xao!
Phạm Phương Thảo
Màu yêu thương vẫn xanh lên mắt núi. Màu xanh bất tận của biên cương! Đó là mảnh đất yêu dấu Lào Cai, quê hương tuổi thơ của nàng. Nơi núi cao rừng thẳm, nơi đất và người luôn gắn bó, nơi mênh mang sức sống cao nguyên.
Nàng thích được gọi cái nắng vào thu ở miền Tây Bắc như thế. Đó là cái nắng vàng rực rỡ như thêu hoa thêu gấm dưới trời thu. Cái nắng lung linh sắc màu, khi đất trời vào thu, người ta chỉ gặp ở miền núi cao Tây Bắc, hay nói một cách khác, nàng thích thú nhận ra cái nắng thu ấy mang sắc màu thổ cẩm. Ấy là khi những vườn cây trái chín vàng, sự thơm tho tràn theo hương gió, đầy gọi mời.
Nắng dệt nên nhiều thảm hoa kỳ ảo trên những triền đồi vắng. Nắng nhảy nhót, reo vui cùng những cơn gió hoang. Nắng vàng lên sắc màu lúa chín trên những ruộng bậc thang nhấp nhô sóng lượn. Nắng xanh lên trên mái tóc của những cô nàng miền Sơn cước. Nắng chín đỏ trên những cặp má đào. Nắng về theo những nụ môi hồng. Nắng ánh lên sắc tím trên chõ xôi nếp nương mùa gạo mới của các mế. Nắng đen sậm trên những sắc áo chàm của những người đàn ông Mông. Đó là sắc nắng lung linh thổ cẩm. Không gian đã bớt đi sự oi ả, chang chang nóng bức của mùa hè. Mùa thu và hương cốm mới đang về.
Hãy cùng nhau lên với Tây Bắc để lắng nghe nắng hát. Nắng làm bước chân đi xa thêm gần lại. Nắng thổ cẩm sẽ hào phóng thêu gấm hoa lên mỗi bước chân của bạn. Nắng chưng cất cho trái cây suốt từ mùa Xuân sang mùa hạ và đến mùa thu thì quả đã chín thơm. Cây lá và quả mùa thu đã chín đỏ, chín vàng trên những đồi cam, quýt, na, bưởi. Sắc vàng tươi quyến rũ của những trái thị chín thơm làm người ta phải xuýt xoa. Như những chiếc đèn lồng xinh xắn, vàng tươi, những trái thị cứ thơm nức không gian. Mùi ổi chín, chuối chín, mít chín cùng đua chen hương thơm với thị.
Trên mỗi cung đường đi lên Tây Bắc, sự trập trùng, quanh co, làm cho thứ nắng thu kia ảo diệu và như trong trẻo hơn. Khi đất trời ngập tràn thứ ánh sáng gấm hoa rực rỡ thì hương thơm của cây trái lan tỏa, gọi mời những mùa vàng ấm no. Nắng thu rực rỡ bên này đồi gọi nắng phía bên kia. Nắng thu đang mở ra trước mắt bạn một miền thiên nhiên biếc xanh, thơm tho và quyến dụ. Bà con các dân tộc miền Tây Bắc ăn Tết độc lập vào dịp Quốc Khánh 2/9 trong một không khí náo nức đặc biệt! Đó là dịp để trai gái các bản làng xuống núi vui chơi và tìm bạn.
Mùa nào miền Tây Bắc quê hương nàng cũng đều đẹp! Bởi mùa nào miền Tây Bắc cũng đậm đà hương sắc. Tây Bắc sẽ quyến dụ bước chân của bạn bằng cái nắng lấp lóa với đủ mọi sắc màu. Ấm áp, gần gũi, nồng nàn, lung linh và da diết nhớ thương. Ngược biên cương đi bạn ơi, hãy thử chuyến du ngoạn đi men theo dọc dòng sông Hồng. Đó sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời. Sông Hồng từ nơi cội nguồn đất Việt sẽ thì thầm kể cho bạn nghe vô vàn những câu chuyện hay và hé mở những điều bí mật.
Ảnh: Quyen Huy
Một ngày, nàng cho phép mình vừa bay vừa hát theo dọc sông Hồng trên đôi cánh thi ca. Được trở về quê hương Lào Cai trong nỗi nhớ khôn nguôi. Đó là một chuyến viễn du đẹp đẽ và ảo diệu. Một cuốn phim hay được mở ra trong tưởng tượng. Được về lại tuổi thơ với dòng sông yêu thương và ngắm những cây cầu xinh xẻo từ thuở nàng còn nhỏ. Về với những giấc nắng hoa thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Nắng thổ cẩm đang trổ lấp lánh trên những con đường cũ, trên những vách núi cũ, trên những ngọn đồi cũ, trên sắc màu váy áo rực rỡ của những cô gái dân tộc mà bao năm chưa chịu già.
Nắng thổ cẩm rọi lấp lánh trên gương mặt của những người đàn bà miền sơn cước. Họ dường như bao năm qua vẫn thế. Họ vẫn trẻ, vẫn giản dị, hồn nhiên, nụ cười không có tuổi. Nắng thổ cẩm sáng lung linh trong tâm hồn nàng là điều có thật. Cái nắng vừa ấm áp, rực rỡ, vừa lấp lánh, ảo huyền. Phố núi Sapa- Lào Cai luôn chờ đón nàng quay trở về. Nàng thấy mình đang bay trong biển mây! Ngược miền biên cương, nàng đi tìm lại mình. Tìm lại tuổi thơ và cây cầu treo xưa. Cây cầu treo cũ ngày nào vẫn còn lắc lư, chòng chành trong trí nhớ. Cầu cũ rung rinh trong nắng, vắt ngang qua một dòng suối nhỏ.
Dòng suối ấy có những dải cát vàng, nhiều sỏi trắng, nước trong văn vắt. Cây cầu ấy vắt ngang giấc mơ, vắt ngang những chiều ảo vọng. Nàng bỗng vắt vẻo gió. Nàng chợt lửng lơ mây. Nàng thấy mình nhẹ tênh khi bay bay, khỏa mình trên sóng nước. Nhớ dáng em xưa khi còn thơ ngây. Là nàng của một thời xa xưa con gái. Gió níu ô cây, gió mong cây mở lá xoè ô. Đôi tay non bé bỏng, là nàng thuở ấu thơ vụng dại của ngày xưa.
Nơi ấy, nàng từng sợ hãi không dám bước đi khi bấm chặt chân đất để đi qua cây cầu ấy trong những ngày mưa trơn trượt. Nhớ ngày đến lớp ở nơi sơ tán, hai bàn tay bé xíu của trẻ con đã cố sức bám chặt vào hai bên dây ô văng của cây cầu treo. Tròng trành và lắc lư! Dưới kia là con suối đục ngầu vào mùa lũ. Vụng dại và ngây thơ đến thế! Đó là những ngày nàng đến trường đi học vào những năm đi sơ tán 1969- 1970.
Những dải đồi xoãi lưng nằm mơ màng ngủ. Ruộng bậc thang nơi lưng chừng núi vẫn mướt mải chín. Đợi mùa vàng về, cho lúa thơm lên cồn cào gốc rạ. Nàng nhớ như in con dốc cao, ngược lên theo lưng đèo, con đường lên với Sa pa mù sương. Nơi có những cây thông già thân mốc trắng và cao vút. Dốc còn mải quanh co làm chi để con suối dưới thung kia phải ngước mắt nhìn lên?
Có phải tiếng em gái Hmông đang cười trong gió? Mà sao hoa cỏ lim dim say đến thế? Hay là tiếng chuông chiều từ ngôi nhà thờ đá đã ngân lên. Có tiếng những bước chân trai gái dắt ngựa đi xuống chợ từ xa xưa.
Nàng nghe thấy tiếng vòng bạc leng keng theo từng bước chân Sơn nữ. Ngược lên miền biên viễn xa xôi. Ngắm rừng xanh và nhớ màu khèn lá. Trai Hmong có còn gọi bạn tình, nghe ngất ngư trong gió những lời ca rêu đá. Suối rì rầm kể chuyện lan man. Để thác kia tức tưởi vỡ òa òa trắng xóa. Nắng thổ cẩm vẫn lung linh trên lá. Quê hương ta có biết bao nhiêu niềm đắm say thật lạ!
Hát lên một khúc "Tuổi đá buồn" khi tự hỏi đá xanh rêu kia đã bao nhiêu tuổi. Nhớ mùa mùa tóc ai ngả xanh rêu chín. Núi cúi đầu trầm ngâm đứng lặng, mây trắng lưng trời thả những vòm khăn mây bịn rịn. Chợ phiên kia cũng sắp tan rồi. Ruộng bậc thang lưng núi xa kia vẫn mướt mải nắng xanh. Vẫn đợi mùa vàng thơm cồn cào gốc rạ. Đêm mùa hạ, nàng mơ những giấc xanh. Em gái xưa có còn ngồi vun nắng hoa thổ cẩm? Mà màu nhớ, màu thương vấn vít trên những sợi lanh mềm?
Nắng thổ cẩm reo lấp loáng tiếng chim chiều. Màu yêu thương vẫn xanh lên mắt núi. Màu xanh bất tận của biên cương! Đó là mảnh đất yêu dấu Lào Cai, quê hương tuổi thơ của nàng. Nơi núi cao rừng thẳm, nơi đất và người luôn gắn bó, nơi mênh mang sức sống cao nguyên. Nơi con người luôn sống hòa quện cùng thiên nhiên. Xứ sở miền biên cương, nơi đầu nguồn khi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Nơi có những dòng suối nhỏ, như những mạch nguồn, cứ trong veo. Những dòng suối tuổi thơ vẫn chảy mãi trong tâm hồn ta suốt tự thuở nào. Một mùa thu với sắc nắng thổ cẩm vẫn xôn xao!
Phạm Phương Thảo